|
|||||||||||||
|
Chính trịVụ nhà báo bị phanh thây: Chuyện trong nhà chơi dao với nhau 26 May, 2024Sáng ÁnhChuyện nhà báo Khashoggi bị ám sát tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul vẫn còn tiếp diễn với tình tiết giật gân được Turkey từ từ tung ra. Tung đến đâu thì Saudi phải gật đầu mà nhận đến đó, biết đâu Turkey lại có cả bằng chứng thái tử MbS nói chuyện Skype với nhà báo trước khi đập bàn “Chặt tay thằng viết bậy này cho tao!” Nạn nhân, ông Jamal Khashoggi, trong các bản tin quốc tế, thường được nói đến là một nhà báo “ly khai” mới đây, hay một tay trong hoàng tộc trở thành ly khai. Tất nhiên, trong bộ phim này, ông được vào vai thiện, là người tố cáo sự độc tài của thái tử MbS và phải trả bằng mạng sống. Ông trả bằng mạng sống vì phải vào sứ quán làm thủ tục ly dị để xây duyên mới. Bên lề, hôn thê đứng đợi 10 tiếng trước cửa sứ quán cũng là thông tin thêm phần diễm lệ, cũng như sau đó việc cô không nhận lời mời gặp của tổng thống Trump khi sự việc chưa ra lẽ. Người không từ chối được lời mời gặp để “chia buồn” của thái tử MbS và vua Salman chính là con trai và em ruột của Jamal Khashoggi. Thước phim cậu con này bị ép nhận phân ưu từ kẻ giết cha mình khiến câu chuyện thêm phần bi đát và thương cảm. Nhưng nhà báo Jamal Khashoggi là ai mà phải giết? Họ nhà Saud là gia tộc đã thống nhất bán đảo Ả Rạp 1924-1932 và thành lập Ả Rạp Saudi ngày nay dưới vua Abdullaziz Ibn Saud. Việc thừa kế của hoàng tộc này (và của các bộ tộc Ả Rạp nói chung) không phải là đơn giản như trong các chế độ phong kiến khác: vua mất thì con trưởng nối ngôi. Trong xã hội bộ lạc Ả Rạp, các tộc trưởng, bô lão có tiếng nói và vây thế của họ. Khi cưới gả chẳng hạn, không phải là các vương muốn lấy ai làm chính thất thì lấy, mà phải chọn tộc này tộc kia để phe cánh. Truyền thống này có tính cách “dân chủ” bộ lạc kiểu Diên Hồng. Ngay đến ngày nay, vua Saudi phải có một ngày định kỳ để bất cứ ai đến dinh cũng có thể níu áo mà thưa kiện hay than phiền, xin xỏ. Trong nội bộ của nhà Saud, hội đồng hoàng thân chỉ định đệ nhất thái tử, đệ nhị thái tử, và là cơ quan bình chọn vua sắp tới, chia chác với nhau quyền lực cho các phe phái. Anh làm vua thì cháu tôi nắm vệ binh quốc gia, còn em tôi là thống đốc thủ đô v.v. Vua Abdulazziz có 37 người con trai. Từ khi ông mất (1953) đã có 6 đời vua là con ông nối dõi, trong đó có 2 người là anh em cùng cha cùng mẹ thuộc cánh Sudairi, tức là 7 người con trai của ái phi Sudairi. Vua Salman, thuộc cánh Sudairi này, lên ngôi năm 2015 vào tuổi 80 vì 2 thái tử trước ông đã qui tiên họ Saud sớm hơn. Khi Salman lên vua, thái tử đầu được chỉ định chỉ tại chức có 4 tháng. Người thay thế ông này tại chức được 2 năm và được thay thế bởi Mohammad bin Salman (MbS), là con của vua. Như vậy, đây là lần đầu từ 1953, có hai cha con, bố làm vua và con làm thái tử và quyền lực thâu tóm về tay họ, khiến có câu đàm tiếu là họ nhà Saud giờ trở thành họ nhà Salman. Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, Saudi chuyển mình để trở thành một quốc gia hiện đại, trước hết là về mặt kinh tế, khi tài nguyên dầu hỏa trở thành nguồn thu nhập chính. Quản lý và phát triển nền kinh tế này dựa trên một tầng lớp “công thần” bên ngoài hoàng tộc. Một số từ lân bang di cư sang, như nhà bin Laden (Bin Laden Group, gốc Yemen) hay nhà Hariri (Saudi-Oger Group, gốc Lebanon). Thời đó có một người gốc Saudi, du học Mỹ, bắt đầu nhập máy cày, sau nhập máy bay và trở thành lái súng, trong thập niên 80 là một trong những doanh gia giàu nhất thế giới. Ông này là Adnan Khashoggi. Nhà báo Jamal là cháu ruột của ông, gọi ông bằng bác. Một người em khác của Adnan lấy thư ký riêng của Adnan, tên là Mohamad al Fayed và gốc Ai Cập. Sau khi lấy, họ ra riêng và cũng trở thành tỉ phú. Con của al Fayed và cô Khashoggi là Dodi, chính là người tình thiệt mạng cùng với công nương Diana tại Paris. Như vậy Jamal với cậu này là anh em con dì con bác. nhưng Jamal không viết về chuyện ngôn tình lẩm cẩm mà viết về chính trị ngoại giao. Jamal là cây bút và phát ngôn nhân của vương Turki, người đứng đầu tình báo Saudi trong 24 năm và thao túng ngoại giao kín của nước này trong khu vực, tức là đấm tiền ở đây và cho súng ở kia. Một nơi vương Turki hoành hành trong thập niên 80 là Afghanistan đang bị Liên xô chiếm đóng. Turki thay mặt Hoa Kỳ cho kháng chiến Afghanistan tiền và cho họ súng, gửi chí nguyện quân thánh chiến Hồi giáo được huấn luyện tại Pakistan sang đánh cộng sản vô thần. Một trong những lãnh đạo chí nguyện quân này là một cậu công tử thuộc gia đình tập đoàn bin Laden mang tên Osama. Jamal viết bài tung hô chí nguyện quân, phỏng vấn và giới thiệu Osama, cũng là nơi quen biết cả. Nhà báo này, playboy Dodi al Fayed thì cũng thân, mà thánh chiến Osama bin Laden thì cũng biết. Ngày 4.11.2017, thái tử MbS bắt 200 doanh gia và hoàng thân Saudi nhốt vào khách sạng Ritz Carlton. 17 người bị tra tấn phải nhập viện, một tướng lãnh bị đánh chết. Trong số tù nhân rủng rỉnh này có vương tỉ phú doanh gia Alwaleed bin Talal, nghe đâu là phải ký giấy sang nhượng 6 tỉ USD tài sản. Vương Miteb, con của tiên vương Abdallah, mất đâu 1 tỉ mới được thả. Ngày 5.11, vương Mansour, con của thái tử mới 4 tháng đã bị mất chức, đi trực thăng gặp nạn gần biên giới. Nhà báo Jamal rời nước kịp, sang Hoa Kỳ và lên tiếng phê bình bầu không khí khó thở ở Saudi. Trước đó, ông vẫn thấy nó dễ chịu lắm, dưới chế độ chuyên chế của tập thể hoàng tộc và giờ trở thành độc tài trong tay của bố con Salman. Vương Ahmed, em ruột của vua Salman, phát biểu ở London trước đám biểu tình chốnh chiến tranh tại Yemen “Trách nhiệm là ở tay vua Salman và thái tử MbS, không phải là nhà Saud”. Nói thế xong, ông ở lại London cho nó mát vì Saudi rất nóng. Jamal Khashoggi không phải là một nhà hoạt động phản đối trên mạng như Raif Badawi, bị kết án 10 năm tù và 1000 roi vì đòi này đòi nọ. Ông nguy hiểm hơn nhiều, và có hậu thuẫn ngay tại chính trường Mỹ, trong Quốc hội Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng hòa như ta thấy. Đó là bởi vì ông không phải là một tiếng nói độc lập, mà là tiếng nói của thành phần hoàng tộc bị mất chức, mất quyền, thành phần doanh gia trong nước bị cướp của tống tiền. Ông được tổng thống Turkey Erdogan nhận là “bạn riêng của tôi”, và Turkey trong chuyện này còn úp mở, hoặc chính giới Cộng hòa tại Washington còn đắn đo hay mâu thuẫn với tổng thống Trump, là vì sau lưng Jamal còn có cánh hoàng thân tìm cơ hội để trở lại ngai vàng. Đến giờ, đã có 5 hay 3 vương ở nước ngoài bị bắt cóc mang về bằng chuyên cơ, dăm bảy vương khác bị mất tích và vương Mansour ở trên, bị bắn rơi trực thăng trên đường đào thoát? Nhà báo Jamal Khashoggi là nhân vật đầu tiên thiệt mạng lộ liễu trong cuộc chiến của vương quyền. Theo rò rỉ của Turkey, cố vấn Al Qahtani và là cánh tay phải trái của thái tử MbS, có nói chuyện trực tiếp qua Skype với Jamal khi ông vào lãnh sự quán. Al Qahtani chiêu dụ Jamal về nước giúp thái tử nhưng tôi trung chỉ thờ một chúa. Al Qahtani bị Jamal mắng cho nên ra lệnh “Mang đầu thằng chó này về cho tao!” Biết đâu, người đối thoại với Jamal này lại chính là thái tử MbS mà Turkey chưa đưa ra, còn dò xem phản ứng của Hoa Kỳ và Saudi trước khi đánh bài lật ngửa. Nói cho rõ rệt, đây không phải là chuyện giữa một nhà báo tự do và một thể chế độc tài quân chủ, hay chuyện công lý quốc tế. Đây là tranh chấp giữa các thế lực Saudi và Hoa Kỳ lẫn Turkey phải cân nhắc để ủng hộ phe này hay đường lối nọ trong nội bộ của hoàng tộc. Phe thái tử MbS dựa vào quan hệ mới có và đặc biệt với tổng thống Trump và con rể Kushner để thu tóm quyền lực. Ngược lại họ sẵn sàng cởi mở hơn với Israel. Turkey và một thành phần chính giới Mỹ thì không nghĩ như thế và cái xác của ông Khashoggi đã cắt thành 15 mảnh giờ đem ném qua ném lại vào mặt nhau. Thành thật trong việc này chỉ có cô hôn thê của Jamal là đã mất một người yêu. 30. 10. 2018 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|