|
|||||||||||||
|
Sử-ĐịaSử-Địa dễ thuộc: Da đen và lịch sử Phi châu: thế Ai Cập da gì? 31 July, 2024Sáng ÁnhRất nhiều người nghĩ là Phi châu không có sử. Thật ra, là vì không ai, tức là da trắng, nói tới thôi. Và nếu da trắng không nói tới thì sao ta biết được. Một lí do là vì nhiều văn minh Phi châu không có chữ viết nên không để lại sử sách trực tiếp mà phải đi nhờ nhà người ta, thí dụ sử sách Ả rạp hay sử sách Tây phương. Lí do khác là các công trình xây dựng tại Phi châu nhiệt đới và thời tiết ẩm như đền đài là bằng gạch nung, bằng gỗ vì khu vực không sẵn đá v.v. nên chỉ cần bỏ hoang có mấy chục năm là biến mất. (Đây nói qua, như trường hợp của toàn bộ văn minh cổ châu thổ sông Indus từ 3000-1000 TCN, nền văn minh này tại Ấn còn gọi là Harappan/Saravasti giờ gần như không ai biết đến vì không để lại chữ viết và di tích.) Nhưng may thay, nói đến Phi châu ta còn có Ai Cập. Ai Cập có chữ viết, sẵn đá nên còn tồn tại các di tích mấy ngàn năm. Khí hậu khô và sa mạc nên còn giữ được tất, ngay cả xác ướp, và khu vực này tuy qua nhiều thay đổi và nhiều thời đại khác nhau trong nhiều ngàn năm nhưng liên tục có người ở. Không ai có thể chối cãi là văn minh A Cập xưa cổ, hoành tráng, di tích to đùng và ở ngay Phi châu. Nhưng Ai Cập là ở tại Bắc Phi sát ngay bên Tiểu Á và được cho là ngoại vi hay ngoại lệ chứ không phải là một nền văn minh “ da đen”, vì Phi châu theo nghĩa hẹp ta vẫn hiểu là da đen. Thời cổ dĩ nhiên đã có khái niệm màu da nhưng khái niệm này rất khác với ngày nay, nhất là khác với khái niệm màu da ngày nay tại văn hóa đang thống trị thế giới là văn hóa Mỹ. Nói cách khác, ta hiện dùng tiêu chuẩn ngày nay của văn hóa này để soi ngược lại giai đoạn 2000 hay 4000 năm trước nên không khỏi bị méo mó cái nhìn. Ai Cập mà ta biết về sau này là qua Tây phương tức là đế quốc La Mã vào thời kỳ đầu Công nguyên. Nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập là người Hy Lạp. Nhà Ptolémé cai trị Ai Cập lúc đó là từ một tướng lãnh Hy Lạp của đại đế Alexander. Dân tộc Ai Cập lúc đó đã pha lẫn và sao thì Cléopatra cũng không đại diện được cho người dân của nước bà về mặt màu da vì bà thuộc giai cấp thống trị của triều đại Ptolémé. Phía Tây của Ai Cập là người Bắc Phi sắc tộc Berber (Lybia), tức là da trắng nhưng nước da tái mét như té sông mới lóp ngóp bò lên chứ không được đẹp như người da trắng châu Âu nhe. Phía Đông của Ai Cập là người Tiểu Á, Trung Đông, nước da dạng lôm nhôm không giống ai hết, còn gọi là sắc da ô-liu, giống chăng là giống Giê-su Ki tô thôi vì ông sanh ra tại khu vực này. Người Ai Cập thì không cần khát khao, không cần ước ao, cũng có một làn da nâu. Da nâu cỡ nào thì khó nói, có thể gọi là đen. Văn minh Ai Cập xuất hiện và phát triển dọc sông và dòng Nile thì rất dài, 6650 km với châu thổ rộng gấp 10 diện tích của Việt Nam (3,3 triệu km2). Nhưng từ Khartoum (thủ đô của Sudan ngày nay) ra tới biển trên 2600 km, dòng Nile bị phân chia thành 7 khúc với 6 thác nước (cataract) khiến tàu thuyền không di chuyển được. Sông có khúc và Ai Cập có lúc. Người ta phân biệt dòng Nile thành hai khu vực, châu thổ trước thác nước thứ nhất là Hạ Ai Cập, giàu có và canh tác màu mỡ ; Thượng Ai Cập là từ thác thứ nhì cho đến thác nước thứ sáu. Sau thác nước thứ sáu là vùng đất có tên Kush của người Nubia. NUBIA Người Nubia, đen không thể chối cãi. Tại phía Nam này người Nubia để lại di tích Napta Playa (4500-3600 TCN) là một vòng tròn xếp đá khủng. Các tảng lớn nhất nặng mấy tấn, cao 3 mét và ngang 2 mét, được xếp đặt hình như để tính lịch, đông chí và hạ chí gì đó ta chưa hiểu lô gích nhưng ngay ngắn và có tính toán. To đến nỗi, có người cho đây là một công trình của người ngoài hành tinh. Vậy hỏi, người ngoài hành tinh thì da màu gì? Có đen không hay là chỉ có trắng? Từ đó trở đi, và có thể nói là cho đến ngày nay, quan hệ giữa Nubia và Ai Cập rắm rối trong 50 thế kỷ. Họ lẫn lộn, pha trộn và Ai Cập đã có lúc dùng quân dùng tướng Nubia để chống lại miền Bắc hai hướng Đông Tây, là người Lybia hoặc người Assyria, Hyksos. Cung thủ Nubia từng là một lực lượng quan trọng của quân đội Ai Cập. Một số đại đế Ai Cập (Pharaoh) năm 2000 TCN đã từng là gốc đen Nubia đồng hóa và không có đợi Barack Obama. Nói chung là qua bằng ấy thời kỳ, cứ Ai Cập mạnh thì Nubia yếu và ngược lại. Sau đó Nubia rơi vào quỹ đạo của Ai Cập trở lại như trong bài hát Gia tài của mẹ (Nubia) “1000 năm nô lệ giặc Ai Cập”. Triều đại thứ 25 (746-653 TCN) của Ai Cập là một đế triều do Nubia “Ai Cập hóa” cai trị, xây đền xây đài nhưng các Pharaoh đen này, da thì đen và gốc thì miền Nam nhưng thuộc văn minh Ai Cập về mặt văn hóa. MEROE Đến khoảng 500 TCN-300 CN, một đế chế độc lập ở phía Nam được thành lập chung quanh thủ đô Meroe. Dĩ nhiên họ có nhiều điểm tương đồng và pha trộn với Ai Cập. Họ bắt đầu dùng chữ Ai Cập nhưng sau phát minh ra một bộ chữ viết riêng, giờ đã tuyệt tích và không ai còn hiểu. Phụ nữ tại đây cũng quyền lực, thay nhau làm nữ chúa (Kandake). Bà Amanirenas (40 TCN) được La Mã tả là một con mẹ không những giống đàn ông mà còn chột mắt! Bà này một mắt mở một mắt nhắm mang quân đánh La Mã khiến họ không chiếm đóng được và phải hòa ước giao thương với vương quốc phía Nam này. Thành Meroe phần di tích còn để lại rất nhiều lăng hình kim tự tháp, kiểu Ai Cập nhưng bé hơn và nhọn hơn. AKSUM Vương quốc Aksum sau đó (TK 2-TK 9 CN) đã mang Ki tô giáo Ai Cập (Coptic) sang Sừng Phi châu. Ki tô tại khu vực này theo thuyết Giê-su nhất nguyên hay nhất thể (Monophysite) và còn tồn tại tới ngày nay tuy bị giáo hội La Mã coi là dị giáo vô thần. Phần di tích của người da đen Ki tô là những nhà thờ đục trong núi đá Ethiopia tại Lalibela (TK 7-TK 11). Phần lớn phía Nam của Ai Cập theo nhánh Copt Ki tô từ đầu (TK 4) cho đến khi đế quốc Thổ xuất hiện tại khu vực vào TK 15. À, như vậy, chí ít là ở miền Đông, Phi châu cũng có sử mà còn hơi bị hoành tráng, tuy anh ba da đen Kush-Nubia phải lấp ló cái đầu đằng sau anh hai Ai Cập da nâu. Xưa thì có, 50 thế kỷ lẻ, và di tích thì có đây và đó, chữ viết cũng có, văn hóa cũng có, kể cả văn hóa Ki tô. Nói lại, Ai Cập là ở Phi châu, là văn minh thượng cổ phát triển dọc dòng Nile, dư thừa ăn mặc đến nỗi chúa của họ bóp cổ người dân để xây dựng được những đền đài và lăng tẩm vĩ đại trông thấy khiếp. Nhưng chính vì thế mà các nền văn minh khác tại Phi châu bị bóng các Kim tự tháp đè. Văn minh Ai Cập khởi thủy là da nâu, pha lẫn với da trắng Bắc Phi ở phía Tây với ô liu Tiểu Á ở phía Đông và pha lẫn với da đen Nubia ở phía nam. Chuyện tình của 1 nữ hoàng Ai Cập (Cleopatra) gốc Hy Lạp muộn màng vào đầu Công nguyên với một tướng lãnh La Mã (Mark Anthony) được Hollywood dựng phim đã khiến ta tưởng Ai Cập toàn là da trắng. Nhưng kim tự tháp, đền đài và lăng tẩm đồ sộ của văn minh này không do người Hy Lạp hay La Mã xây dựng mà đã có 3000 hay 2000 năm trước Mark Anthony và Cleopatra, và do các triều đại da nâu-da đen thời đó. 06. 04. 2022 * Sử Địa dễ thuộc:
Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|