|
|||||||||||||
|
Chính trịBầu cử tổng thống Mỹ 2016: Bụi đời Washington 9 August, 2024Đỗ Kh.Ta đang chứng kiến cảnh thanh toán đẫm máu và đầy bạo lực giữa các ứng viên đảng Cộng hòa (Donald Trump, Ted Cruz, Marco Rubio, John Kasich) vào chức vụ cao nhất của Hoa Kỳ (hải đăng của thế giới), là chức vụ tổng thống nhé, mà khổ thay không có cơ quan chức năng nào kiểm duyệt được những phát biểu làm gương xấu cho trẻ con đang lớn và làm phụ nữ đỏ mặt như trong một bộ phim đấm đá loại tồi. Điển hình (và diễn nôm) trong cuộc “tranh luận” vừa qua trên truyền hình cho cả nước (và cả hoàn cầu) xem: -Thôi bớt nóng đi cha, đếm từ 1 đến 10 và tập thở cho đều. Này 1, này 2… Tao biết là khó đấy, nhưng ráng tập đi! – Đây không phải là chỗ luyện Yoga! – Không chừng, thằng này nó (biết uốn) dẻo mà! – Thằng bé con này nó chê tay tao nhỏ, muốn nói gì đây, cho mày biết, tao cam kết kích thước (dương vật) tao không có vấn đề! – Im hết tụi bay, ở đây chỉ có tao là người lớn! Các bạn cùng đảng này gọi nhau là “đứa thiếu ký”, “thằng dối trá”, “tổ sư láo”, “đứa giả cầy”, “tên cờ gian bạc bịp”, “tao kiện mày” – “thì mày cứ giỏi kiện đi” v.v. và các đại sư của đảng (John McCain, Mitt Romney) chen vào lên tiếng bèn bị phang trước phang sau là “bị bắt làm tù binh thì anh hùng cái nỗi gì” hay “lúc đó tôi mà bảo hắn quì gối xuống thì hắn đã quì rồi” (chú thêm: trong ngữ cảnh tiếng Việt thì việc “quì gối” là thần phục, nhưng ở đây còn mang nghĩa “vục đầu vào quần tôi”). Truyền thông thì tiêu cực không kém trong vai trò của họ, một bà nhà báo (đài Fox) sau khi bị ứng viên Trump phán “(tôi không chấp) nàng đang hành kinh” thì khi tái hồi ông nọ trong cuộc tranh luận nói trên bèn chớp lông mi giả như là phường chèo (hay diễn viên phim XXX) và vênh váo, tưởng đâu 4 hiệp khách không họp nhau để luận kiếm cho võ lâm mà họp lại để luận về bà. Một phóng viên khác (đài CNN) sau câu “kích thước bàn tay cam kết không có vấn đề” còn trổ tài phân tích chính trị bằng cách hỏi phu nhân của người phát biểu (Trump) là thực hư thế nào để chị em còn biết (phu nhân không trả lời thẳng mà chỉ cười… tươi). Những lố lăng chưa từng thấy ở mức này phản ánh sự bát nháo chưa từng thấy của đảng Cộng Hòa Mỹ khiến các thày đã phục viên phải trở lại lăng xăng mà tới giờ vẫn chưa yên được chuyện. Tình thế là hai ứng viên ngoại vi của đảng là Trump và Cruz vẫn đang dẫn đầu trong khi gà nhà là Jeb Bush đã rụng lông ra đi trong cuộc thi nội bộ và “gà con lon ton” Rubio (chữ không phải của người viết này) thì rõ ràng…thiếu ký. Quần chúng của đảng đang nổi loạn khiến chẳng còn thể thống gì. * Phía Dân Chủ, tuy có phần lịch sự hơn nhưng cũng lâm vào một tình thế tương tự. Thượng nghị sĩ bang Vermont, Bernie Sanders, là dân cử duy nhất liên bang tại Hoa Kỳ (độc lập) tự xưng là Xã hội chủ nghĩa. Năm nay khi ông quyết định ra tranh cử tổng thống (đảng Dân chủ) thì ai cũng cười, nghĩ ông độ vài ba % phiếu là vui rồi. Không ngờ ông (cũng như Trump ở cánh hữu) lớn nhanh nhe Phù Đổng, ăn ba nồi cơm xong nhổ bụi tre đi quét bà Clinton. Guồng máy đảng, đằng sau lưng bà này bối rối tuy nội bộ đảng không đến nỗi xào xáo như bên phía Cộng hòa. Ông Sanders là người nhã nhặn, dạng ông già Ba Tri, còn rông lượng ra tay bênh vực đối thủ trong chuyện điện thư bất chính của ngoại trưởng Mỹ. Phía bà Clinton, các bạn bà đôi khi lỡ lời (và có rút lại về sau) như ngoại trưởng Madeleine Albright trù ẻo phụ nữ nào không bỏ phiếu cho bà Clinton thì sẽ “có chỗ dành riêng ở địa ngục” (chắc là chỗ của bà nhường, vì trước đây bà này từng xác nhận là việc cấm vận Iraq dẫn đến ½ triệu trẻ em bị thiệt mạng là việc “đáng làm”). Nhà nữ quyền Gloria Steinem thì giải thích việc thiếu nữ trẻ ủng hộ ông Sanders là vì tại thanh niên theo ông nhiều và các cô thì cứ thế thấy ở đâu có trai là sà vào. (Bà Steinem là nhà tư tưởng nữ quyền của “Đợt sóng thứ 3” nhé). Phía ủng hộ Sanders, diễn viên Susan Sarandon, về chuyện giới tính này phát biểu: “Tôi không dùng tử cung để bỏ phiếu”, và nói chung so với nội bộ Cộng hòa vẫn lịch sự có thừa. Về đường lối, chí ít là ngoài miệng, bà Clinton đã buộc phải xoay chiều và theo quan điểm của ông Sanders trên một số vấn đề để giật khách. Cho tới giờ này (6. 3) bà Clinton vẫn dẫn đầu trong đảng nhưng không khỏi lâm vào cảnh “em thường hay mắt liếc (về phía sau lưng)/ anh thường ngóng cổ cao/ngoài đường anh bước chậm/ quán chiều em nôn nao” (Nguyễn Tất Nhiên). Thí dụ, bang Kansas, vào ngày 26. 2 thăm dò cho biết bà còn hơn ông Sanders 10 điểm tại bang này, đến một tuần sau (5.3) bầu cử sơ bộ Dân chủ bà thua ông 35 điểm! Sau bầu cử Super Tuesday, bà và truyền thông cho là ông đi đứt, nhưng Super Saturday ông bám trụ và thắng tại 2 bang, thua tại bang Louisiana là bang lớn miền Nam. Hiện nay, cứ địa của bà Clinton là những bang miền Nam đã bỏ phiếu hết (và bà thắng lớn tại đó) nhưng không còn lá bài tủ nào và từ đây ván bài lật ngửa, có lẽ phải nhờ Chánh Tín vuốt râu mép và phi ngựa đến mà cứu giá chứ bộ phận đảng cũng hoang mang trước tình thế của nữ hoàng. Bầu cử 2016, tưởng thuận buồm xuôi gió giữa bà Hillary Clinton và ông Jeb Bush bỗng nhiên dậy sóng khác thường. 35 năm vừa qua, từ thời ông Reagan và cách mạng tư bản tân-tự do (neo-liberal) cho dù dưới chế độ Cộng Hòa hay chế độ Dân Chủ, nước Mỹ không ngưng tiến về phía hố sâu cách biệt giàu nghèo, tăng số tỉ phú và giảm giai cấp trung lưu. Hiện tượng Trump/Cruz là bất mãn của quần chúng lao động cánh hữu, những người mất việc vì NAFTA (thời Clinton) và TPP (thời Obama) và Sanders là thanh niên cánh tả, trước đây từng có phong trào Occupy chống 1% người giàu nhất chứ không phải tự dưng ông Sanders từ trong trứng nảy ra. Xem liên kết này Tóm lại 35 năm qua, năng suất tăng nhưng lương không tăng, hai vợ chồng đi làm vẫn tràn ngập nợ và chính sách kinh tế giữa Dân chủ và Cộng hòa khác nhau như là chè chuối thêm chút nước dừa hay bớt ít mè nhưng vẫn là chè chuối (20 năm Reagan-Bush cha-Bush con, 15 năm Clinton-Obama) và một số lớn cử tri bất mãn với hiện trạng, tạo nên hiện tượng Trump-Cruz phía hữu (“Khôi phục lại vĩ đại của Hoa Kỳ”) và Sanders phía tả (“1% trên cùng sở hữu ngang với lại 90% thấp nhất”). Hiện nay, các công ty Hoa Kỳ “giấu” tiền lời ở nước ngoài trên 2.000 tỉ USD để trốn thuế. Chính quyền Obama đang dụ dỗ họ mang về nước thì “tha” cho, với thuế chỉ có 14 %, phía Cộng Hòa thì chỉ đòi “phạt” dưới 10% (cách biệt mấy % là cách biệt ít nhiều nước dừa hay hột mè đã nói đến). Người lao động bình thường (thu nhập từ 1 USD/năm đến 9225 USD/năm) trả thuế là 10% cho đến 39.6%, và chẳng ai “tha” cho hết. Nhưng các tập đoàn thì không sao cả. Về giá trị tuyệt đối (chứ không phải theo %) thì người viết này (và vô khối người Mỹ khác) có năm hãnh diện đóng góp cho Hoa Kỳ nhiều tiền (nhắc lại là về giá trị tuyệt đối) hơn là tập đoàn General Electric hay Halliburton chẳng hạn, vì nhiều năm các tập đoàn này không đóng 1 USD nào. Mà người bình thường nếu chẳng may vỡ nợ thì cũng không thể trông vào quỹ mấy ngàn tỉ USD chỉ để giúp các ngân hàng qua cơn khốn khó. Đó là lý do quần chúng phía hữu ủng hộ ông Trump (“Tôi là tỉ phú nên tôi không là tay sai của bọn này”) hay phía tả ủng hộ ông Sanders (“chống 1% đặc quyền”), gây loạn trong nội bộ hiền hòa của hai đảng thay phiên cầm quyền, kiểu ta cứ vậy mà tiếp tục tiến, kẻ chậm hơn một chút hay là người kia nhanh hơn tí ti. Kinh tế là cốt lõi, ngoài chuyện nên có nhà vệ sinh cho người chuyển giới tính (đề tài của phe tả) hay được quyền sở hữu súng ngắn súng dài (đề tài của phe hữu) là chuyện giúp vui bên lề. Về mặt kinh tế này, hay thuế khóa và xã hội, thì bà Clinton còn đi giật lùi và đằng sau ông Nixon (1968)! Đó là chưa nói đến về mặt đối ngoại, bà dám hung hăng cực hữu hơn là vị tiền bối này. Hơn 4 thập niên sau, đặt 2 người này cạnh nhau, ta có thể tưởng lầm ông Nixon là lãnh tụ trốt kýt? Như họa đồ ở trên cho thấy, xã hội Hoa Kỳ đã rời bến trung lưu của thời kỳ 1960-70 để đi về hướng chân trời của một thiểu số đặc lợi đặc quyền. Sao thì, truyền thông cũng nhắng nhít mua vui hay múa vui được một vài trống canh trong dịp bầu cử nhất định là khác thường của năm nay. 08. 03. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|