|
|||||||||||||
|
Đi chơiBưu thiếp Trung Đông: Cô gái Chiclets 23 August, 2024Đỗ Kh.1 giờ đêm ở Barbar là khu ăn khuya bình dân và náo nhiệt, một thiếu nữ đứng nép mình trong ngách cạnh quầy thịt nướng. Cô chừng 17 hay 19, áo choàng đen ngắn nhưng khăn cột tóc có viền màu. Chẳng ai ngó ngàng đến, các cặp tình nhân đi qua, ông già râu mép bạc, thanh niên vài ba tốp ồn ào. Mặt có chút trang điểm, cô rụt rè tay cầm hai thỏi kẹo cao su Chiclets, úp mở bàn tay móng không sơn. Cách đó một, hai ngõ, ba cô Ethiopia váy ngắn chống nạnh nói cười. Cô gái áo đen này không bán thân, chỉ gắng rao một nụ cười gượng gạo, bán Chiclets ở đây là một cách giữ tư cách trong lúc xin tiền. Quê cô cách vài ba trăm cây khói lửa và cô gái tỵ nạn Syria này sẽ đứng đây đến 2-3 giờ sáng, hai thỏi kẹo cầm tay sẽ mang nguyên về nhà với vài ba đồng người ta một lúc nào đó dúi vào tay. Người xin giữ thể diện nấp sau hai thỏi kẹo, kẻ đã cho nào có ai cầm lấy làm gì. Tự nhiên tôi thấy giận đời, hay hận những tranh giành quyền lực, những tính toán chiến lược địa dư, bàn cờ khu vực và mưu toan quốc tế, đẩy một người con gái 17 tuổi sang một nước lạ, hai thỏi chewing-gum không che nổi thẹn thùng dưới đèn đêm phố xá dặt dìu. Chú thích: Lebanon hiện chứa 1,5 triệu người tỵ nạn từ Syria (và chưa hết, chưa hết đâu), mà quốc gia này dân số chỉ có 4,5 triệu. Trước đó, tức là trước nội chiến tại Syria (2011), vì khác biệt về thu nhập và nhu cầu lao động, Lebanon đã nhập nửa triệu lao động từ láng giềng anh cả này. Nhưng lao động nhập là vì có nhu cầu, còn gánh vác người tỵ nạn thì chẳng ai có nhu cầu cả. Phải nói, Lebanon là một quốc gia hiếu khách, từ 1948 đã là nơi nương thân của nửa triệu người tỵ nạn Palestine. Con số kinh hoàng này đè nặng lên hạ tầng cơ sở của chủ nhà về mọi mặt, từ nước ngọt trở đi. Giao thông đã tắc, giờ ra đường còn phải cẩn thận coi chừng cán phải người Syria. Trong thời kỳ nội chiến tại Lebanon (1975-1989), Syria (là nước lớn lân bang) từng can thiệp thô bạo bằng vũ lực, lúc ủng hộ phe này, lúc chèn ép phe kia và đóng quân liên tục tại chỗ, tuy không hẳn là chiếm đóng nhưng là một yếu tố răn đe và áp lực. Dạo ấy, ai ra đường đeo kính mát đều bị đùa là mật vụ Syria. Mãi đến 2005, cuộc gọi là “Cách mạng Gucci” với nam thanh nữ tú Lebanon cũng đeo kính mát nhưng mà là hàng hiệu, xuống đường rầm rộ biểu tình mới đuổi được quân lính Syria ra khỏi nước thành công. Nhưng nếu 2005 nó vác tăng đi thì 2012 nó lại lếch thếch bồng bế nhau đến, mẹ đội thúng trên đầu, con thì lê can nước, bố còn phải cõng bà nội… * Đây là một thành phố quen thuộc với tác giả, nhưng không gần gũi quá mức đến độ chán ngấy, và vừa ghét lại vừa thương. Bưu thiếp thì vài dòng, và phần ảnh cũng quan trọng, tuy là vớ vẩn cũng chẳng kém phần thư.) 28. 11. 2014 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|