|
|||||||||||||
|
Gia đìnhTiệm phở ở Madison 24 February, 2021Đỗ Kh.Cô Sơn tôi những năm trước khi mất ở tại Madison, Connecticut, trong một căn nhà bé nơi gần biển. Đây là một thị trấn nhỏ, chỉ có 18.000 dân cư lan man trên những thửa vườn rộng. Vào mùa hè bãi biển Hammonasset khiến kẹt xe từ trên xa lộ liên bang 95 là xa lộ nối liền New York đến Boston dọc theo bờ biển. Nhưng ngoài mùa tắm nắng, tắm nước ra thì vắng vẻ và yên lành con đường quanh co là tỉnh lộ số 1. Đi về hướng Bắc 40 km là Hartford. Thành phố này tôi biết từ lúc bé, lần đầu thấy địa danh này là trên một khẩu súng ngắn của hãng Colt. Ngày nay, Hartford là nơi có chợ Việt Nam gần nhất là “chợ Á Đông”. Cô tôi lớn tuổi, khi về đó ở đã không còn lái xe nữa. Một tháng đôi bận, khi đi nhà thờ nhờ xe của tín hữu cô đặt hàng nhờ các bạn mua hộ, hai tuần sau khi gặp lại thì họ mang đến. Cô Sơn sang Mỹ sống từ 1965 tại vùng thủ đô Washington DC. Vào thủa đó và mãi đến 1975, chỉ có một nhà hàng Việt ở bang kế cận Maryland. Thập niên 1965-1975, gia đình cô sống hầu như trong môi trường Mỹ, các con cô nói tiếng Việt ngọng chữ được chữ không, kiểu “nhà tôi có nuôi một ông ngoại, ông hay dùng nước để giặt đầu”. Như vậy đã quen từ lâu rồi, đến nửa thế kỷ sau, là 2015, thì cô có sống cách chợ “Á Đông” và rau mùi một tiếng cũng chẳng thấy có gì thiếu thốn. Madison yên lành và rất đẹp xanh tươi tuy hẳn là lạnh lẽo. Từ nhà cô ra đến biển và sóng xô ghềnh đá ầm ầm trong khi gió thét chỉ có khoảng 100m. Một năm nào, sau khi chú mất và cô chỉ còn có một mình thì cả thị trấn bị mất điện. Đây là vào giữa mùa đông ( 2014?) và điện bị mất trong hai tuần! Phần sưởi vì bằng ga nên còn chạy nhưng chợ búa và các cửa hàng vì không có điện nên đều đóng cửa, mua bán bất cứ gì phải đi xa sang các thị trấn kế mà cô thì đã lớn, bị tê thấp không còn lái xe được cho nên không có xe. May là cô có con trai ở cạnh, cách có 3 nhà, nhưng em cũng ở một mình. Em đi làm về thì mua đồ ăn mang đến cho cô. Nhà hàng là ở trên xa lộ 95, khi mang về đến thì đã nguội và lại không thể hâm lên được bằng nồi vi ba. Thời gian những năm cuối này, tôi có đến thăm cô vài bận tại Madison. Trước, khi bố tôi còn sống, anh em rất hay gặp nhau. Hoặc bố tôi đến nhà, hoặc cô có sang Pháp, sang Cali, Hong Kong… thăm anh. Một năm, hai anh em về lại Lạng Sơn là nơi họ lớn lên trong thập niên 20-30. Cô kể là anh cả là bác Phúc rất nghiêm với em gái, bắt học và làm bài sai thì đánh bằng thước kẻ vào tay. Trong khi thì bố tôi thì ngược lại hoàn toàn. Có bận ông còn đến trường nói láo là có việc nhà cần kíp để xin cho cô nghỉ học. Cô cũng không biết và tưởng thật, hóa ra là chuyện bố tôi đặt ra để anh em dắt nhau đi chơi. Năm 1948, cô tôi ở nhà có một mình tại làng Hành Thiện. Cô kể, cô là con gái trẻ có biết gì đâu mà mọi điều ập xuống lên đầu. Ông nội tôi công tác tại Thanh, bà nội thì ở cùng và ông tôi mắc bệnh mất trong năm đó. Bố tôi thì đang đi tù Việt Minh tại trại Đầm Đùn và một đêm thì bác Phúc xuất hiện, ôm bụng máu me mà gõ nhẹ cửa nhà. 1946-1948, bác hoạt động Việt Cách và bị thương cùng đường phải về làng trốn tránh. Làng lúc đó Việt Minh kiểm soát và bác ra ngoài ruộng ẩn trong một túp lều. Mỗi ngày cô tôi nấu cơm phải giả đi ra thăm ruộng để nuôi bác. Được hai tuần thì đến nơi như mọi ngày lại không thấy bác đâu nữa! Theo cô thì một người em họ, “thằng ấy da nó trắng và tính tình nó như con gái. Nó làm công an Việt Minh” biết được và chỉ báo đến bắt bác mang đi mất thủ tiêu. Theo ông Bùi Diễm, là đồng chí của bác Phúc, thì bác lành thương lại lần mò trở về chiến khu của Đại Việt và bị giết cùng toàn bộ tại đó. Đại tá Phạm Văn Liễu trước đó được huấn luyện tại chiến khu này và rời trước khi thất thủ. Tôi có hỏi vào lúc ông Liễu đã bịnh nặng và người nhà ông cho biết ông không trả lời được. Theo bà nội tôi thì bác Phúc chưa mất và bỏ đi đâu đó, vẫn còn sống ở ngoài Bắc hay bên Trung Quốc không chừng. Cho đến ngày bà tôi mất là 25 năm sau đó, cụ vẫn tin chắc là như vậy và không cho ai thắp cho bác một cây nhang. Số phận của bác trong thời chiến ấy, nếu nghe ba người gần gũi nhất, đã là ba chuyện khác nhau. Như vậy, chuyện mất điện ở của cô ở Mỹ là chuyện nhỏ. Các con cô lớn lên tại bang Virginia cũng không có cơm Việt mà ăn, khổ thế chứ, sau lại đều lấy vợ lấy chồng người Mỹ nên phở không buồn biết là gì. Ở Madison có một tiệm phở, là “phở Madison”. Từ nhà cô đến đó trên đường 1 cũng mất hơn 30 phút. Nó như là một căn nhà riêng ở vệ đường, bên ngoài chẳng có trang trí gì kiểu Việt. Đây là tiệm phở duy nhất mà tôi biết có cô phục vụ lại là người Mỹ xi xô, người Mỹ trắng 100% con gà luộc và vô ăn gọi món thì phải biết nói tiếng Anh với cô phục vụ này nhe! Bà chủ có là người Việt thì còn bận nấu nướng ở trong bếp. Tôi đến ăn với cô Sơn tôi, phở ở đây nói thật là ăn cũng OK, nhưng chán là vì không có hành trần nước béo với lại một cái hột gà, thịt tái bỏ ngoài và cho xin thêm giá. Phở mà xin thêm giá, một là vô Sài Gòn mà ăn nhé, hai là xuống New York mà xin chứ không có ở đó. Hiện giờ, Madison nghe đâu là cũng đang mất điện như năm nào và như bang Texas, vì bão. Cô tôi đã mất được mấy năm rồi và kiểu nào thì bác Phúc tôi như vậy cũng mất từ 1948. Năm 1990, tôi về thăm làng thì một người ông chú họ lớn tuổi và đã lẫn, nhìn tôi lại nhầm ra là bố tôi. Cụ bảo, thế là anh từ 1948 tôi mới thấy anh trở về làng, còn anh Phúc thì năm đó trong chiến tranh gặp nạn. Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|