|
|||||||||||||
|
Chính trịBầu cử ở Mỹ: những điều vô lý quyết định số phận chúng ta 24 November, 2024Đỗ Kh.Hoa Kỳ là một nước mới vào dạng “trẻ” nhất thế giới, nhưng lại sử dụng hiến chương vào dạng lâu đời nhất là hiến chương 1789, nay đúng 235 tuổi. Để so sánh, hiến chương Pháp hiện hành là 1958 (66 tuổi), hiến chương Spain là 1978 (46 tuổi), Đức quốc là 1949 (75 tuổi) v.v. Việc một quốc gia càng trẻ lại càng trọng giá trị của thời gian là điều dễ hiểu, người ta ưa trọng vọng những gì ta thiếu hay là không có. Tới nước uống Coke chẳng hạn, năm 1985 toan thay đổi gu đã thất bại về mặt thương mại, công ty sản xuất phải trở về công thức cũ và gọi nó là Coke “Cổ điển”. Tại Mỹ, người ta thờ “cổ điển” và về mặt chính trị, không có gì được tôn kính hơn là Hiến chương và các “Cha già lập quốc”. Từ “vi hiến” trong lãnh vực chính trị là một từ sỉ nhục và là tội nặng nhất, ta làm gì cũng được cả, miễn sau đừng “vi hiến” lẫn nhau là chấp nhận được. Vì thế nên về mặt bầu cử, Hoa Kỳ có những tập tục khác mọi nơi, như 1789 khác với 1949, 1958 hay 1978 trong các thí dụ Đức, Pháp, Spain đã nói. Ngày bầu cử ở mọi nước thường vào ngày Chủ nhật. Tại Mỹ ngoan đạo của thế kỷ 18 nó phải tránh ngày đi nhà thờ. Nó vào đầu tháng 11 vì lúc đó đã gặt xong mà chưa cấy nên nông dân chúng ta gác cày gác liềm và có thì giờ để làm chính trị. Tại sao nó lại vào thứ Ba trong tuần ? Vì thứ Tư thường là ngày họp chợ và chúng ta còn phải đi shopping. Thí dụ này không phải chỉ để mỉm cười. Hiến pháp Mỹ khiến số cử tri đầu phiếu thấp vì vậy. Năm 1996, bầu cử tổng thống, số cử tri tham gia là 51,7% số người trên 18 tuổi. Như vậy năm 1996 chỉ có nửa cử tri Mỹ đi bầu. Kỷ lục đi bầu là 2020 với 65,9%. Việc bầu cử còn đòi hỏi thủ tục phải đăng ký, và các công dân thiểu số đi bầu gốc Á đông là 32,1% (2008) chỉ bằng 1/2 số cử tri da trắng (64,8%). Tỉ lệ đi bầu của người có học lực lớp 9 là 23,4%, chỉ 1/3 của số có bằng cấp cao hơn cử nhân (76,2%). Tỉ lệ đi bầu của người thu nhập thấp nhất, dưới 15.000 USD/năm, là 41,2%, so với số có thu nhập cao nhất, trên 150.000 USD, có tỉ lệ đi bầu là 76,1%. Tỉ lệ 18-24 tuổi đi bầu cũng thế, ở mức 41%, trong khi trên 65 tuổi có tỉ lệ đi bầu vào khoảng 70%. Đây để nói là người Mỹ đi bỏ phiếu là người Mỹ lớn tuổi, có học vị, da trắng và thu nhập cao. Chỉ có một lãnh vực bình đẳng là nam nữ: phụ nữ đi bỏ phiếu cao hơn đàn ông, nhưng đây có lẽ do ngày bỏ phiếu rơi vào thứ Ba, và phụ nữ tham gia lao động thấp hơn đàn ông nên có thì giờ đến phòng phiếu. Lá phiếu của người da trắng lớn tuổi, có bằng cấp và thu nhập cao nặng hơn lá phiếu của người trẻ ít học và nghèo đã đành, hủ tục bầu bán kiểu những ngày xưa thân ái đó còn gây ra kết quả trái khoáy. Một thí dụ là năm 2016 trong đại hội sơ cử đảng Dân chủ tại bang Nevada, bầu là hô bằng miệng ủng hộ chứ không phải bằng lá phiếu! Chủ tịch đại hội tuyên bố bà Clinton thắng ông Sanders vì bà nghe tiếng hô ủng hộ Hillary lớn hơn! Phe Sanders phản đối thì bà nói hết giờ rồi nên giải tán. Trước đó nghiệp đoàn khách sạn đã phải xin cho nhân viên nghỉ 4 tiếng để đi bầu! Giờ xong 4 tiếng rồi thì đi làm trở lại thôi và đừng nói năng gì nữa, ai bảo lúc nãy phổi yếu và không hô lớn đủ để ủng hộ ông Sanders. Đây là chuyện thật về bầu cử ở Mỹ, không phải chuyện đùa. Theo Hiến pháp Mỹ, tục mỗi bang bầu ra đại biểu (đại cửa tri) và các đại cử tri này bầu lên tổng thống. Đây là từ thời điểm 1789 khi mỗi bang bầu xong thì gửi đại cử tri cỡi ngựa hay đánh xe bò về kinh mang tiếng nói của bang mình. Tục là ai thắng tại bang nào thì tóm được hết toàn thể đại cử tri của bang ấy (trừ 2 bang có thể lệ chia đại cử tri). Điều này khiến người trúng cử tổng thống có thể lại ít phiếu đại chúng hơn là ứng viên thất cử. Năm 2000, ứng cử viên Al Gore chiếm 48,4% số phiếu và George W Bush chiếm 47,9%. Ông Bush thắng vì ông có 271 phiếu đại cử tri trong khi ông Gore chỉ có 266. Năm 2016 thì như sau, ông Trump với 46,1% phiếu và 304 đại cử tri đánh bại bà Clinton với 48,2% phiếu nhưng chỉ có 227 đại cử tri. Bà Clinton hơn ông Trump 3 triệu phiếu, nếu ở nước khác thì bà đã thắng nhưng đây là Hiến pháp Hoa kỳ và bà thua đậm, kém tới 77 đại cử tri! Tua nhanh sang đến 2024, ai có 270 đại cử tri trở lên sẽ làm tổng thống thôi do người già người giàu và người da trắng có học bầu lên. Bàn cờ tiểu bang hiện nay và thể thức bầu cử đại cử tri khiến kỳ này chỉ có 7 tiểu bang quyết định cuộc bầu cử của cả nước. 43 bang còn lại ta đã cầm chắc kết quả và không thể thay đổi. Thí dụ bang California theo thăm dò chót thì bà Harris sẽ có 59% phiếu và ông Trump 34%. Như vậy 54 đại cử tri của bang sẽ về đứt tay bà và nếu là cử tri Việt kiều ở đó, sang thứ Ba mùng 5 ta có thể đi ăn mì gõ, ăn bún bò hay ăn cơm bụi thay vì đi bỏ phiếu mà không thay đổi gì kết quả. Ngược lại, tại bang Texas, thăm dò cho biết ông Trump 52% và bà Harris 45%, và ông nắm chắc toàn thể 40 đại cử tri của bang. Bảy bang quyết định là Nevada, North Carolina, Wisconsin, Georgia, Pennsylvania, Michigan và Arizona. Tại sao các bang này với 93 đại cử tri (trên tổng số 538) và 45 triệu cử tri sẽ quyết định cho cả nước? Tại vì ở đó, hai ứng viên suýt soát nhau. Tại bang Michigan chẳng hạn có 15 đại cử tri và có thể mang phần thắng cuối cùng cho một trong hai ứng viên. Các thăm dò chót tại bang này là 49%-49% trên tổng số cử tri là 7,6 triệu. Trên tổng số này sẽ có khoảng 5 triệu người đi bầu. Như vậy 1% tức là ½ triệu cử tri tại bang Michigan có thể sẽ chỉ định tổng thống tới của nước Mỹ. Bang Michigan có đặc điểm là có 500.000 người Mỹ gốc Ả rạp. Thành phố Dearborn, 110.000 dân cư ở ngoại ô Detroit là thủ đô Ả rạp của nước Mỹ với 55.000 người Ả rạp. Bình thường và trước đây, đa số cử tri Ả rạp vẫn đầu phiếu cho Dân chủ nhưng năm nay có khác. Trong năm, vừa qua, chính quyền Dân chủ của ông Biden triệt để ủng hộ Israel tiến hành cuộc diệt chủng người Palestine ở Gaza. Phần ông Trump cũng là fan cứng của Zion chủ nghĩa và từng ra lệnh cấm công dân của 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào nước Mỹ. Lựa chọn giữa ông Trump và bà Harris được coi là nan giải, giữa cái ác và cái ác hơn, hay không biết cái nào ác hơn cái nào riêng trên vấn đề này. Hoặc nói hài, là lựa chọn giữa “Dumb & Dumber” (bộ phim hài “Siêu ngốc gặp nhau” 1994). Một cử tri Mỹ gốc Ả rạp tại bang Michigan bảo một bên cấm gia đình tôi vào nước Mỹ, nhưng bên kia thì đưa bom cho Israel ném họ chết, tôi không chọn phe diệt chủng được. Nếu về chính sách đối nội, kinh tế và xã hội, phụ nữ, lao động… thì chính quyền tới của Dân chủ không có gì khác mới. Tuy nhiên nước Mỹ đang đứng trước thay đổi toàn cầu và đang bị đe dọa vị thế làm trùm thế giới của họ. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý của một số cử tri Mỹ và họ tin vào một giải pháp phục hồi những ngày xưa xa xôi màu tím. Nói chung, đây là phản ứng của quần chúng Tây phương khi đi vào con đường sa sút trong thập niên này và hiện tượng Trump dưới hình thức này hay hình thức kia, tức là quốc gia chủ nghĩa cực hữu, khởi sắc tại Âu như Pháp, Ý, Ba Lan v.v. Nếu nó không cùng một màu sắc là vì mỗi quốc gia chủ nghĩa khác nhau và mâu thuẫn nhau thôi tùy theo vị trí chính trị địa lý. Về chánh sách đối ngoại, thế giới đang đứng trước đe dọa tập thể là Thế chiến 3. Đây không nói quá và có ai nhớ đến vấn đề Sudetes năm 1938? Đó là một lãnh thổ thuộc Séc có vài triệu dân cư gốc Đức và bị chính quyền Quốc xã chiếm. Tây phương Anh và Pháp chấp nhận sự việc này và có hòa ước Munich 1938 nhưng không tránh được Thế chiến năm 1939. Dĩ nhiên, Thế chiến là do những mâu thuẫn lớn hơn giữa các đế quốc và các thế lực thời đó chứ nhằm nhò gì một ngòi nổ Sudetes với 40.000 km2 và 4-5 triệu dân cư. Nhưng nó dẫn đến Thế chiến với rốt cuộc là 80 triệu người thiệt mạng! Hiện nay, ta có 2 nguy cơ dẫn đến khủng hoảng toàn cầu là Tây-Mỹ-Israel với Iran và Tây-Mỹ-Ukraine với Nga. Gaza cũng như Sudetes 86 năm trước, có thể là ngòi nổ của một thay đổi lớn về cấu trúc của thế giới. Năm 1968, ông Johnson không ra tranh cử và đại diện cho đảng Dân chủ là phó tổng thống Hubert Humphrey. Nước Mỹ đang bối rối bởi chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 9 tức là 1 tháng hơn trước ngày bầu cử, Humphrey tuyên bố sẽ ngưng ném bom Bắc Việt nếu ông làm tổng thống. Đây là quan điểm cắt đứt với lập trường về chiến tranh của tổng thống Johnson khiến ông này tức giận nhưng được cố vấn Rostow cũng như ngoại trưởng Rusk khuyên là nên làm thinh. Phía Nixon trong khi đó thì lại đánh tiếng với chính quyền Nam Việt qua bà quả phụ (Trung Hoa dân quốc) của tướng Chennault là đừng chấp nhận giải pháp hòa bình của Dân chủ. Ứng viên Nixon cũng chẳng quan tâm gì đến Việt Nam hay chiến tranh và hòa bình vào lúc đó. Quan tâm của Nixon là phá đối thủ Humphrey để đắc cử và ông thành công. Bà Harris là một người may mắn. Từ một ứng viên tổng thống bỏ cuộc sớm (12.2019) bà được ông Biden nhận vào liên danh vì bà là một phụ nữ trẻ da màu trong khi ông là một đàn ông cao niên da trắng. Trong thời gian 4 năm qua, bà đứng sau lưng ông tạc dạ từng lời ông nói và với nhất động nhất cử của ông, bổn phận của bà là vỗ tay hưởng ứng; không thấy bà làm gì khác đáng để ý ngoài đi sang Pháp mua một cái chảo làm bếp đắt tiền. Sau khi ông Biden bị bộ máy đảng bắt ra đi thì ta tưởng phía Dân chủ phải có một đại hội “mở” tức là chọn một ứng viên mới. Đằng này việc ông Biden chỉ định bà Harris được coi là một sự trả thù lại guồng máy. Họ bắt ông đi, thì ông bắt họ phải nhận bà cho biết tay! Trở lại vấn đề Palestine, như ông Humphrey trước đây, bà Harris có thể cho thấy bà đã lớn, “tự lập” được và cắt đứt với đường lối của ông Biden. Rành mạch về việc này bà có thể được 100 hay 200 ngàn phiếu Ả rạp ở bang Michigan thôi, đủ để cuỗm của ông Trump 15 đại cử tri và trở thành tổng thống. Giờ thì đã trễ, và 100 hay 200 ngàn phiếu này có thể quyết định chiều này hay chiều kia về tương lai của 8 tỉ người trên thế giới. Nói thế, 1-2 trăm ngàn phiếu Mỹ gốc Ả rạp là cường điệu, nhưng với khả năng chiến tranh hạt nhân đe dọa bùng nổ ở ở Tây Á hay là ở Đông Âu thì lá phiếu của 45 triệu cử tri thuộc 7 bang đang nghiêng ngả ở Mỹ sẽ quyết định thay cho cả 8 tỉ người chúng ta. 5. 11. 2024 Đã đăng ở TTCT tháng 11. 2024 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|