|
|||||||||||||
|
Gia đìnhMột ca cấp cứu tại Hoa Kỳ (chuyện thật) 28 May, 2024Sáng ÁnhTôi hoàn toàn không có hiểu biết gì về bảo hiểm y tế hay an sinh tại Hoa Kỳ. Đây chỉ đơn cử một trường hợp cá nhân mới xảy ra để cùng chia sẻ với những người quan tâm đến mặt này trong cuộc sống tại Mỹ. Xin không đề cập những người lớn tuổi, những người lợi tức thấp được liên bang hay bang giúp đỡ hoặc trợ cấp v.v.; hoặc tình trạng đặc thù bang này bang nọ tôi không rành, vì cá nhân tôi cũng chỉ hiểu rõ rệt mỗi một hàng chữ “Đây là số tiền còn lại ông/bà phải thanh toán” của hãng bảo hiểm y tế gửi đến. Trước hết, tôi có bảo hiểm y tế. Đây là một bảo hiểm tư và tự nguyện, vì tôi hành nghề độc lập, không dựa vào bảo hiểm quyền lợi của công ty lao động nào lớn nhỏ. Các công ty tại Mỹ, có nơi bảo hiểm y tế tốt, có nơi bảo hiểm kém, có nơi không có bảo hiểm. Trở lại trường hợp tôi, đóng bảo hiểm tự túc, trước khi được hãng bảo hiểm này nhận vào chương trình tôi đã phải khám qua sức khỏe tổng quát, thử máu này nọ, nếu có bệnh thì họ không nhận. Tôi có nhiều chương trình để lựa chọn, giá cao giá thấp và hiện nay hợp đồng của tôi không có răng không có mắt, và mỗi năm, mỗi người trong gia đình phải trả $5.000 chi phí y tế từ túi riêng. Trên số này trở đi thì bảo hiểm hoàn lại, không phải là hoàn hết mà theo bảng giá của họ. Thí dụ, khám bác sĩ thì họ hoàn chẳng hạn $35, còn nếu bác sĩ bạn chọn tính $50 hay $150 là chuyện của bạn. Xin nhắc lại, họ chỉ hoàn số $35 này sau khi bạn đã bỏ $5.000 tiền túi trong năm. Số tiền đóng bảo hiểm theo chương trình này hiện nay là $1.500/tháng cho 3 người trong gia đình, hai vợ chồng và một đứa con dưới 25 tuổi. Trong suốt thời gian mấy chục năm ở Mỹ, tôi chẳng bao giờ đi bác sĩ. Hàng năm, tôi khám tổng quát tại Thái Lan. Việc này tốn có 1 ngày và không cần hẹn trước, tổn phí là $1.000-$1.500. Tại Hoa Kỳ, muốn khám bằng ấy thứ phải tốn $5.000-$7.000 và mất mấy tuần lễ hẹn tới hẹn lui. Thí dụ, ở Thái Lan, muốn khám tim mạch, tôi đến nhà thương trong ngày. Nhân viên lễ tân như kiểu khách sạn nở nụ cười hàm tiếu làm hồ sơ cho tôi ngay lập tức; 30 phút sau tôi gặp bác sĩ tim. Ông hỏi han và đưa tôi sang xét nghiệm này nọ dăm ba thứ. Ba tiếng sau, có đầy đủ kết quả, tôi trở lại văn phòng ông nói chuyện. Ở Mỹ, tôi phải lấy hẹn với bác sĩ. Sau đó lấy hẹn với phòng xét nghiệm, phòng scan, phòng quang tuyến vv. sau 2 hay 3 tuần có kết quả thì trở lại gặp bác sĩ. Không nói chuyện tiền, chuyện thời gian tốn kém (lái xe đến phòng chụp ngồi đợi) cũng bằng thời gian lấy máy bay sang Thái cộng với thời gian nằm bãi biển uống dừa xiêm. Khác biệt về số tiền này, trong lãnh vực này cũng như nha khoa, đủ trang trải tiền máy bay khách sạn và tiền uống bia ở bar vườn. Tôi bỏ tiền túi ra, vì đằng nào bảo hiểm Mỹ của tôi cũng đâu có trả, trả tiền khám cũng như trả tiền bar vườn (đây họ tính theo đầu chai). Bar vườn, tôi không nói đến hay/dở, nhưng bệnh viện tư Thái Lan chất lượng cao và cách tiếp đãi rất vui vẻ, theo kiểu khách sạn. Ở đây, vào bệnh viện thấy mùi hoa lài hoa đại chứ không phải mùi thuốc khử trùng, gây mê. Khả năng trị liệu của bác sĩ ra sao thì vì chỉ khám tổng quát thôi, tôi không giám định được. Nhưng vị bác sĩ tim mạch của tôi tại Bangkok Hospital, tốt nghiệp là từ ĐH UC Irvine, Nam Cali. Tôi có hỏi sao không ở bên ấy mà làm việc, anh bảo, ở làm gì, khổ bỏ mẹ, vả lại đây là nước tôi. Ngày 1 tháng 8 vừa qua, sáng thức dậy đang ngồi uống cà phê tại hàng hiên thì tôi xây xẩm vô cùng khó chịu. Tôi như gục xuống luôn, lết trở vào giường, nhấc đầu lên không nổi. Tôi mới khám tổng quát trong năm, cái gì cũng ổn, nếu không nói là gì cũng tốt nhưng biết đâu đột quị, đau tim gì đó, áp huyết lên rất cao và tim đập như là nghe tin U23 Việt Nam vào bán kết Asiad. Nhà bèn gọi cấp cứu. Thị xã tôi ở (trong tầm tay) này, muốn cứu hỏa can thiệp mỗi năm phải đóng lệ phí thêm. Cái này thì nhà tôi có đóng nên không gặp trắc trở. Họ đến ngay 2 xe, và chốc sau có 1 xe cứu thương tư đến. Sau khi hai bên (cứu hỏa của thị xã và xe cứu thương của tư nhân) chẩn bệnh, bên cứu hỏa hỏi tôi muốn họ chở đến cấp cứu hay là dùng xe cứu thương tư; xe này có nhiều phương tiện hơn. Bang Cali trong thập niên 80 là bang đầu tiên thực hành việc chữa chạy trên xe dọc đường đến nhà thương. Tôi được truyền thuốc và nước biển và được nghe còi hụ mở đường. Tất nhiên, đến bệnh viện tôi vào thẳng phòng cấp cứu, không phải ngồi rầu rĩ đợi. Quang tuyến, scan, lấy máu xét nghiệm được làm tại đây. Khoảng 3 tiếng hay là 4 tiếng sau tôi xuất viện, được chẩn đoán là vertigo hay là xây xẩm, lý do sao thì nào ai biết, do cái tính hay ngước mặt nhìn đời và thách đố thương đau? Phí tổn cho ca cấp cứu này tạm thời đến đây là $18.702 (mười tám ngàn bảy trăm lẻ hai đô). Tạm thời tôi chưa nhận được giấy tính tiền của sở cứu hỏa thị xã, chắc thêm khoảng vài trăm gì đó. Tôi hiện nhận được 3 hóa đơn: Phần $2.340, nếu đi xe cứu hỏa thì rẻ hơn, còi hụ rẻ hơn vì cũng có còi hụ, nếu đi xe nhà thì miễn phí nhưng không có còi hụ, và đứng thở thì không có ai giật điện cho sống dậy mà tiếp tục làm thơ. Như vậy, nhờ mỗi năm đóng đều đặn định kỳ $18.000 cho bảo hiểm, tôi chỉ còn phải đóng có $4.339 cho chuyện chóng mặt này. Năm nay kể như là sắp huề, lấy được về $13.804! Các năm trước năm nào cũng lỗ to, nhưng đợi ông đi cấp cứu lượt nữa thì mày biết tay! Chưa hết năm nhé, và biết đâu còn có dịp scan lại cổ và đầu ($5.420) chụp hình ngực ($559) để trả thù. Tại các nước Âu C\châu, việc chữa chạy là hầu như miễn phí và không ai quan tâm đến con số bao nhiêu tổn phí. Bệnh thì nhập viện, tưởng chết sắp đến đít (hay đến đầu) thì gọi cấp cứu. Nói qua, ngay tại Lybia dưới thời nhà độc tài dở hơi Gaddafi, việc chữa chạy là hoàn toàn miễn phí, nếu trong nước không điều trị được thì gửi sang Italy. Tại Hoa Kỳ, số người không có bảo hiểm trước đạo luật ACA (Obamacare) là 43 triệu người, sau khi đạo luật này thực thi thì vẫn còn là 28 triệu. Một trong những mục tiêu mà chính quyền Trump hiện nay hứa sẽ thực hiện là bãi bỏ cho bằng được đạo luật này để nước Mỹ được vĩ đại trở lại. * Mấy tháng qua, trong khi ở Malaysia, tôi hết bị chóng mặt thì lại bị sưng chân, hẳn là do quả báo hai đằng, ăn ở thất đức. Tôi đi khám bác sĩ tại Kuala Lumpur hai bận, cho thuốc vớ vẩn, mỗi bận khám mất $6. Hệ thống y tế của Malaysia rất tốt nhưng tôi không có dịp khám phá thêm. Bác sĩ bảo phải thử máu nhưng không có thời gian. Tôi phải đi, nên tôi sang thử máu tại Philippines. Tại khu tôi ngụ ở Manila, phòng xét nghiệm, chụp quang tuyến, khám bệnh đầy đường. Sáng ra các văn phòng còn có nhân viên đứng trước cửa, đợi khách vừa đổ xuống từ xe Jeepney là níu kéo như trước cửa hàng bán lẩu ở Hà Nội. Lý do là Philippines có 10 triệu lao động nước ngoài, và ai cũng cần có một hồ sơ y tế nên các văn phòng này đâu cũng có mặt, hoặc do tôi lạc nhầm phố phòng mạch cũng nên. Thử máu của tôi tại Philippines, kết quả lấy liền, là $12. Tại bệnh viện Hoa Kỳ, nó đâu đó $1.000. Nếu phải thử máu nữa, tôi sẽ đi Philippines nhe. Vé máy bay hiện nay khứ hồi Los Angeles-Manila có $557, dư tiền khách sạn và thêm mấy lon San Miguel nhậu với hột vịt lộn. Trong các nước phát triển cao, về y tế Hoa Kỳ dễ dàng chiếm hạng… chót. Tuy nhiên, về tỉ số tiền dùng cho y tế tính trên GDP thì Hoa Kỳ lại dễ dàng chiếm hạng đầu. Tỉ số này bốc vọt lên khỏi nhóm từ thập niên 1980. Nói ngắn gọn, thì y tế Hoa Kỳ dở nhất nhóm mà lại mắc nhất. Thập niên 80 là thời kỳ Reagan tháo tung các luật lệ để cho các tập đoàn tự do rong chơi, trong trường hợp này là các tập đoàn y dược cuối trời quên lãng. “Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật” là câu các cụ hay nói 50-70 năm về trước. Đây còn thiếu vế sức khỏe và chắc không phải là “đi bệnh viện Mỹ”. Năm 1980, tôi làm ca đêm tại trạm xăng trên đường Vermont tại Los Angles, ngay lối ra xa lộ 101. Một tối, tôi thấy một anh người Mexico thất thểu lết đến ngồi tựa vào cái cột. Tôi ra hỏi việc gì, anh kéo áo lên cho thấy phỏng khắp bụng, anh làm trong một tiệm ăn và bị chảo dầu đổ trúng! Chủ bảo, mày đi về nhà! Tôi nói để tôi gọi cứu thương, anh bảo không, đừng có gọi ai hết, cho tôi ngòi đây một chút. Lúc bé, đi hướng đạo, tôi có học được là người bị phỏng nên cho họ uống cà phê. Tôi vào làm cho anh một ly, khi trở ra thì anh đã lòm còm bò đi đâu mất trong đêm, có lẽ sợ tôi gọi cứu thương hay cứu hỏa. Có lẽ do anh không được như tôi như hiện nay, thuộc giới trung lưu rủng rỉnh, mỗi tháng đóng $1.500 cho bảo hiểm… * Bài 2: “Ở Hoa Kỳ, muốn tiết kiệm thì sang Thái chữa xổ mũi?“ (Để đọc các bài của Sáng Ánh, các bạn vào phần tìm kiếm, gõ tên tác giả là ra rất nhiều bài nhé) 07. 09. 2018 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|