Chính trị

Phát súng đầu tiên của Trump (bài 2): Bị Hải Kích và V22 Osprey tổ trác 9 August, 2024

Đỗ Kh.

(Tiếp theo bài 1)

Những điều vừa nói ở bài trước là về mặt chính trị (giờ mấy cha muốn gì, muốn Iran nó thống lĩnh Yemen hả?) Đây có thể là một quyết định vội vã của ông Trump, vừa nắm quyền muốn lên gân cho quần chúng thấy cơ bắp cuồn cuộn. Về mặt quân sự thuần túy, khó gọi đây là một kỳ tích, khi Toán 6 dùng phi cơ, trực thăng yểm trợ bắn bừa bãi mà giết đa số là đàn bà áo vướng vít và khăn che mặt không thấy đường chạy. Máy bay của họ thì rơi “tú sờn” (tout seul, tức là chẳng ai bắn cũng rơi), không biết vì l‎ý do gì, cuống quít khi đáp?

Thành tích trước đây của Toán 6 là hạ sát Bin Laden, một người bệnh tật và đàn ông duy nhất ở trong nhà với một khẩu Ak-R. Trong hoàn cảnh đó, thật tình chỉ cần một cô sát thủ đi xe ôm đến, gõ cửa và tặng ông một khăn tay có thêu hoa hồng và trái tim trong ngày Lễ tình nhân. Vậy mà trực thăng họ đáp xuống cũng tự rơi tại sân nhà ông Bin mới lạ, đúng là không cúng tổ ngành biệt kích trước khi ra tay!

Chiếc trực thăng tự rơi tại sân nhà Bin Laden. Ảnh từ trang này

Chiếc trực thăng tự rơi tại sân nhà Bin Laden. Ảnh từ trang này

Máy bay V22 Osprey hỏng tại Yemen, đau đớn thay, lại là mẫu phi cơ được chế tạo để thay thế các trực thăng không đáp ứng được nhu cầu đột kích sau khi Delta Force thất bại tại Iran 1980.

Hồi ấy, kế hoạch giải cứu con tin tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran là đáp tàu trong sa mạc, đưa biệt kích vào thành phố, chiếm sân vận động, giải cứu con tin mang ra sân vận động rồi trực thăng vận mọi người ra sa mạc trở lại, đáp tàu và đi về nhà ăn mừng. Chẳng may, trong sa mạc lại có… cát, và lại còn có cả bão cát khiến một số trực thăng bị hỏng, một chiếc đâm vào tàu vận chuyển vận C130 bốc cháy khiến 8 người tử nạn. Kích vụ “Móng đại bàng” bị hủy bỏ, để lại 5 trực thăng tại chỗ. Đằng nào thì các điệp viên hướng dẫn quân Mỹ vào thành phố cũng không thấy xuất hiện, hoặc quên để đồng hồ báo thức hoặc trốn mất theo người có trách nhiệm dự báo thời tiết. Tàu V22 Osprey sau đó mới được chế tạo để biệt kích Hoa Kỳ có khả năng đánh sâu trong vùng địch, như tại Yemen vừa qua!

Máy bay V22 Ospreys, 72 triệu USD/chiếc. Ảnh chụp năm 2016, từ trang này

Máy bay V22 Ospreys, 72 triệu USD/chiếc. Ảnh chụp năm 2016, từ trang này

*

Delta Force và Hải kích là hai lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ, có khi phải hợp tác với nhau phục vụ nhưng hay ganh đua vì mỗi đơn vị quân đội đều muốn giữ gìn tên tuổi và truyền thống riêng rẽ, nhất là giữa các đơn vị ưu tú với nhau, thích nói xấu nhau như là ca sĩ.

Lính Hải Kích trong một buổi luyện tập dưới nước. Ảnh từ trang này

Lính Hải Kích trong một buổi luyện tập dưới nước. Ảnh từ trang này

Delta Force từ ngày ra đời bị tổ trác, có lẽ vì mâm cúng không có gà xôi, và oản thì lại thay bằng mấy trái lựu đạn. Chiến tích của đơn vị này là một chuỗi dài uất hận, mất tí máu và rất nhiều nước mắt. Đây là một số thí dụ:

Một nhóm biệt động của Delta Force. Ảnh từ trang này

Một nhóm biệt động của Delta Force. Ảnh từ trang này

1983, tấn công cường quốc trong khu vực Carib là đảo Grenada (100.000 dân số), Delta Force hủy việc đánh một trại giam vì ở trong nó bắn ra kinh quá (phi công bị kết tội hèn nhát). Nhóm giải cứu sinh viên Mỹ thì đổ bộ nhầm chỗ và đi lạc đường , may mà có ông lão nào đó đi ngang chỉ cho chứ không phải mang một lực lượng khác đến để giải cứu biệt kích.

1989, tấn công một cường quốc khác ở Trung Mỹ và bắt tướng Noriega, Delta cũng nhầm địa chỉ khiến mãi sau mới bắt được ông này.

1993, Somalia, định bắt cóc sứ quân Aidid họ đổ bộ nhầm địa điểm và khi tháo lui, phơi thây trên “dặm đường Mogadishu” (như được thuật lại trung thực trong bộ phim “Black Hawk Down, 2001, của Ridley Scott)

2001, tại Afghanistan, sau khi ném bom 13 ngày “căn cứ cuối cùng” của lãnh đạo Taliban là giáo sĩ Omar, Delta Force gặp kháng cự mạnh mẽ bất ngờ. Ông Omar cũng chẳng có ở đó. Để gỡ thể diện, Trung đoàn 75th Biệt động (75th Ranger) quay phim chiếm một sân bay bên cạnh, đã được Taliban bỏ hoang vì Taliban nào có máy bay.

Lính Delta Force hóa trang thành dân Afghanistan. Ảnh từ trang này

Lính Delta Force hóa trang thành dân Afghanistan. Ảnh từ trang này

2003, Hải kích giải cứu nữ tù binh Mỹ Jessica Lynch tại một bệnh viện Iraq thành công rực rỡ lên hình. Quân đội Iraq đã rút hết khỏi khu vực và sau đó, nhân viên bệnh viện đã mang Lynch giao trả cho quân đội Mỹ nhưng bị họ nổ súng nên phải mang cô về bệnh viện trở lại, để Hải kích tấn công và quay phim giải cứu trong đêm.

Ngắn gọn, Delta Force nổi tiếng là nhờ diễn viên Chuck Norris và Toán 6 Hải kích nổi tiếng là nhờ bộ phim “Zero Dark Thirty”.

Một cảnh trong phim “Zero Dark Thirty”. Ảnh từ trang này

Một cảnh trong phim “Zero Dark Thirty”. Ảnh từ trang này

19. 02. 2017

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả