Gia đình

Chiếc bánh ăn không 6 July, 2021

Đỗ Kh.

Paris Brest, có thứ rắc thêm hạt gì đó, có thứ hình tròn, có thứ kiểu vòng hoa 10 người ăn, thêm dâu thêm đào.. Hình từ trang này 

Nửa năm rồi tôi chưa ăn bánh loại này. Tôi chẳng phải là người hảo ngọt, nói về miếng ăn thôi, nhưng thỉnh thoảng và có thấy cũng thèm. Đó là chiếc bánh ngọt Pháp gọi là “Paris-Brest” và sự hiện diện của nó ở nơi này làm tôi ngạc nhiên. 40 năm sau, tại các hiệu bánh “Pháp” ở khu Bolsa (Nam Cali) còn chưa có thì ngày đó ở tại Sài Gòn lại càng hiếm. Nó bé bằng hai ngón tay của ông Donald Trump, và ở giữa có nhồi một loại kem bơ đặc biệt ăn xốp xốp, khác với kem nhão nhoẹt của “éclair” hay “chou à la crème”. Đây là tạng bánh bình dân, nếu ở Pháp, tiệm bánh mì nào cũng có, bán 1-2 đồng E. Nhưng đây không phải là nước Pháp bình dân.

Hoàng thì không biết đến, nên tôi kêu hai cái ăn thử và thấy không được ngon lắm.

Sài Gòn, vào đầu năm 1975, như vậy là hoa lệ, và cái gì cũng có.

– Mày có biết cái con mẹ nào mỗi tuần ăn bánh mì Poilane từ Paris về theo chuyến bay Air France không? Đù mẹ, tao nghe nói thế, hình như là vợ bé thằng cha Đôn. Mỗi tuần chả ra phi trường nhận, mang về cho con mẻ ổ bánh mì, quì xuống một chân và dâng lên, cầm lấy một tay nàng để hôn.

Mình bước tới, trao cô khúc bánh mì
Nàng không ăn, muốn ăn con gà rô ti!

– Tao biết bánh mì ngoài kia kìa, 120 đồng một ổ, Hoàng chỉ ra bên ngoài đường.

Ngoài đường là Nguyễn Huệ. Chúng tôi đang ngồi trong Caféteria Rex, một cái tên tôi nghe chói. Caféteria là chữ dùng để chỉ nơi ăn trưa công sở hay trường ốc ở nước ngoài, mang hơi hướm bưng khay vội vã và thức ăn khó nuốt. Năm 1973, người Mỹ rút về nước, tòa nhà Rex trước cho Phòng thông tin Hoa Kỳ thuê giờ đóng cửa im lìm để trang chỉnh gì đó thì tôi không biết, và cái bar trên sân thượng được dời xuống dưới nhà, gọi là Garden. Nó bàn ghế bằng sắt loại bày vườn của ngoại ô nước Mỹ, có mấy giàn hoa giả treo lỏng chỏng với chùm nho bằng mủ. Garden Bar, trước Hiệp định Paris 1973 và khi còn ở trên nóc, là nơi họp báo hàng ngày của Mỹ, được truyền thông quốc tế gọi là “5 o’clock follies”. Cụm từ này cần giải nghĩa. Follies là các chương trình diễn có phụ nữ tốc váy và chổng mông. Phòng thông tin ra đi, Phát ngôn nhân quân đội Mỹ chẳng còn chổng mông trên sân thượng cho nhà báo quốc tế xem nữa, thì bàn ghế mang xuống đây bày cho khách Việt vậy ở Cafeteria.

Khách sạn Rex. Ảnh từ trang này 

Tôi chẳng thích gì mấy, nhưng tôi hay lại đây ngồi vì Brodard, Givral hay Quán Chùa huyền thoại, tôi lại càng không ưa. Quán Chùa cả đời tôi chưa từng một lần đặt chân đến.

Mấy chị giúp việc ngỡ ngàng không ngăn cản, và các anh giao hàng cứ xăm xăm khiêng vác vào trong bếp. Họ chất đầy một tường 10 két Champagne mỗi két 12 chai. Đó là vào năm 1966 hay là 1967. Đến khi mẹ tôi phát hiện thì họ đã xong việc này và lên xe đi mất. Mẹ bảo các chị, sao lại nhận, của ai, chắn hết cả lối đi lại. Lúc bố tôi về nhà ăn trưa mới cho biết, đó là của La Pagode tặng. Nhà tôi không ai uống rượu cả, mẹ nói, gọi họ đến lấy lại, và bố tôi nghiêm chỉnh chấp hành hay tẩu tán nó đi chỗ nào thì tôi không biết. Ngày chủ nhật sau đó, và trong một tháng liền cứ đến cuối tuần, sáng tôi dụi mắt dậy thì đã có nhân viên đến trải bàn trắng, mang lỉnh kỉnh chén tách thìa dĩa của họ và bình thủy nước nóng, đứng đó phục vụ điểm tâm tại gia, tráng hột gà. Tôi rất chán vì sáng chủ nhật tôi thích bố lay dậy đi ăn bánh cuốn nhân thịt, mắt kèm nhèm nhìn bà hàng cuốn từng cái bốc khói bỏ vào trong đĩa chứ bánh sừng bò tôi không ham.

Chủ nhân người Pháp của Quán Chùa dạo đó gặp chuyện gì rắc rối với luật pháp, bị tịch thu tài sản, đuổi khỏi Việt Nam và cấm trở vào. Ông này là thân chủ của văn phòng Luật của bố tôi, hùng biện vung tay áo trước tòa thế nào mà ông thoát tù tội và giữ được của cải. Cho nên, thay vì nhân viên quán đến khám Chí Hòa trải bàn trắng cho ông chủ của họ ăn sáng thì họ đến nhà tôi làm việc này để trả ơn. Mẹ tôi nói, thân chủ họ đã trả thù lao rồi sao còn lại lắm chuyện thế, định vái anh đến chừng nào mới thôi. Bố tôi dễ tính, người ta cám ơn thì phải nhận cho nó lịch sự, mình để một vài bận cho họ vui rồi hãy bảo họ ngưng. Như vậy Quán Chùa, tôi không có đến uống càfé và trầm ngâm làm thơ tại chỗ, nhưng quán có đến chỗ tôi và pha càfé tại nhà, bày biện trong vườn có ghế bàn sắt sẵn như là nhà hàng Garden đây.
Bàn bên cạnh chúng tôi không thầm thì nho nhỏ mà nói chuyện hồn nhiên và cười to tiếng. Một vị mặc đồ đại cán bốn túi là dân biểu Quốc hội. Dân biểu Quốc hội thì ai mà biết mặt, cử tri bầu ông này lên còn chưa dám biết ông là ai thì nói gì đến tôi. Tôi đoán được ra nhờ câu chuyện ông trao đổi với một anh áp phe quần tây vải bóng và còn trẻ. Tôi gắng theo dõi nhưng không nắm được nội dung hay là chi tiết, lờ mờ cái gì nhờ vả hay chạy chọt, cũng không đến nỗi vi phạm luật hay là trái với nguyên tắc đạo đức của ngành lập pháp. Xong việc rồi thì anh móc bóp ra, tưởng anh giúi cho ông mấy tờ bạc lẻ, nhưng không phải. Anh lấy ra khoe với ông tấm thẻ hội viên mới, “Em mới được hội thu nhận”.

– Mày số Cercle là bao nhiêu? Tôi hỏi Hoàng.

– 3 ngàn gì đó…

-Tao là 5.321. Thằng này nó mới vào, thẻ nó 11.000 hay 12, tao thấy không rõ, chỉ loáng thoáng…

-12.000 hội viên thì còn ra thể thống gì nữa, Hoàng nói.

Hội là hội quán thể thao Sài Gòn, Cercle Sportif Saigonnais. Tôi chẳng có gì hậm hực nó cả, đây là nơi tôi từ tấm bé mỗi ngày vào ra. Nhưng mấy hôm trước, buồn chẳng có chuyện gì làm, tôi rủ Hoàng mang chai xăng đốt phòng đọc sách, chơi cho vui thôi. Hoàng ngẫm nghĩ chín chắn một lúc rồi bảo :

– Đốt xong thì nó biên thơ kêu gọi ông già mày, ông già tao góp tiền xây dựng lại chứ còn ai vào đó !

Hoàng nói cũng có lý. Nhưng giờ tôi biết là có đến 12.000 hội viên thì đốt cũng được đấy, niên liễm mỗi hội viên có tăng lên chút xíu và chia phần thiệt hại vì hỏa hoạn ra đồng đều.

Tôi cầm tờ giấy tính tiền của Garden lên xem, mỗi cái bánh 1.200 đồng. Đây là bằng 10 tô hủ tíu bình dân, 10 ổ bánh mì nóng hổi hay 24 ly càfé sữa đá vỉa hè, 2 ngày rưỡi lương binh nhì giữ nước đánh giặc hay 58 giờ phép.

Bạn tên gì, Bửu Anh hay Bửu Hùng thì tôi đã quên mất. Tôi học chung với bạn năm Quatrième ở Jean Jacques Rousseau tức là Lớp 8. Anh em gọi là thằng Bửu Rex, vì bạn là con của ông Ưng Thi, chủ của tòa nhà này tại trung tâm Sài Gòn. Tôi không thân gì với bạn này vì không hợp tạng, nhưng có bận bạn mang cả 1 tập vé xem hát ra mà phát phải phát trái thì tôi cũng lại xin “mày cho tao mấy tấm”. Lúc đó (hình như) Rex mới chỉ có một rạp, sau này du nhập vào Việt Nam khái niệm multiplex và thêm hai rạp Rex Mini A và Rex Mini B là ba rạp tất cả. Hai rạp Mini này có ghế đôi để các cặp tình nhân có thể ngồi ấp nhau mà diễn tuồng Ấn Độ trong bóng tối, còn trên màn hình chiếu phim gì thì không ai cần biết.

Năm 1975, ngoài ba rạp hát, thì thương xá còn cái quán nước này và 1 vũ trường loại đỉnh ở ngay cạnh, bắt ca ve về qua đêm là 15.000đ. Một đêm “Sàigòn-Cực Lạc” là 12 cái bánh cũng kem “Paris-Brest” nếu biết nhìn lên. Nhưng tôi nhìn xuống và thấy nó không phải chăng. Sao thì, cả hai trường hợp tôi đều cho là chặt đẹp.

– Thằng Bửu Rex còn ở Việt Nam không? Tôi hỏi Hoàng

– Tao không thấy nó nữa, tưởng nó đi Pháp rồi.

– Tao đâu thấy nó ở Pháp, chắc nó đi Mỹ.

– Hay là nó vẫn ở đây, Hoàng nhún vai.

– Biết đâu nó thắt nơ đen đứng chắp tay ở sau quày kìa. Mày gọi nó ra mà xin nó tiền bánh ngọt, tôi đứng dậy.

Chúng tôi đi ra chỗ tính tiền điềm nhiên. Tôi nói Hoàng:

– Đi luôn, đi luôn, thẳng ra ngoài, không có trả tiền!

Ra đến cửa, tôi thấy ông phục vụ đi theo đằng sau, gọi “Hai cậu! Hai cậu!” Tôi và Hoàng bước nhanh len vào đám đông qua lại rồi bắt đầu chạy. Tôi khom người nhắc Hoàng hụp người xuống vì bạn này 1 mét tám, quá khổ quần chúng vãng lai một cái đầu. Chúng tôi chen qua các xe hàng vỉa hè, xô đảy chị Ba, anh Bảy, và bung ra lộ. Tôi chỉ về phía trước hô to :

– Bắt nó lại! Thằng giật đồ!

Họ nhìn quanh dáo dác. Tay tôi vẫn còn cầm tờ giấy tính tiền của quán. Tôi nói với Hoàng :

– 3.800 đồng! Đù mẹ, tiền tử tuất không biết được bao nhiêu. Đằng nào tao cũng đâu có được lãnh trước.

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả