Điện ảnh

“Lặng im”: Quá lố và xuất sắc 3 May, 2024

Sáng Ánh

Sau khi bộ phim tài liệu “The Act of Killing” (Đồ tể, 2012) của ông được đề cử giải Oscar và đón nhận vinh quang tại nước ngoài thì đạo diễn Joshua Oppenheimer có một hướng đi mới được mở ra. Ông không còn là một nhà làm phim vô danh tại Indonesia và so với thời điểm của bộ phim trước, khởi quay vào 2005, thì tình hình chính trị tại nước này đã có thêm thay đổi và cởi mở. Oppenheimer bắt đầu thực hiện một bộ phim tài liệu mới, “The Look of Silence” (tựa Indonesia là Senyap, “Lặng im”, 2014).

Trong thời gian 10 năm trước, Oppenheimer đã quay được rất nhiều tài liệu về các sát nhân trong sự cố “309” (30.9.1965), tức là của đảo chính của quân đội Indonesia đưa đến 33 năm độc tài quân phiệt tại quần đảo. Nhắc lại, vào năm 1965 đó, quân đội lật đổ tổng thống trung lập Sukarno và tiêu diệt đảng Cộng sản và Hoa kiều. Đây là một trong những cuộc thảm sát lớn nhất thế kỷ mà cũng thầm kín nhất, không được ai nói tới. Từ nửa triệu đến 2,5 triệu người bị giết hại ngay, từ 1 triệu đến 1,5 triệu khác bị tù đày cho đến 30 năm. Nếu dự định ban đầu của Oppenheimer là làm phim về nạn nhân không thực hiện được, thì sự thành công của “Đồ tể” là dịp để ông có thể làm việc này với bộ phim mới “Lặng im”.

Adi đi tìm sát thủ

Lặng im” xoay chung quanh một nhân vật đời thật là Adi Rukun. Anh là con muộn, sinh ra 2 năm sau cuộc thảm sát này. Bố mẹ anh đã lớn tuổi nhưng cố gắng có thêm một đứa con vì con trai đầu của ông bà, Ramli, đã mất khi lên 20 hay 18. Mẹ anh kể lại là Ramli bị đâm nhiều nhát, đổ ruột nhưng băng ruộng chạy trốn được về đến nhà. Anh bảo mẹ “Cho con uống café” nhưng bà chưa kịp đun nước thì “họ” đến bắt anh lại và bảo là để mang đi nhà thương và không cho mẹ đi theo. Bà biết là họ nói láo, nhưng không làm gì được và con bà bị mang đi thủ tiêu mất xác. Các thủ phạm thì đến ngày nay vẫn còn sống, sống hùng và sống oai, sống mạnh ngay xung quanh nhà bà, trong thôn, đầu xóm, ở tại tỉnh. Bà biết họ là ai, có khi ra chợ là chạm trán.

Bộ phim “Lặng im” là hành trình của Adi đi tìm lại và nhìn tận mặt những thủ phạm đó.

Adi

Adi

Adi làm nghề đo mắt và làm kính dạo. Qua nghiệp vụ này anh gần gũi được với các đao phủ ngày xưa giờ đã lên lão. Người Indonesia thầm lặng hay im lặng là nhân vật chính Adi.Trong bộ phim 99 phút anh rất ít nói, chỉ hỏi và ngồi nghe. Anh nghe mẹ anh rủa các tay đồ tể giết người trong kiếp này và kiếp sau, từ đời con đến đời cháu, nhưng anh không nói gì. Việc của anh cũng không phải là đi tìm sự thật vì sự thật đã rõ rồi, chí ít là rõ đối với anh. Hành trình của anh là đi nhìn mặt những tay đao phủ của ngày trước, lại gần với họ, đo thị lực để làm kính và gợi chuyện ngày xưa. Hành trình này cũng lớp lang, từ cái chung đến cái riêng.

Adi đo thị lực cho khách

Adi đo thị lực cho khách

Đầu tiên Adi gặp những người xa cuộc, chỉ nghe nói đến. Rồi anh gặp những người trách nhiệm ở mức cao, những người ký giấy chỉ định tử tội, những người giao tù cho sát nhân hành quyết. một trong những người này là ông cậu ruột của Adi, tức cũng là cậu ruột của nạn nhân Ramli.

Đây là một “bất ngờ sân khấu” như là có xếp đặt. Nhà văn Mark Twain bảo “Sự thực xảy ra bao giờ cũng vượt qua hư cấu vì hư cấu còn phải dựa vào sự khả thi”. Cậu anh là người gác tù và giao cháu cho Komando Aksi là các đội tử thần. Chuyện này hơn 40 năm sau bà mẹ mới được biết rằng em ruột mình là đồng lõa!

Một nhân vật khác được đưa vào chuyện phim là một tử tội trên cùng chuyến xe định mệnh với Ramli. Trước khi đến chỗ hành quyết bên bờ sông thì ông nhảy xe chạy thoát vào rừng cao su nên sống sót. Vai “kẻ chạy thoát” này, tuy là vai thật ngoài đời, cũng là một đóng góp cổ điển cho cấu trúc của câu chuyện để làm tăng kịch tính. Ông này cũng là nhân chứng duy nhất trong bộ phim về phía các nạn nhân, để dành vào cuối phim cho ông trở lại gặp bà mẹ của Ramli và hai người ôm nhau khóc “Con còn sống mà nó đã chết”.

Hội ngộ kẻ giết người

Như vậy ta đã có (a) hàng xóm nghe nói đến chung chung, (b) các lãnh đạo cấp trên mang trách nhiệm chung chung, (c) các sát thủ chung chung, (d) một người thân bất ngờ bộc lộ là có nhúng tay vào tuy gián tiếp (e) một người bạn cùng chung cảnh ngộ với Ramli và thoát hiểm.

Thì giờ là lúc Adi chạm mặt các tay dao đã đích thân giết hại người anh. Mươi năm trước, đạo diễn Oppenheimer đã từng thu hình họ kể lại câu chuyện, và sát thủ của Ramli còn viết tay một quyển sách tự minh họa lấy bằng hình và tặng cho Oppenheimer một bản. Mươi năm sau, ông này đã qua đời và thời thế đã đôi chút đổi khác. Khi Adi đến gặp vợ và các con ông thì họ chối là không hay biết ông từng tự tay giết 32 mạng người. Đưa phim cũ ra làm bằng với sách viết của chính đương sự thì họ không muốn xem. Họ gằn giọng “Anh đến đây để báo thù hay sao?” và Adi đáp “Báo thù thì tôi đã không có mặt ở đây”.

Adi và mẹ

Adi và mẹ

Sự “Lặng im” của Adi trong bộ phim là một thái độ và một quan điểm. Cái anh đòi hỏi không phải là lời xin lỗi hay sự ăn năn mà một lời công nhận trước mặt người thân của nạn nhân. Việc đã xảy ra như vậy, tôi đã giết Ramli, thiến luôn trước khi cắt cổ đẩy xuống sông Xà giang (Sungai Ular, Bắc Sumatra) phía gần cầu sắt. Việc này Adi đã toại nguyện được phần nào dang dở. Cuối phim, anh gặp một sát thủ đã lẫn để đo mắt cho ông. Ông còn nhớ là chuyện giết người và uống hai ly máu, vì mê tín cho rằng uống máu nạn nhân thì sẽ không bị điên, “leo lên nóc dừa mà gọi cầu kinh”. Con gái của sát thủ có mặt rất bối rối khi biết Adi là thân nhân của một nạn nhân và bảo là chị mới nghe bố kể lần đầu. Adi bảo “Chị không có trách nhiệm gì về chuyện bố chị giết người. Ông có làm gì thì ông vẫn là bố chị”. Chị con gái kể là phải bỏ việc để ở nhà trông bố và giờ mong là Adi coi họ… như là gia đình. Anh bèn lại ôm chị. Chị nói thêm “Tôi mong anh coi ông như là chính bố anh vậy” và Adi bước đến hôn ông này trên trán.

Sát thủ và con gái

Sát thủ và con gái

Hơi lố nhưng xuất sắc

Bộ phim thứ nhì này của Joshua Oppenheimer kém nổi tiếng hơn bộ phim thứ nhất. Nhưng có lẽ nó hay hơn. Nhân vật Adi có ít nói như cái tựa thì đạo diễn đáng tiếc vẫn không ngăn được vài bận phát biểu râu ria và màu mè. Đó là những khung hình cầu sắt trong đêm xanh lét và bướm bay lốm đốm, là đoàn quân xa chiều xuống vào xóm bụi mù vàng. Đó là những khung hình Adi ngồi xem phim tài liệu về các sát thủ trước một chiếc TV và ánh sáng từ màn hình hắt lên khuôn mặt anh rất là thẩm mỹ. Đây là một cảnh dựng, hẳn có xếp đặt, có chủ đích và hẳn là có cả họa sĩ tài ba. Khung cảnh và màu sắc rất “Thiền”, trống trải như một chủng viện để tương phản với khoe khoang lố bịch của các sát thủ ngày xưa trên TV. Nhưng chính những cảnh tương phản này vì thế cũng bị lây sự lố bịch một tí, ở đây là lố bịch hơi hơi của đạo diễn.

Cảnh các sát nhân ngày trước đeo kính thử thị lực không khỏi nhắc ta bộ phim “The Confession” (Lời thú tội, 1970) của Costa-Gravas. Người xem nào biết điển tích này thì có thể khó chịu với cách nhắc lại và chơi chữ (hay chơi hình) mạnh tay này của tác giả. Họ có thể cho đó là một sự thiếu tinh tế vì vẽ vời thêm. Nhưng ngược lại, nó có thể gây ấn tượng với người xem không biết, nhưng nếu thế thì cũng là pha màu quá tay. Tuy không “siêu thực” tới mức hiển nhiên như trong bộ phim trước, tính cách thẩm mỹ của đạo diễn vẫn hiện diện ở bộ phim. Những khung hình đánh đèn chau chuốt khiến nó mang hơi hướm của một bộ phim truyện.

Ngoài hình ảnh “thẩm mỹ” ra, cách dựng chuyện cũng lớp lang như một bộ phim hư cấu. Ta làm quen với gia đình của Adi. Bố anh đã lòa và bán thân bất toại, phải nhờ người vệ sinh và đã lẫn nhưng vẫn còn nhớ và hát được một bản tình ca thủa còn trẻ. Ông tưởng là ông “khoảng 16 hay 17 tuổi”. Sau khi con ông bị giết, ông buồn phiền mà rụng răng đến khi chỉ còn có hai cái. Bà mẹ kể lại chuyện “quan hệ” vợ chồng: “Ổng ôm thì làm mẹ nhột và mẹ đẩy ổng ra”. Adi có hai đứa con nhỏ, một trai lên 8-10 và một gái lên 5 lên 6. Em gái rất hồn nhiên có duyên và em trai bắt đầu nghiêm túc. Tất cả những chi tiết đời thường này “dắt” ta vào quan điểm của gia đình nạn nhân, khi em gái đùa với bố “con đánh rắm thối lắm” và em trai chăm chú trong lớp tập trung nghe thày giảng về Cộng sản bạo tàn

Bố mẹ già của Adi

Bố mẹ già của Adi

Các nhân vật trong bộ phim đều xuất sắc cứ y như là thật ngoài đời. Thì họ thật ngoài đời, nhưng thể hiện sự thật thà này trong một phim tài liệu chẳng phải là dễ. “Lặng im” là một phim tài liệu xuất sắc và kinh điển về một sự việc được lặng im cho đến giờ trong lịch sử của Indonesia.

*
Ngay vào thời điểm 2012-2014, việc chấp nhận lên phim của Adi là một hành động dũng cảm. Người ta cho rằng chính anh là đồng đạo diễn đằng sau máy và giấu tên của bộ phim trước là phim “Đồ tể”.

Đạo diễn (đứng) và Adi

Đạo diễn (đứng) và Adi

Sau “Lặng im” anh phải dời nhà cùng gia đình đi một tỉnh khác, và được giúp đỡ mở một tiệm mắt kính để khỏi đi lang thang đo mắt nguy hiểm. “Lặng im” cũng được đề cử Oscar và được chiếu ngay tại Indonesia trên 2.000 xuất với sự giúp đỡ của cơ quan văn hóa chính thức của nhà nước. Tại Indonesia có tổng số trên 300.000 khán giả xem phim này và nó giúp khởi đầu dư luận muốn thành lập một ủy ban hòa giải và sự thật nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Tại nước ngoài, nó nêu lên và nhắc lại trách nhiệm của Hoa Kỳ trong việc này, như một sếp nhỏ địa phương là Komando Aksi từng nói đến đầy bất mãn. Ông từng hạ lệnh giết 500 mạng và “Chí ít là Mỹ phải chi cho tôi một xuất đi chơi Hoa Kỳ chớ, không đi bằng máy bay thì bằng tàu thủy tôi cũng chịu”.

24. 08. 2019

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả