|
|||||||||||||
|
Đi chơiBưu thiếp Trung Đông: Vô mao bất nghì 15 August, 2024Đỗ Kh.Vài cái bom xe, ngày lẻ ngày chẵn ở biên giới Nam biên giới Tây ở kia lẹt đẹt nhưng tựu chung Beirut vẫn là thành phố “party” hàng đầu thế giới, xếp hạng ở tầm nhất hoặc nhì ngang với… Montréal. Nếu chớp mắt và không thèm nhìn chốt nút của quân đội hay xe tuần của an ninh, thiết giáp chắn đường trước nhà của một VIP nào đó, thì đây là một nơi hết sức an bình, xe con không khóa và điện thoại di động có thể để quên ngoài quán. Hai ba giờ sáng, thiếu nữ một mình thả bộ về trên những ngõ tối và vắng mà không phải là gái ăn sương, thanh niên năm bảy người túm tụm mà không phải là mưu toan trấn lột. Vài năm về trước, động trời là một (01) cô bị hiếp ngoài bờ biển, đây không phải là Ai cập nhé mà giờ cũng có được một (01) chuyện như thế. Thỉnh thoảng, có chuyện xe máy giật túi đầm, một (01) cửa hàng đổi tiền bị cướp làm dư luận xôn xao cả tháng liền mất ăn mất ngủ để mà bàn về xuống cấp an ninh. Thoạt tiên thì thấy lạ, vì ở các nước như thế này trong khu vực, phụ nữ không được ra đường nếu không có đàn ông cha anh trong gia đình đi theo hộ tống, và họ có ra đường thì cũng phải che mạng, che người. Ở đây họ phất phơ qua lại, quần chẽn áo bó nhưng không ai chọc ghẹo vì xã hội đã phát triển đến mức bikini ngoài bãi nhưng đồng thời vẫn còn nét bộ lạc đặc thù. Đây là một nước bé, và tuy cha anh của họ ở nhà xem bóng đá thì ai cũng có AK trong tủ, và phụ nữ nào mà chẳng có cha anh, gia đình, bộ tộc cùng vây cánh cho dù họ có đi bộ nửa đêm ngoài phố, cho nên, thôi nhìn họ phía sau một cái liếc thôi và nghĩ thầm, con bé này mông nảy, là mọi sự an toàn cho cả hai đằng. Những tệ nạn nhì nhằng kiểu trộm vặt, đào vách thì cả khu vực truyền thống là không có, vào chợ vàng không có người canh, chỉ có nói thách, vì cái lời nói ra ở văn hóa này mới là quan trọng chứ không phải cái táy máy cầm nhầm. Đây tôi dung từ “khu vực” vì người Do, người Ki tô hay người Hồi gì cũng vậy. Có bao giờ bạn tự hỏi sao các ma sơ lại ăn mặc như vậy, chẳng khác gì các phụ nữ Hồi Thế nhưng tệ nạn và tội ác tại Lebanon lại có những nét đặc thù. Hai năm trước, vợ tôi (ở Cali) thấy tin nhắn tweeter, có đụng độ trên phố lớn (ở Beirut). AK dồn dập, có cả phóng lựu đì đùng, lại cách nơi R, con tôi ngụ, có 100 mét. Đến khi gọi được thằng con dậy, nó bảo con đang ngủ, đóng cửa sổ, chạy điều hòa nên không nghe thấy, để con xuống đường xem, nếu nội chiến bắt đầu thì ngày mai phải đi sắm một khẩu lận lưng. Cách 10.000 cây thì biết từng chi tiết và diễn tiến, cách 100 mét lại chẳng biết gì. Ngày hôm sau, thằng bé bảo miễn đi, khỏi phải súng phòng thân, đây là chuyện vài anh giành giật một cô gái ăn tiền người Đông Âu giữa đêm trước một hàng tạp hóa, lời qua tiếng lại, về rủ bạn mang cả tên lửa đến. Vừa rồi, ở Bekaa, một nhóm người vũ trang tấn công một bệnh viện. Chẳng phải ISIS-ISIL giải thoát con bệnh nào bị Hezbollah bắt giữ, mà là một anh phải mổ thận, trước khi mổ bác sĩ đòi cạo lông bụng, anh cho thế là xúc phạm đàn ông tính và bất bình gọi người nhà đến nã súng vào nhà thương. Tóm lại, ở đây trộm cắp, hiếp dâm và cướp của thì khó chấp nhận (thủ phạm thường bị bắt ngay và xét xử). Nhưng đừng có mà động đến lông bụng đàn ông, cả làng họ sẽ mang thượng liên ba càng ra xử lý. Còn đi uống rượu đến sáng thì chẳng có sự quái gì, ta nâng ly. * (Những bưu thiếp từ Trung đông này gửi đến bạn đọc nhân chuyến đi mươi ngày sang Lebanon và Jordan vào đầu tháng 11. 2014 để giới thiệu tiểu thuyết “Saigon Samedi” của Sáng Ánh, tức Đỗ Kh. tham gia Hội chợ sách Pháp ngữ tại Beirut Đây là một thành phố quen thuộc với tác giả, nhưng không gần gũi quá mức đến độ chán ngấy, và vừa ghét lại vừa thương. Bưu thiếp thì vài dòng, và phần ảnh cũng quan trọng, tuy là vớ vẩn cũng chẳng kém phần thư.) 24. 12. 2014 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|