Sử-Địa

Địa lý dễ thuộc: Dubai (vốn) là gì? Hejaz là ở đâu? 26 May, 2024

Sáng Ánh

Tòa án Anh vừa phân xử vụ ly dị tốn kém nhất lịch sử của Anh quốc. Công chúa Haya là vợ thứ (và thứ 6) của vương Dubai – ông Mohammed al Maktoum – mang hai con sang đó xin tỵ nạn chồng. Bà đệ đơn ly dị và việc này khiến lối sống (ờ thì vương giả vương thật) của vợ chồng này được phơi bày trước tòa án, tức là trước công chúng. Thí dụ, có năm họ tốn 2 triệu USD riêng phần hoa quả nhón trái dâu bỏ vô miệng. Bà Haya đòi 2 tỉ, tức là đủ để ăn trái dâu trong 1000 năm. Tòa xử, cho bà trên 600 triệu USD thôi. Nhưng bài viết này không bàn về chuyện đó, tức chuyện bà cần bao nhiêu tiền và để làm gì.

Dư luận cho rằng bà Haya là chuột sa hũ gạo, hay hũ trái dâu, và có thế thật. Nhưng vương Mohammed nếu thích sắc thì đã lấy người như Hà Tăng hay Hà Hồ, đẹp từng centimét hay đại loại. Ông rất giàu, ai cũng biết vậy, và vợ cả thường là vợ ép bởi gia đình, kiểu cô này thuộc phe trong triều, hay cô kia bộ tộc bên ngoài để củng cố phe cánh. Nhưng năm 55 tuổi, tại sao ông lại lấy một cô đã 30, chứ không phải 16, lại không biết đàn không biết hát, hai chân bắp chuối không biết vũ Nghê thường, tuy biết cỡi ngựa dự thi Thế vận hội và tốt nghiệp đại học Oxford.

Vợ chồng vương Dubai vào thủa những ngày xưa thân ái. Bà thích ngựa, từng là kỵ sĩ thi Thế vận hội. Ông thì nuôi 400 con ngựa, là loại xuất sắc và chạy nhanh nhất thế giới nên họ luôn có mặt ở Ascot và các cuộc đua. Nhưng 1 con ngựa, hay là 400, cũng không làm nên hạnh phúc được. Ảnh ở đây

Vợ chồng vương Dubai vào thủa những ngày xưa thân ái. Bà thích ngựa, từng là kỵ sĩ thi Thế vận hội. Ông thì nuôi 400 con ngựa, là loại xuất sắc và chạy nhanh nhất thế giới nên họ luôn có mặt ở Ascot và các cuộc đua. Nhưng 1 con ngựa, hay là 400, cũng không làm nên hạnh phúc được. Ảnh ở đây

Khi có tiền rồi mua gì cũng được, kể cả mua trái dâu, thì người ta muốn gì? Giàu thì phải sang, sau khi mua quần mua áo, mua nhà mua xe, người ta muốn mua danh. Cô Haya đây là đẳng cấp trên, là công chúa (Amira) chứ vợ hay con của anh này thì chỉ đến chức tiểu nữ vương (Sheikha). Chân cô bắp chuối không sao hết. Bố cô là vua và anh trai cô là vua nước Jordan, ông cố nội cô là vua nước Hejaz, ông cố kia của cô là vua Syria và ông cố nọ của cô là vua Iraq v.v. Trong khi đó, anh Mohammed này xuất thân từ một gia đình tương đương xã trưởng một làng chài.

NHÀ TRAI

Đây nói chuyện một làng chài chính xác làng chài, là Dubai vào thế kỷ thứ 19 và cho đến tận phần sau của thế kỷ thứ 20. Trong ký‎ ức của người viết này (Sáng Ánh) năm 1978 (???) từ trên cao nhìn xuống, Dubai lúc đó là một con đường điện vàng vọt ra hướng biển, hai bên là đất đỏ mênh mông. Nói tóm lại, anh Mohammed này thuộc dạng chúa mọi ở miền xa, giờ tiền rơi tiền vãi mới đụng đến được bắp chuối của công chúa trong mơ.

Về lịch sử của làng chài này, năm 1833, họ Maktoum thuộc tộc Bani Yas gồm 800 người giục ngựa, giục lừa, giục lạc đà và lỉnh kỉnh giáo gươm, từ bên trong đồi sỏi sa mạc đổ ra làng Dubai tìm chỗ dung thân. Dubai nhất bãi (biển), vạn đại dung thân. Họ quản cái làng chài chết tiệt này như vậy là 188 năm. Năm 1949, khi anh vương Mohammed này được sinh ra, dân số làng Dubai là 20.000. Khi độc lập (1971), nó là 86.000 người. Vương quái gì mày, cả họ nhà mày làm cai mấy đời cái thị trấn Long Hải cạnh Vũng Tàu, đại khái là như vậy.

Một góc làng chài Dubai ngày ấy

Một góc làng chài Dubai ngày ấy

NHÀ GÁI

Từ thế kỷ thứ 10, nhà Hashem làm Sherif (giáo đốc hay giáo trấn, tổng trấn hay tổng đốc) thành Mecca. Khác với Dubai hay Long Hải, đây là thánh địa của đạo Hồi và thành phố quan trọng nhất của cả tôn giáo này chứ chẳng phải chỉ của bán đảo Ả rạp, chí ít là về mặt biểu tượng. Một ngày 5 bận, các tín đồ trên thế giới quay về hướnhg thành phố này mà cầu nguyện. Trước Hồi giáo, nó đã là trung tâm buôn bán, kho chứa hàng và phân phối trên con đường tơ lụa, là ngã tư sa mạc. Từ vị trí đó Hồi giáo mới bành trướng được khắp bán đảo rồi khắp Á-Âu-Phi. Trải qua 1.000 năm đủ các đế chế và triều đại, nhà Hashem này vẫn khéo léo giữ được chân giáo đốc. Từ thế kỷ 15 họ được đế quốc Ottoman (Thổ) tiếp tục giao cho vai trò này.

Trong Thế chiến thứ nhất, Ottoman (Thổ) về phe các đế quốc Đức, Áo-Hung và vương quốc Bulgaria. Trong thời chiến, Anh Pháp đã dụ dỗ người Ả rạp nổi loạn lên chống Thổ. Sau khi Thổ bại trận, nhà Hashem nhờ khôn khéo thêm lần nữa và nhờ chọn đúng phe, được đồng minh Anh Pháp phong cho là “Vua người Ả rạp”. Lãnh thổ này gồm Hejaz, Syria (sau thêm vào Palestine), Jordan và Iraq.

Bản đồ năm 1918 do T.E. Lawrence đề nghị với nội các Anh quốc, chia bán đảo Ả rạp cho 3 người con của Sherif Hussein thành Mecca. Nếu người đọc thấy rối mắt và không hiểu thì cũng chẳng sao cả. Chính Lawrence còn không biết (dấu hỏi). Bộ trưởng bộ thuộc địa Churchill thi hành một kiểu khác. Pháp chen vào lật vua Syria. Cậu thứ tư không có vai gì đâm bất mãn. Bốn anh em nhà này lại giành giật nhau thì bố ai (hay bố họ là Sherif Hussein) biết làm sao. Abdallah I, là ông cố của bà Haya còn giữ được Jordan ngày nay. Ảnh ở đây

Bản đồ năm 1918 do T.E. Lawrence đề nghị với nội các Anh quốc, chia bán đảo Ả rạp cho 3 người con của Sherif Hussein thành Mecca. Nếu người đọc thấy rối mắt và không hiểu thì cũng chẳng sao cả. Chính Lawrence còn không biết (dấu hỏi). Bộ trưởng bộ thuộc địa Churchill thi hành một kiểu khác. Pháp chen vào lật vua Syria. Cậu thứ tư không có vai gì đâm bất mãn. Bốn anh em nhà này lại giành giật nhau thì bố ai (hay bố họ là Sherif Hussein) biết làm sao. Abdallah I, là ông cố của bà Haya còn giữ được Jordan ngày nay. Ảnh ở đây

Như vậy sau Thế chiến thứ nhất, anh em và cha con nhà Hashem được chia nhau 5 nước ở trên, gọi là “Giải pháp Sherifian” tức là giải pháp trao lãnh thổ trên cho họ Hashem, “Sherif” thành Mecca. Lãnh thổ này như vậy gồm thành phố thánh Mecca, thành phố thánh Jerusalem, cả Damascus (từng là thủ đô của đế triều Ummayad), lẫn Baghdad (từng là thủ đô của đế triều Abbasid). Bốn cái tên này đều lừng lẫy thế giới và họ Hashem lần lượt đánh mất hết: Damascus năm 1920, Mecca năm 1924, Baghdad năm 1958 và Jerusalem năm 1967.

HEJAZ Ở ĐÂU?

Vậy thì Hejaz là gì ? Nó chính là khu vực miền Tây của Ả rạp « Saudi » hiện nay. Đây là khu vực “phát triển” và “văn minh” từ thế kỷ thứ 7 khi Hồi giáo ra đời, là một trung tâm trao đổi, là chặng cuối của sa mạc trước khi ra cảng Jeddah hướng Tây trên Hồng hải, hướng Bắc lên Palestine ra Địa trung hải, hướng Nam đến Yemen và vịnh Aden. Như vậy Hejaz chính là Ả rạp “Saudi” trước khi nó thuộc về nhà Saud.

Phía đông của Hejaz lại là khu vực Nedj toàn cát và sa mạc, có các bộ lạc đồi sỏi hay du mục, có nhà Saud đầu dê mặt lạc đà theo đạo Hồi nhưng phiên bản khắt khe là Wahabi. Đây thể như phân tranh Trịnh Nguyễn, và Gia Long-Ibn Seoud dẹp được loạn Đằng trong trước khi thống nhất sơn hà. Nhà Saud của Nedj hung hăng sau khi bình xong sa mạc bèn đổ ra hướng biển, chiếm Mecca, và năm 1932 thành lập “Ả rạp của nhà Saud”. Vua Hejaz là nhà Hashem bỏ chạy. Nếu ông ta giữ được thì nước này ngày nay đã tiếp tục được gọi là Hejaz. Nếu ông ta thắng luôn Saudi và chiếm cả Nedj thì ngày nay nước này là Ả rạp “Hashem”.

Trên bản đồ này, Hejaz màu xanh cây nhạt và Nedj màu tím. Đây là hai phần về sau được Ả rạp Saud thống nhất. Phần Hejaz tuy bé hơn nhưng là phần đất màu mỡ và sát Hồng hải, tiện thông thương đi lại từ thời cổ. Phần Nedj rộng lớn nhưng là sa mạc. Sang thế kỷ 20 thì phần sa mạc lại là phần có dầu hỏa. Trên bản đồ này UAE phía cực phải và Dubai màu vàng. Ảnh ở đây

Trên bản đồ này, Hejaz màu xanh cây nhạt và Nedj màu tím. Đây là hai phần về sau được Ả rạp Saud thống nhất. Phần Hejaz tuy bé hơn nhưng là phần đất màu mỡ và sát Hồng hải, tiện thông thương đi lại từ thời cổ. Phần Nedj rộng lớn nhưng là sa mạc. Sang thế kỷ 20 thì phần sa mạc lại là phần có dầu hỏa. Trên bản đồ này UAE phía cực phải và Dubai màu vàng. Ảnh ở đây

CÓ Ả-RẠP THIS, Ả-RẠP THAT

Tuy nhà Hashem của cô Haya mất tất cả, chỉ giữ được Jordan, nhưng năm 1920 thì Dubai là gì? Có được 10.000 hay 15.000 dân cư không? Họ làm gì để sống? Họ, 1/3 là cướp cạn hoàn lương, 1/3 là cướp biển chưa hoàn lương hẳn, và 1/3 chăn dê trong các hốc đá.

Hình ảnh người Ả rạp với Tây phương, và với người Việt chúng ta qua con mắt Tây phương, là cỡi lạc đà đeo gươm cong và quấn khăn bịt mặt nơi gió và cát. Thương thì bảo họ nghĩa khí và ngay thẳng, ghét thì bảo họ nham hiểm và tráo trở ,nhưng sao thì cũng chỉ là bộ lạc núi đồi. Đây không phải là sai hẳn, nhưng ngay giữa người Ả rạp với nhau có một mâu thuẫn lớn. Ở Saudi nó là mâu thuẫn và khác biệt đối chọi giữa hai vùng Hejaz màu mỡ và Nedj sỏi đá. Ở qui mô toàn bán đảo, nó là mâu thuẫn và khác biệt đối chọi giữa khu vực Địa trung và khu vực Lưỡng hà với sa mạc vùng Trong.
Baghdad như ta biết, là cái nôi của văn minh thế giới từ thượng cổ, Damascus là lụa là, khoa học và hiểu biết khi châu Âu vẫn còn tăm tối u mê. Người Ả rạp bên này, tức gần sông sát biển, rất coi rẻ người Ả rạp bên kia, tức sa mạc đồi đất đồi cát. Cùng một dân tộc nhưng trong mấy ngàn năm họ phát triển khác nhau.

Lebanon, thí dụ, thì cũng Ả rạp nhưng không có được một tấc sa mạc. Họ tiếp nối văn minh Phoenicia là văn minh làm ra chữ viết mẫu tự ta đang dùng đây (alphabet), họ không muốn dính dáng gì đến chăn dê và cỡi lạc đà. Mới đây, sau một cuộc bàn cãi trên truyền hình, một nhà chính trị Lebanon lầm bầm “Cãi nhau làm gì với bọn Bedouin (du mục)”. Micro của ông chưa tắt khiến “bọn du mục” nghe thấy và Saudi triệu hồi đại sứ về nước, cấm người Saudi sang Lebanon du lịch xài tiền.

Từ 1938, tại Saudi phát hiện có dầu hỏa, khiến từ đó, hình ảnh của ta về Ả rạp là vua dầu sa mạc chứ không phải Damascus – là thành phố lâu đời nhất thế giới có người ở liên tục, hay Cordoba – thư viện lớn nhất thế giới thời Trung cổ với 400.000 pho sách.

Tóm lại, có Ả rạp làm thơ, tức là địa văn, và thiên văn, y học và toán học, triết lý và địa lý trong mười mấy thế kỷ. Có Ả rạp bán xăng và mua vũ khí từ vài chục năm nay. Khi nghe nói đến Ả rạp thì ta hình dung ra lại là hạng thứ nhì này.

QUAY VỀ VỚI VỢ CHỒNG CÔ HAYA

Vương Dubai, ông Mohammad thuộc dạng Ả rạp quen thuộc với ta, tức là dạng chăn dê gặp trúng mỏ dầu hỏa. Vợ ông, bà Haya, thuộc dạng thứ nhất, dòng dõi của Thiên sứ và 1000 năm đâu đó quí tộc Mecca. Chẳng may cho bà, họ nhà bà mất hết ngôi mất hết đất, chỉ còn giữ được mấy cái đồi sỏi nhưng không có dầu hỏa, là Jordan ngày nay. Bà Haya lá ngọc cành vàng nhưng vâng, “chính em ngày xưa ấy, đến bây giờ phiêu bạt giữa trần gian”! Phải ông cố tao giữ được Hejaz và chiếm được Nedj (tức toàn bộ Saudi ngày nay) thì tao thèm lấy mày chắc, gia đình tao thừa sức mua trái dâu cho tao ăn! UAE là gì và Dubai ở đâu vậy, việc gì mà tao phải đưa ra bắp chuối cho mày xoa!

Công chúa Haya với chị dâu là nữ hoàng Jordan. Anh cô Haya là ông bên trái mặc đồ trắng đeo kiếm, vua Abdallah II. Ông coi oai ra gì nhưng sao bỏ chồng rồi cô Haya không về xứ núp bóng mà phải sang Anh xin tỵ nạn? Tại chồng cô có của để chia ở bên Anh và nếu Abdallah II bênh em gái thì lại gây ra vấn đề ngoại giao với UAE và Dubai. Ảnh ở đây

Công chúa Haya với chị dâu là nữ hoàng Jordan. Anh cô Haya là ông bên trái mặc đồ trắng đeo kiếm, vua Abdallah II. Ông coi oai ra gì nhưng sao bỏ chồng rồi cô Haya không về xứ núp bóng mà phải sang Anh xin tỵ nạn? Tại chồng cô có của để chia ở bên Anh và nếu Abdallah II bênh em gái thì lại gây ra vấn đề ngoại giao với UAE và Dubai. Ảnh ở đây

Trong cuộc hôn nhân đổ vỡ này, tất nhiên là một bên cần tiền. Bà Haya là công chúa Jordan, hẳn không đến nỗi túng thiếu nhưng cha bà để cho bà ở London cái nhà chỉ có 6 triệu USD. Mà London, nhà 6 triệu thì rất bé, nhiều khi đang tắm nó bỗng hết nước nóng. Chồng bà thì cho bà một cái nhà trên 100 triệu. Ngược lại, bà cho ông cái vênh váo 1000 năm trở lên, khi tổ tiên ông còn đuổi theo bò cạp và thằn lằn trong sa mạc để có miếng ăn trưa ăn tối. Và nhân câu chuyện ly dị này, cho ta biết Hejaz là ở đâu.

03. 01. 2022

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả