|
|||||||||||||
|
Điện ảnhMOSUL – một phim Mỹ nhưng người Mỹ phải đọc phụ đề 16 May, 2024Sáng ÁnhBộ phim “Mosul” mới phát hành hôm 26.11.2020 trên Netflix. Mosul là thành phố lớn thứ nhì tại Iraq, dân số trên 1 triệu được 3 sư đoàn quân đội quốc gia Iraq trấn giữ gồm 30.000 binh sĩ cùng với 30.000 lính thuộc lực lượng an ninh liên bang, tức là 60.000 người. Tháng 6. 2014, 1.500 chiến binh ISIL (Quốc gia Hồi giáo) đánh thành phố này. Họ xóa sổ 2 sư đoàn Iraq, hạ sát 2.500 quân và bắt trên 4.000 tù binh đem ra hành quyết tập thể. 53.500 tay súng còn lại nhanh nhẹn triệt thoái kịp. Xét về mặt quân sự thuần túy thì đây là một chiến thắng hiếm hoi hàng đầu trong lịch sử chiến tranh thế giới cổ kim. Thường thì muốn hạ thành phải dùng một lực lượng đông gấp ba lần lực lượng trú phòng. Đây thì chỉ trong có 6 ngày Quốc gia Hồi giáo ISIL đã hạ gục thành Mosul được bảo vệ bởi một lực lượng đông hơn họ gấp 40 lần và võ trang hùng mạnh hơn với chiến xa, đại pháo. Thủ đô Iraq là Baghdad, và có thể nói là cả Trung Đông, rúng động. Mấy thằng râu ria này tiến nhanh đến nỗi sút cả dép và đe dọa cả khu vực. ISIS-ISIL sau đó được các lực lượng Kurd chặn đứng và bị đẩy lui dần vào năm 2016-2017 bởi một liên minh gồm quân đội quốc gia Iraq, vệ binh Shia Iraq, quân đội chính phủ Syria, cùng các vệ binh cạnh tranh khác như Al Qaeda, lực lượng khu vực tự trị Kurd Iraq, phong trào tự lập Kurd tại Syria, vệ binh Hezbollah từ Lebanon và vệ binh Iran! Liên minh hổ lốn này được yểm trợ bởi phi pháo và hỏa lực hùng hậu của cả Hoa Kỳ lẫn của Nga! Nói ngắn gọn, là bằng ấy xúm nhau lại đánh mới thắng. Thành phố Mosul được chiếm lại từng tấc đất một vào năm 2017 và đây là bối cảnh của bộ phim này. Câu chuyện tập trung vào một nhóm Cảnh sát Đặc biệt (SWAT) của Iraq do một thiếu tá tên Jesam cầm đầu (diễn viên Suhail Dabbach). Họ hầu như tự quản lý, tránh hệ thống chỉ huy của chính họ để theo đuổi một nhiệm vụ bí mật mà đến cuối phim người xem mới được rõ. Trên đường thi hành công tác này, nhóm SWAT kết nạp Kawa, một tay súng mới tò te (diễn viên Adam Bessa), vừa 20 tuổi đời và 2 tháng nhập ngũ. Đây thuộc vào thể loại phim thông dụng “coming of age”, tức là thể loại mà nhân vật “trưởng thành” hay “nên người” sau một sự kiện dìu dắt nào đó. Kawa “trưởng thành” trong khói lửa lùng bùng dưới sự dẫn dắt và che chở của sư phụ Jesam. Thể loại tre già măng mọc này cũng cho ta đoán là vị thiếu tá lớn tuổi ắt sẽ phải anh dũng đền nợ nước vào trong những thước phim cuối, nhưng nhiệm vụ của mọi người sẽ vẫn được hoàn thành và nhân vật trẻ giờ đây thành người lớn. Kịch bản dựa trên một bài báo dài đầu năm 2017 của Luke Mogelson trên tờ New Yorker về đơn vị Cảnh sát Đặc biệt có thật của Mosul này, dĩ nhiên là có thêm thắt kịch tính như kể trên. Điều đáng chú ý nhất: đây là lần đầu một công ty sản xuất phim Hoa Kỳ bỏ (nhiều) tiền ra cho một đạo diễn Mỹ làm một phim toàn nhân vật và diễn viên Ả-rạp. Khác với thông lệ, chuyện phim không có “thợ săn thiện xạ người da trắng” nào đến bắn cọp để cứu dân làng và kết hôn với cô thôn nữ địa phương. Cả bộ phim này không có tới một câu thoại tiếng Anh. Hẳn có người xem từng tự hỏi tại sao các bộ phim, thí dụ thuật lại thời đế quốc La Mã, từ “Ben Hur” đến “Gladiator”, từ Charlton Heston đến Russell Crowe, đều nói tiếng Anh? Hay nhân vật Đức, nhân vật Nga, nhân vật Pháp, nhân vật Trung Quốc v.v. trong các bộ phim Mỹ đều phát biểu bằng tiếng Anh, phát âm trọ trẹ với giọng Đức, giọng Nga, giọng Pháp hay giọng Trung Quốc v.v. nhưng mạch lạc và hiểu được? Bởi vì đó là phim Mỹ, do Mỹ sản xuất và cho người Mỹ xem. Ai không thích thì lồng tiếng hoặc rán mà đọc phụ đề. Quyền lực mềm của điện ảnh Mỹ đã khiến cả thế giới, bất kể nhân vật người gì, là ai, ở đâu, và bất kể giai đoạn lịch sử nào, từ thiên sứ Moses và “10 điều răn” trở đi, đều phải nói tiếng Anh khi lên hình để cho khán giả Mỹ còn hiểu. Nếu ta không hiểu thì là vì ta dốt tiếng Anh và không có bằng C. Đây là điều khán giả điện ảnh cả thế giới đã chấp nhận là xem phim phải như thế, tức là phải hiểu tiếng Anh hay phải đọc phụ đề. Như vậy, chỉ riêng về mặt này, sử dụng ngôn ngữ gốc của các nhân vật, bộ phim “Mosul” là một cuộc cách mạng. Nó không phải là một bộ phim Ả-rạp vì “quốc tịch” của một bộ phim là quốc tịch của công ty sản xuất. Đạo diễn và biên kịch, Matthew Michael Carnahan, là người Mỹ, kịch bản dựa trên phóng sự của một nhà báo Mỹ, cho nên khó nói đó là một quan điểm Ả rạp. Nhưng ở đây, biên kịch không hư cấu ra một nhà báo Mỹ, có cô người yêu Iraq bị IS bắt cóc chẳng hạn, và giải thoát cô ta cùng với một nhóm biệt kích Hoa Kỳ. Bộ phim nỗ lực để rất thật về mặt chi tiết và Adam Bessa, là diễn viên Pháp gốc Ả-rạp Bắc Phi Tunisia, cho biết là anh phải mất có khi cả tiếng hay tiếng rưỡi để phát âm có mấy chữ cho đứng với thổ ngữ Ả-rạp Iraq. Tiếng Ả-rạp có nhiều thổ ngữ, và ngay cả thổ ngữ Ả-rạp tại Iraq có nhiều cách phát âm, Đông Tây Nam Bắc, và nếu Adam Bessa phát âm sai thì đã chết thằng Tây thằng Mỹ, hay thằng Ả-rạp nào đâu. Nhưng thế thì không “thật”. Trước khi bấm máy, các diễn viên đã phải trải qua một “trại thực tế” 3 tuần về Iraq. Tại trại này, đạo diễn Carnahan có hỏi một nhân vật thật ngoài đời là cảm tưởng của anh khi lần đầu giết người như thế nào. Anh này không trả lời đạo diễn, mà chỉ thổ lộ riêng cho diễn viên Adam Bessa. Khi Carnahan hỏi lại Bessa thì Bessa không nói! Có lẽ vì vậy, vì không được rõ cảm tưởng giết người lần đầu ra sao, nên đạo diễn Carnahan có lúc vấp phải lâm li bi đát nước đường phèn trong bộ phim. Cảnh quay ông đắc ý nhất là khi nhóm biệt kích này vào trong một căn hộ bỏ không. Họ bật TV lên để xem một phim bộ nhiều tập của Kuwait về một anh có ba vợ. Đây theo đạo diễn là để cho thấy tính người hay tính nhân văn gì đó trong khốc liệt của chiến tranh. OK, thì có ba vợ là tính nhân văn vậy! Phần diễn viên Suhail Dabbach cũng đôi lúc lộ ra ướt át trong diễn xuất. Suhail là diễn viên Iraq, trước đây chỉ được vào vai khủng bố bom người như trong The Hurt Locker (2009 và 6 giải Oscar) nhưng theo anh kể lại là lên hình chỉ mới được mấy giây thì đã tan xác. Sau đó anh ở Mỹ 10 năm làm nhân viên phục vụ phòng ăn trong một viện dưỡng lão. Đây là anh “khoe” ra như thế. Ta nên để ý điều này. Diễn viên như Lý Nhã Kỳ từng xuất hiện 3 giây trong tốp múa ở một phim có Củng Lợi thì lại khoe cách khác – cô khoe biệt thự chứ không khoe mình từng bưng cơm cho ông bà già để kiếm sống. Khác biệt giữa hai diễn viên này có thể hiện trong diễn xuất của họ không? Chắc là có chứ. Tuy vậy, trong “Mosul”, Suhail Dabbach vẫn có lúc biểu lộ tình cảm quá tay, như trong cảnh gặp hai em bé đẩy xác cha hay xác mẹ ở trên đường. Đây có lẽ trách nhiệm ở phần đạo diễn, ông rung động Technicolor trước cảnh ấy. Bộ phim cũng có một quan điểm chính trị rõ rệt. Đó là quan điểm quốc gia chủ nghĩa với một nước Iraq “Không Saddam, không Tây phương và không IS”. Trong một câu thoại, thiếu tá Jesam cho hay “Mỹ là xưa rồi (Diễm ơi)” và ông không gọi pháo Mỹ yểm trợ vì pháo Mỹ sẽ hại thường dân. Nói qua, nhân vật Kawa là người thiểu số Kurd. Trong một cảnh khác, Jesam mâu thuẫn và xung đột với một đại tá “cố vấn” Iran chỉ huy vệ binh Shia đồng minh. Như vậy lập trường ở đây là Iraq ôn hòa về tôn giáo, không cần đến Mỹ vấy vào, rộng rãi với sắc tộc Kurd và cẩn thận dè chừng ảnh hưởng của Iran và giáo phái Shia. Về mặt hành động, hình ảnh pằng pằng, âm thanh chíu chíu thì bộ phim rất tới và thỏa mãn các yêu cầu của thể loại. Phim trường tại Morocco, vì lý do an ninh và tiện lợi, được dùng thay cho thành phố Mosul nhưng độ “thật” và chính xác ở mức cao. Điều người xem biết ơn là nhắc lại, bộ phim này toàn nhân vật Ả-rạp nói tiếng Ả rạp có phụ đề. Điều này vài ba năm trước có lẽ đã không làm được và chỉ khả thi vì thế hệ người Mỹ xem phim trẻ đã quên với phụ đề qua màn hình vi tính. Tuy nhiên, ta cũng nên biết ơn sản xuất là hai anh em Anthony và Joe Russo (bộ phim “Avengers”) không lồng vào câu chuyện này một nhà báo Mỹ (thí dụ Mark Walhberg) tại Mosul theo toán biệt kích để giải cứu một cô gái (thí dụ Lý Nhã Kỳ) chính là công chúa con nuôi của Saddam Hussein. Nói qua, bộ phim này còn có tiền của Trung Quốc bỏ vào và tiền của ai thì cũng là tiền thôi, mà làm phim thì cần nhiều tiền lắm. 29. 11. 2020 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|