|
|||||||||||||
|
Sử-ĐịaÔn sử Tây qua kiến trúc biệt thự đại gia Việt 6 September, 2024Sáng ÁnhMột ông nọ, bị dè bỉu là lòe loẹt hoa loa kèn. Phu nhân ông, thì tước kể ra cũng loằng ngoằng được năm bảy giòng và một tá, vừa Anh vừa Tây Ban Nha. Ông nội của ông, kể ra cũng là quý tộc Ý tỉnh lẻ được một hai trăm năm, làm luật sư, thẩm phán có ăn học. Đến đời cha ông, thì ơi khủng! Bố tôi làm vua! Cái nước Hà Lan bé tí ấy nhưng mà… bác tôi làm vua Tây Ban Nha! Chú tôi làm vua Westphalia (Đức)! Cháu ruột tôi làm vua Roma! Thành La Mã nhé! Các dì tôi thì phu nhân đại tướng với lại thống tướng, công chúa nước này và quận chúa xứ kia. Tôi lại còn có ông chú nữa, lớn lên à thì đi lính pháo binh, nhưng sau này nổi tiếng, cỡi ngựa coi rất oai, ai nghe nói đến cũng phải rụng rời. “Ai”, ở đây là tôi nói cả Âu châu đấy! Còn tôi thì làm chủ tịch nước! Tôi tự phong là Đại đế nước Pháp! Bảo tôi không được sang mà đua đòi là thế nào? Cả chế độ của chính ông này (1852-1870) được coi là thiếu ‘gu’, hơi bị phô trương và kém về thẩm mỹ, xanh đỏ bát nháo, “Ôi dào quý tộc Đế quốc (Đệ nhất và Đệ tam) ấy mà”. Ông này là Napoléon Đệ tam, và dè bỉu ông chỉ có bọn Bourbon nhà Capet từ thế kỉ 14, đua nhau làm vua nước Pháp và đây kia đến nỗi bị chặt béng cả đầu.’ Nhưng cái sang, chẳng phải mới ba đời thì chưa có được, cũng chẳng phải trong nhà có đến nửa tá vua thì chắc chắn là có được. Thẩm mỹ và ‘gu’ thì nông dân cũng có thể có. Nó nằm ở sự kín đáo và tương xứng, ở sự nhã nhặn và hài hòa, có thể thấy ở cả ngàn hộ nông dân dọc bờ đê hay nơi làng xóm Việt Nam. “Kín đáo” là thế nào? Là nếu có mặc hàng hiệu (dư tiền mà), thì đừng có mặc lộn ngược áo ra ngoài cho người ta thấy nhãn, như là các tay chơi Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo). Áo sơ mi đàn ông, thường phải có cái que (như là que kem) luồn phía bên trong để giữ cái cổ cho cứng và thẳng, nên lỡ đã sang thì sang ngầm cho tiện, sắm mấy đôi bằng bạc của nhà Cartier có nạm hột xoàn. Nhưng “ngầm” thế thì ai mà biết? Ừ, nhưng nếu bạn mặc áo sơ mi lộn cổ để lòi các que kem Cartier này ra thì nó chỉ có ‘tiện’ chứ chẳng còn sang; đó là khác biệt giữa nữ hoàng nội y và nội y của nữ hoàng. “Tương xứng” thì dễ hiểu, ví dụ, nếu nhà bạn không to bằng điện Versailles, thì bạn đừng nên có cái cái cổng đùng đùng Versailles (hay “còn hơn cả Versailles”). Cái này đến Leopold 1 nhà Habsburg nước Áo khi xây điện Schonbrunn dù có ý đua đòi với Versailles cũng còn hiểu. Mình không bằng được, thôi thì mình bớt hoa văn và mạ vàng một tí cho nó nhã, đành chịu thua cổng biệt thự một đại gia Việt vậy chứ biết làm sao. Mở dấu ngoặc, trong chuyện thi đua cửa rộng và nhà cao này, chỉ có bà Marie-Antoinette (vợ của Louis 16) là được cả đôi phần: Schonbrunn là nhà của mẹ tôi đấy, còn Versailles là nhà tôi từ khi sang sông về với ông xã. Được cả đôi phần nhưng như đã nhắc đến ở trên, về sau lại mất đầu, cẩn thận nhé. Tiếp tục, nếu nhà bạn không phải là đền Parthenon và dựng từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên thì đừng có dán vào mặt tiền hai cái cột Doric, kẻo người ta lại hỏi, thế thì mặt bên, mặt hậu không có cột à? Mách nhỏ, nếu có đứa nào hỏi móc thế, đại gia Việt có thể trả lời rằng, con dâu tôi còn đẹp hơn Vệ nữ Milo đấy, nhất là hơn ở chỗ còn đủ cả hai tay. Đến đây, mời người đọc tiếp tục thăm tư thất này và chơi trò tìm ra 77 điểm thiếu tương xứng, thiếu nhã nhặn và thiếu hài hòa, tức là thiếu gu và thiếu thẩm mỹ. Thẩm mỹ thì có rất nhiều loại đã đành, cãi nhau mãi cũng không hết, nhưng loại nào thì cũng phải nằm trong một thứ, chứ không thể mỗi thứ một ít, đây ta tẩn đá hoa cương, kia ta chèn gỗ quý cho mày hoa cả mắt, hay dùng từ chính xác là cho mày loạn thị. Đảo một vòng, tưởng đây là không gian riêng của chủ nhân viện bào chế thuốc nhức đầu. Cái gì cũng có hết, chỉ còn thiếu cạnh hồ bơi xanh ngát một màu là bảy tượng bảy chú lùn và tượng một công chúa Bạch Tuyết. Hay là cũng có đấy, tại tôi chóng mặt tôi nhìn không ra! 01. 04. 2013 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|