Thơ

Thơ đến từ đâu 13 January, 2021

Nguyễn Đức Tùng phỏng vấn Đỗ Kh.

Nguyễn Đức Tùng: Bài thơ gần đây nhất của anh được viết vào lúc nào? Cách đây một ngày, một tháng, một năm, năm năm? Xin cho nghe.

Đỗ Kh.: Vừa rồi, xem lại Tạp chí Thơ (TCT), tôi phát hiện là hai bài thơ gần đây nhất của tôi hình như là “Tôi không phải Trịnh Công Sơn buổi sáng” và “Đừng làm xạ thủ giật mình”, dạng Tân Hình Thức và vào thời điểm của những ngày đầu chiến tranh Iraq, năm 2003. Như vậy chẳng lẽ ba năm nay tôi không làm bài thơ nào, có thể kể “Đùi tôi lông lá tại Estepona” để có mặt (!) với các bạn trong tập Khoan cắt bê tông (2004?) hay gần hơn nữa là các bài trong xê-ri “Thánh nữ phòng vệ sinh công cộng” trên TCT số mới nhất và thực hiện vào tháng ba gì đó năm nay. Tuy nhiên các “bài” này thuộc dạng ảnh chụp (và in ra trên TCT thì kỹ thuật lờ mờ, gọi là dạng hên xui may rủi) nên không biết có phải là, có được là thơ hay không hay thuộc về một nghệ thuật khác như nhiếp ảnh. Mà cũng không biết có phải là, có được là nghệ thuật hay không hay thơ không ra thơ, ảnh không ra ảnh và nghệ thuật cũng chẳng ra gì.

Phần tôi, thì tôi thấy có đỡ buồn. Xê-ri “Đùi tôi lông lá…” bắt đầu là vì… đùi tôi có lông. Đây là một niềm hãnh diện không nhỏ tôi phát hiện khá muộn màng, vào năm 1974 ở Trung tâm III tuyển mộ nhập ngũ vào thời gian đợi chuyển về đơn vị. Một bận, khi đang quần đùi qua lại ở trại tân binh tình nguyện thì thấy có tụ tập để ý và to nhỏ thầm thì. Hỏi chuyện gì, các bạn này cho biết là họ ngưỡng mộ cặp đùi tôi lắm lông “chắc mày gan lắm, lông nhiều như vầy, chắc mày đăng biệt kích!” Tôi buồn năm phút, tôi có đăng biệt kích nhảy dù thật nhưng bị Liên đoàn 81 không xét đến lông chân mà từ chối vì mắt tôi cận thị. Tôi quên bẵng việc này đi, đến khi tôi trở thành… nhà thơ. Một hôm (sau khi đã trở thành nhà thơ rồi), tôi tắm xong ra sa-lông ngồi trong một căn phòng khách sạn ở Helsinki, hình như là vào năm 1994. Khách sạn này tôi tìm mãi mới ra, là nơi Lee Harvey Oswald (kẻ ám sát Tổng thống Kennedy) có ghé ngụ trên đường từ Nga trở về Mỹ. Dù thế, cũng chẳng có gì hấp dẫn ngoài ra. Chẳng có chuyện gì làm, tôi lấy máy ra chụp hình chân tôi. Từ đó, nơi này nơi kia, chán thì tôi lại chụp, tuy là không có hệ thống và sau đó hình cũng vất đi đâu mất. Tôi làm, vì chẳng qua, đi đâu thì tôi cũng mang máy hình, và mang đôi chân theo (đúng ra là tôi mang máy hình và đôi chân mang tôi theo).

Xê-ri “Thánh nữ phòng vệ sinh công cộng…” ra đời mới được hai năm nay, nhờ một tình cờ. Một bạn nhận lời vào phòng vệ sinh của một quán café để tôi chụp hình khiến nảy sinh ra. Thực ra, trên một ảnh, gương mặt của bạn này rất là thánh thiện, như madonna cổ điển nên mới có tựa như trên. Khi in, thì bạn này không muốn tỏ mặt nên phải “cắt đầu”, tuy mất cái vẻ trên nhưng tôi thấy lại hay hơn, biết đâu như vậy lại tăng phần thánh thiện? Thỉnh thoảng, gặp ai đâu đó tôi lại hỏi, vậy mà cũng có người đồng ý. Việc này, tôi cũng chẳng có gì hệ thống hết, toàn là chuyện cầu may (và cầu tiêu?). Mà cầu tiêu thì phải công cộng, nhà hàng, khách sạn, quán nước, còn muốn sao cũng được, đứng ngồi, che mặt, vén váy, ôm tà là tuỳ. Thiện căn là ở lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba… tụt quần (hay là ôm quần).

Nguyễn Đức Tùng: Xin anh cho nghe/ đọc một phần hay toàn bộ xê ri “Thánh nữ…” hay “ Đùi tôi lông lá…”, là những bài mới nhất của anh.

Đỗ Kh.: Rồi.

Đùi tôi lông lá tại Estepona

Lướt nhanh con mắt từ hình 1 xuống hình 4 sẽ thấy vài sợi lông di động và cọ quậy, ngay vào lúc đó có một làn gió thoáng đến từ Đại Tây Dương lọt nhẹ vào Địa Trung Hải ngang qua eo biển Gibraltar.

(Bella Playa, Estepona, Tây Ban Nha, 07-2004)

Nguyễn Đức Tùng: Khi đọc lại chính mình, có bài thơ nào của anh làm cho anh ngạc nhiên?

Đỗ Kh.: “Thánh nữ…” chẳng hạn làm tôi không ngớt ngạc nhiên. Đây là chuyện tưởng khó thực hiện và khó thực hiện thật. Tôi ngồi trong một quán, tôi hỏi bạn, vào phòng vệ sinh công cộng ở đây cho tôi chụp hình, thì trên đời này chỉ có thánh nữ mới nhận. Nhưng trên đời này có thánh nữ thật, đó là điều ngạc nhiên. Tôi kinh ngạc và tôi bàng hoàng.

“Bài thơ con cóc” là một tác phẩm hay, cái này Nguyễn Hưng Quốc đã có nhận định. Tôi thấy nó còn hay ở khía cạnh cộng tác tập thể của những bốn tác giả dấn mình. Giả dụ, nếu có vài ba ngàn người tham gia và dài vài ba ngàn câu thì ba trăm năm sau “Truyện Cóc” không biết có ai khóc nhưng mua vui nhất định cũng được một vài trống canh. “Thánh nữ…”, giờ nếu vài ba chục, vài ba trăm bạn rủ nhau vào nhà vệ sinh công cộng ở đâu đó chụp hình, nhờ chụp hay là tự chụp, chụp nhau và gửi về TCT thì cũng thành một tác phẩm đáng xem, riêng đối với chính họ khi thực hiện cũng là một điều đáng nhớ. Vài ba ngàn người làm như vậy thì quả dân tộc Việt Nam là một dân tộc nhà thơ và vài ba vạn thì năm nay tổ quốc lại được mùa?

.

Nguyễn Đức Tùng: Thơ có phải là một việc nghiêm trọng (serious) không?

Đỗ Kh.: Thơ có thể không nghiêm trọng nhưng việc thơ không phải việc đùa. Việc làm thơ thì cần hết sức nghiêm trọng là đằng khác. Vẫn ở thí dụ của “Thánh nữ…”, bản thân tôi phải nghiêm trọng, đối tượng trên hình phải nghiêm trọng, đó là thái độ cốt lõi, nếu không thì hỏng liền, mất hết cả… trang nghiêm. Ngay việc thực hiện, các nhà thơ trước kia pha trà, mài mực và đợi trăng sáng hay hoa quỳnh nở thì tôi phải sạc pin mất mấy tiếng, kiểm memory card, đối tác phải thay quần lót và lựa chọn, ngồi ở nhà hàng phải nhìn trước nhìn sau mới rủ nhau cùng vào phòng vệ sinh, nhiều khi có cả người canh cửa và người ngồi giữ chỗ, giữ đồ. Bởi vậy nên tôi biếng, có khi nhân nhượng, nếu mà bạn ngại ở đây thì thôi lên phòng khách sạn, cũng là công cộng vậy; có khi thoái thác, thôi ngồi lì một chỗ mà uống bia, đây là bờ sông, bến Sisowath và chiều đang chậm xuống trên dòng Cửu Long, việc gì mà phải rủ bạn này đứng dậy cùng vào toa-lét. Thành ra nghiêm trọng thì tôi cần rất nhiều mà có thiếu chứ chẳng thừa.

Ở người thưởng ngoạn, người đọc, người xem, tôi nghĩ là sự nghiêm trọng cũng cần thiết không kém. Xem và đọc là thành hình tối hậu của tác phẩm, không có người đọc thì tác phẩm nào cũng chỉ là tác phẩm ảo nằm trong bộ nhớ, có màn hình thì mới nên bột nên hồ.

Thái độ là quyết định, tôi thành khẩn đề nghị thêm phần rộng lượng ngoài nghiêm túc cần thiết ra. Ăn mày trước cổng chùa, nếu ta dừng lại nhìn từng người và từng tàn tật thì mới có cái may mà đến Phật, chứ xăm xăm ôm nhang ôm hoa đi thẳng vào chính điện thì lại chẳng đến đâu. Thiệt thòi là cho ta thôi.

Tôi nhớ lại một cô gái Bắc Phi vào tuổi đôi mươi. Mùa hè tôi phanh ngực, cô ta vì định kiến gì đó nên phát biểu “đàn ông mà ngực không có lông thì tởm hết sức”. Mùa hè, cô ta cũng phanh ngực (phần nào) nên tôi chúi đầu nhìn vào và trả lời là “vậy chứ còn đỡ tởm hơn là phụ nữ mà ngực lại lông xoắn xít”. Thế là tôi hả dạ, như thế được ba mươi năm. Đến giờ nghĩ lại cảnh này thì tôi lại… bồi hồi, thấy mình dại chứ chẳng phải là nhanh trí. Lông trên mép vú thì đã sao, quấn quít vân vê bờ áo. Ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng/ Mà sao không thấy nàng/ Giờ tìm ở đâu/ Sao không gắng đợi chờ nhau? Biết ra thì đã trễ mấy thập niên.

Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh vừa nhắc đến người đọc. Có người cho rằng sự tương thông (communication) giữa tác giả và người đọc là quan trọng nhất, làm nên bản chất của thơ ca. Anh nghĩ sao về đều này? Khi viết, anh có nghĩ đến người đọc không?

Đỗ Kh.: Thi ca hay văn chương, nghệ thuật hay tác phẩm, theo tôi thì chỉ có trong gương của người đọc. Nó tròn hay méo là tuỳ gương, gương bạc gương đồng hay mặt hồ lăn tăn sóng (Chiều Hồ Tây lăn tăn hoài con sóng/Chợt hoàng hôn về tự bao giờ). Dĩ nhiên, cái gương đầu tiên của một bài thơ là trong đôi mắt của chính người viết, tức là người đọc đầu tiên và thường thì trong đôi mắt anh, em là tất cả, và như vậy có khi cũng tạm đủ. Tạm thôi, vì ít khi người ta làm thơ mà giấu kín, lẩm nhẩm học thuộc rồi xé bỏ mà hay có nền thi ca tặng ai đó, vậy là thêm một người đọc thứ nhì. Tôi không nghĩ đến người đọc (hay một người đọc), tôi chỉ làm hết sức của tôi với tất cả thành thật của tôi, còn thơ là quà rơi quà vãi, ai nhìn thấy thích thì nhặt, có khi cầm lên bỏ vào túi lỡ lúc còn cần. Ở cương vị người đọc thơ (của người khác), tôi đã làm rất nhiều và lèn chặt vào tim, phần tôi thì có được bấy nhiêu.

Nguyễn Đức Tùng:

“Tôi thích ngồi sau em trên yên xe
Lăng quăng những con đường Hà Nội
Rất sóc hoàng lan
Hoa sấu vòng vèo
Rù rì Quán Sứ mùi hoa đại
Đêm rất yên lành nhà máy điện
B52 giờ là một thứ rượu đàn bà
Nhẹ như những ngày phụ nữ giương tên lửa

Tôi thích ngồi ôm em sau yên xe
Cổ em mát và đít em rất ấm
Một tay tôi đỡ ngực em chùng xuống nặng
Còn tay kia thõng
Như đang cầm M16 bằng băng đạn
Chạy ra cầu Bình Lợi xem một vòng
Chiến xa Bắc Việt kìa sắp đến
Nhưng lịch sử chẳng bao giờ tái diễn

Đầu tôi có sợi tóc vừa mới bạc
(Thì cũng từ ngày dẹp cảnh sát Bình Xuyên)
Đầu ngực em thâm vuông bốn cạnh một pháo tháp
Một đồn Tây lô cốt bỏ hoang
Trồi trở lại dưới nịt vú và đằng sau lần áo mỏng
(Ừ thuỷ lôi cấm vận cảng Hải Phòng)
Bảy Viễn vai ngang và Kissinger miệng rộng

Hà Nội
Vào giờ đồng cô về nhà cạo lông chân
Bà bán xôi lục lặc vào thành phố

Đêm Hà Nội váy chùng
Em đít ấm và tôi dương vật ngỏng”

(Trích trong 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, 2002)

Theo tôi, đây là một trong những bài thơ nghiêm túc (serious) nhất của Đỗ Kh. Ngoài ra thơ anh thường có yếu tố hài hước, điều rất hiếm thấy ở các nhà thơ Việt Nam. Thơ Mĩ và Canada cũng hay có yếu tố này. Anh nghĩ sao về sự hài hước trong thơ?

Đỗ Kh.: Hài hước chắc là… vô tình, nhiều khi muốn cũng chẳng được. Lúc tôi 12, 13 tuổi, mẹ tôi bắt tôi đọc thơ Prévert. Như mọi đứa con, lúc đầu tôi chống lại, vâng dạ ậm ừ. Thơ ông này giản dị và rất vui nên tôi thích, tại sao mẹ tôi không bắt tôi đọc thơ Saint John Perse đã từng có bài để tặng bạn là cựu hoàng Duy Tân thì tôi không biết.

Nguyễn Đức Tùng: Anh là một người quan tâm đến lịch sử. Bài thơ trên đây của anh có phải là phương cách để hoà giải với lịch sử? Hoà giải hay hoá giải?

Đỗ Kh.: Lịch sử, truyền thống… gì đó ở quanh ta. Cám ơn anh đã cho tôi đọc lại bài này và lại còn cho dịp mà linh tinh tán dài tán rộng. Để trả lời anh, tôi nói ngay là hoá giải, thì lịch sử đã ở quanh ta, hoá giải là chỉ việc sống với nó cho tiện lợi.

Năm 90, tôi về nước gặp một người bạn cũ ở Sài Gòn, bạn này kể ngày 30.4 ngồi sau xe một bạn khác chạy ra cầu Bình Lợi. Bạn dạng tay dài, lúc đầu cầm M16 bằng bá ngắn nên thả tay thì nòng súng cạ mặt đường, đưa lên thì hiên ngang nhưng mãi cũng mỏi nên bạn cầm bằng băng đạn cho nó ngắn bớt lại. Đến đường ray xe lửa, ngang trại Mã Bình Phước thì bóng tăng T54 lố nhố, chuyển tay qua bá ngắn để bóp cò thì lúng túng không kịp nên các bạn này liền quay đầu triệt thoái chiến thuật, làm mất cơ hội “bắn đến viên đạn cuối cùng”. 15 năm sau, vừa kể lại vừa cười, tôi thấy cũng may, lỡ chết một anh bộ đội ngồi tăng vắt vẻo thì cũng thương mà tăng bắn trả một quả 100 mm thì đi đời các bạn. Cho nên oai hùng bằng ấy cũng đủ rồi. Tôi tiếc là tiếc tôi không có mặt thôi, theo các bạn này lê nòng súng cạ trên đường ray lẹt xẹt đằng sau một chiếc xe máy.

Khi ra thăm Hà Nội, tôi được Dương Thụ chở đi đây đó giới thiệu hoàng lan với lại hoa sấu. Nguyễn Chí Hoan đèo tôi ngang khu vực nhà máy điện, cho biết vì là diện mục tiêu chiến lược của phi pháo Mỹ nên thời chiến tranh ai phải đi ngang cũng vội không dám nấn ná lâu. Ở quán Mái Lá, gặp Thuý Nga (báo Tuổi trẻ) thì chị gọi cocktail “B52”. Thuý Nga nhỏ bé, tôi liên tưởng đến những phụ nữ ngày trước ở miền Bắc ngồi đằng sau các ổ pháo cao xạ, nét rất “vĩ tuyến thứ 17”. Toàn là chuyện vui sau khi chiến tranh đã chấm dứt và không ai chết (tôi và những người trên đây), chứ chết thì đã hết chuyện. Tôi sinh ra thời chinh chiến, bố mẹ ẵm ngửa vào Nam đã gặp nạn Bình Xuyên, nghe kể lại là nhảy dù lộp độp bắn cảnh sát ở ngoài ngõ mà trong nôi tôi vẫn toét miệng cười, giờ lại còn được viếng năm cửa ô quả là vui thật (Ngày nào khi đất nước hết phân đôi/Trở về thành đô nắm tay ta mừng vui).

Còn trong bài thơ này, chuyện phụ nữ là thi ca cường điệu, có lẽ từ… Ai Cập lẻn vào. Thăm Kim tự tháp, du khách nữ đều biết là đừng bao giờ ngồi phía trước người lái lạc đà nam. Đây là nghề tôi vẫn muốn được làm lúc về hưu, sang Ai Cập sắm một con lạc đà chở du khách nữ… không tính tiền. Ở Việt Nam, tôi tương đối cao to, cỡ Dương Thụ và Nguyễn Chí Hoan đâu đó 1 mét 8 mới đèo tôi đằng sau xe được, nhưng thi ca không cấm phần mơ tưởng, người Mỹ gọi là “you wish”.

.

Nguyễn Đức Tùng: Điều gì là quan trọng nhất làm nên giá trị một bài thơ?

Đỗ Kh.: Tôi không biết. Tôi nghĩ yếu tố đầu tiên là một cảm xúc có thành thật thì mới chia sẻ được hay là đáng để chia sẻ với người đọc.

Nguyễn Đức Tùng: Hình như Đỗ Kh. chỉ làm thơ tự do. Anh có một bài thơ viết theo thể có vần, cổ điển nào không? Xin cho nghe một bài thơ mà anh còn nhớ được.

Đỗ Kh.: Ngay:

Dạ vũ bình dân Ras Beirut

Đôi khi cao ốc cũng buồn
Những đêm có lửa chập chờn nhảy quanh
Bước chân luân vũ chẳng rành
Ngả nghiêng nhà cửa cầm canh cắc bùm
Cắc bùm bùm
Tóc tai con phố bơm sờm
Sáng ra dưới mắt còn quầng đạn bom

Anh mà không cản tôi lại, tôi sẽ đọc cho một thôi dạng này, vì có vần nên rất dễ nhớ, nếu có nhạc đi kèm thì lại càng dễ nữa:

Bạch Mai bên ai em nằm trở mình
(từng tưng tưng tưng tưng từng từng từng)
Thiền Quang đơn côi tôi ngồi chình ình
(từng tưng tưng tưng tưng từng tửng từng)
Hà Nội mùa thu hương đầy Phố Lính
(từng tửng từng tưng tưng từng tưng tứng)
Hoa sữa rụng rơi tan rồi cuộc tình!
(tưng tứng từng tưng tưng tửng từng… từng!)

Nguyễn Đức Tùng: Như một người đọc, hay một nhà biên tập, điều gì trong một câu thơ, hay một bài thơ của người khác làm anh xúc động? Xin cho ví dụ.

Đỗ Kh.: Tôi rất biết ơn những gì tôi được đọc, nhiều khi sài liền Đưa tay hóng hạt tần ngần/Nhờ mưa mới được một lần nhớ nhau (Nguyễn Hoàng Nam). Có khi xem qua thì thích thú, đến năm bảy năm sau Ga xanh còn sót lại một con tàu này (Lê Đạt) mới trở về đau cắt thịt cắt da. Bản “Chinh phụ ngâm” của Khế Iêm từ khi tôi được thấy đến nay trong tâm vẫn nhập nhòe run rẩy, Người quét rác không cao bằng cán chổi/Người qua đường không ai nhận ra (Nguyễn Chí Hoan) tôi vẫn thấy ở thành phố này thành phố kia. Hai mươi năm sau khi được đọc lần đầu (và nhớ) tôi mới thú vị Ngàn bướm trắng bay trong tối rồi trong sáng/Hoa phong lan nửa màu tím nửa màu em của Chế Lan Viên.

Salvatore Quasimodo tôi thích, năm ngoái nhờ mua được dễ dàng bản điện tử trên internet, tôi mới đọc lại thắm thiết, còn lẩm nhẩm học thuộc nguyên tác mặc dù tôi không biết chữ Ý. Chẳng phải để làm oai gì, giờ anh có hỏi thì tôi đã quên mất (tiếng Ý chứ bộ), nhưng lúc đó, sau khi đã nghiền ngẫm ba bản dịch, đọc nguyên tác lên cho thấy đã (thêm, hơn), vậy thôi. Constantine Kavafis tôi cũng thích, thí dụ, nhưng nguyên tác tiếng Hy Lạp thì tôi không biết mặt chữ, nhìn đã nhối cả con mắt.

Ví dụ thì nhiều, và còn nhiều nữa nữa, Tôi ngồi ngọn lửa cũng ngồi (Trần Mạnh Hảo) hay Đốt tiền mua vội một ngày vui (Nguyễn Bắc Sơn) rồi đột nhiên Có những chớp mắt đã nghìn năm trôi (Nguyễn Trọng Tạo)… Nhưng điều gì thì tôi không có câu trả lời. Mẫu số chung và bé nhất, tối thiểu, theo tôi vẫn là sự thành thật. Xét theo tiêu chuẩn này, tuy rất bé, cũng đã loại được 8 trên 10. Nói thế nhưng khi tôi đọc lại thơ mình, cũng dùng tiêu chuẩn đó, thì vẫn lại loại được 8 phần 10 như ai!

Nguyễn Đức Tùng: Như vậy, điều làm anh xúc động trong thơ là sự thành thật. Nhưng chúng ta cũng có quá nhiều sự thành thật mà không dẫn đến sự xúc động.

Đỗ Kh.: Vâng. Thành thật là tiêu chuẩn cần thiết và tối thiểu, có nghĩa là không đủ, tiêu chuẩn loại chứ không phải tiêu chuẩn chọn. Còn chuyện “bắt mắt” thì vô cùng, yêu một bài thơ, một câu thơ cũng chẳng khác yêu ông A bà B, nay này mai kia.

Ngay cả sự thành thật mới nói đến, biết đâu gặp hào nhoáng quá ta cũng quên mất! Có lẽ nhờ thế nên thủ thuật, ảo thuật, học thuật và ánh đèn sân khấu mới chiếm được lòng người nhiều như vậy. Ngoài cửa vũ trường của thi ca, Đêm nay ai đưa em về?

Nguyễn Đức Tùng: Dĩ nhiên không ai có thể nhớ hoặc trích dẫn những bài thơ dài được. Tuy nhiên, cách “nhớ” của anh như trên hoàn toàn giống cách nhớ của tôi và có lẽ của nhiều người khác. Điều này thường làm tôi suy nghĩ. Người Việt Nam có thói quen tìm kiếm những câu thơ hay, đọc đi đọc lại, và tách chúng ra khỏi toàn bài. Hình như điều này cũng làm hư hỏng các nhà thơ, theo một phương cách nào đó. Anh nghĩ sao?

Đỗ Kh.: Đây là điều rất khó tránh, ta có thể xem một tác phẩm, chiêm ngưỡng toàn bộ và yêu mến nhưng giữ lại là một mảnh vụn. Thử hỏi, những người (đàn ông đàn bà) ta từng yêu, đắm đuối và tha thiết, ta giữ lại được mảnh lớn bao nhiêu?

Nguyễn Đức Tùng: Như vậy, cốt lõi của một bài thơ có phải là ở câu thơ ?

Đỗ Kh.: Một bài thơ là một hai câu, ngay cả một truyện ngắn truyện dài có khi cũng chỉ một vài câu như vậy. Câu nào thì đó là ở người đọc. Ở cương vị của người viết, phần tôi, nảy ra một ý, một vần, vẫn phải rườm rà cho đủ bốn câu, tám chữ, ba đoạn, coi như là công việc sơn phết điểm trang thì phải làm.

Nguyễn Đức Tùng: Anh cũng viết văn xuôi rất thành công như bút ký và tiểu luận. Trước một cảm hứng nào đó, tại sao anh đã chọn thơ để diễn tả, thay vì chọn viết kiểu khác?

Đỗ Kh.: Một bạn vừa mới hỏi tôi, sao không thấy anh làm thơ nữa mà dạo này chỉ thấy anh làm… dáng! Làm dáng tương đối dễ, chỉ cần có duyên, làm thơ thì khó hơn gấp bội, cần sự thành thật như đã nói mà những cảm xúc này khó kiếm trong cuộc sống lờ đờ. Làm thơ được là may, còn làm thơ được là còn may.

Nói cách khác, thơ cần duyên chứ không phải chỉ cần có duyên.

Nguyễn Đức Tùng: Thơ có thể góp phần làm thay đổi diện mạo của một đất nước được không? Bằng cách nào?

Đỗ Kh.: Saddam Hussein là một nhà thơ nhưng thơ ông hầu như không góp phần thay đổi gì được Iraq. Kim Chính Nhật thì là một nhà điện ảnh, và chẳng phải vì vậy mà tên lửa Taepodong 2 vừa rồi bay quá được khỏi Vịnh Triều Tiên.

Nguyễn Đức Tùng: Là người đang sinh sống ở Mỹ, anh có đọc thơ tiếng Anh không? Anh học được gì ở các nhà thơ Mỹ?

Đỗ Kh.: Phần giáo khoa tôi còn đang nỗ lực, Yeats, Keats, Whitman. Nhưng tiếng Anh còn là một ngôn ngữ quốc tế, lingua franca và interlingua của thời đại này nên tôi đọc Hölderlin hay Lermontov cũng bằng tiếng Anh nốt để mà dễ so sánh miền Caucasus ở cả hai vị. Nhưng nghe đâu Lermontov chuyển sang Anh ngữ thì mất hồn, kiểu như các bạn Nga cho biết đọc bản dịch Mark Twain bằng tiếng Nga thì tưởng là Huckleberry Finn đang trình luận án tiến sĩ.

Ở các nhà thơ tiếng Anh, tôi không may mắn học hỏi được bao nhiêu, Ginsberg, thấy thì tôi cũng muốn vuốt râu thôi, vì nhấn âm tôi vẫn còn nhấn chưa đúng chỗ (swéet sixtéen nhưng mà oái oăm, sixtéen swéet lámbs, thí dụ của Nicholas Ostler, “Empires of the Word”).

Nguyễn Đức Tùng: Thơ của anh làm tôi nhớ đến Robert Pinsky, nhà thơ công huân Mỹ (Poet Laureate), người cho rằng thơ có thể và nên bắt nguồn từ các sự vật bình thường trong đời sống hằng ngày. Ông này có một bài thơ về cái áo sơ mi mà tôi rất thích.

“Gossiping over tea and noodles on their break
Or talking money or politics while one fitted
This armpiece with its overseam to the band…”

Anh có cho rằng các nhà thơ thực sự có thể làm cho đời sống trở nên thơ mộng hơn chăng?

Đỗ Kh.: Đây có lẽ vừa tầm với của các nhà thơ hơn, nói vậy không phải là thi ca thì không được động đến chính trị. Thi ca có thể làm thơ mộng mọi thứ, kể cả tên lửa Taepodong 2, nhưng thơ mộng thì vẫn không bay quá khỏi Vịnh Triều Tiên.

Nguyễn Đức Tùng: Khi chép lại đoạn thơ này, tôi nhận ra một lần nữa cách nhấn vần đặc biệt của R. Pinsky làm cho bài thơ trở nên thú vị. ssiping – talking, tea – money, breaks – litics, fitted – armpiece… Có phải là các nhà thơ trẻ đương thời của Việt Nam đang dần dần mất đi thói quen tự rèn luyện mình trong sử dụng ngôn ngữ và nhạc tính của ngôn ngữ? (Lỗi này do ai?)

Đỗ Kh.: Mỗi thời đại, mỗi thế hệ có những cực đoan, để nổi loạn thì là cần thiết, đến khi trở thành “bản sắc dân tộc” hay là “truyền thống văn hoá đặc thù” gì đó thì mới cần xét lại vấn đề. Khi nào các nhà thơ sử dụng ngôn ngữ và nhạc tính của ngôn ngữ mà mất hộ khẩu, bị trục xuất khỏi Hội Nhà văn và bắt đi chăn bò thì mới đáng lo ngại. Hiện nay thì tôi thấy còn vui, chắc mấp mé thấy là buồn cười, chưa thấy là nhức nhối. Đang (văn minh) trống đồng, bắt được trống thiếc thi nhau mà gõ thì cũng vui, kẻ thích loong coong, người chê nhức óc, nhưng cũng phải thế chứ. Tôi thấy là không có gì trầm trọng.

Nguyễn Đức Tùng: Là người điều hành tạp chí về thơ duy nhất ở hải ngoại, và hình như là đầu tiên của Việt Nam, sau nhà thơ Khế Iêm, xin anh cho biết qua về hiện tình của tờ báo này (số lượng, độc giả, tài chánh vân vân…).

Đỗ Kh.: Tạp chí Thơ là chuyên san thơ đầu tiên và duy nhất bằng tiếng Việt trong gần một thập niên trước khi Phụ san Thơ của tờ Văn nghệ ra đời. Điều này cho thấy nỗ lực chính của một cá nhân, anh Khế Iêm, đã đi trước cả một guồng máy, một tổ chức như Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy có mặt từ lúc thành lập nhưng sự hiện diện của tôi rất là khiêm nhường và có tính cách tượng trưng, gọi là có mặt năm thì mười hoạ, ít hơn các bạn trong ban biên tập và nhóm chủ trương, thật ra còn ít hơn các thi văn hữu thường xuyên cộng tác. Công này là của Khế Iêm, đã hy sinh đời thường và những lo toan cuộc sống cho việc chung, đến một lúc phải ngưng lại để… thở. Hiện nay, sự đóng góp của tôi nghe thì to nhưng vẫn chừng mực như trước (nghĩa là không có mấy), mọi điều hành là ở Nguyễn Thị Ngọc Nhung, phát hành là Hà Nguyên Du.

Mỗi số TCT in và phát hành 800 cuốn. Tình trạng tài chánh, thu nhập từ tiệm sách kể như là không có, miễn bàn và khỏi cần đề cập. Tờ báo tồn tại từ trước đến giờ về mặt này là nhờ hảo tâm của các anh chị em đều đặn đóng góp.

Nói tóm lại, tôi chẳng làm trò trống gì mà TCT vẫn sống, các bạn viết vẫn bỏ công viết và các bạn đọc vẫn bỏ công đọc.

Nguyễn Đức Tùng: Theo anh thì nguyên nhân nào là chính đã làm cho Tạp chí Thơ thành công và thất bại?

Đỗ Kh.: Sự hiện diện dài hơi là một thành công rồi, và nguyên nhân chính chỉ có thể là Khế Iêm. Nếu phải kể đến thất bại thì phải kể đến… tôi.

Nguyễn Đức Tùng: Trong tương lai, hướng đi của Tạp chí Thơ như thế nào?

Đỗ Kh.: TCT là một chuyên san không có định hướng, nếu có thì là định hướng… xã hội chủ nghĩa theo kinh tế thị trường. Phong trào Tân Hình Thức chẳng hạn chỉ là một phần, không bao giờ có ý làm chủ tập thể cả, chia sẻ và chung sống với Tân Hình Chụp hay là Tân Hình Dáng. Nghiệm ra một điều, TCT cũng như mọi người thôi, hễ cứ thấy bất kỳ cái gì Tân là tít mắt, một xa cảng nằm chờ những tuyến xe đò mới mịt mù.

Nguyễn Đức Tùng: Trở lại với nhà thơ Đỗ Kh. Nếu tôi nhớ không lầm thì anh đã từng sống ở Pháp rất lâu. Các nhà thơ Pháp đương thời có ảnh hưởng gì đến anh không?

Đỗ Kh.: Tôi vẫn sống tại Pháp, tư cách thường trú, mỗi năm đi về năm ba bận, ngửi thấy mùi phi trường là cảm lạnh, CDG-LAX, LAX-CDG. Tiếng Pháp ở thế hệ tôi là một thứ tiếng mẹ đẻ, suýt nữa thì tôi sanh ra tại Grenoble chứ không phải là Hải Phòng, có Hiệp định Genève nên bố mẹ tôi phải vội vã về nước thu xếp việc nhà để vào Nam. May thay cho tôi, sinh ra ở một bến tạm nên mới trở thành được người… tứ chiếng. Trong Nam, cả học trình của tôi từ mẫu giáo trở đi đều bằng tiếng Pháp, nhiều bạn Việt của tôi ở Việt Nam nói tiếng Việt thì sõi nhưng viết còn khó khăn. Cụm từ “phương trình bậc hai” hay từ “lực ma sát” chẳng hạn, đối với tôi đầy quyến rũ ngọt ngào (quê hương) vì chương trình toán hay vật lý tôi đều phải theo đuổi bằng Pháp văn (nói là theo đuổi cho oai chứ nó đuổi tôi đi thì có, tôi đuổi nó thì không hề). Trong môi trường đó của thập niên 60, văn hoá Pháp là ảnh hưởng nhất định.

Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ có hứng làm thơ bằng tiếng Pháp, dù để tặng vợ, ảnh hưởng của thi ca Pháp ắt phải có và ắt phải lớn nhưng đi theo mạch ngầm nào đó. Tôi nghĩ là ảnh hưởng về phong cách thì nhiều, thí dụ ở phong trào siêu thực tôi thích là thích bám vào trụ đèn treo đu trong phòng ăn hay là theo Benjamin Peret sang Tây Ban Nha bắn súng chứ không phải là làm thơ. Thi ca cũng là một hành động (Tân… Hành Thức?).

Nguyễn Đức Tùng: Nhiều người dù thích hay không thích thơ Đỗ Kh., có lẽ sẽ dễ đồng ý với tôi rằng thơ anh đã tìm được cho nó một giọng điệu rất riêng (the voice). Điều này có xảy ra sớm với anh không? Những bài thơ đầu tiên của anh ra sao?

Đỗ Kh.: Tôi vô thức, và con người nào cũng là một hành trình. Những bài thơ đầu của tôi, tôi không nhớ nhưng lúc bé, tôi không thích tên bố mẹ đặt cho mà nói với các bạn mới gặp tên tôi là Hùng Tâm Dũng Chí Trần Trung Hiệp. Chuyện này bị vỡ lở khi có đứa đến nhà hỏi thằng Hiệp mà không ai biết là thằng Hiệp nào. Tôi không rõ là tôi đã vượt qua giai đoạn Trần Trung Hiệp này chưa hay cũng như là chuyện bỏ hút thuốc lá thôi, muốn lắm và tôi bỏ mỗi ngày.

Nguyễn Đức Tùng:Thơ anh có vẻ nhẹ nhõm, không ầm ĩ, nhưng lại rất “phá rào”, “vượt tường”. Anh có tin vào các chuẩn tắc (norms) không?

Đỗ Kh.: Giấy phải giữ lề là chuyện của giấy, không phải chuyện của tôi.

Nguyễn Đức Tùng: Ở trên, anh có nói, “tôi rất biết ơn những gì tôi được đọc, nhiều khi sài liền”. Anh có thể nói thêm là học được gì từ những câu thơ hay ví dụ như: Tôi ngồi ngọn lửa cũng ngồi, Ngàn bướm trắng bay trong tối rồi trong sáng…? Đâu là những ánh xạ của chúng trong thơ Đỗ Kh.? Những nhà thơ trẻ hiện nay có những câu thơ như thế không?

Đỗ Kh.: Tôi dù sao thì cũng đã trung niên, nghĩa là lớn tuổi một cách tương đối và lần không nổi những dây trói của những thế hệ trước hay cùng thời mặc dù nỗ lực thường xuyên. Thưởng thức nhạc chẳng hạn, tôi còn biếng nhác hơn nữa, thuộc là thuộc Led Zeppelin chứ làm sao mà thuộc Simple Plan dù các con tôi vẫn bắt phải nghe.

Hôm qua tôi đi tàu điện Paris, gặp đình công trễ mất một tiếng (chi tiết rất là Pháp, xin nói thêm là đình công, tôi rất là chia sẻ tinh thần tranh đấu lao động chứ không bao giờ than phiền). Nhờ vậy tôi mới có dịp ngồi đọc lại tập Rỗng ngực của Phan Huyền Thư, bản in mới toanh vừa được một bạn trao lại. Thì ấn tượng, mùa hè nước da các phụ nữ châu Phi càng thêm mịn màu đen (Lá úa/Liều mình/Nhắm mắt chọn điểm rơi). Ba năm trước, tôi in bản điện tử Bầu trời lông gà lông vịt của Trần Tiến Dũng ra một tập, cầm theo ra café ở Athens ngồi đọc. Con nít đá banh trong sân nhà thờ trước mặt o oe và mùa hè ngực các cô phục vụ Hy Lạp càng lại phập phồng. Thì cũng ấn tượng vậy.

Nguyễn Đức Tùng: Cám ơn anh. Rất thú vị được trò chuyện với anh.

Paris – Vancouver, 9/7/2006, mùa World Cup.

© 2006 talawas

Ý kiến - Thảo luận

adminweb says:

Hinh như sau hai tập thơ “Có những bực mình…” và “Thơ Đỗ Kh.” thì anh Khiêm chưa có tập nào thêm?

đỗ kh. says:

Vâng, không có in thành tập tuy có đăng rải rác đó đây

2 bình luận trong “Thơ đến từ đâu”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả