Chính trị

Nhân bầu cử ở Mỹ 2020: thắng thua ngang trái 20 March, 2024

Đỗ Kh.

Vào cuối năm 2000, các nguyên thủ quốc gia tại Phi Châu được một dịp hả hê và cười mỉm đầy ‎ý nhị. Bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ mới cho thấy việc kết quả lẩn thẩn và đáng nghi ngờ không phải là độc quyền của những quốc gia kém phát triển như tại lục địa Phi mà ngay tại đệ nhất siêu cường và gương sáng gì đó dân chủ của thế giới cũng. Tóm tắt lại sự việc như sau:

Bầu cử năm đó vào ngày 7 tháng 11. Bầu cử tổng thống tại Mỹ không trực tiếp. Mỗi bang Hoa Kỳ có một số “đại cử tri”. Con số này là số đơn vị đại biểu quốc hội tại bang cộng với số thượng nghị sĩ (tức 2 người mỗi bang). Thí dụ, bang Cali có 53 đại biểu quốc hội, thành ra được 55 đại cử tri. Cử tri tại mỗi bang dồn phiếu cho ứng viên, và người về đầu trong bang được tất cả các đại cử tri, trừ tại 2 bang nhỏ ngoại lệ là Maine và Nebraska. Nước Mỹ có 538 đại cử tri, ứng viên nào chiếm được 270 đại cử tri thì thành tổng thống.

Trong đêm 7. 11. 2000 rạng ngày mùng 8, vào lúc 2:30 sáng, tại bang Florida, ứng viên Bush W. hơn ứng viên Gore 100.000 phiếu, tức là ẵm luôn 25 ghế đại cử tri của bang này để đạt 271 phiếu đại cử tri. Ông Gore nhận thua. Ông hơi mau mắn vì đếm tiếp đến 4:30 sáng, ông Bush chỉ còn hơn có 2.000 phiếu. Ông Gore bèn xin cho nói lại và đòi đếm lại. Chuyện này lôi thôi, cho đến ngày 26. 11, kết quả là ông Bush hơn 537 phiếu trên tổng số 10 triệu phiếu tại bang Florida. Con số này cũng vẫn bị nghi ngờ, vì còn 680 phiếu từ nước ngoài (của quân nhân đồn trú tại ngoại quốc chẳng hạn) không rõ có hợp lệ hay không. Thống đốc bang Florida là Jeb Bush, em ruột của ứng viên Bush W. Bộ trưởng nội vụ của bang là phe Cộng hòa. Nếu ra trước dân cử của bang thì tại Hạ nghị viện bang có 75 Cộng hòa/45 Dân chủ, tại Thượng nghị viện 25 Cộng hòa/15 Dân chủ. Ngày 12 tháng 12, Tối cao Pháp viện Liên bang công nhận kết quả này với phán quyết 5/4. Ông Gore thất cử vì một phiếu trên 9 tại Tối cao Pháp viện, vì 537 phiếu tên 10 triệu phiếu tại bang Florida. Trên toàn nước Mỹ, ông hơn địch thủ Bush được ½ triệu phiếu! Chuyện “lệch” giữa toàn bộ phiếu quần chúng và phiếu đại cử tri này trước kia chỉ xảy ra có một lần năm 1888.

Ông Gore (đang nói) và ông Bush tại St. Louis, 20000. Ảnh từ trang này 

*
Năm 2016, việc này lại xảy ra lần nữa. Ông Trump thắng cử với 306 phiếu đại cử tri. Bà Clinton bại với 232 phiếu. Nói thêm sau đó thì kết quả chính thức là 302/227 vì 2 đại cử tri của Trump “bất tín” và 5 đại cử tri của Clinton “bất tín”. Đại cử tri tại nhiều bang không bắt buộc phải bỏ phiếu theo kết quả của bang. Có bang cho phép họ đổi ý tùy tiện, có bang cấm đoán bằng cách phạt tù và có bang cấm đoán bằng phạt tiền kiểu 1.000 USD. Nhưng về số phiếu đại chúng, bà Clinton hơn ông Trump gần 3 triệu khiến từ đó ông (đã) buồn, và cho rằng đây nhờ gian lận, nhờ người nước ngoài bỏ phiếu, nhờ người chết bỏ phiếu, nhờ cử tri bỏ phiếu xong thì đi một vòng, thay áo thay mũ và vào phong phiếu bỏ trở lại lần nữa v.v… chứ ông nhất định phải có nhiều người yêu hơn. Đấy là ông đã thắng và làm tổng thống nhé, nhưng nó vẫn làm ông kém lẫm liệt và oai phong.

Bà Hillary và ông Trump tại St. Louis, 2016. Ảnh từ trang này 

Tại sao bầu cử tại Hoa Kỳ lại lôi thôi như vậy? Hoa Kỳ là một quốc gia Liên bang, với rất nhiều luật lệ khác biệt, ngay cả giữa các quận hạt với nhau trong một bang. Hiến pháp Mỹ là một trong những hiến pháp lâu đời và cổ kính nhất thế giới (1787 – 1789), nói cách khác là cũ kỹ nhất nên mới có chuyện đại cử tri lên ngựa quất roi phi về thủ đô để đầu phiếu, đến nơi thì đổi ý, làm gì nhau, phạt tiền hả, phạt đi.

Nền dân chủ này có một số khuyết điểm nhất định. Như đã thấy, số “đại cử tri” phản ánh các đơn vị Quốc hội. Các đơn vị này hiện nay thiên vị cư dân vùng quê da trắng hơn là cư dân thành phố da màu, thiên vị Cộng hòa hơn là Dân chủ, ở mức ước lượng là 4%-6%. Để đầu phiếu ở Mỹ, ngoài hội đủ các điều kiện (công dân 18 tuổi v.v.), cử tri còn phải đăng ký (trừ tại bang Bắc Dakota). Việc này tuy chẳng khó khăn hay phiền toái gì nhưng có một số lớn là 24% người hội đủ điều kiện không làm. Tại sao họ không đăng ký? Vì họ lo kiếm ăn, lo nuôi con, và cho rằng bầu cử là xa xỉ, chẳng thay đổi gì những lo toan của cuộc sống. Số không đăng ký là người thu nhập thấp, thí dụ dễ hiểu và cực đoan là nếu bạn vô gia cư thì bạn đăng ký đi bầu ở đâu đây và để làm gì. Nền dân chủ Mỹ là một nền dân chủ của kẻ có tiền, kẻ có địa vị hay chí ít là của kẻ có… địa chỉ.

Có đăng ký không có nghĩa là bạn đi bầu. Năm 2000 nói đến, mức tham gia là 51.2%. Con số này trong thế kỷ 20 giao động từ 50% đến 60%, năm 1996 là 49%. Bầu cử các loại và các cái tại Mỹ là vào một ngày thứ Ba, không phải vào một ngày Chủ nhật. Đây là một ngày đi làm hay đi học, các phòng phiếu có mở cũng chỉ cỡ 7 giờ sáng -7 giờ tối. Nếu bạn là mẹ đơn thân người da đen làm 2 công việc thì đi bầu với bạn là một xa xỉ lớn. Bạn có thể không có phương tiện di chuyển hay phải hy sinh mấy tiếng thu nhập lao động, hay là chủ không cho phép rời chỗ làm. Thí dụ, tại bang Nevada tháng 2 năm 2016, trong sơ cử của đảng Dân chủ, cũng vào một ngày thứ Ba, Nghiệp đoàn Lao động Khách sạn đã gây áp lực đòi chủ cho nghỉ trưa thêm mấy tiếng để công nhân viên tại Las Vegas (đa số hành nghề khách sạn) có thì giờ đi bỏ phiếu cho ứng viên Hillary Clinton là người được Nghiệp đoàn ủng hộ. Thành phần ủng hộ đối thủ Dân chủ của bà, ông Sanders, là thành phần sinh viên rảnh rỗi và thất nghiệp ở nhà. Kết quả là bà Clinton thắng ông Sanders 53%-47% trong cuộc sơ cử này. Đây chẳng phải là gian lận gì hết, chỉ cho thấy là quyền đầu phiếu của người lao động, lợi tức thấp, thiếu phương tiện di chuyển bị giới hạn bởi các điều kiện thực tế. Khu thu nhập cao thì phòng phiếu gần nhà, có nhiều hơn, chỗ đậu xe tiện lợi, không phải chờ đợi. Khu bình dân thì ngược lại, cho nên đầu phiếu bằng thư cho họ cơ hội dễ dàng hơn để tham gia.

Năm 2016, mức tham gia đạt 55,7% và 2020 có thể là một kỷ lục, trên 65%? Con số chính xác vào hôm nay (ngày 9 tháng 11) chưa có nhưng đã vượt qua số đi bầu năm 2016 tại 40 bang. Đó là nhờ bầu cử bằng bưu điện và bầu cử sớm, khiến trước ngày 3. 11. 2020 đã có 99 triệu phiếu trên tổng số cử tri khoảng 240 triệu người.

*

Hai ứng viên Biden và Trump. Ảnh: Los Angeles Times

Dịch Covid 19 khiến đảng Dân chủ hô hào và kêu gọi bỏ phiếu bằng đường bưu điện, bỏ vào các thùng phiếu chính thức của tiểu bang, bỏ phiếu sớm để tránh lây lan và ứ động xếp hàng vào ngày 3 tháng 11. Ngược lại, đối với đảng Cộng hòa, đầu tiên là ông Trump, thì coi Covid là tin nhảm, không có dịch, không có bệnh, mà có bệnh thì cũng chẳng sao, nếu có ai chết thì là chỉ để hại thanh danh của tổng thống. Việc này dẫn đến việc tranh cãi kết quả của cuộc bầu cử năm nay.

Các thăm dò cho thấy bầu cử 2020 bất lợi cho ông Trump. Cho nên ông đã tìm đường chặn trước việc bầu phiếu bằng bưu điện. Ông chỉ định một triệu phú khách sạn từng cúng nhiều tiền vào quỹ bầu cử của mình làm tân giám đốc bưu điện quốc gia, một chức vụ hàng bộ trưởng. Vị này cắt giảm giờ phụ trội của nhân viên, cắt giảm thùng bỏ thư trên phố để gây khó khăn cho việc chuyển hàng triệu phiếu bằng thư. Tổng thống rêu rao trước là sẽ có gian lận qua đường phiếu bưu điện. Tại bang Texas, thống đốc Cộng hòa chỉ cho phép mỗi quận có một thùng bỏ phiếu trước mà thôi trong khi dân số quận lớn nhất là 5 triệu người. Tức là, đi bỏ phiếu thùng chỉ có một thùng phiếu duy nhất cho 5 triệu dân cư. Vào tháng trước, chính ông Trump kể chuyện giai thoại tìm thấy bên một bờ suối 7 lá phiếu gửi qua bưu điện có đề tên ông. Đây là “bằng chứng” đảng Dân chủ gian lận qua đường bưu điện. Chính quyền Trump đã chuẩn bị tâm lý quần chúng là phiếu từ xa, phiếu bỏ trước là phiếu giả.

Nước Mỹ có 4 múi giờ, không kể 2 bang xa và bé là Hawaii và Alaska. Khi các phòng phiếu đóng cửa trên toàn quốc và bắt đầu có kết quả trong đêm thì tại nhiều bang “tranh chiến” Tổng thống Trump dẫn đầu. Bang “tranh chiến” là bang 2 bên ngang ngửa. Thí dụ ngược lại, bang California chẳng hạn, kết quả Biden 65%, Trump 33% thì biết ngay và ước đoán được ngay, chẳng có gì phải lăn tăn. Năm nay, các bang tranh chiến, khó đoán và có “vấn đề” là bang Arizona (11 đại cử tri), bang Nevada (6 đại cử tri), bang Pennsylvania (20 đại cử tri), bang Georgia (16 đại cử tri).

Việc đếm phiếu đầu tiên là đếm phiếu những người đích thân đi đầu phiếu. Thành phần này, như ta biết, là thành phần hiên ngang không đeo khẩu trang và ủng hộ ông Trump. Kết quả đầu là từ các quận hạt đồng ruộng xa xăm và ít dân số. Thí dụ, tại bang Pennsylvania, quận Cameron có 5.000 dân, quận Forest có 7.000, tại đây một tiếng sau khi đóng cửa đã kiểm được phiếu. Quận Alleghany có 1,2 triệu, quận Philadelphia có 1,5 triệu, tời giờ đếm chưa hết. Các quận đồng quê ủng hộ ông Trump nên kết quả sớm nghiêng về phần ông. Phiếu bưu tín đếm sau cũng và mất nhiều thời gian phải mở bao thư, so chữ k‎ý, kiểm tra v.v.

Một chi tiết về đếm phiếu, tại sao lại phức tạp ở Mỹ: bầu cử giữa kỳ mỗi 2 năm, cử tri chọn toàn thể Hạ viện và 1/3 Thượng viện, còn bầu cử mỗi 4 năm thì chọn tổng thống và thống đốc bang. Tờ phiếu Mỹ có thể có đến vài mươi mục chọn lựa, từ chọn công an quận (sheriff) đến hội đồng quản lý điện/nước của thị xã, quản thủ thư viện quận hay hội đồng của đơn vị giáo dục phổ thông địa phương. Khi kiểm phiếu, phải kiểm hết các mục này, chẳng phải chỉ có xanh Biden và đỏ Trump là xong. Ta biết đa số lớn phiếu bưu tín là phiếu ủng hộ ông Biden. Ai cũng biết và ông Trump càng biết nên đã tìm cách ngăn chặn trước. Kết quả đầu tiên vì thế được gọi là “Ảo giác đỏ” (Trump) vì những lý do trên. Sau khi sương mù đỏ này tan và càng đếm thêm thì phiếu xanh sẽ lần lần xuất hiện.

Ngay trong 24 giờ đầu, ông Trump “giành” phần thắng ở khắp nơi. Dĩ nhiên là ai thắng thì ủy ban các bang sẽ công bố, không có ứng viên nào mà giành được tuy nói cho oai chẳng mất tiền. Tình hình vào ngày 7 tháng 11 năm 2020 là dự đoán, Biden 253 và Trump 214. Ai đạt 270 trở lên sẽ thắng cử. Tại bang Arizona (11 phiếu) đài Fox và thông tấn AP tiên đoán Biden sẽ thắng và như vậy số phiếu của ông là 253+11=264. Đây là con số được BBC, Al Jazeera v.v. đưa ra ngay trong ngày, trong khi CNN chẳng hạn vẫn giữ tỷ số 253-214. Ông Trump không chịu, đòi Fox rút lại nhận định này nhưng không được đài chấp nhận. Fox, nhắc lại, là đài ruột của Tổng thống Trump, sáng ông dậy chưa dùng bữa đã gọi vào đài tỉ tê, tối đi ngủ đã đánh răng rồi ông vẫn còn tâm sự, nay đài này lại bội bạc người tình! Như vậy, nếu 11 phiếu Arizona về Biden thì chỉ cần thêm 6 phiếu Nevada nữa là ông Trump thua. Ông bèn kêu gọi… ngưng đếm phiếu tại Nevada, Pennsylvania, Georgia và… tiếp tục đếm phiếu tại Arizona. Dĩ nhiên là ông kêu gì thì kêu, nhưng ở đâu đếm thì vẫn đếm, đúng luật bầu cử tại mỗi địa phương. Xin nói thêm, Hoa Kỳ là 50 bang và 3.141 quận, luật lệ mỗi nơi một khác, có nơi phiếu bưu tín có con dấu đề ngày 3 tháng 11 là hợp lệ và tiếp tục đếm. Có nơi, con dấu đề ngày 3 tháng 11 đấy nhưng nếu không đến tận tay nhân viên phòng phiếu trước khi đóng cửa thì không chấp nhận.

Vì vậy, ông Trump đã thuê sẵn một đạo quân 1.000 luật sư để khởi kiện đó đây tại khắp các địa phương. Cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani là người đứng đầu nỗ lực này. Ngày 8 tháng 11 ông Giuliani họp báo nhưng không hiểu vì lý do nào đó lại nhầm địa chỉ. Tổng thống Trump thông báo là lúc 11 giờ sẽ họp tại khách sạn Four Seasons Philadelphia. Khách sạn Four Seasons thông báo là họ không hề biết có việc này. Cuộc họp báo bèn được dời sang 11 giờ 30 tại sân trước của một công ty trách nhiệm hữu hạn cây kiểng mang tên “Làm vườn Four Seasons” ở một ngoại ô đìu hiu, ngụ bên cạnh một nhà hỏa thiêu xác và một cửa hàng bán đồ chơi sex. Đây hẳn là điềm gở và nếu thưa kiện mà không có bằng chứng thực tế gì cả, chỉ nói chung chung là “đầy rẫy”, “xem truyền thông tường trình đấy, khắp nơi”, “tôi từng đi học tại Philadelphia nên tôi biết bọn này nhũng lãm tới đâu” (Trump) hay “bộ chúng tôi ngu hả sao mà không biết” (Giuliani) thì chẳng đi đến đâu, Tối cao Pháp viện có muốn cũng không cứu được.

Vào giờ này (ngày 9 tháng 11) dự kiến là ông Biden được 306 phiếu và ông Trump không còn cửa nào để gỡ gạc. Với 214 phiếu hiện có và 3 phiếu dự kiến của bang Alaska, ông phải thắng cả tại 4 bang ông đang bị đếm phiếu thua là Arizona (11), Nevada (6), Pennsylvania (20) và Georgia (16). 214 + 11 + 6 + 20 + 16 = 267. Bang Alaska, 3 phiếu phần chắc về tay Trump, thì thành 270. Riêng tại Georgia, vì khác biệt dưới 0.5% nên sẽ có đếm lại và cho dù có thay đổi tại đây cũng không lật ngược được thế cờ. Năm 2000 khác hẳn, ông Gore thua ông Bush là kết quả chỉ quyết định ở có mỗi bang Florida.

Bản đồ kết quả bầu cử Mỹ 2020. Màu đỏ là của liên danh ông Trump/Pence, màu xanh là ông Biden/bà Harris. Nguồn từ trang này 

Ông Trump sẽ còn tại vị ở Nhà Trắng đến ngày 20. 1. 2021. Ông là vị tổng thống “bất thường” nhất của Hoa Kỳ trong lịch sử nên không ai biết ông sẽ làm gì cho đến ngày hôm đó hay vào ngày hôm đó, ngay cả việc bám vào màn cửa và không chịu ra đi. Tổng thống Trump có nhiều khả năng“thất cử” sau khi kiện tụng không thành công và kết quả chính thức được xác nhận trong mấy ngày tới. Xin nói thêm. Kết quả bầu cử Mỹ đến nay chưa có gì chính thức, chỉ là kết quả dự kiến của các cơ quan truyền thông khác nhau, theo công bố tạm thời của các phòng phiếu bang.

Thứ nhất, thua thì ông Trump hiện vẫn có một số quần chúng trung thành đáng kể mà đảng Cộng hòa phải quỵ lụy. Cho đến giờ, các lãnh đạo của đảng vẫn thận trọng và khép nép với nguyên thủ, tuy thất bại của cá nhân tổng thống không phải là thất bại của đảng. Đảng Cộng hòa kỳ này không chiếm lại được đa số tại Quốc hội nhưng giành lại được, tức là “ăn” được, 5 ghế. Tại Thượng viện họ cũng còn hy vọng là giữ được 2 ghế tại bang Georgia sẽ phải bầu lại vào tháng giêng năm tới và như vậy vẫn giữ được đa số. Nếu bênh ông Trump vô lối, đảng có thể mất 2 ghế này tức là mất kiểm soát tại Thượng viện. Guồng máy Đảng Cộng hòa, phải nhắc lại, chẳng ưa gì cá nhân ông Trump, nếu không nói là khinh bỉ ngầm và căm ghét lén, chẳng qua phải nín thở qua sông và bám víu nương theo ông để mà sống sau sơ cử Cộng hòa 2016. Nhưng giờ chưa phải là lúc họ đạp lên đầu ông mà chạy nên họ vẫn còn phân vân chưa biết xử ra sao.

Đảng có ủng hộ hay bỏ rơi, ở chức vụ tổng thống 10 tuần còn lại ông Trump có thể sử dụng quyền ân xá để tha tưng bừng các tay sai từng bị kết tội. Ông cũng có thể dùng quyền này để xóa tội trước cho gia đình, và theo ông phát biểu, kể cả cho chính mình. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn, có lẽ 48 tiếng trước khi hết hạn nhiệm kỳ, ông có thể từ chức để ông Pence thay thế và ông Pence ân xá mọi tội của ông Trump. Đó là nếu tìm thấy ông Pence vì cho tới giờ (9 tháng11) không biết ông Pence đang trốn ở đâu. Chắc ông cũng đang suy nghĩ là nếu ông có tương lai hay tương chao gì năm 2024, ông có nên gắn liền số mạng của ông với chủ tướng này không. Quyền ân xá của tổng thống, nói qua, là các tội Liên bang thôi. Còn quyền ân xá các tội thuộc phạm vi tiểu bang là ở tay Thống đốc mỗi nơi, tức là Liên bang tha vẫn có thể bị tiểu bang bắt. Mặt khác, ân xá, trước giờ là ân xá “sau” một tội danh đã được xác định, trừ trường hợp Nixon năm 1974. Ông Nixon sau đó, cũng không bị truy tố nên lệnh ân xá này cũng chưa phải qua thử thách của các tòa.

Ngoài ra, ở vị trí tổng thống trong những ngày còn lại, ông Trump vẫn còn làm được nhiều việc trên nguyên tắc như khai chiến với Iran hay mở sứ quán tại Triều tiên. Những trường hợp này, theo lệ là phải tham khảo tổng thống tân cử, phải có chấp thuận của Quốc hội hay Thượng viện v.v. nhưng ông Trump đã cho ta thấy ông là người chẳng tuân thủ lệ nào hết. Nhưng nếu ông làm xằng thì các bộ trưởng sẽ bất tuân, vì chẳng ai ngu gì mà đi nịnh hót chiều lòng một người đã chết. Tại bộ ngoại giao, ông Pompeo là người nhắm 2024 nhưng thế này thì 2024 có đến ông Pompeo không? Ông Trump có thể ra ứng cử năm 2024, với cô Ivanka làm phó hay cô Ivanka ra ứng cử với anh cô là Don Jr? Cũng như ông Pence, có nên đổi tia nhìn đầy trìu mến và thán phục với lại chủ tướng? Quần chúng hăng say của ông Trump lúc đó còn hay không và họ sẽ ở đâu? Lập chiến khu trên rừng và chống chính phủ? Hay là ông Trump năm 2024 ra tái cử, lèo tèo được 5% hay 3% tức là trở về vị trí cũ của ông năm 2015.

2020

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả