Chính trị

Từ chuyện Yemen nghĩ đến phận nước bé 6 June, 2024

Sáng Ánh

“1 người chết ở New York bằng 10 người chết ở London, 100 người chết ở châu Âu và 1000 người chết ở đâu đó” là thước đo thông dụng của truyền thông Hoa Kỳ. Chuyện này cũng dễ hiểu, khi ta ngồi buôn chuyện thì 1 con bé nhà bên mới có bồ sẽ đáng nói hơn 10 con bé ở ngoài đường, hơn 100 con bé khác mới có bồ ở trong quận, và 1000 con bé mới có bồ ở khắp thành phố. Tuy nhiên, nếu nguồn tin “1 con bé ở hẻm X của Brooklyn mới có bồ” mà đến cả Cầu Giấy hay phố nào Myanmar, Phi Châu cũng xôn xao thì mới là bất thường. Tình trạng hiện nay của truyền thông thế giới là như vậy. Quan tâm hay không quan tâm của Tây phương trở thành quan tâm hay không quan tâm của mọi người.

Một nghiên cứu năm 2007 về giai đoạn 1968-2002 trên các đài TV chính của Mỹ đã thử tìm thước đo này trong lãnh vực thiên tai. Bao nhiêu người chết thì đáng được đề cập, và sơ đồ dưới đây cho thấy 1 người thiệt mạng vì núi lửa ngang với 39.000 người chết đói. Núi lửa phun khói rất ăn hình, còn em bé bụng ỏng nằm chỏng chơ coi rất kém thẩm mỹ.

Họa đồ thứ nhì cho thấy 1 người chết vì tai nạn tại Âu Châu đáng nói đến bằng 91 người tại khu vực Thái Bình Dương:

Một ví dụ về khủng hoảng nhân đạo năm 2017 trên thế giới bất toàn này là tại Yemen sau tròn 1.000 ngày nội chiến. Yemen xa vời với mọi nơi, kiểu như Cộng hòa Dân chủ Congo, trong 10 năm có biến thiệt mạng 3 triệu người mà không ai hay biết. Nội chiến tại Congo là trong một khu vực mất tiệt, giữa những thế lực mù mờ, các quốc gia chẳng ai rõ tên thì làm sao nói đến. Yemen “may” hơn là nằm trong một khu vực chiến lược, Trung Đông chứ không phải Trung Phi, và giằng co là giữa những quyền lợi tên tuổi võ lâm. Ngày 13. 12. 2017 chẳng hạn, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc là bà Nikki Haley đã mời quần hào báo chí đến một nhà kho của căn cứ Anacostia-Bolling tại Washington D.C. xem một cái xác tên lửa to đùng. Theo bà, đây là một tên lửa do Iran tiếp tế cho phiến quân Houthi tại Yemen được bắn từ bên kia biên giới về hướng phi cảng Ryadh tại Ả-rập Saudi nhưng được phòng không bắn hạ kịp thời. Bà phát biểu:

“Hãy cứ thử tưởng tượng nếu tên lửa này mà bắn vào phi cảng Dulles hay JFK, hay các phi cảng tại Paris, London, Berlin. Cuộc chiến chống hành động tấn công của Iran sẽ là cuộc chiến của toàn thế giới”.

Vậy là hãy cứ thử tường tượng hành khách đáp Tân Sơn Nhất, Nội Bài hay Đào Viên-Đài Bắc, Xích Lư Giác-Hương Cảng, Suvarnabhumi-Bangkok phải ngưng mua hàng miễn thuế Duty Free để tìm hầm trú ẩn.

Ngày 28. 12. 2017, hai phi vụ của liên minh Saudi-UAE (Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đánh khách đi chợ (không miễn thuế) tại tỉnh Taez, Yemen, giết 54 người mua bán và nguyên một gia đình 14 người khác tại tỉnh Hodeidah. Máy bay là sản xuất tại Anh quốc và bom ném là mua của Mỹ, có hóa đơn tử tế chứ không phải là giấm dúi. Liên minh Saudi được Hoa Kỳ, Anh và Pháp yểm trợ về mặt kỹ thuật, như tiếp liệu trên không. Số tử vong vì bom đạn và giao tranh đến giờ lên trên 10.000 người nhưng đây không phải là quan ngại chính của Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức nhân đạo quốc tế. Tình trạng là 20 triệu người khó khăn về nguồn nước ngọt, 8 triệu người lâm cảnh đói kém và 1 triệu người bị nạn dịch tả lây lan khi Yemen bị Saudi hoàn toàn phong tỏa. Tại Congo, hay Nam Sudan chẳng hạn, số thường dân chết vì bị cắt cổ, đâm chém, bắn giết chỉ là một thiểu số nhỏ trong số người thiệt mạng, phần lớn là bởi thiếu ăn, thiếu thuốc do hoàn cảnh hỗn loạn, vây hãm, di tản, bồng bế tỵ nạn. Đây mới là vũ khí tàn sát tập thể loại công hiệu rất cao, rẻ mà bền bỉ, để mặc chúng nó chết từ từ.

Đám tang tập thể tại Sanaa, sau một phi vụ ném bom, ảnh từ trang này.

Đám tang tập thể tại Sanaa, sau một phi vụ ném bom, ảnh từ trang này.

Yemen là quốc gia Ả Rập nghèo nhất, bị Anh quốc đô hộ, trải qua thời kỳ độc lập phân chia Nam Bắc rồi thống nhất. Nguồn gốc của chiến tranh Yemen thì rất phức tạp. Sau Mùa xuân Ả Rập, chính quyền độc tài chuyên chế và thân Tây phương của tổng thống Saleh bị phân hóa, ông này phải ra đi, nhượng lại quốc gia cho ông phó là Hadi. Chính quyền lâm thời Hadi, cũng thân với Tây phương, là chính quyền được quốc tế công nhận. Loạn Houthi (sắc tộc) thì đã có từ lâu, nhân dịp này bành trướng. Ông Saleh thấy thời cơ bèn quay về hiệp thương với đám Houthi, khiến ông Hadi phải chạy sang Saudi cầu cứu. Cứ thế giằng co, mấy hôm trước, ông Saleh đổi ý, muốn chuyển sang thương thuyết với Saudi, bèn bị đồng minh Houthi giết!

Chiến binh Houthi với dao quắm truyền thống. Ảnh từ Los Angeles Times.

Chiến binh Houthi với dao quắm truyền thống. Ảnh từ Los Angeles Times.

Yemen hiện có 2 phe chính. Một bên là Houthi – phong trào sắc tộc và tôn giáo. Phong trào này không hẳn là do Iran xúi giục nhưng chỉ có thể dựa vào Iran. Phe kia là Saudi, tự cho mình là ông trùm của khu vực. Trong tranh chấp hiện nay, Tây phương ủng hộ Saudi là tất nhiên. Nhưng hãy cứ thử tưởng tượng lập luận kiểu bà đại sứ Haley, nếu mấy thập niên trước, hoàng tộc Saudi bị một phong trào nào đó lật đổ và ngược lại, chế độ quân chủ Iran yên vị, thì sao? Thì ngày nay Tây phương chắc chắn sẽ tiếp tục bán súng cho Iran và buôn dầu, lên án chế độ Saudi và một cái hỏa tiễn họ bắn đi vu vơ sẽ được mang sang Washington D.C. bày làm bằng chứng để kết luận cuộc chiến chống Saudi là cuộc chiến của toàn thế giới.

08. 01. 2018

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả