|
|||||||||||||
|
VănMiếng chả cá chiên 9 December, 2020Trong suốt “binh nghiệp” của tôi, tôi gần như không bao giờ ăn cơm nhà bàn. Nhà bàn thì tôi có đến vài bận, có nơi ngửi mùi đã bỏ đi, có nơi ngồi xuống cũng ráng ăn ½ chén cơm rồi đứng dậy. Sáng chiều, tôi ăn cơm là ở câu lạc bộ và lý do là bởi vì tôi may mắn, tôi sanh ra nhằm gia đình hẳn là giàu nhất trong đại đội. Bố tôi, thấy tôi đi lính, thì xanh cả mặt. Ông lo, con trai ông, nó bắn cái bọp là chết thẳng cẳng, may ra còn thều thào được chữ “Mẹ ơi” trước khi trợn trừng mắt. Về quân đội, ông hoàn toàn không có hiểu biết gì hay là ý niệm. Bạn bè ông, có đeo lon thì cũng bên quân y, hay là thẩm phán hoán chuyển qua an ninh cảnh sát. Trong gia đình, có độc một ông bà con theo binh nghiệp và vẫn bị mọi người coi thường vì thói phong kiến trọng văn khinh võ. Gặp vào ngày giỗ họ mạc, “Chú dạo này ra sao?” thì ông ta rụt rè, “Dạ, em mới lên tướng”. Thế hệ tôi thì có khác. Chúng tôi sinh ra trong thời khói lửa và hòa bình là hai chữ mịt mờ. Đối với đời cha đời ông thì đó là 1 tai ương. Đối với chúng tôi, đó là môi trường duy nhất và tất cả. Lần đầu khi vào trại thăm tôi, ông rất là ngạc nhiên trước hoàn cảnh sinh hoạt và ăn uống của binh sĩ. Ông hỏi, con ăn ở thế này à? Đời lính, theo ông tưởng tượng, là một kiểu cắm trại dài năm này qua năm khác. Mọi người ở trong lều, đi dã ngoại núi đồi, nằm bên bờ suối,thỉnh thoảng có đì đoàng và lăn quay ra chết. Đây thật đáng tiếc, vì nếu không có chết chóc, thì là một cơ hội tốt để rèn luyện thân thể cũng như tính tình. Tuy bố tôi ý thức là có người nghèo khổ, sống một cuộc sống thiếu thốn và khốn khó, nhưng ông không hề nghĩ đó là ở ngay trong quân đội. Cái ông sợ là gian nguy, là đu giây tử thần. Là dùng răng cắn chốt lựu đạn chứ không phải là muốn dùng răng có cái ăn để cắn cũng nhọc nhằn. Ông móc túi và đưa tôi hết tiền ông đang có là một nắm, chưa đếm mà tim tôi đã đập bình bịch. Khi trốn nhà đi đăng lính, tôi chỉ có 300đ trong túi, là giá hai tô mì gõ hay hai bao thuốc lá nội. Mấy ngày sau, khi ông tìm ra và đến thăm thì tôi đang rất đói vì như đã nói, cơm nhà bàn tôi ăn không nổi. Ông đưa tôi hôm đó là 30.000đ hay 40.000đ, có bao nhiêu đang trong túi ông đưa hết. Lương binh nhì, mỗi tháng sau khi khấu trừ tiền cơm là 10.000đ. Tôi chưa tới hạn lãnh lương đầu, thì bố đã cho gấp ba lần hay bốn. Mấy bận sau, khi không đích thân đi thăm nuôi được, thì ông nhờ người anh họ của tôi đến gặp tôi. Mỗi bận như vậy, anh đưa tôi 15.000đ. Nhưng nếu là dịp gặp thẳng bố, thì ông đưa 1 nắm không đếm trước, bao giờ cũng dư, 20.000đ hay là 30.000đ và ông lần nào cũng hỏi, như vậy đủ chưa con. Tôi bao giờ cũng nói, như thế đủ rồi bố, nhưng tiền đưa dư tôi không hề trả lại cho ông. Như vậy, mỗi tháng tôi ăn lương quân đội 10.000đ thì tôi ăn lương của bố thêm 60.000đ hay 80.000đ, sài rủng rỉnh và tôi cũng không cần vòi thêm. Bố tôi không phải dạng chìu con để nó vênh váo khác người. Ông cho tôi bấy nhiêu là vì theo ông nghĩ, đó mới đủ để đáp ứng nhu cầu của những người sẵn sàng hy sinh tất cả cho quê hương, những anh hùng không tên tuổi thấp thoáng bình minh hay trong bóng chiều của thời đại, trên môi ngạo nghễ 1 nụ cười và ngón trỏ trên cò súng. Ông anh họ có nhiệm vụ thăm nuôi tôi là thiếu tá bên không quân. Giờ, thiếu tá thì chẳng là gì ở nhà hàng Brodard. Nếu ở xe nước mía chợ Bà Chiểu thì oai hơn một tí. Nhưng đối với binh nhì là cách tới 11 cấp bậc, khoảng cách là từ đưới đất lên đến 9 tầng trời! Lần đầu anh đến thăm là đã hết giờ tao ngộ của tân binh. Cả ngày tôi đợi bà sơ viếng, vì tôi nào có người yêu nữ sinh nào đâu và cô đơn lắm. Tôi đã trở về lán nằm lê la thì trung sĩ cán bộ xuất hiện, hỏi thằng nào là thằng Khiêm đâu? Tôi đứng dậy thì thấy người anh tôi đi cùng với thựơng sĩ thường vụ đại đội, và hai ba hạ sĩ quan cán bộ khác. Anh tôi kéo tôi ra câu lạc bộ với cả đám cán bộ, kêu bia leng keng và bá cổ mấy tay này cụng ly tới cụng ly lui. Phải công nhận là anh rất khéo việc xử thế. Tôi không rõ anh có cho tiền họ trước đó hay không, nhưng cái họ thán phục là phong cách của anh. Anh nói chuyện với hạ sĩ nhất cán bộ như là gặp lại bạn đồng khóa thủa nào trường sĩ quan, ông ông tôi tôi. Anh ôm vai, “Tôi nói ông nghe, thằng em này của tôi nó khờ lắm từ lúc bé…” rồi anh nâng ly cười toét. Từ hạ sĩ nhất đến thiếu tá là 9 cấp bậc và tầng trời thì là 7. Khi anh đi rồi thì cán bộ nào cũng mê mẩn. Anh mày chịu chơi thiệt, anh mày bình dân hết sức v.v. Họ không tin được mắt mình. Có người còn phải hỏi lại tôi “Có thiệt thiếu tá là anh mày không?” Ông đeo lon thì ông là thiếu tá. Không phải là anh tôi thì cớ gì ổng lại vô đây thăm nuôi tôi? Anh với họ là khoảng cách trời vực, nhưng anh biết hạ sĩ hay trung sĩ họ cũng có thể hành tôi, phạt củ hay là đánh đập cho nên cái khéo của anh là cái khéo ngoại giao. Thứ bảy, đám cán bộ sếp của tôi dám mong anh đến còn hơn là tôi mong. Trong tuần, thì nhờ thế, tôi được mọi sự dễ dãi và ưu đãi. Trong cơm nhà bàn, mỗi tuần có một lần món chả cá chiên là món ăn được nhất. Mỗi người được một miếng chả cỡ 3 ngón tay. Một hôm như vậy, tôi đang ngồi ngoài sân vơ vẩn chứ không vào nhà bàn để ăn thì hạ sĩ quan ẩm thực chạy đến, đưa cho tôi nguyên một bịch ny lông có 20 miếng. Tôi, nhờ ông anh thiếu tá chịu chơi, giờ được coi như là thuộc thành phần “phe ta” cán bộ. Anh tươi cười nói tôi cầm lấy đi và lại nhắc nhở về “thiếu tá anh mày” một cách trìu mến như là người yêu đầu ngõ của y! Chả cá chiên thì tôi ăn được. Tôi ăn món này lần đầu không phải ở nhà bàn mà là ở câu lạc bộ. Ngày nào, bữa nào, tôi cũng chỉ ăn tại câu lạc bộ vì tôi có tiền, chứ sao, và ở đó còn có cô phục vụ ỏn ẻn qua lại, mặc cái quần đồ bộ nắng xuyên qua làm ửng cả làn mông. Hôm nào nhà bàn có chả cá thì ở câu lạc bộ cũng có, đố là từ đâu mà ra? Gạo câu lạc bộ, rau câu lạc bộ thì sao tôi biết được là từ nhà bàn bán ra, nhưng tôi nhận diện được cái chả cá. Bịch ny lông 20 cái tôi cầm là có 20 bạn đồng đội bị bớt phần từ anh hạ sĩ nhất. Trước đó câu lạc bộ sớt bao nhiêu thì tôi không biết. Vợ ông trung tá nào trúng thầu 6 cái câu lạc bộ binh sĩ thì tôi cũng không biết luôn. Tôi chỉ biết cô phục vụ mặc quần mỏng tên Thanh, là người đêm nào cũng ngủ lại tại chỗ trong quán. Cô mặc quần áo mỏng, và cô chỉ cởi khi nào cô đi tắm. Một quân đội đi là bằng bao tử, “Une armée marche avec son estomac“, là câu của Napoleon. Các bạn đồng đội tôi, di hành có cà nhắc, chắc là vì thiếu 1 cái chả cá chiên đó thôi. Và họ thiếu, một người anh thiếu tá vui tính. Ý kiến - Thảo luậnHoàn toàn không. Đời tôi (1974) có 1 bạn SV ở Pháp về đi sĩ quan trừ bị, bạn này được lên báo lên đài tung hô nên biết. Đời trước là chuyện khác, các niên trưởng đàn anh học ở Pháp về nước rồi nhập ngũ rất nhiều, đại tá ‘Chiều mưa biên giới’ Nguyễn văn Đông, trung tá ‘lên xe tiễn em đi’ Cung Trầm Tưởng, Trung úy ’em đi mà chợt mát’ Nguyên Sa… Nếu bạn biết xin giới thiệu. Tại Pháp thời điểm 1970’s có một bạn Đỗ Thế Khiêm đăng ký trên sứ quán, tôi biết vì khi đi lên làm giấy tờ hay bị nhầm hồ sơ vì trùng họ trùng tên. anh Khiêm ơi, ông đó là Phạm Duy Khiêm , anh của Phạm Duy : Năm 1935, ông về nước làm giáo sư tại trường Bưởi, rồi trường Albert Sarraut. Từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 6 năm 1940, ông gia nhập quân đội kháng chiến Pháp chống phát xít Đức, nhưng rồi giải ngũ vì Thủ tướng Pháp Philippe Pétain nghị hòa với Đức, giải tán quân đội. Phạm Duy Khiêm trở về Việt Nam, tiếp tục dạy học, viết văn và làm báo. 3 bình luận trong “Miếng chả cá chiên”Leave a Reply
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|
Có ông cũng tên Khiêm, có bằng thạc sĩ ở Pháp, cũng tình nguyện đi lính binh nhì Pháp. Anh Khiêm có biết ?