|
|||||||||||||
|
Chính trịBầu cử Mỹ, bài 2: Người không tưởng Bernie Sanders vụt sáng thành sao 26 August, 2024Sáng Ánh(Tiếp theo bài trước) Phe Cộng hòa: chiến thuật phùng mang của Scott Walker và Trump dọa tách riêng phá bĩnh Thăm dò sau cuộc tranh luận giữa các ứng viên đảng Cộng hòa tại Mỹ cho thấy, mặc dù lớn lối và thiếu chững chạc, ông Donald Trump chẳng những không mất điểm đối với cử tri mà còn thêm được 1%. Kẻ thắng lớn là bà Fiorina, cũng thuộc dạng đại gia tiền triệu (tuy không phải tiền tỉ) nhưng nhất là bà, cũng như ông Trump, thuộc dạng bên ngoài “cung đình”, từ xã hội dân sự (business) và chưa hề nắm một chức vụ nào dân cử hoặc thuộc chính quyền. Người thua đậm hiện nay là ông Jeb Bush, trước giờ vẫn được coi như là quán quân của đảng Cộng hòa, thét roi cầu Vị(*) đánh bà Clinton. Điều đáng ngại hơn nữa là ông Trump có tỏ ý, nếu không được tín nhiệm của đảng, ông sẽ ra tranh cử độc lập! Một thăm dò mới trong giới cử tri ủng hộ ông Trump lại cho thấy là trong trường hợp này, 51% sẽ tiếp tục theo ông và bỏ phiếu cho ông chứ không phải cho ứng viên được đảng đề cử. Ông Trump hiện có khoảng 1/4 số phiếu của đảng và như thế thì đảng sẽ mất 12,5% thành phần trung kiên với cá nhân của nhà tỉ phú. Đây không phải là một con số nhỏ trong bầu cử tới và nhất định sẽ làm nghiêng cán cân về phía Dân chủ. Nếu không được đảng bổ nhiệm, thì khả năng gây rối của ông Trump rất là lớn. Mà phong cách và cá tính của vị này thì mọi người đã rõ, gây rối tào lao và nhặng xị, ta nào có sợ gì. Thứ nhì trong số 17 ứng viên Cộng hòa sau cuộc tranh luận là thống đốc Scott Walker của bang Wisconsin với 12%. Ông phùng mang dọa Iran và nhắc lại tại diễn đàn là Iran đã phải thả con tin ngay vào ngày ông Reagan nhậm chức, ý là nguyên thủ Hoa Kỳ chỉ cần cứng rắn mà trừng mắt là bảo được cả thế giới! Cần nói, theo thủ tướng Israel Ytzhak Shamir và cựu tổng thống Iran Abolhasan Bani Sadr (tại chức vào lúc đó nhưng sau này lưu vong) thì phe Reagan đã thỏa thuận với Iran là nếu thả con tin sau cuộc bầu cử (để hại Carter) thì sẽ được tiếp tế lén vũ khí. Nhưng tin ông Walker thì chỉ việc bầu ông lên, Iran sẽ quy hàng vào ngay ngày hôm sau. Kẻ thua đậm vào giờ này là Jeb Bush, ứng cử viên “chính thống” của thành phần đầu sỏ (establishment) tại Washington. Từ hạng nhì, ông tụt xuống hàng 7 với 5%, ấp a ấp úng, khiến dư luận phải xét lại thành kiến trước giờ vẫn cho là ông W là người đần độn nhất trong hai anh em này. Sáu người về trước ông đều thuộc thành phần “bất chính”, như ông Walker to mồm không kém ông Trump hay chưa từng làm chính trị gia như bà Fiorina, hoặc bác sĩ trước đây vô danh Ben Carson. Quần chúng hữu khuynh của Cộng hòa không còn ngoan ngoãn theo đề nghị của các nhóm thiểu số lợi ích và tài phiệt, tức là cho chúng mày tự do mà lựa chọn, giữa Jeb Bush và Hillary Clinton. Phe Dân chủ: Đường lối “bất khả thi và mị dân” của Sanders có hạ được Hillary? Phần quần chúng cử tri tả khuynh của Dân chủ thì cũng thế và 11. 8, thăm dò về sơ cử tại bang New Hampshire cho thấy lần đầu tiên ông Bernie Sanders đánh bại bà Hillary tại bang này với 44%-37%! Vào tháng 3 năm nay, thăm dò tại bang này là Sanders 8% và Clinton 44%. Dĩ nhiên thăm dò là thăm dò và sơ cử New Hampshire là vào ngày 9. 2. 2016, trong 5 tháng nữa còn biết bao nhiêu chuyện đổi đời. Nhưng đây là lần đầu, và ắt sẽ không phải là lần chót, ông Bernie vượt qua mặt ứng viên “chính thống” của đảng Dân chủ trong các cuộc thăm dò. Tuần qua, các cuộc vận động tranh cử của Sanders mang lại kết quả không thể ngờ được. Sau 15.000 người tham dự tại Seattle, 28.000 tại Portland, hôm 10. 8 tại Los Angeles 27.500 người đến dự. Mít tinh đông người tham gia nhất của bà Clinton là 5.500. Cuối năm 2007, người viết này có tham dự một buổi gặp mặt vận động của ứng viên Dân chủ Mike Gravel. Cựu thượng nghị sĩ bang Alaska vào ngày hôm đó rủ rê được 30-40 người nhàn rỗi. Về lập trường và đường lối cũng như quan điểm, ông Gravel không khác ông Sanders mấy, tuy có phần quyết liệt “ngoài lề” hơn. Kết quả bầu cử sơ bộ bang Cali năm 2008, Gravel được 6.666 phiếu, bà Clinton được đâu đó 2 triệu. Tại bang Colorado, ông Gravel được vỏn vẹn 16 phiếu. Lúc đó ông đã tiên tri, bà Clinton, theo ông là “Bush light”, nhưng “Obama còn nguy hiểm hơn, vì hắn hứa hẹn thay đổi và quần chúng lại tin tưởng”! Nhưng tài tiên tri của ông không đưa ông đến đâu hết (hỡi ai còn nhớ “Hope and Change”)! 8 năm sau, ứng viên lề trái của đảng Dân chủ Bernie Sanders là một chuyện khác, cái bước lặn lội bờ sông và đạp phải cành mềm của Gravel đã thành một con đường. Hiện ông Sanders đã nhận được 15 triệu từ quần chúng ủng hộ, đóng góp trung bình là 33 USD, 99% là đóng góp dưới 250 USD. Quỹ vận động của bà Clinton dự tính sẽ là từ khoảng (khoảng thôi) 1 tỉ đến 2.5 tỉ! Năm 2012, quỹ của ứng cử viên Obama là 874 triệu (trong đó 263 triệu từ quỹ của đảng) và của ứng cử viên Romney là 844 triệu (284 triệu từ đảng). Chuyện tiền bạc tranh cử này đã khiến cựu tổng thống Carter lên tiếng là cơ chế chính trị Hoa Kỳ hết còn hoạt động một cách dân chủ mà bị lợi ích tài phiệt hối lộ và mua chuộc. Báo trào phúng The Onion mới đây đưa tin là ông Sanders bị 1 nhân viên cửa hàng bánh mì thịt McDonald gửi cho 20 USD để mua chuộc vì ông hứa sẽ tăng lương tối thiểu tại Mỹ lên gấp đôi thành 15 USD/giờ. Mị dân vừa phải thôi, vì Hoa Kỳ làm sao tăng lương tối thiểu lên gấp 2 lần được! Lương tối thiểu tại Mỹ là 7,25/giờ, nếu tăng lên thành $15 thì bỏ mẹ, chẳng lẽ bằng… Australia (15,58)! So sánh nào cũng khập khiễng và phải vào chi tiết, một số nước phát triển không có luật về lương tối thiểu, như Norway chẳng hạn, nhưng không ai lao động dưới mức 16 USD/giờ. Nói đến luật ấn định mức tối thiểu này, thì Pháp là 12,75; Đức 11,28; Anh quốc là $10,70; Canada là 9,22. Mỹ vẫn còn ăn đứt Nga (0,9) và Trung Quốc (1,22) chứ, thảo nào người ta thích thân Hoa Kỳ hơn là các cường quốc kia và không ai thích thân Ấn Độ (0,31). Đường lối kinh tế và xã hội của ông Sanders đại để toàn những điều “bất khả thi”, đánh thuế siêu giàu trên 50% (như dưới thời Eisenhower), đầu tư nhà nước vào hạ tầng cầu đường (như dưới thời Roosevelt). Ông đòi giáo dục đại học phải miễn phí là chuyện trên trời, chỉ có thể có tại… Âu châu kém cỏi (tại Denmark, sinh viên 19-26 tuổi đi học không trả phí, còn được nhà nước cấp 1000 USD/tháng là “lương” đèn sách, thảo nào tư bản tại nước này giãy chết). Hoa Kỳ là nước phát triển không có bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người, về mặt y tế này được WHO xếp hạng 37, trước cả… Cuba (39) và dĩ nhiên trước cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Về khác biệt giàu nghèo, dù tính theo chỉ số nào, Gini, IHDI, hay so sánh 10% giàu nhất với 10% nghèo nhất thì Hoa Kỳ vẫn cao nhất trong các nước phát triển (tức là khác biệt nhất), thí dụ trong khối 34 nước ODCE thì chỉ “kém” có Chili và Turkey. Nếu tính đến 0,1% giàu nhất thì cuối thập niên 70, giai cấp này sở hữu 7% của cải quốc gia tại Mỹ. 2012 thì 0.1% này đã sở hữu tới 22%. Trong khi đó, 90% nghèo nhất cuối thập niên 70 sở hữu 36% tài sản, là dấu hiệu của một giai cấp trung lưu vững mạnh. Đến năm 2012, 90% bên dưới này chỉ còn sở hữu 23%. Như thế, nói ngắn gọn như ông Sanders phát biểu vào ngày 10.8 tại Los Angeles, thì top 0.1% của cả nước sở hữu bằng 90% ở đáy là điều không thể chấp nhận. Mà các chính quyền từ cuối thập niên 70 trở đi là những ai? Ông không điểm danh họ nhưng đó là Reagan, Bush cha, Clinton, Bush W và “Hope and change” Obama. Trong khi các ứng viên Cộng hòa tranh cử trên lập trường “Nước Mỹ phải hùng cường trở lại” thì ta thấy ông Sanders cũng chẳng đòi hỏi gì quá quắt cả hay là đường lối cách mạng chưa từng thấy mà đã từng được thực thi 40 hay 60 năm về trước ngay tại đây, đang được thực thi hiện giờ tại các nước phát triển khác. Đà hữu khuynh của anh Hai Hoa Kỳ trong những thập niên qua đã khiến ngay cả các bạn Tây phương của họ cũng coi như là gương xấu hay kẻ thù đâm lén. Ông Sanders bị phê bình là muốn biến nước Mỹ thành… Norway (và ông trả lời là thành Norway thì đã sao)! Trước đây, ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney còn bị bêu xấu là… biết nói tiếng Pháp (ông theo đạo Mormon, từng phục vụ truyền giáo tại Pháp chứ không phải sang đó để đọc Jean Paul Sartre)! Phần bà Clinton, bối rối chăng trước sự thành công bất ngờ của đối thủ hạng ruồi này trong nội bộ của đảng, thì chỉ biết chiến thuật ậm ừ cố hữu, muốn hiểu sao cũng được và tránh né các vấn đề kinh tế. Giờ chưa rõ là bà chống hay theo thỏa ước TPP của ông Obama (bị Sanders phê bình), lập trường thế nào trên các vấn đề cụ thể môi sinh động đến các công ty khai thác mỏ than hay dầu hỏa. Bà Hillary, từ thế nữ hoàng ứng cử rơi vào thế thụ động, và chỉ biết nhấn mạnh hay nhắc lại đến các vấn đề xã hội như đồng tính hay phá thai để khác biệt với các đối thủ Cộng hòa. Giờ vẫn còn sớm, và bà còn rất nhiều tiền nhưng càng tiêu để vận động thì điểm thăm dò của bà lại càng xuống, khiến có nơi chế giễu là đừng làm gì hết và đừng tiêu có khi lại còn vững vị trí! Ông Sanders có đánh bại được bà Clinton hay không và ông có thể trở thành tổng thống Hoa Kỳ hay không thì chưa ai nói được. Điều chắc chắn là tranh cử của ông đã thay đổi diện mạo của chính trị Hoa Kỳ tại lúc này, đảo lộn các dự tính và các “sắp xếp” chính trị. Ông Sanders là một người cứng đầu. Theo một bạn từng ở chung nhà với ông mấy chục năm trước, buổi sáng mỗi khi gặp thay vì chào hỏi thì Sanders bảo “Chúng ta không phải là điên!” Dù có thành hay bại, giờ cũng đã có thể nói ai mới là người điên hay người dại. Hôm 10. 8 tại Los Angeles, giao thông tại khu vực bị tắc nghẽn, vào bãi xe phải mất nửa tiếng chôn chân. Sau đó, xếp hàng vào trong sân vận động rồng rắn mất thêm nửa tiếng nữa và sau cùng, vài ngàn người phải theo dõi buổi nói chuyện qua màn hình dựng vội ở các cổng. Có bạn than phiền là sao đi mãi không đến cuối đuôi của đoàn người để xếp hàng thì có bạn nghe thấy bảo “Thì muốn gì, đây là sức mạnh của quần chúng!” Sức mạnh này, vẫn còn tiếp tục tăng trưởng. * Chí làm trai dặm nghìn da ngựa 14. 08. 2015 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|