|
|||||||||||||
|
Đi chơiChuyện ăn mặc của phụ nữ Hồi giáo: đừng căn cứ vào trùm khăn và che mặt… 6 June, 2024Sáng ÁnhHồi giáo có mặt từ 15 thế kỷ, với 1,6 tỉ tín đồ trải trên khắp trái đất thuộc cả trăm dân tộc, cả ngàn sắc tộc chứ không phải riêng gì khu vực Trung Đông. Năm quốc gia hiện nhiều tín đồ Hồi nhất là Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Bangla Desh và Nigeria. Các quốc gia, các dân tộc này, từ Đông Âu đến Phi Châu, từ rừng già, hải đảo nhiệt đới đến núi tuyết hay sa mạc, hẳn đã có sẵn trước sự xuất hiện của Hồi giáo, với tập quán, khí hậu riêng biệt vùng miền trước khi nhập một đức tin chung. Cái nôi của tôn giáo này là bán đảo Ả Rạp thì cũng thế: sa mạc đã có trước Hồi giáo, và người Ả Rạp đã có trước Hồi giáo. Tôn giáo này được phân chia thành 2 nhánh, Shia và Sunni, ngay sau khi thiên sứ qua đời. Ngành Sunni chí ít là có 4 giòng giáo luật, ngành Shia thì một tá phiên bản. Khác với Ki tô La Mã chẳng hạn, Hồi giáo không có một giáo hội thống nhất với 1 giáo hoàng, cho nên mỗi chùa đền đều có thể độc lập. Người Hồi chia sẻ với nhau 5 điều căn bản: Đức tin, Bổn phận cầu nguyện, Bổn phận từ thiện, Bổn phận tháng kiêng và Bổn phận hành hương. Kinh Thánh Qran thì được coi là tuyệt tác của ngôn ngữ Ả Rạp, và như mọi tuyệt tác, nó có rất nhiều diễn nghĩa, ngay cả trong tiếng gốc. Chẳng hạn, cho đến giờ, vẫn không rõ từ Jihad, y nghĩa là “thánh chiến” (với người ngoài đạo) hay là “tự thắng” (và tự thánh thiện bản thân). Giáo chủ Mohammad thì truyền thống cho là có để lại 60 điều cấm và răn dạy, một số là tuyệt đối và một số phải được hiểu là trong bối cảnh của thời điểm và khu vực. Về trang phục Hồi, các điều răn cho nam cũng như nữ là là sự khiêm tốn và không phô trương, thứ nhất là nam không được dùng tơ lụa, trang sức vàng và nước hoa chẳng hạn. Đạo Hồi là một tôn giáo bình đẳng và điều này được ít nhiều tuân thủ, các vương tại các quốc gia Hồi giáo ngày nay trong trang phục truyền thống thì xem cũng nhang nhác như mọi người, chẳng lẫm liệt gì như các vương Tây phương. Riêng phần nước hoa thì hơi lạ, chuyện đùa là (ngày nay) đến đâu nghe nồng nặc mùi hương là biết có đàn ông Ả Rạp và có lẽ tại vậy mới phải khuyên răn. Nhưng họ nhiều râu, nếu cạo cho sạch thì 1 ngày cũng cần 3 lần, phải dùng nhiều after shave, cái gì cũng có lý do cả. Sự “khiêm tốn”, tức là không phơi bày da thịt, phần nữ là ngực và bộ phận sinh dục, phần nam là từ rốn xuống đầu gối. Trong Qran không có đâu là cấm phụ nữ hở mặt hay phải đội khăn cả. Từ Hijab (che đậy), ta có thể hiểu là sự ngăn chia giữa riêng tư và xã hội bên ngoài hay là khăn che tóc (nhưng không che mặt) trong truyền thống. Nhưng nếu thế thì tại sao hiện nay một số lớn phụ nữ Hồi che tóc, một số khác che tóc và mặt, một số trùm áo ngoài? Đó là vấn đề văn hóa, cũng như nếu một số phụ nữ Việt mặc áo dài thì không hẳn đó là bởi vì họ theo đạo thờ cúng tổ tiên. Nói cách khác, nếu nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mà là thiên sứ đạo, thì nữ tín đồ khắp nơi “tay em cầm cái nón quai thao, chân đi đôi guốc cao cao”. Khi đạo Hồi đến khu vực Cận Đông, thì đã có phục trang như thế. Tại sao như thế, thì là nhu cầu của thời tiết, nam cũng như nữ đều kín mít phòng gió nắng như ta đi xe máy, chỉ chừa đôi mắt vì thời đó chưa phát minh ra kính mát mô đen. Ở đây nói thêm, có bạn hỏi là sao trời nóng mà phải trùm kín người, đó là bởi vì các bạn chưa trải nghiệm cái nóng 45oC hay 50oC, tức là cái nóng bên ngoài cao hơn nhiệt độ của thân thể. Trong trường hợp đó, áo quần như một cái lều và giữ bạn ở nhiệt độ 37oC. Hồi giáo là phiên bản thứ ba của giòng tôn giáo độc thần Abraham, tức là hậu duệ của Do Thái giáo và Ki Tô giáo, và theo tín đồ Hồi thì Mohammad là thiên sứ cuối cùng của cùng một thượng đế. Cả ba đều xuất phát từ cùng một khu vực và giờ nếu ta nhìn trang phục của thày tu Ki tô hay nữ tu Ki tô, của tín đồ Do giáo truyền thống thì ắt sẽ thấy tương đồng với trang phục của người Hồi. Họ cũng đều áo trùm và che tóc, Do Thái giáo truyền thống đàn ông để râu và phụ nữ che mặt, đến nỗi để phục vụ cộng đồng đang lớn mạnh này tại Israel, cửa hàng Ikea mới ra một sách quảng cáo đồ dùng nội thất không có một bóng dáng phụ nữ. Khăn che tóc của phụ nữ Ki tô, vẫn còn phổ biến tại Đông Âu hay Nam Âu (Italy, Spain, Portugal, Greece…) vài mươi năm về trước, và ngày nay vẫn phổ biến khi đi lễ nhà thờ. Phu nhân Obama, khi sang thăm Saudi, không dùng khăn che tóc, nhưng đến viếng Giáo hoàng tại Vatican thì trang phục đen tuyền và đội khăn voan. Nửa thế kỉ trước, số phụ nữ Hồi giáo tại quốc gia của họ hay tại các nước ngoài, trang phục cổ truyền ít hơn hiện nay. Nói bên lề, tại Israel, phụ nữ Do giáo trang phục cổ truyền vào lúc đó cũng thế hầu như không thấy. Sau Thế chiến thứ nhất và sự sụp đổ của đế quốc Ottoman (tiền thân của Turkey) là đế quốc Hồi giáo cuối cùng, người Hồi đã đi vào con đường cải cách và canh tân, quốc gia chủ nghĩa như ở Turkey hay ngay cả chế độ quân chủ chuyên chế tại Iran cũng vậy. Trong thập niên 30, vua Shah tại Iran cấm phụ nữ ra đường đội khăn, công an tịch thu và giật khỏi đầu họ. Phong trào này tương tự như Trung Quốc đàn ông xuống tóc cắt đuôi sam vào đầu thế kỉ 20. Đến thập niên 50-60, khu vực hướng về quốc gia và xã hội chủ nghĩa để “thoát Tây”, tức là ảnh hưởng hậu thuộc địa và đế quốc của Tây phương. Đây là giai đoạn còn có cả hoàng thân Saudi chống lại quân chủ, vương quyền, và phụ nữ ở Kabul, ở Tehran ra đường mặc váy ngắn. Sự thất bại của phong trào này trong khu vực khiến từ thập niên 80 trở đi tư tưởng truyền thống, tức là truyền thống Hồi giáo, trở lại, thứ nhất là tại Iran. Cách mạng chống đế quốc và chống quân chủ chuyên chế thành công là ở các thày chứ không phải ở nhóm “Mác xít-Hồi giáo” nào. Tại các nơi khác, phong trào về nguồn cũng phát triển, dâng cao và biểu hiện của nó là trang phục truyền thống. Tại sao chống Tây phương và ảnh hưởng của đế quốc lại phải về nguồn? Văn minh và đế quốc Hồi giáo, trong quá khứ, đã từng là siêu cường số 1 của thế giới trong khi Âu châu còn man rợ và u mê tín điều. Nói đơn giản, thủa thế kỉ thứ 10, ta vấn khăn thì làm phụ mẫu của chúng nó, thế kỉ 20 ta mặc váy ngắn chẳng nên cơm cháo gì, chúng vẫn đè đầu, thế kỉ 21 ta vấn khăn trở lại thì biết đâu, nhìn thử Iran xem, ai làm gì nhau. Tại các nước Âu châu, người Hồi định cư từ thập niên 60 sang đó lao động vào giai đoạn phát triển kinh tế và ở lại. Thế hệ này chỉ mong hội nhập nhưng vào cuối thế kỉ trước, trì trệ kinh tế nói chung tại Tây Âu đã gạt con em của họ, là thế hệ thứ nhì, sinh trưởng ra tại Pháp, Anh hay Đức… ra bên lề. Thế hệ này biểu hiện ý thức lý lịch và căn cước của họ qua trang phục truyền thống gọi là Hồi giáo. Ngày nay, trên phố các nước này, ta thấy khăn che tóc nhiều hơn là 30 hay 40 năm về trước là vì thế. Một số khác, sinh sống tại các nước Hồi giáo, muốn thể hiện căn cước Hồi giáo của họ một cách thời trang, vẫn giữ khăn che nhưng quấn thành đủ kiểu thời trang, mặc áo kín đáo nhưng hàng hiệu cẩn thận! Tóm lại, không có cái gì là trang phục Hồi giáo, hay Do Thái giáo, Ki tô giáo mà chỉ có trang phục truyền thống. Nếu đảo ngược lại tình thế, nếu Trung Đông vẫn ảnh hưởng châu Âu và cai trị họ trực tiếp, gián tiếp, ta có thể tưởng tượng người Âu bất bình và ở từng lớp dưới ra đường ăn mặc kiểu… La Mã vậy. Hay có lẽ dễ tưởng tượng hơn, nếu Trung Quốc (hay Ấn Độ đi) trở thành siêu cường tuyệt đối về mặt chính trị, văn hóa, quân sự. Họ cắt nước Pháp ra làm ba, dính nước Tiệp vào với Đông nước Đức, và trang phục của mọi người là võ phục Thiếu Lâm chẳng hạn thì tại Âu ắt sẽ có thiếu nữ ra đường mặc quần áo “Ki tô truyền thống”, tức là trang phục của các bà sơ. 27. 04. 2017 Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
|
|
|||||||||||
|