|
|||||||||||||
|
Điện ảnh“Đồ tể”: đạo đức nào và khoảng cách nào cho người làm phim tài liệu? 3 May, 2024Sáng Ánh“The Act of Killing” (Hành vi hạ sát, tựa Indonesia là “Jagal”, Đồ tể) là một bộ phim xem xong thì khó ngủ. Độ dài 159 phút là một lý do làm người xem có thể bị quá giấc. Đấy là đang nói ‘Bản dựng của Đạo diễn’ (Director’s Cut) Joshua Oppenheimer, tức bản đầy đủ và ưng ý nhất của người làm phim. Bản chiếu rạp, vì lý do thực tế và tiện lợi, chỉ còn 117 phút. Ngoài ra còn một bản cho truyền hình, dài 95 phút. “Đồ tể” được xem là phim tài liệu hàng đầu từ trước đến nay, độc đáo vì trong bộ phim tài liệu này có cài thêm một bộ phim hư cấu, hay đúng hơn, nó là một bộ phim dựng lại câu chuyện của trên 40 năm về trước. “Đồ tể” ra mắt năm 2012 nhưng khởi quay từ tận 2005, mất bằng ấy năm để thực hiện xong. Tốn phí là 1 triệu USD, tiền thu từ rạp là 0.5 triệu tại Mỹ-Canada, thêm 700.000 tiền thu từ rạp tại nước ngoài. Bộ phim được đề cử Oscar và đoạt giải BAFTA (giải của Viện Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc) cùng nhiều giải khác. “Đồ tể’’ mua buồn cũng phải mất vài trống canh, kể cả việc mất giấc qua đêm vì nó khiến người xem thêm nghĩ ngợi. Một chuyện động trời thầm lặng Khoảng 2005, Oppenheimer (song tịch Anh-Mỹ và thường trú tại Danmark) sang Indonesia giúp một công đoàn thợ cạo mủ cao su làm phim về đấu tranh giữ đất giữ rừng và giữ công ăn việc làm. Việc này thất bại, công đoàn bị giải tán, đất rừng bị chiếm để dùng vào việc khác. Lực lượng cưỡng chế đất rừng này là Thanh niên (Pemuda) Pancasila – tổ chức bán quân sự của nhà nước lên đến 1,5 hay 2 triệu thành viên. Một công nhân cạo mủ cho Oppenheimer biết, đây là hậu thân của một tổ chức từng đàn áp và giết hại gia đình anh vào 1965, tức 40 năm về trước. Oppenheimer bèn nảy ra ý chuyển sang thực hiện một phim tài liệu về các nạn nhân của biến cố 1965 tại Indonesia. Ngày ấy, tổng thống Sukarno là một lãnh tụ trung lập về mặt quốc tế. Ông là một trong những ngưới thành lập phong trào Phi liên kết, tức là không Mỹ cũng chẳng Liên-xô. Trong nước, ông dựa trên sự cân bằng giữa ba thành phần chính trị, gọi là đường lối NASACOM: Quốc gia-Tôn giáo-Cộng sản. Năm 1965, quân đội, tức là thành phần quốc gia, được sự ủng hộ của thành phần tôn giáo, lật đổ ông và thanh toán tận gốc rễ thành phần cộng sản. Đảng cộng sản Indonesia, PKI, lúc đó có số đảng viên lớn thứ ba trên thế giới, là một chính đảng hợp pháp, được tham gia ứng cử và tham gia chính quyền. Đêm 30. 9. 1965, họ bắt giữ 6 tướng lãnh quân đội để chống đảo chánh (?) Tương kế tựu kế, quân đội bèn đảo chánh luôn. Cuộc đảo chánh không chỉ đảy PKI sau đó vào bóng tối mà vào sự tận diệt. Từ nửa triệu cho đến 2.5 triệu người bị sát hại trong thời gian 1965-1966. 1.5 triệu người bị bắt giam cho đến hơn 30 năm sau. Điều đáng ngạc nhiên nhất là việc này xảy ra mà dư luận quốc tế không hay biết và không quan tâm, cho đến ngày nay đó vẫn là một cuộc thảm sát thầm lặng. Tổ chức Thanh niên Pancasila là cơ bắp của chính quyền và dựa trên thành phần côn đồ phố thị gọi là ‘preman’. ‘Preman’ là từ tiếng Anh “free man” (con người tự do) đọc trại đi. Tương đương gần nhất tiếng Việt có lẽ là “du côn”. Đây là dân anh chị chòm xóm có truyền thống băng đảng lâu đời. Không phải việc gì cảnh sát hay quân đội cũng để mắt đến được, nên guồng máy cai trị cần đến những con người này trong các việc bên lề luật pháp và các chuyện tế nhị, hay kém phần tế nhị thì đúng hơn. Ngược lại, nhà nước cũng nhắm mắt để cho họ chứa thổ, đổ hồ, buôn lậu, thu thuế tống tiền. Trong cuộc tàn sát tập thể năm 1965, đây là thành phần chủ yếu tại đô thị nhúng tay vào máu.Năm 1998, chế độ quân phiệt sụp đổ và Indonesia đi vào giai đoạn dân chủ, nhưng lịch sử chính thống vẫn được duy trì và sự thật vẫn được bưng bít, và có đề cập thì vẫn phải thầm thì. Trong cái khó ló cái khôn Nhà làm phim tài liệu Oppenheimer, khi phát hiện ra chuyện này vào 2005, đã định thực hiện một bộ phim về những nạn nhân còn sống sót, về gia đình của những người bị thủ tiêu, về hoàn cảnh tù tội và bị phân biệt đối xử của họ. Nhưng 7 năm sau khi quân phiệt ra đi, việc làm phim này vẫn bị chính quyền địa phương cản trở, các nạn nhân cũ bị đe dọa và sợ sệt không dám cộng tác. Trong khi đó, các đồ tể của 40 năm trước chẳng những sống ngang nhiên mà còn được coi là anh hùng quốc gia, thành tích giết người được ngưỡng mộ. Oppenheimer bèn nảy ra ý là dùng họ làm chủ đề thay vì dùng nạn nhân! Việc này được chính quyền địa phương tán thành ngay, các sát thủ ngày trước hăng hái nhận lời, Thanh niên đoàn Pancasilla vui vẻ cộng tác! Không nghe phía nạn nhân kể lại được thì ta nghe từ phía giết người. Tuy quan điểm đối chọi nhưng vẫn là sự việc đó thôi. Tuy nhiên, quan điểm đặt máy này lại gây ra một vấn đề đạo đức khiến người xem phải lấn cấn trong tâm. Ta có thể chọn một quan điểm trung tính (tuy trung tính cũng dễ bị chết vậy, hỏi ông Sukarno xem). Ta nghe phải và ta nghe trái. Ta cũng có thể chọn quan điểm phải hay quan điểm trái, nhưng máy của ta là theo một phe. Tuy là bắt buộc vì không thể nào khác, nhưng lựa chọn của Oppenheimer có gì đó không lương thiện. Anh ngụy trang màu máy quay phim của mình để lừa các nhân vật được anh phỏng vấn. Họ giết người đấy, là chuyện của sát nhân. Nhưng lương tâm nghề nghiệp là chuyện của anh – người làm phim. Và người xem không khỏi thấy bứt rứt vì việc này. Cảm giác khó chịu ấy đeo đuổi trong khi xem, và xem xong rồi nó cũng không biến mất cho. Oppenheimer chạy được quỹ để sản xuất từ đạo diễn nổi tiếng Werner Herzog (Cành cọ vàng Cannes 1982) và Errol Morris (Oscar phim tài liệu). “ Đồ tể” đồng đạo diễn với Christinne Cynn và một đạo diễn Indonesia giấu tên. Toàn bộ 27 nhân viên Indonesia trong đoàn đều giấu tên, để tránh bị chính quyền nước họ gây khó dễ. Oppenheimer đề nghị/dụ dỗ được một sát thủ tại Medan không những thuật lại thành tích giết người hàng loạt của ông ta, mà còn dựng lại những cảnh này thành phim, theo ý của đương sự! Ông Anwar Congo này rất vui với đề nghị, vì dù sao ông vẫn được dư luận và chính quyền vinh danh về những thành tích ngày ấy, nay lại thành phim thì quá thích đi chứ. Như vậy, bộ phim tài liệu “Đồ tể” đã đội lốt một phim ca tụng quá khứ trừ gian diệt cộng của Anwar. Nhờ ông Anwar này, Oppenheimer có được mọi sự dễ dãi của tổ chức Thanh niên Pancasila và cầm máy vào ra như người nhà. Việc tạo được sự tin tưởng này không phải một sáng một chiều mà kéo dài trong thời gian thực hiện bộ phim là 6 năm, đi đi lại lại. Anwar… Để dựng lại chiến tích cũ thành phim, Anwar vời tay bạn cũ Adi Zulkadry giờ ở xa, trở về Medan tham gia. Hai người từng đứng đầu tổ thủ tiêu của thành phố, nhưng trong “Đồ tể” của Oppenheimer họ giữ hai vai khác biệt. Anwar lòe loẹt, lúc nào cũng ăn mặc điệu đà, có lúc mắng đàn em, mày biết gì, tao là nghệ sĩ còn mày thì không! Y chăm chút ngoại hình, từ mái tóc đến cái răng giả “Tao xức dầu khiến người đi qua quay lại đánh mũi, sao thơm phức thế. Dầu tao xức là Christian Dior!” Xuất thân làm nghề bán vé lậu trước rạp hát, thần tượng của y là các vai găng-xtơ trong phim Mỹ, vai anh chị của các phim ca nhạc kịch. Anwar là một người mê điện ảnh thập niên 60-70, ngưỡng mộ Al Pacino và cho là mình giống diễn viên Sydney Poitier: “Nhìn thẳng thì không giống mấy nhưng nhìn ngang thì có thể tưởng lầm”. Y không có chiều sâu, nhưng sự nông cạn này làm cho nhân vật thành… dễ mến. Ta không biết được, nhưng ta có cảm tưởng y là một người chân thật, không khoác lác mà còn khiêm tốn đôi phần. Cho nên khi y nói là tự tay từng giết 1.000 người thì ta tin được. Lúc đầu, dắt họ lên sân thượng còn phải đâm phải chém, Anwar kể là máu ra lai láng, bẩn hết sân và mùi hôi rất khó chịu. Y bèn nghĩ ra cách xiết cổ họ bằng dây thép nối vào hai khúc cây dùng làm tay cầm. Khi thẩm vấn, y để nạn nhân nằm dưới sàn và kê lên cổ họ một cái chân bàn. Anwar ngồi lên bàn với các bạn, hát xong một bài hát vui thì nạn nhân chết! Anwar không tâm tư gì hết. Y tin tưởng là việc y từng làm là xuôi chiều của lịch sử, và phải ghi lại thành phim cho thế hệ sau còn nhớ đến công ơn. Anwar chỉ hối hận có một chuyện. Bận cắt cổ một người trong rừng, đi rồi y mới nhớ là sao không khép mắt của cái đầu lại và về sau tiếc mãi, có khi ác mộng về chuyện này. … và Adi Adi là nhân vật tương phản với Anwar. Adi giết người có lẽ kém bạn, cỡ có mấy trăm thôi. Adi lãnh phần mang xác các nạn nhân ném xuống con rạch ở gần đó. Khi có lệnh giết hết Hoa kiều, y ra phố đến từng nhà để đâm chết, hết nhà này sang nhà khác. Đi hết phố, y gặp người quen “Lúc đó bạn gái tao là gốc Hoa. Tao gặp bố nó ở góc đường, đâm cho mấy nhát, rồi tao phang lên đầu cục gạch!” Về ngoại hình ngày sau, Adi không còn cái vẻ du đãng của thủa nào mà là một người đàn ông lớn tuổi trung lưu chững chạc. Y thâm trầm và hiểu biết hơn bạn, và ý thức về những việc mình từng làm. Y không phải chỉ là một tay dao buông thả, chém để lấy vui như Anwar, và có lẽ là nhờ đó mà về sau đạt được một địa vị hay tài sản khá hơn là bạn. Trong khi Anwar ngây thơ bám vào lời rao của chế độ để mà thanh thản thì Adi hiểu rõ hết. Tuyên truyền của chính quyền lúc ấy, y cho là bố láo! Y bảo, Cộng sản không có ác, mình mới là ác. Đây không có nghĩa là Adi thay đổi tâm tư hay hối hận lúc về già. Y coi mình là người thắng, và “người thắng được viết lịch sử”. Y ác và y nhận là ác, nhưng “đạo đức là tương đối” và Adi thấy chẳng có việc gì. Phim cho thấy Adi với vợ và con gái lớn đi mua sắm trong thương xá cao cấp, chụp selfie và mát-xa mặt. Khi được hỏi về Công ước Geneva thì Adi đáp “Geneva là gì? Sao không có Công ước Jakarta? Bush (vô cớ) đánh Iraq đó, sao không mang ra mà xử đi?” Khi Anwar than là hay bị ác mộng về chuyện cũ, Adi khuyên là nên đi bác sĩ tâm thần, họ cho uống thuốc là ngủ được ngay. Những chi tiết nhỏ của bộ phim lớn Xin nhắc lại, đây là một bộ phim tài liệu. Nhưng nhờ kiên nhẫn và bám sát mà thực hiện trong suốt mấy năm liền nên đạo diễn đã lột trần được các nhân vật. Trong những đoạn phỏng vấn của phim, ta cảm tưởng có sự dàn dựng khéo léo của kịch bản một bộ… phim truyện. Phim có những chi tiết, tuy là thật và tài liệu nhưng giống như là xếp đặt tài ba. Đó là những vai phụ để tạo thêm nét sắc cho bộ phim. Thí dụ tay lãnh đạo Thanh niên Pancasila toàn quốc đang chơi golf thì bảo với cô caddy vác gậy là “Em có mụt ruồi ở chỗ kín”. Ở một đoạn khác, trong bàn tiệc, cũng tay lãnh đạo này bật cười khi nghe kể chuyện về một cô khẩu dâm hết 6 ông trên một chuyến xe mà không để rơi một giọt nào. Một thí dụ khác là tỉnh trưởng Bắc Medan răng hỏng, dáng phục phịch và người hề hề. Rồi một đại gia có miếng đất 200 triệu USD khoe bộ sưu tập thú bằng pha lê, cứ giới thiệu tới mỗi cái lại nhắc “Hiếm lắm, hiếm cực kỳ”. Hay Đại biểu Quốc hội của tỉnh có một dinh thự mênh mông bày toàn thú nhồi, nai hươu hổ báo được bọc nhựa cẩn thận để bảo vệ. Những chi tiết ấy có cần thiết cho thông điệp của bộ phim không hay là nặng nề và thiếu tế nhị như trong một bộ phim truyện rẻ tiền? Khi ta thấy đồ tề Anwar khuyên hai đứa cháu lên 7 lên 8 phải xin lỗi một con vịt con bị chúng nghịch làm què, “Đây là tai nạn thôi, con nói với vịt đi!” thì ta thấy nó nặng nề. Ta đã biết, Anwar là kẻ từng tự tay hạ sát đâu đó 1.000 mạng người, có cần phải dùng bút chì màu gạch đít thêm những mẩu như vậy không? Như vậy trong chuyện thảm sát này, ta có đủ các nhân vật cần thiết. Tay dao nhởn nhơ, tay dao thâm trầm và tay dao cơ hội. Ở trên họ, và ngày nay hưởng thụ thành tích máu me đó, đại diện cho quyền lực, là chủ tịch Thanh niên Pancasila, tỉnh trưởng Medan và đại biểu quốc hội địa phương. Cao xa, thấp thoáng là phó tổng thống nhà nước, một thứ trưởng thanh niên thể thao. Truyền thông hướng dẫn dư luận có một cô dẫn chương trình truyền hình thời sự, cười rúc rích và vỗ tay tán thưởng khi nghe khoe chuyện giết người. Vậy là đủ cả. Trong suốt bộ phim, các nạn nhân chỉ dược bày tỏ quan điểm có ba bận. Lần đầu là gián tiếp khi Anwar và Herman đến một xóm tuyển diễn viên quần chúng cho bộ phim của họ. Mọi người từ chối, vẻ lấm lét sợ hãi. Herman giải thích cho đạo diễn, bọn ở đây ngày trước toàn PKI, giờ đóng phim nó sợ bị coi là PKI thật! Lần thứ nhì là trong đoàn, có một nhân viên nổi hứng kể lại chuyện đời anh. Cha nuôi anh bị gõ cửa chém chết tại nhà và anh lúc lên 10 phải khiêng xác ông với người cậu đi chôn lén ở xa. Anh đề nghị thêm cảnh này vào phim thì bị Anwar bác vì lý do thực tiễn, làm thế tốn kém lắm! Lần thứ ba, trong cảnh đốt làng và giết tất đàn bà trẻ con, có con gái của Herman đóng vai quần chúng. Xong rồi, em vẫn còn tấm tức mắt nhạt nhòa. Herman đến dỗ con, dùng tay hỉ mũi cho nó, quay xong rồi, con đừng khóc nữa. Đại cảnh đốt làng này có thứ trưởng thanh niên đến thăm. Đến nơi ông đôn đốc nhưng khi ra về, ông bảo, ta làm kinh quá, không có lợi đâu. Nhưng cảnh này đừng có xóa, giữ lại nhá, để khi nào tổ quốc lâm nguy thì ta mang ra chiếu để cho thấy là ta đã sẵn sàng và dấy loạn thì đây là hậu quả! Chơi với đồ tể có ngày dính máu Giải diễn viên phụ xuất sắc về tay nhân vật đàn em Herman to béo của Anwar cứ lẩn quẩn bên thày. Anh này sinh sau, giờ chỉ tống tiền thương gia người Hoa ngoài sạp chợ, chứ trước không có tham gia vào bể máu. Anh là nhân vật ngoại truyện của sự cố lịch sử (30. 9. 1965) và anh ở đây để giúp vui chứ không thì bộ phim cũng chán. Thày anh tung thì anh hứng, thày cười thì anh nhếch mép theo. Nhiều cảnh anh cải trang thành phụ nữ rất lố lăng màu mè nhưng ấn tượng nhất là cảnh dài 2 phút anh cởi trần đánh răng rất kỹ, bọt kem rơi ra vương vãi trên cái bụng khổng lồ. Đây là một cảnh đáng nhớ, nếu không có nó thì bộ phim chỉ có 157 phút thay vì 159. Chuyện ‘lố lăng’ này là do ý của “đạo diễn” Anwar. Như đã kể, để thực hiện được “Đồ tể”, Oppenheimer tạo cơ hội cho Anwar làm một bộ phim thuật lại thành tích giết người năm xưa. “Bộ phim trong bộ phim” này rất màu mè, Anwar có lúc lên quần áo cao bồi Mexico và Herman giả vai nữ uốn éo, có màn ca nhạc kịch, một đoàn vũ công múa trước biển hay là trước một thác nước. Nó khiến cho “Đồ tể” có lúc như một bộ phim siêu thực như “Un chien Andalou” (1934) của Luis Bunuel hay phân đoạn ‘nằm mơ’ trong “Dodes Kaden” (1970) của Akira Kurosawa. Đã đành, đây là thẩm mỹ điện ảnh của tay cựu đồ tể, nhưng khiến ta không khỏi nghĩ đến vai trò ngầm của quân sư Oppenheimer. Nếu không là người giật dây và cố vấn nghệ thuật, thì anh cũng là “nhà sản xuất” của “bộ phim con” này. Oppenheimer thuê cả một đoàn làm phim Indonesia, có phục trang, hóa trang, họa sĩ, quay phim, đạo diễn, ánh sáng v.v. để cho Anwar thỏa chí sáng tạo. Nó ngây ngô qua lố, như một phim bình dân Ấn Độ nhưng có lẽ Oppenheimer không biết là khi ‘lừa’ Anwar như thế, cái ngây ngô dù muốn dù không cũng đã xen vào tác phẩm và thông điệp của chính bộ phim mẹ là “Đồ tể”. Lựa chọn thẩm mỹ này hẳn phải có ý thức, tựa như một bài thơ nhắc đến điển Đường thi. Điển tích điện ảnh ở đây có hai tầng. Một tầng đầu lộ liễu và nhan nhở, bình dân do Anwar gây dựng. Tầng nhì là do Oppenheimer nhìn cái giễu nhại đại chúng của nhân vật đồ tể này bằng khung hình có lúc nhắc đến Andrei Tarkovski! Ta không biết cái nào khó chịu hơn. Nhưng xui trẻ con ăn cứt gà thì cũng nên tinh vi hơn một tí. Lố bịch là một loại sơn màu dễ lem, không sử dụng khéo thì nó dính vào tay. Vẫn là điều không nên nói ra, tại Indonesia “Đồ tể” được phát hành ở nước ngoài và được nước ngoài đón nhận nồng nhiệt và liệt ngay vào hàng phim tài liệu xuất sắc nhất từ trước đến giờ. Mặc dù đã sang 2012, dưới tổng thống dân cử thứ ba là Yudhoyono, phim vẫn không được phát hành tại rạp ở Indonesia. Phải nói, cho đến giờ, chưa có chuyện xét lại lịch sử của giai đoạn 1965-1966. Năm 2018, người viết này khi thăm bảo tàng tại Monas (Tượng đài Quốc gia) vẫn thấy bày cảnh cha già lập quốc Sukarno trên giường bệnh, trăn trối nhờ tướng Suharto trông coi hộ quốc gia. Câu chuyện thật vẫn chưa được chính thức hóa, là tướng này lật Sukarno, nhốt vào Dinh và khi bệnh thì cho chết nhanh đi chứ không chữa chạy. Nhưng thế đấy, Tổng thống dân chủ đương nhiệm Widodo, khi nghe nhắc đến cuộc thảm sát ngày ấy thì bảo, xin lỗi gì mà xin lỗi khi cả hai bên đều là nạn nhân! Tuy nhiên cũng có trên 60 buổi chiếu phim đặc biệt tại Indonesia và theo Oppenheimer thì Anwar rất là hài lòng với bộ phim chứ không trách móc gì ai cả. Nói tóm lại, phim làm xong, Anwar xem mà vẫn không biết là mình bị Tây nó lừa. Nhưng lừa một đao phủ đẫm máu người để y vênh váo tự nhận tội thì có đáng trách không? Việc này để mọi người xem xong mất ngủ mà tự hỏi. Bộ phim (tài liệu, nhắc lại lần chót) “Đồ tể” là một bộ phim tâm lý và cho ta cơ hội gần gũi, thân mật luôn, với cá nhân những kẻ giết người hàng loạt. Bộ phim có một giá trị toàn cầu, cho dù sự kiện này xảy ra lúc nào và ở đâu, đó là thông điệp, “nhìn gần sau khi đã buông dao thì ai cũng là người thôi, có vợ có con có cháu và biết thương con vịt què.” Ai chưa biết thế thì cũng nên coi cho biết. “Đồ tề” có thể khéo, vì thực hiện được mỹ mãn, nhưng nếu ta coi đây là một bộ phim truyện hư cấu thì phim không tránh khỏi cái cường điệu và một kết cục có hậu đã đoán được từ đầu, Phim kết thúc bằng một cảnh đêm với Anwar một mình trên cái sân thượng pháp trường. Y hồi tưởng, bỗng nhiên ho xù xụ, khạc nhổ, hình như là có nôn mửa gì đó chút xíu rồi lặng im… * 26. 07. 2019 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|