|
|||||||||||||
|
Sử-ĐịaHuyền thoại Do Thái trở về nhà: Đố ai dám cãi nào 7 October, 2024Sáng ÁnhCó lẽ mọi người đều đồng ý là Trung Đông là một nơi bất ổn thường xuyên và kinh niên như bệnh suyễn, thỉnh thoảng lại sù sụ, có khi ho ra máu, và dễ trở thành ngòi nổ, đám cháy… tại một khu vực nhạy cảm của thế giới, với vị trí chiến lược lưu thông giữa Âu-Á, cùng thứ tài nguyên mà bất cứ ai ra đường uống miếng café, ăn quà hay đón con, chở mẹ cũng phải dùng đến, chưa nói tới những chuyện khác. Đó là dầu hỏa. Có lẽ mọi người cũng đều đồng ý là một trong những nguồn bất an lớn tại Trung Đông, nếu không nói là nguồn bất an lớn nhất, là từ mâu thuẫn giữa Israel với các quốc gia Ả Rập, và sẽ chỉ có hòa bình lâu dài trong khu vực nếu vấn đề Palestine được giải quyết. Đến đây thì chúng ta bắt đầu bất đồng vì mới xuất hiện một từ húy đối với dư luận Tây phương, tức là truyền thông quốc tế dòng chính hay lề phải, đó là từ “Palestine”. Palestine là cái gì? Không có quốc gia nào là Palestine cả! Chỉ có một quốc gia là Israel. Nói thêm, không có dân tộc nào là Palestine cả, mà chỉ có một dân tộc Do thái. Hình ảnh thông dụng trong quần chúng (Tây phương) của Israel là sau đây: một nước nhỏ bé bị vây quanh bởi một khối khổng lồ hung hăng đe dọa sự sinh tồn của hiệp sĩ đơn thương và Đương Dương Trường Bản này, lâu lâu “chúng” lại đòi đẩy dân tộc này xuống biển hay là xóa tên quốc gia này trên bản đồ. Xin nhắc lại rất rõ và mọi người hô to cùng: Không có quốc gia nào là Palestine! Không có dân tộc nào là Palestine! Đây là một điều kiện tất yếu cho kịch bản vừa mới nói được suôn sẻ. Vì nếu có một quốc gia Palestine thì ai đã xóa tên quốc gia này trên bản đồ đây? Và nếu có một dân tộc Palestine thì hóa ra dân tộc này đã bị ai ở đâu ra đẩy xuống biển? Trong kịch bản này, chỉ có một dân tộc là Do thái và một quốc gia là Israel, nhỏ bé và kiên cường trước nghịch cảnh là bè lũ du côn Ả Rập trùng điệp vây quanh hằm hè, người nách thước, kẻ tay dao, đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. Thằng Palestine vào đây làm gì, đi ra khỏi trường quay! Nào, tiếp tục bấm máy! Do Thái là một “Dân tộc chọn lọc”, một dân tộc bị lưu vong ở đầu Công nguyên, họ phân tán khắp nơi trên thế giới và 2000 (hai ngàn) năm sau trở về “Miền Đất Hứa”, “Đất của Israel” (Eretz Israel), họ trở về nhà. Mà ai chọn lọc họ chứ, ai hứa đất và ai dành đất cho họ? Đức Chúa Trời chứ còn ai nữa, thế mới kinh! Có viết trong sách được gọi là Kinh Thánh rành rành thì còn cãi vào đâu! Thằng nào định cãi với Đức Chúa Trời đây? Mười điều răn là Ngài giao cho họ, rẽ biển Hồng Hải cho họ sang Ai cập (lưu vong thứ nhất thời khai thiên lập địa nào đó), rồi đến công nguyên là lưu vong thứ nhì. Ngài còn bảo, các con phải trở về nhà. Đó là chuyện nhà thờ và ở trong Kinh Thánh, tức là sách trong phòng ngủ khách sạn nào ở Tây phương cũng có một cuốn do hội Giddeon thân tặng đặt ở trong ngăn kéo đầu giường. Vào cuối thế kỉ 19, chủ nghĩa Zion, cũng như với các phong trào quốc gia chủ nghĩa ở Âu châu lúc đó (thí dụ Ireland, Bosnia v.v. và vô khối) ra đời và đòi thành lập một quốc gia riêng cho người Do đang sinh sống tại đây. Nhưng nếu chủ nghĩa quốc gia Ireland có đất để mà đòi Đế quốc Anh trả lại hay Bosnia đòi Đế quốc Áo thì người Do phải đòi ai đây? Căn bản tôn giáo trên được Zion chủ nghĩa nhanh trí “cướp” lấy và thế tục hóa. Trời đã trao đất Israel cho họ. Nói là “cướp”vì phong trào Zion là một phong trào thế tục và XHCN chứ không phải là một phong trào tôn giáo. Họ phải giả tin thôi vì cộng đồng người Do trước hết là một cộng động được định nghĩa bằng tôn giáo là Do thái giáo. Nhưng nếu tin hẳn vào Kinh Thánh thì cũng có vấn đề. Chúa Trời bảo đây là phận phải lưu vong của dân tộc này, chuyện trở về là trước ngày tận thế nhé, không phải là lúc nào muốn về thì về (kiểu bố hấp hối mới được chia đất, không phải chia ngay bây giờ, đuổi em ra đường). Cho nên thành phần Do Thái giáo bảo thủ và tuyệt đối ngoan đạo chống lại việc trở về này. Đến ngày nay và nhân danh Do Thái giáo chính thống, họ vẫn biểu tình chống lại sự hiện hữu trái với luật trời quốc gia Israel. Ngược lại, gần đây thì Israel lại được sự ủng hộ của số giáo dân Ki tô cực đoan (Evangelicals) tại Mỹ. Đối với phong trào này, sự hiện hữu của quốc gia này (người Do trở lại miền đất Hứa) là dấu hiệu “tận thế gần kề” khiến họ rất hân hoan. Tại sao tận thế mà lại hân hoan? Bởi vì nếu tin vào sách Thánh thì tận thế là ngày người ngoan đạo sẽ được lên thiên đàng! Nhắc lại, là trong nhiều thế kỉ dài, sự đàn áp và kỳ thị người Do là bởi người Ki tô tại Âu châu nhé chứ không phải bởi người Hồi tại Trung Đông và cho đến giờ, trong khi chờ đợi Iran có bom nguyên tử (?) thì ngược đãi, tàn sát hay tận diệt người Do là bởi bàn tay nguời Âu và Ki tô. Phong trào Zion có lúc còn định “lập quốc”tại Brazil hay là Uganda (may là chưa có nghĩ đến 6 tỉnh Nam Kỳ). Sau đó, họ thấy khả thi nhất là trở về “Đất Hứa” và khả thi về mặt thực tế chứ không phải là vì Trời đã cho họ đất này. Người cho họ đất này là ngoại trưởng Anh quốc Balfour (sau làm Thủ tướng), và lý do ông đồng ý là vì nước Anh không muốn phải nhận di dân Do thái bị ngược đãi và kỳ thị tại Đông Âu. Mày gặp khó thì tao cũng giúp, nhưng đến ở Scotland nhà tao thì bất tiện lắm, tao có thuộc địa đô hộ ở Trung Đông, nghe đâu 20 thế kỉ trước là nhà mày, mày dọn về đấy mà ở. Lúc đầu, ngay cả tổ sư của phong trào là Theodor Herzl cũng chỉ muốn sống chung với người Palestine. Lý do: từ 1924, vì Hoa Kỳ siết chặt chính sách di dân sang Mỹ, và người Do bị kỳ thị ở Âu châu khó mà sang Mỹ được. Như đã thấy, Anh quốc cũng không muốn nhận họ. Palestine lúc đó là phần đất dưới bảo hộ (mandate) của Anh. Thôi thì, Anh tặc lưỡi: “Chúng mày sang đó chẳng tốn kém gì của tao, lại còn giúp tao quản được bọn Ả Rập tao đang đô hộ”. Việc Đức Quốc Xã thảm sát người Do trong Thế chiến 2 lại khiến chủ nghĩa Zion thêm mồi, di dân ồ ạt và vấn đề quốc gia trở nên cấp bách và Israel năm 1948 oanh liệt ra đời. Sự thành lập của Israel là thành tích muộn màng của chủ nghĩa thực dân trong một thế giới đang trên đà giải thực. Năm 1945, khi gặp vua Ibn Seoud của Saudi, Tổng thống Franklin D Roosevelt có giải thích về hoàn cảnh khó khăn của người Do Thái bị Đức tận diệt. Ông Ibn Seoud bèn hỏi, thế sao Đồng Minh không lấy luôn vùng đất màu mỡ nhất của nước Đức mà bồi thường cho người Do lập quốc? Câu trả lời của Zion chủ nghĩa đã có sẵn: nếu không phải Trời cho thì cũng bởi vì 2000 năm trước, đất Israel là của dân tộc Do Thái. Huyền thoại quốc gia Israel thế là trở thành “Một miền đất không dân tộc cho một dân tộc không miền đất”, nghe thì rất du dương hợp nhĩ nhưng phải chấp nhận ba tiền đề. Tiền đề thứ nhất là có một dân tộc Do thái, đặc biệt không giống ai (“chọn lọc”) và muôn đời. Tiền đề thứ nhì là dân tộc này trước đây sinh sống tại miền đất đó và còn giữ Sổ đỏ cho đến giờ (có con dấu của cục Nhà đất Thượng đế). Tiền đề thứ ba là trong 20 thế kỉ qua, miền đất đó ngoài ra không có dân tộc nào khác, là sa mạc đìu hiu bỏ hoang và người Do “trở về nhà” (Aliyah) từ đầu thế kỉ 20 đến trồng hoa trên cát và vun bồi rực rỡ xanh tươi. Chấp nhận ba tiền đề này rồi, thì sau đó câu chuyện là đương nhiên ngọt. Còn nếu có xô xát thì là do hàng xóm thấy ganh tị, ỷ đông xúm nhau vào mà đánh, ức hiếp kẻ thế cô này và buộc họ vào thế phải tự vệ, khiến lỡ đà tự vệ họ chiếm luôn thêm West Bank (Tây ngạn), Jerusalem và giải Gaza, đỉnh Golan với lại Sinai (đã hoàn trả sau này vì họ tử tế thế đấy), chiếm đóng Nam Lebanon 18 năm trước khi rút về (vì tính tình họ rộng rãi). Huyền thoại Do thái này hấp dẫn đến độ người xa tít tắp cũng vẫn muốn quàng làm họ. Một thí dụ gần gũi là trong những năm 75-85, một cộng đồng người Việt lưu vong sau biến cố tháng Tư không đợi cho hết năm đã có nhiều kẻ vỗ ngực tự ví với lưu vong Do thái (có thâm niên 20 thế kỉ)! Không thấy các vị này có ai tự ví với lưu vong Cuba chẳng hạn, hay lưu vong Eritrea, Kurdistan hay thậm chí Armenia, Bạch Nga gì đó v.v. vì như thế nó kém sang, nếu không nói hẳn là hèn. Tại Tây Phương, lưu vong Do thái mỹ miều và có giá, cho nên vào giai đoạn đó (và ngay đến giờ), trong văn chương, báo chí Việt hải ngoại, trong tâm tư của thành phần “mất nước” này, cơ man là so sánh chị em nhận vơ cùng một hoàn cảnh với lại Do Thái, tuyệt đối không có ai cùng một hoàn cảnh lưu vong với lại… Angola. Lý do là Angola hay gì đó nữa lưu vong thì có chứ nhưng không có huyền thoại sang cả như là Do Thái. Việc phê bình hay xét lại huyền thoại Do Thái này thì hiếm thấy và chẳng ai dám ở phương Tây, phần vì thương, hay phần vì sợ. Đứng đầu phong trào xét lại huyền thoại này chỉ có thể là chính những người gốc Do, hay chính là những người Israel trong nước vì họ tiếp cận với thực tế của chiếm đóng đất người và chiến tranh, đối kháng chứ không có ngồi đàn huyền thoại về Do Thái ở những nhà hát New York hay là London. 03. 11. 2013 (Còn tiếp)
Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|