Sử-Địa

Người Syria đầu tiên đến Giao Chỉ chính là người La Mã đầu tiên đến Trung Hoa 6 June, 2024

Đỗ Kh.

Năm 2015 Trung Quốc ra mắt bộ phim truyện khủng “Kiếm rồng” (Dragon Blade, Thiên tướng Hùng sư) với Thành Long và John Cussack thủ vai chánh, kinh phí 65 triệu USD với vó ngựa mù mịt các đồi cát của con đường Tơ lụa. Chuyện này kể một sư Lê dương La Mã gặp cảnh sát giao thông và an ninh quốc lộ nhà Hán. Đây hư cấu hoàn toàn nhưng dựa trên một sự kiện lịch sử.

Bộ phim hư cấu Kiếm Rồng (2015), cảnh sát giao thông Trung Hoa gặp Lê dương La Mã đánh võng trên con đường Tơ lụa.

Năm 53 TCN, một lực lượng gồm 7 sư đoàn Lê dương La Mã bị Ba Tư (Yên Tức- Anxi- Parthia) đánh mất giáp tại trận Carrhae (Turkey-Syria ngày nay). Trên 40.000 quân này bị Ba Tư giết mất 20.000, bắt sống 10.000. Tư lịnh quân La Mã là Crassus, thuộc Tam đầu chế của đế quốc và người giàu nhất thời đó bị giết tại trận để lại hư danh (“giàu như Crassus”). Với những quân bị bắt và hàng, Ba Tư đày đi trấn miền Đông ở đầu kia đế quốc vì hàng binh mà để ở miền Tây thì nó chạy về nước nó mất.

Miền Đông của Yên giáp những gập ghềnh Thiên sơn, và do đó chạm vào phần lãnh thổ do Trung Hoa cai trị. Làng Lực Can (Liqian) tỉnh Cam Túc (Gansu) được cho là nơi một nhóm lính thú La Mã này lạc đến, vẫn còn hậu duệ ở nơi này 2000 năm về sau. Huyền thoại Lê dương ăn bánh bao nhân thịt tại Cam Túc từ đó mà ra; làng bèn xây tượng đài và du khách nội địa đổ đến Lực Can thăm con cháu 70 đời của lính La Mã.

Tượng đài “La Mã” tại Lực can, tỉnh Cam Túc, thuộc dạng Disneyland cho du khách đến thăm làng. Hình từ trang này

Năm 2007, thử nghiệm DNA cho thấy thuyết đó là bố láo, dân cư Lực Can nguồn gốc là Trung Á chứ không phải Âu châu hay Bắc Phi hoặc Trung Đông, tức là thuộc đế quốc thành Roma.

Ảnh so một cư dân Lực can ngày nay với tượng La Mã thời xưa. Người Lực can sau khi xét nghiệm DNA có nhiều gốc “Tây” Trung Á nhưng không phải La Mã. Hình từ trang này.

Một luận cứ về nguồn gốc La Mã đến Trung hoa vịn vào đoạn trong Hán thư có tả một đơn vị bộ binh thao diễn tác chiến dùng khiên chắn như là vảy cá. Đây là chiến thuật độc đáo của Roma, và đã đưa thành này lên hàng đế quốc về mặt quân sự. Nhưng luận cứ này không đủ thuyết phục, vì đơn vị nước Yên được Hán thư tả dùng chiến thuật này có thể đã học được qua con đường Ba Tư-Trung Á. Ở Việt Nam ngày nay đâu cũng nghe thấy nhạc Bolero không có nghĩa tổ phụ của ca sĩ Ngọc Sơn là người Mexico hay Cuba đến định cư thành Gia Định và mở quán karaoke.

Sử ghi là năm 161 hay 166 (tức 200 năm sau đó), sứ La Mã mới đến trình Hán Hoàn Đế tại Lạc Dương. Sứ này đi bằng đường biển, vì con đường bộ Tơ lụa ở Trung Á, châu Âu gặp Trung Hoa là phải đợi đến nhà Đường (thế kỷ 7) mới có.

Trở lại Thế kỷ 2, người La Mã đầu tiên đặt chân đến phần đất Trung Hoa là một nhà hàng hải từ Syria. Sau nhiều ngày tháng lênh đênh “tìm hoa biển trắng và trùng khơi nổi sóng”, anh đến đất liền và ghé vào một xóm nhỏ thì thấy có một cô ngồi dưới gốc dừa và nắng chiều lên mái tóc.

Anh hỏi đây là đâu?
Cô tình quê hương đơn sơ nói, đây là Đồ Sơn! Chưa đi chưa biết Đồ Sơn…
Đồ Sơn là ở đâu?
Cô nguýt ỡm ờ, cái… đồ… đó là ở Giao Chỉ quận!

Cô đứng dậy phủi đít và dẫn anh đến nhà Thái thú Giao Chỉ Đô hộ sứ. Và như vậy là La Mã gặp Trung Hoa qua lối Giao chỉ quận (lúc đó thuộc Trung Hoa) và Syria lúc đó là một tỉnh thuộc đế quốc La Mã tức Đại Tần. Bạn hàng hải này mang tên Alexander là người gốc Hy lạp, từ thành Tyre (Lebanon ngày nay). Khi nghe tin người yêu đi lấy chồng bạn bèn cầm công hàm độc thân lên ghe chèo qua tới tận Đồ Sơn và nói vung vít “Bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ nữ” tức là không vào hang cọp sao bắt được cọp cái.

Tyre quê bạn là một thành cổ ở bờ Đông Nam biển Địa Trung, có từ thời đồ đồng và lúc sử gia Herodotus viếng (TK 5 TCN) đã trên 2000 tuổi. Thành này bị đại đế Macedonia là Alexander chiếm và sau về tay La Mã. Khu vực này tạp chủng như là đế quốc La Mã thời đó. Lebanon từ ngàn xưa là nơi có cây tuyết tùng để đóng được tàu lớn đi buôn bán khắp Địa Trung. Chàng thủy thủ Alexander, mang tên Hy lạp, như đã nói, dạt đến Viễn đông ta. Trở về đến Tyre, anh kể chuyện đường xa, tả là ở bển đàn bà đi chùa không đeo sú cheng nhe mà đeo giải yếm đào, tay cầm nón quai thao và chân đi gót cao! Ngài Marinus thành Tyre là một địa gia (chứ không phải đại gia) bèn ghi lại nguyệch ngoạc tọa độ. Ngài Ptolemy thành Alexandria (Ai Cập) người Hy Lạp (hoặc người Ai Cập nói tiếng Hy Lạp) về sau bổ sung và lập nên một bản đồ thế giới nổi tiếng của ông, được Âu châu sử dụng cho đến thời Phục hưng. Trên bản đồ này, tại 8,5 độ cách Xích đạo, ông ghi ở góc cực phải thành “Cattigara”. Đây là nơi chàng trai Hy Lạp khi chiều nắng chưa phai dừng chân trên bến rất diễm tình, mà có nơi cho là Đồ Sơn hay Hải Phòng ở cửa sông Hồng.

Bản đồ Ptolemy, thế giới dưới mắt La Mã. Hình từ trang này

Bản đồ thế giới của Ptolemy cho đến TK 16 vẫn là căn bản tuy hẳn nhiên là thiếu chính xác. Cattigara có nơi cho là Ốc eo-Phù Nam tức An Giang ngày nay, có nợi lại cho là cửa sông Sài Gòn. Cái tên của nó gốc Ấn hơn là gốc Hoa nhưng thủa đó Sử cũng như Địa, ghi chép trật một ly là đi một dặm, chỉ cần một môn đệ ngáp dài và chép sai khi buồn ngủ là hậu thế bị nhầm. Có nơi cho Cattigara là cửa sông Châu ở Quảng hay là ở Hải Nam. Sao thì thuyết Ốc Eo có vài đồng tiền La Mã làm chứng, và có thể mấy chuyến sau sứ La Mã mói đến Trung Hoa qua ngả Đồ Sơn. Những chuyện đoán mò như thế cũng dễ hiểu thôi. Columbus, cho tới khi chết năm 1506, vẫn còn cãi là ông đã tới Viễn Đông chứ không phải đó là một châu mới sau này được gọi là châu Mỹ! Năm 1502, khi đến Costa Rica, Columbus đã nghĩ là đến Champa và ở đó có đầy mỏ vàng như trong truyền thuyết cho nên ông đặt cho tên là “Bờ biển Giàu”! Thế nếu Costa Rica là Champa thì tại sao Costa Rica lại không có ca sĩ Chế Linh?

Người xưa đâu? Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.
Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.
(Xuân Tiên)

Có nơi cho Cattigara là tại Peru (!) ở Nam Mỹ vì Peru có vàng! Theo người viết bài này, Chế Linh mới là người Lê Dương La Mã đi lạc sang Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc đi lạc sang Việt nam tới thị trấn nghiêng bóng dài đèn soi bước chân!

Vậy chiều ngược lại thì sao? Tây vực Đô hộ sứ là Ban Siêu (Ban Chao) năm 97 CN sai Cam Anh (Gan Ying) đi sứ sang Đại Tần, tức là La Mã. Nói qua, Cam Anh này không phải người Giao chỉ và tục gọi Tư Cam tức là anh của Năm Cam (hay Cam Em) nhe. Ông Cam này đi cũng xa, tới một nơi ông gọi là “Biển Tây”. Ở chiều này cũng thế, có thể là Hắc Hải hay cả Địa Trung nhưng xác xuất lớn thì là vịnh Ba Tư, lúc đó thuộc đế quốc Yên Tức (Anxi-Parthia) và ngày nay là miền Nam Iraq đâu đó cạnh Kuwait. Ông hỏi thăm đường đến La Mã, thì người địa phương trả lời rằng đường nào cũng đến thành La Mã cả! Nếu dùng đường biển đi vòng bán đảo Ả rạp thì nếu, nếu gió thuận mất cỡ 3 tháng, nếu gặp trục trặc thì mất đến 2 năm nên tàu nào lên đường cũng mang 2 năm lương thảo. Cam Anh bèn bảo, những 2 năm hả, thôi, tôi đi về nhà.

Phải như đi về hướng bắc bằng đường bộ theo sông Euphrates thì Cam Anh đã đụng đế quốc Đại Tần chỉ cách có mấy tuần thôi! Vương lộ (Royal Road) do Darius xây 600 năm trước và dài 2700 km đến đầu kia của đế quốc dùng sứ giả kỵ mã mất có 9 ngày. Nhầm lẫn của ông này là không hỏi đường bộ mà đi vào văn phòng bán vé đường thủy. Cam Anh là người Trung Hoa đầu tiên viết về Âu châu, mặc dù chỉ phong thanh thôi chứ bác tài chưa đưa ông đến bến: “Họ người cao ráo và tính tình lương thiện, xài tiền 1 đồng vàng đổi ra được 10 đồng bạc”.

Sếp của Cam Anh là Ban Siêu nghe vậy thì biết vậy. Ông Ban này là người cả họ nhà ông góp công mới biên được Hán thư. Ông là tác giả của các câu ngày nay còn truyền miệng như “vào hang cọp” đã dẫn, “xếp bút theo cung” hay “chết không để tiếng chẳng phải tráng sĩ” v.v. Cô em ông là cô Ban Chiêu (Ban Zhao, tức “Chiều Ban Zhao, trong vùng đêm đen biên giới”) còn viết sách (có hình?) tả các cách ái ân kiểu Tây vực cho Triều Hán nhóp nhép. Nhưng sách hình 36 kiểu Tây vực cũng như tập “Đông chinh phú” của cô thì nay đã thất lạc và chỉ còn để lại sách dạy đời phụ nữ. Phần Cam Anh, tiếc thay là ông không có đến tận nơi mà học được các thế đứng ngồi nằm Đại Tần.

Tứ hải Hoa Di Tổng đồ. Đại Tần quốc tức La Mã ở cực trái, hàng chữ thứ 3 từ dưới lên. Hình từ trang này

Viễn Tây phải đợi đến nhà Đường vào thế kỷ 7 để bành trướng tối đa. Năm 751, tại Đát La tư (Talas) cách nơi nhà thơ Lý Bạch ra đời là Toái Diệp (Suyab) có trên 100 km và là Kyrgyzstan ngày nay, quân Đường bị một thế lực mới nổi dậy chặn lại. Đó không phải là La Mã mà là nhà Abbasid Hồi giáo của thành Baghdad.

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả