Nhiếp ảnh

Bình luận theo đặt hàng: Ảnh của Mohammadreza Mirzaei – Lẫn được vào đâu? 23 August, 2024

Sáng Ánh
Mohammadreza Mirzaei, “Stammer” (Nói lắp) 2013, và vẫn tiếp tục. Toàn bộ ảnh trong bài này thuộc bộ “Stammer”

Mohammadreza Mirzaei, “Stammer” (Nói lắp) 2013, và vẫn tiếp tục. Toàn bộ ảnh trong bài này thuộc bộ “Stammer”

Nghệ thuật tùy thuộc vào hưởng ứng của quần chúng (đồng điệu) và vào thời gian. Nếu không có, chưa có, quần chúng chia sẻ cảm nhận thì người nghệ sĩ trông đợi vào thời gian, nghĩa là ba trăm năm sau hay ba ngàn năm sau. Ai thì cũng sợ thời gian hết, trừ các nghệ sĩ ra và, nói như hướng dẫn du lịch Ai Cập, trừ các Kim tự tháp (“Cái gì thì cũng sợ thời gian hết, và thời gian chỉ sợ có các Kim tự tháp”).

Nghệ sĩ nào “may mắn” thì không cần xếp hàng trước những thế kỷ hay là thập kỷ, nhất là vào ngày hôm nay, ở thời đại thông tin này, khi nghệ thuật là một xúc động tiêu dùng tại chỗ, ví von trong trường hợp nhiếp ảnh là một xúc động 1/60 giây. “May mắn” ở đây là một cách nói, nó có những yếu tố của nó khiến một số đông người xem rung động (chí ít là) nhất thời trước một tác phẩm, một số nhất định nào đó bị/được tác phẩm này xô đẩy trong một hoàn cảnh nào đó.

Đây không phải là trường hợp của tôi trước những bức ảnh này của Mohammadreza Mirzaei.

Quần chúng của ông là người thưởng ngoạn hiểu biết, có trình độ và rộng lượng phương Tây. Hoàn cảnh của ông là chế độ thần quyền khe khắt tại Iran từ 40 năm nay cộng với dư âm vẻ vang của một văn hóa 2500 lẻ. Đây cũng tương tự phần nào trào lưu sính nghệ thuật đương đại Trung Quốc từ 20 năm nay. Nó có thể (tôi đoán mò thế thôi, chẳng có điều gì tôi nói là chắc cả) là cuộc “Cách mạng Xanh” thất bại 2009-2010 nhưng mang lại một niềm hy vọng mới vào sự thay đổi từ lớp trẻ, và ông Mirzaei đây sinh năm 1986. Nếu ông là phụ nữ thì hoàn cảnh lại có thêm một yếu tố tích cực nữa.

Nói thế thì Iran có một ngàn nhiếp ảnh gia trẻ, chứ chẳng riêng gì nghệ sĩ này. Vậy tại sao? Vậy tại sao ông lại nổi tiếng ở Iran, ảnh tham gia hết biennale này đến triennale nọ?

Mohammadreza Mirzaei, thích hay không thích, thì vẫn có một đường nét riêng rẽ. Tôi không thích thì có người khác thích, và không lẫn lộn ảnh ông với các mớ ảnh khác được. Chụp ảnh người thì trước hết là chân dung mếu cười, mà nhân vật của ông bị ông chặt béng cổ trên hình hoặc xoay lưng họ lại thì biết lẫn vào đâu. Nếu như đây là một nhiếp ảnh người Hà Lan thì cũng lạ, nhưng đây là một nhiếp ảnh Iran, nơi phụ nữ phải che tóc khi ra ngoài đường thì chuyện này được hưởng thêm 10% thuế giá trị gia tăng.

Bối cảnh là tất cả. Thời Shah hoàng, có bận tôi ra trường bay Tehran vào lúc 5 giờ sáng. Vào dạo đó tuy đã có cướp tàu nhưng nhiều nơi máy dò kim loại chưa được phổ thông nên phải dò soát bằng tay. Vì tinh sương và các cảnh sát nam còn nhâm nhi càfé đâu đó nên hiện diện chỉ có hai cảnh sát nữ, sắc phục của các cô này, ngay cả dưới chế độ ông Shah, vẫn là khăn che kín tóc rất đặc trưng (Ba Tư, vẻ đẹp tiềm ẩn). Vậy là tôi bị/được các cô này sờ soạng qua loa trước khi lên tàu. Nếu bối cảnh đây là sân bay Schipol Amsterdam và hai nữ cảnh sát tóc vàng không mang nịt vú thì cũng thường thôi, tôi cũng đã chẳng còn nhớ nữa.

Quay lại chuyện ảnh, tuy cá biệt như vậy nhưng Mohammadreza Mirzaei cũng vẫn thuộc vào một trường phái, đủ để gợi hương xưa với người thưởng ngoạn nghệ thuật phương Tây, chính là trường phái tối thiểu chủ nghĩa của thập niên 80. Nói tóm lại, theo tôi (mà tôi thì lăng nhăng lắm), sự thành công của Mohammadreza Mirzaei là ở chỗ:

“Mai xa lắc trên đồn biên giới (Iran), còn một chút (tối thiểu) gì để nhớ để quên.” (Vũ Hữu Định)

TB: Tuy không cảm bộ ảnh này nhưng Mohammadreza Mirzaei có một số tác phẩm khác cũng khiến phần phương Tây và dư âm tối thiểu còn lại trong tôi lâng lâng. Những ảnh đó sẽ giới thiệu sau.

20. 08. 2014

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả