|
|||||||||||||
|
Sử-ĐịaCấm thịt heo trong đạo Do Thái 23 April, 2024Sáng ÁnhRất nhiều người biết đạo Hồi cấm thịt heo nhưng không biết đạo Do cũng cấm? Tại sao vậy? Cấm kị này ở trong kinh Cựu Ước (chương Leviticus) là sách Thánh của người Do cũng như người Hồi. Cấm kị về thực phẩm của Do (kosher) rất gắt gao khiến người Hồi có thể dùng thực phẩm kosher được nhưng người Do không được dùng thực phẩm halal (cấm kị của Hồi) vì nó không đủ tiêu chuẩn tôn giáo. Nói qua, đạo Do còn cấm thêm tôm cua các loại và nghêu sò ốc hến hoặc cấm dùng phó mát hay chất sữa chung với lại thịt. Tại Israel có nơi bán pizza chứ, nhưng người đi đường thấy bạn ăn pizza phó mát có thịt là xúc phạm họ. Những cấm kị này rất li ti. Điển hình, người Hồi có thể khui lon Coca uống rất tự nhiên nhưng người Do ngoan đạo thì phải xem là trên lon có ghi chăng là đã đáp ứng đủ nghi thức Kosher. Bạn nào ở Brooklyn hay New York, nếu để ý sẽ thấy nước ngọt, thực phẩm thông dụng (như Coca) đều phải có dấu kosher cho phép tín đồ người Do được tiêu thụ. Chưa hết nhe, có hai mức cấm và kosher thượng thặng là vào mùa Passover (Vượt qua), vào tháng đầu của mùa xuân. Như vậy, vào dịp lễ này, nước Coca được bán phải qua qui trình sản xuất không có chất men (leaven). Các loại bánh có men đều cấm trong mùa lễ, giữ men cũng bị cấm, các dụng cụ nấu nướng đụng đến men phải tẩy sạch, các tủ đựng có men phải phong kín, hoặc bán đi trước lễ và mua lại sau lễ, là một nghi thức phải có giáo sĩ chuẩn y. Có những gia đình ngoan đạo có hai bộ nồi niêu bát đĩa thìa dao… và cả thau rửa để dùng trong và ngoài mùa lễ. Các khách sạn, nhà hàng phải có đề bảng cẩn thận là thực thi nghiêm chỉnh đúng các điều lệ luật kiêng của mùa Vượt qua. Trở lại vấn đề thịt heo, cấm hay cho phép trở thành vấn đề trong các kỳ bầu cử vừa qua tại Israel. Phe đối lập, được người Do thế tục ủng hộ, nói chung là rộng rãi về mặt này. Từ 1994, mọi thực phẩm nhập sang Israel phải có nhãn kiêng nghĩa là đủ điều kiện kosher. Thịt heo, mỡ heo là biệt lệ không cần kosher nhưng phải có giấy phép. Dưới thời bộ trưởng kinh tế Bennett (2013-2015, hiện đối lập) 295 tấn được cấp giấy phép. Đây đã chẳng bao nhiêu nhưng ông ra đi thì số này xuống còn 93 tấn! Năm 2019, biệt lệ này bị bãi, và theo luật thì nhập vào Israel phải đúng luật kosher. Thịt heo thì sao kosher được, cho nên trên thực tế là cấm hẳn nhập thịt heo. Đây là 1 vấn đề chính trị, có lẽ sanh tử cho quốc gia này trong những năm tới. Israel sau khi Liên Xô sụp đổ có một luồng máu mới là hàng triệu người Do từ Liên Xô cũ sang định cư. Để dễ đãi cho họ, nhà nước không những nhận người gốc Do mà còn nhận cả bố mẹ anh chị em dâu rể của họ. Thí dụ, một cô gốc Do, lấy chồng và có con. Khi sang Israel định cư, cô đựơc mang cả bố mẹ chồng, anh chị em chồng. Thành phần này không kiêng cữ, và ngay người gốc Do tại Nga cũng ít kiêng cữ phần thực phẩm. Giờ họ là một thành phần lớn và mạnh trong chính trường Israel, hữu khuynh về mặt chính trị và ủng hộ thủ tướng Netanyahu. Nhưng ông này lại bị áp lực từ thành phần hữu khuynh về mặt tôn giáo. Chuyện thịt heo chỉ là một phần nhỏ. Mâu thuẫn trầm trọng hơn là thí dụ các đảng phái tôn giáo đòi miễn dịch cho sinh viên giáo sĩ. Israel là nước phụ nữ cũng phải làm nghĩa vụ quân sự. Thế giáo sinh không đi lính thì ai giữ nước? Phe tôn giáo trả lời rằng, tôn giáo là lẽ sống của quốc gia Israel, nếu không để tuân giáo luật thì quốc gia Israel hiện hữu để làm gì? Nhập đã thế, nuôi heo cũng bị nghiêm cấm tại Israel từ 1962, trừ trong sở thú, phòng thí nghiệm và trang trại của người Ki tô (2% dân số). Bố ơi, thứ Bảy này dẫn con đi sở thú coi heo nhe! Không được! Giáo luật cấm đốt lửa ngày thứ Bảy tức là cấm bật các loại máy cho nên cấm đi xe. Tủ lạnh đến thứ Bảy mở cửa ra thì đèn bên trong không được bật. Thang máy trong các căn hộ vì cấm bấm nút vào ngày thứ Bảy nên tự động đi lên đi xuống và dừng lại ở mỗi tầng! Những cấm kị này của phe tôn giáo khiến nhiều thành phố ngày thứ Bảy không có chuyển chở công cộng. Nhiều khu phố bảo thủ chốt các đường đi ngang để cản xe có động cơ. Việc cấm hẳn thịt heo và nuôi heo bị thất bại năm 2004 khi Tối cao Pháp viện phán là “thịt trắng” có quyền hiện hữu. Tuy vậy năm 2018, nhà hàng Zepra tại Tel Aviv bị thưa vì bán thịt heo trá hình dưới tên gọi là “thịt trắng” (như thịt bê). Nhà hàng này nhận phạt phải phát không 700.000 USD bữa ăn trong 4 tháng! Theo Kinh Thánh, heo bị coi là vật bẩn. Giải thích duy vật thì là bởi thịt heo dễ truyền bệnh như sán lải. Nhưng cấm kỵ có lẽ là vì một lí do giản dị về kinh tế. Thịt heo hiếm có tại Trung Đông vì nuôi, sản xuất 1 kyy thịt heo cần đên 6.000 lít nước, trong khi 1 ký thịt gà cần có 3.600 lít và khu vực này hiếm nước hơn là khu vực ôn đới của Âu hay nhiệt đới của Á. Nuôi heo cũng khác nuôi dê hay là nuôi cừu vì phải đóng cũi ở tại trang trại cho nó nằm ủn ỉn chứ không thể thả rong cho ăn cỏ đồi đá và đi theo lối sống du mục của chủ. Ngày ngày lại vắt sữa được để uống với hột gà nhe chứ trước giờ chưa nghe nói ai uống sữa heo cả. Các đoàn lữ hành trong sa mạc, trước ngày có mì gói, có thể mang theo mấy cặp gà trên lưng lạc đà dễ dàng hơn là mang một chú heo. Tóm lại, cấm kỵ hay kiêng cử có lí do kinh tế và tiện lợi của nó, tức là không cần hay không có thì cấm thôi. Ngoài uyển từ “thịt trắng”, thịt heo tại Israel còn có tên gọi là “thịt bò lùn” hay “thứ thịt kia”. Nhiều công ty, để kế toán, thuế má hay sổ sách còn gọi thịt heo là “ong”. Chuyện này thoạt nghe thì thấy buồn cười nhưng uyển từ có công dụng của nó chứ. Thí dụ, tại sao ta hay dùng từ “quan hệ vợ chồng” hay từ “ong bướm” mà lại không nói thẳng ra là chuyện con heo? Thì ở Israel cũng thế, cũng dùng ong để mà chỉ heo là loài rót mật cho đời. 15. 05. 2021 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|