Gia đình

Người anh ba bận 9 March, 2021

Đỗ Kh.

Tôi gọi anh bằng “anh” nhưng anh hơn tôi gần 20 tuổi. Anh gọi mẹ tôi bằng cô xưng con, tuy chỉ cách bà không đến mươi năm. Đây chẳng phải vì vai vế gia đình, mà vì anh thuộc một dạng con nuôi của ông bà ngoại. Nạn đói năm Ất Dậu, một sáng ra thấy anh và đứa em gái trước cổng nhà ngồi thoi thóp. Cha mẹ họ đâu không biết, có lẽ trước khi chết chui chết nhủi trong bờ bụi nào đó, họ đã mang các con bỏ trước cổng một nhà giàu, theo kiểu cầu may rủi. Ông bà tôi bảo người nhà mang vào nuôi, và anh Khôi thoát chết, ở đây là chết đói, một lần đầu.

Anh vào Nam thế nào sau 54 thì tôi không biết, có khi đi cùng tàu há mõm với ông bà tôi. Lúc tôi khoảng lên 5 lên 7, ông bà từ Nha Trang vào Sài Gòn sống, anh hay đến thăm và lúc đó tôi mới có dịp được biết anh. Câu chuyện của anh, đối với một đứa bé như tôi, dĩ nhiên là rất ấn tượng, và đi kèm theo là nhiều tâm tư. Tại sao ông bà chỉ cưu mang có hai đứa bé, trong khi đó năm ấy chết có cả triệu người? Bà tôi bảo, nhà có mở kho ra phát gạo cho cả làng và những làng chung quanh, nhưng lúc đó không biết được tương lai thế nào nên còn giữ lại cũng nhiều. Bà có vẻ tiếc là không phát thêm và chặc lưỡi, làng mình thì cũng không đến nỗi, bà chỉ nói có thế. Anh Khôi và người em gái, hai anh em lúc đó lên 8 lên 10, là người ở từ nơi nào đến thì không ai rõ.

Nhưng ấn tượng đầu tiên khi gặp anh Khôi không phải là chuyện suýt nữa thì anh chết đói, cha mẹ anh thì thều thào bờ ao quê người nơi nao mà kiệt sức qua đời. Anh rất vui tính và hoạt bát, sáng sủa và thân thiện nhưng ai mới gặp anh cũng giật mình. Anh mất nửa khuôn mặt, chính xác là mất nguyên cái má phía bên trái, vết thẹo hõm vào và to bằng bàn tay! Năm 16 hay 17, anh theo du kích đi đánh Pháp, bị tương cho một quả bazooka 57 ly mà không chết. Anh về nhà, mẹ tôi nghiền kháng sinh sulfamide đắp vào rồi tự tay bà khâu lại chứ chẳng có bác sĩ, y tá hay bệnh viện gì hết. Vậy mà anh khỏi, không nhiễm trùng và thoát chết lần thứ hai. Mặt anh, nhìn một bên thì tuấn tú, bên kia dùng để dọa con nít đến khóc thét và tôi thì ngưỡng mộ vô biên luôn.

Anh vào Nam thì đi lính, dạng hạ sĩ trung sĩ gì đó ở địa phương nào đó khói lửa và bất an ngày đêm. Một bận, anh cứu vị quận trưởng trong một dịp bị địch phục kích, và được ông tin dùng làm cận vệ và tay chân thân tín. Lần sau anh đến thăm nhà, giờ mặc xi-vin, lận bụng khẩu súng ngắn. Anh lấy ra cho tôi chơi và chỉ dẫn, đây là loại súng ‘đĩ ngựa’, Walther P38 9mm của Đức chứ không phải hàng nhan nhản Colt 45 quân đội Mỹ. Thời tao loạn, các chàng trai thế hệ chẳng có gì chơi ngoài súng đạn nên cái này cũng phải khác người, đại khái như sau này người ta chơi xe máy xe con. Đời anh Khôi vậy là phất, ở các quận hẻo lánh thì quận trưởng là trời con và anh sáng chói vì gần mặt trời, được lái xe jeep vi vu, tán gái làng thì đưa ra cái mặt bên phải, cô nào sang chảnh mà kênh kiệu thì anh quay sang bên trái, thấy là hết hồn, đưa tay ngay lên cái ngực phập phồng!

Một bận sau, anh đến thăm, lại thêm chằng chịt xẹo. Anh lái xe cho quận trưởng, cán phải mìn. Cán phải bánh xe sau, ông ngồi đằng sau chết tốt, còn anh bị thương văng khỏi xe. Anh cười hề hề, vậy là anh giỡn mặt tử thần lần thứ ba nhe! Cả nhà anh chết đói, Tây bắn anh bằng đại bác không giật mà anh không chết, còn cán mìn anh được lựa bánh trước hay bánh sau. Số con làm sao mà chết được, anh nói với ông bà.

Cỡ 1964 hay 1965, trước khi người Mỹ mang quân sang ào ạt, thì quá tam ba bận, lần này anh Khôi bị thần gọi đúng số quân. Cô em anh đến báo nhà là anh tử trận, ra sao thì cô không biết vào lúc đó nên tôi không có chi tiết. Đám tang anh thì bố mẹ tôi và ông bà đi đưa chứ tôi không có mặt nên tôi không được nghe kể lại hoàn cảnh anh bắn đến viên đạn cuối cùng trước khi chi khu bị tràn ngập trong những tiếng reo hò xung phong. Hay là anh rút chốt lựu đạn mà quên cài lại khi bỏ vào trong túi quần, tôi cũng không biết nốt. Tôi thắc mắc, nửa mặt bên kia của anh có còn nguyên vẹn không, nhưng người lớn không ai cho tôi biết.

Bức ảnh này chụp năm 62-63, trước lúc anh Khôi mất vài năm. Ảnh chụp tại nhà tôi lúc đó là Nguyễn Minh Chiếu, ngay góc ngày nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Sài Gòn. Tôi bên trái đi giày trận, còn em tôi là Linh đội nón lính.

Tôi mới vừa qua một phẫu thuật nhỏ trên lưng, 8 mũi chỉ khâu, bị cái u gì đó phải cắt bỏ. Phải chi là phẫu thuật này trên mặt thì tôi cũng ngầu hết biết rồi. Mẹ tôi chưa mất thì tự bà sẽ ghiền kháng sinh và đắp vào rồi tự tay khâu lại, tôi khỏi đi Bangkok Pattaya Hospital. Nhưng có ngầu thì cũng chỉ được bằng phần 5 phần 10 anh Khôi.

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả