|
|||||||||||||
|
Sử-ĐịaSử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 1) 29 June, 2024Sáng ÁnhĐế chế Mughal (1526-1857) gốc Mông Cổ-Thổ-Ba Tư vào thời cực thịnh dưới các đại đế Shah Jahan và Aurangzeb (1592-1707) là đế chế huy hoàng bậc nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Mughal là một triều đại Hồi giáo nhưng cai trị 160 triệu thần dân gồm cả các đạo Ấn, Phật, Ki tô, Sikh, Jain… trên một lãnh thổ trải từ Afghanistan qua Bắc Ấn cho đến Bangladesh, với ¼ tổng sản lượng của cả thế giới. Đế chế này lúc đó là siêu cường toàn cầu với dân số gấp 5 lần đế chế Ottoman (Thổ), gấp 10 lần nước Pháp (là số 1 tại Âu châu vào lúc đó). Mughal xuất sắc về mọi mặt, hội họa, kỹ thuật, khoa học hay kiến trúc (thí dụ Taj Mahal) với quân đội 1 triệu người kèn trống xập xình và diễu voi qua lại. Nhưng có hợp có tan, có lên voi thì có xuống chó, và đế chế nào cũng có ngày tàn nghe chưa! Vào lúc cuối triều này, Đại đế Mughal chỉ còn cai trị được nội thành Delhi và ra khỏi thành là sợ bị cướp giật dây chuyền vàng. Bán lục địa Ấn rơi vào vòng tay lông lá của bọn phương xa mặt đỏ gay và uống bia ấm ấm màu nâu đậm. Anh quốc rốt cuộc thắng Pháp trong cuộc tranh giành tại đây khi đế chế Mughal rụng ra từng mảnh rã rời. Từ “looting” (hôi của) là một trong những từ Ấn đầu tiên đi vào Anh ngữ cùng với từ “thug” (côn đồ). Ngày nay tại tư dinh của Sir Robert Clive, Giám đốc Công ty Đông Ấn (TK18) còn chứa nhiều bảo vật Ấn hơn là Viện bảo tàng quốc gia Ấn Độ! Sự huy hoàng của đế chế Mughal được chuyển sang hòm lớn hòm nhỏ của đế quốc Anh. Nếu không cướp được Ấn Độ thì nước Anh hẳn đã khác. Công ty đế quốc Đông Ấn (East India Company) này nhắc qua, là công ty đã khiến người Mỹ nổi loạn đổ trà xuống biển tại cảng Boston và sự biến này gây ra nội chiến độc lập Hoa Kỳ. Tuy nhiên khi nhắc đến giai đoạn thuộc địa của Anh trên bán lục địa, người viết Tây phương hay ca tụng là nếu không có Anh quốc thì đã không có ba thành phố Madras-Chennai, Bombay-Mumbai và Calcutta-Kolkatta ngày nay. Điều đó đúng. Đây là ba nơi phát triển nhờ buôn bán với Anh quốc. Nhưng đúng cũng không kém, là nếu không có ba nơi này thì cũng chẳng có một Anh quốc hay có một London như ngày nay và tháp Big Ben leng keng chỉ cao một mét rưỡi. Nhưng đúng nhất không thể cãi được là nếu không có… phụ nữ thì đã không có ba thành phố Ấn Độ này, phụ nữ nói chung và ba phụ nữ sau đây nói riêng. 1. Madras-Chennai: Người thiếu nữ Chennai-Madras mắt buồn Tây phương Vào đầu thế kỷ 17, Anh quốc tại Ấn còn đi sau Portugal. Đây là hai nước bé bỏng bị Âu châu hắt hủi và không có cửa nào buôn bán trên lục địa và biển Địa trung sầm uất nên đóng tàu lên đường và gạt nước mắt ra đại dương mờ mịt kiếm tiền. Tại khu vực Madras của miền nam Ấn Độ, Portugal đi trước và được phép đặt một trạm buôn là Sao Tomé theo tên Thánh Tông đồ Thomas. Thánh Thomas tục truyền đã đến ngay tại Madras vào đầu Công Nguyên để truyền đạo trong khi Anh quốc phải đợi Thế kỷ thứ 4 mới có Ki tô, tức là ngay về phần Ki tô giáo, Ấn Độ cũng đã có trước Anh quốc 300 năm! Vào thế kỷ 17, người Anh sản xuất bình quân chỉ khoảng 3/5 của Ấn Độ nói chung, tức 1 người Anh nghèo hơn 1 người Ấn, ta phải nhớ như vậy chứ chẳng có gì lộng lẫy. Họ theo chân Portugal và Hà Lan mon men đi buôn đường dài thôi. Hiệu buôn đầu của Anh là Armagaon thành lập vào năm 1626 và công việc dần dà phát triển cho đến 1637. Họ xin một bá hộ dưới quyền một tiểu vương được phép lập một hiệu buôn mới. Francis Day năm đó là chánh sở của hiệu buôn (factory) Anh. Ông thuộc thành phần có ăn học Eton, cháu ngoại của một đại biểu quốc hội và cháu nội của một giám mục. Năm đó Francis Day cô đơn nơi xứ người vào thời sung sức và lãng mạn 32 tuổi. Trong lúc tìm đất cắm dùi cho công ty, ông đi ngang một làng dệt vải và thấy một thiếu nữ bên khung cửi. Ông hỏi sao cô có lớt phớt lông trên môi vậy thì cô khai em người Tamil Ấn lại lai Portugal, tức hai dân tộc ấy lắm lông thì tóc mai em phải sợi vắn sợi dài. Francis bèn nói với đối tác là cho tôi lập buôn trấn ở chỗ này! Như vậy ông sẽ có dịp lân la trò chuyện và đọc cho cô nghe “Romeo và Juliet” của Shakespeare. Đối tác đồng ý vì cái làng chết tiệt này là gì, khi nước lên là một bãi lầy, khi nước xuống thì thuyền lớn không vào đổ hàng được, mày muốn thuê thì tao ký hợp đồng 2 năm. Francis khệ nệ khiếng xuống một khẩu thần công bắn cái đùng làm cô gái giật cả mình xem té khỏi khung cửi. Anh làm gì vậy? Cô hỏi Anh bắn thần công đó, Francis khoe le lói. Đạn bắn tới đâu là anh được thuê đất tới đó! Tại sao lại vậy? Vì dưới tầm yểm trợ của thần công mới giữ được đất trú còn ngoài tầm thì thua. Vậy là công ty bắt đầu xây dựng cơ sở: thành St George dài 90m và ngang 70m với 25 lính Tây đánh thuê bảo vệ. Andrew Cogan lo xây thành trong khi Francis tán gái. Tuy nhiên tiền thì không có, mà công ty cứ yêu cầu này kia nên Andrew bực mình từ chức. Cô gái lai còn đang cạo lông chân và thở dài chưa dứt thì chàng Francis bị công ty đuổi về nước vì tội làm ăn riêng. Phim chiếu chậm họ chạy về phía nhau trên đồng chua nước mặn. Em! Anh! Anh phải về! Francis Day và Andrew Cogan là hai đại diện của công ty Đông Ấn tại Madras, được coi là hai người thành lập ra thành phố và là hai tổng đốc đầu tiên. Madras – tức Chennai ngày nay – là một khu đô thị 12 triệu người và thủ phủ của bang Tamil Nadu tại bờ biển Coromandel trong vịnh Bengal phía đông nam Ấn Độ. Tên của thành phố Madras được chính thức đổi thành Chennai năm 1996 khi có phong trào “Ấn Độ hóa” tại bán lục địa và xóa vết tích tàn dư của chế độ thuộc địa. Việc đổi tên này tại đây lại càng quan trọng vì thực dân Anh cho là họ “sáng lập” ra Madras, theo chiều hướng tư duy là người Tây thành lập và khám phá ra mọi thứ trên đời này, thí dụ như họ khám phá ra châu Mỹ hay châu Phi, làm như những châu này không hề có tồn tại trước khi họ đặt chân xuống và đặt mắt đến. Ấn Độ với họ cũng vậy thôi, không hề có trước, dù đây là một nền văn minh 50 hay 70 thế kỷ khi châu Âu còn quấn áo lông và bị gấu đuổi chạy khỏi hang. (Còn tiếp bài 2: Mumbai-Bombay và Kolkata-Calcutta) 16. 03. 2023 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|