Chính trị

(I)Rắc Bình Vương Ahmed Chalabi, người lừa cả Mỹ 9 August, 2024

Sáng Ánh
Ahmed Chalabi, hình từ trang này

Ahmed Chalabi, hình từ trang này

Ahmed Chalabi (1944-2015) ra đời dưới một ngôi sao sáng lóa, trong một gia đình đại địa chủ hệ phái Shia. Dưới chế độ quân chủ, ông nội của Chalabi làm thượng thư và đại biểu. Cha ông Chalabi làm chủ tịch Thượng viện đồng thời cũng là người thức thời sau Thế chiến thứ 2, đầu tư và cuộc thay đổi kinh tế để trở thành một trong những người giàu nhất quốc gia.

Than ôi, cách mạng 1958 lật đổ vua Fayssal II và gia đình này ra nước ngoài ôm hận lưu vong (và một mớ tiền đủ xài). Cậu bé Chalabi sang Mỹ học, và học giỏi, Masachussets Institute of Technology, tiến sĩ Đại học Chicago và trở thành cái rất chán là một giáo sư toán. Đây hiển nhiên không phải là nghiệp của chàng, (a+b) bình phương=a+b+2ab. Ông sang Jordan tại Trung Đông mở ngân hàng, sao thì gia đình cũng có vốn, và vì biết tính toán cộng trừ nên một ngày trời đẹp tại Thụy Sĩ, ông chuyển 288 triệu USD sang đó vào tài khoản riêng khiến ngân hàng Petra vỡ nợ. Việc này khiến ông bị Jordan xử về tội danh lừa đảo và kết án vắng mặt 22 năm tù.

Ahmed Chalabi, hình từ trang này

Ahmed Chalabi, hình từ trang này

Trong khi đó, tại nước nhà, thì cách mạng 1958 do quân đội chủ xướng và đảng Cộng sản ủng hộ, bị đảng Baath (Quốc gia Ả Rập) hất cẳng (với sự ủng hộ của CIA). Trong đảng Baath, một thanh niên thích để ria mép và thích chơi súng dần dà nắm hết quyền lực. Saddam Hussein là người độc tài… yêu nước, ông bắt đầu bằng việc đánh láng giềng Iran để giành lại đất của tổ tiên. Trong việc này ông được Hoa Kỳ hỗ trợ sau khi Iran trở thành thần quyền (Shia) và chống Mỹ (1979). Đến khi Saddam hung hăng chiếm luôn Kuwait, cũng là đất tổ tiên chứ sao, thì Hoa Kỳ can thiệp (chiến tranh Vùng Vịnh thứ nhất, 1991). Đây là thời cơ để GSTS-Chủ tịch ngân hàng AC đôn đáo tại Tây phương và thành lập phong trào đối lập lưu vong Iraqi National Congress.

Ahmed Chalabi, lãnh đạo đảng National Congress

Ahmed Chalabi, lãnh đạo đảng National Congress

Như mọi phong trào đối lập lưu vong, INC cũng chỉ có dăm ba cha nội ngồi sa lông uống trà phán nhảm về đất nước cách mấy ngàn cây số. Nhưng nhờ AC, INC có quỹ, tức là có sa lông cho các cha ngồi và trà cho các cha uống nên trở thành phong trào lưu vong lớn nhất. Chalabi là một người tường tận hiểu chính trị Hoa Kỳ và nhiều năm móc nối với CIA (là cơ quan chẳng hiểu gì về Iraq, hay nói chung, là cơ quan chẳng hiểu gì hết). Ông bắt được nhóm Neocon (Tân Bảo Thủ) đang nắm Bộ Quốc Phòng (Paul Wolfowitz, Richard Perle) chung quanh Phó Tổng Thống Dick Cheney, đồng thời lèo lái được truyền thông lề phải. Phe Quốc Phòng, có súng thì thích bắn, có quân thì thích đánh, vớ được Chalabi như vớ được vàng. Bạn này ngồi hát cho họ nghe, nào là chi phí chiến tranh sẽ do tiền của Iraq trả (lúc đó Iraq có 20 tỉ USD bị giam ở nước ngoài), thiếu hụt thì lấy dầu của Iraq đắp vào sau. Sau khi lật đổ Saddam, Mỹ sẽ chỉ cần đưa Chalabi về là quần chúng nhất tề mừng đón, Iraq sẽ vui như là ngày hội đền Hùng với Chalabi trong vai Hùng Vương thứ 19. Vả lại, theo tin tình báo đặc biệt của INC, chương trình vũ khí tàn sát tập thể của Saddam đang xúc tiến thành công.

Ahmad Chalabi theo dõi phiên tòa xử Saddam Hussein hồi 2005, trong thời gian ông làm phó thủ tướng Iraq. Ảnh: John Moore/Getty Images

Ahmad Chalabi theo dõi phiên tòa xử Saddam Hussein hồi 2005, trong thời gian ông làm phó thủ tướng Iraq. Ảnh: John Moore/Getty Images

Người ta chỉ lừa được kẻ tham lam và ham muốn, và Chalabi gặp đúng đối tượng. Truyền thông dòng chính tại Hoa Kỳ được nhóm Neocon vận động và như ta biết, Ngoại trưởng Colin Powell cắn răng ra trước Hội đồng Liên Hiệp Quốc mà trưng bằng chứng giả về vũ khí của Saddam, là dại dột mà sau này ông nhìn nhận là hãm hại đời ông. Những ngày đầu trăng mật sau khi Saddam đổ, truyền thông reo hò mà không biết muối mặt. Chalabi trở về nước mang theo vài trăm tay sai. Một cận vệ của ông ôm hôn lính “giải phóng” Mỹ tại Basra (miền Nam) được lên bìa tạp chí, xong rồi chạy vội lên Baghdad lật tượng Saddam mà không kịp thay áo sơ mi sọc. Tại công trường Firdos, số quân nhân Mỹ đông hơn số quần chúng, số nhà báo quốc tế có khi còn đông hơn nữa nhưng họ vẫn đưa tin đưa hình chọn lọc cho toàn cầu chấn động rạt rào. Sự thực thế nào thì giờ đã biết, chiến tranh Iraq làm thiệt mạng 1 triệu rưỡi con người (và còn tiếp), tốn 5.000-7.000 tỉ USD (cho đến 2015, theo kinh tế gia Nobel Joseph Stiglitz, và còn tiếp), 13 năm sau vẫn còn khủng hoảng cực kỳ, lan rối loạn sang Syria và khu vực, khai sinh ra phong trào khủng bố IS, gây ra phong trào vượt biên tỵ nạn làm Âu châu bối rối hiện nay.

Ahmed Chalabi, khi đó là lãnh đạo đảng National Congress, ngồi chờ một cuộc họp cho một khởi đầu mới ở Baghdad vào tháng Chín 2004. Ảnh: Reuters

Ahmed Chalabi, khi đó là lãnh đạo đảng National Congress, ngồi chờ một cuộc họp cho một khởi đầu mới ở Baghdad vào tháng Chín 2004. Ảnh: Reuters

Trong chính phủ đầu tiên hậu Saddam, Chalabi được chức Bộ trưởng… Dầu khí, tạm được đi, tuy công và tham vọng của ông lớn hơn nhiều. Được mấy tháng, ông bị điều tra về… nhũng lãm và nhất là làm tay trong mật thám cho… Iran (hết mật thám Mỹ thì mật thám Iran chứ sao, cái này là đi trước thời cuộc như thường lệ vì Iran sau này và cho đến hiện nay đóng vai trò chủ chốt tại Iraq chứ không phải Hoa Kỳ) . Thay vì sang một nước khác… mở ngân hàng thì, được mấy năm, ông lại tái xuất trong vai Phó Thủ Tướng ngắn ngủi (12 tháng) vì Iraq vẫn tiếp tục hỗn loạn chứ sao, biết xài thằng nào. Năm 2014, Chalabi còn hy vọng trở lại làm Thủ tướng cầm quyền. Sự nghiệp của ông hẳn chưa chấm dứt vì còn cơn gió bụi là còn Chalabi cũng như còn quán karaoke là còn dây đèn chớp nháy lung linh. Nhưng 2015 ông bị bệnh tim đột tử và may cho ông là ông có một ái nữ thực tài, cô Tamara Chalabi, tiến sĩ sử học Harvard và ngòi bút gợi cảm, dựng cho ông và gia tộc một tác phẩm văn học giá trị để tô vẽ đằm thắm những ngày xưa thân ái của một Iraq trước cuộc cách mạng 1958.

Đội quân danh dự đi theo chiếc xe mang quan tài của Ahmad Chalabi đi trên đường phố Baghdad, Iraq, 4. 11. 2015. Chalabi, thọ 71 tuổi, là tác nhân chính phía sau việc Mỹ đưa quân vào Iraq hồi 2003. Ảnh: EPA/MOHAMED JALIL EPA

Đội quân danh dự đi theo chiếc xe mang quan tài của Ahmad Chalabi đi trên đường phố Baghdad, Iraq, 4. 11. 2015. Chalabi, thọ 71 tuổi, là tác nhân chính phía sau việc Mỹ đưa quân vào Iraq hồi 2003. Ảnh: EPA/MOHAMED JALIL EPA

*

Xem thêm bài về Tamara Chalabi

06. 07. 2016

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả