Điện ảnh

Bài 3 – Nhật ký (không) làm phim: Joey Luna tháo vát và ấm áp 19 October, 2021

Đỗ Kh.

(Tiếp theo bài 1bài 2)

Làm phim không xong thì rất tiếc, nhưng một người mà tôi rất tiếc không được làm phim cùng là Joey Luna, người Philippines. Anh mất năm 2016 vì bệnh suyễn, lúc 65 tuổi, nên cơ hội cộng tác chung không còn nữa.

Khi sang Philippines sửa soạn phim, tôi có đi chọn cảnh với anh ròng rã hai tuần hay mươi ngày, ở khu vực Metro Manila và Subic Bay, Clark’s Airfield và Ilocos Sur, Ilocos Norte. Việc của anh trong đoàn là họa sĩ thiết kế. Joey xuất thân là nghề hóa trang, chải tóc, nhưng nhất nghệ tinh nhất thân vinh, có thời anh là tay sai son phấn của phu nhân Imelda Marcos, bà đi đâu anh cũng đi theo, tay xách một cái hòm, nếu là nữ trang thì xích hẳn vào cổ tay. Việc này đưa anh đi Âu đi Mỹ bằng chuyên cơ nhưng có lẽ anh chán theo bà đi sắm nội y và sắm giày, khi đến đôi guốc thứ 1.000 và nịt vú thứ 2.000* thì anh thấy nhàm, anh chuyển sang điện ảnh. (Mở ngoặc chuyện bà Marcos: Khi quần chúng nổi dậy đột nhập dinh Malacanang năm 1986, thì phát hiện là phu nhân Marcos có 2.000 nịt đeo ngực, 1.000 cái màu đen và 1.000 cái màu trắng! Bà này nổi danh thích mua sỉ (chắc tại như thế nó giá rẻ), có bận bắt chuyên cơ quay đầu lại phi trường Roma, Italy để vét hết kho bán kẹo cao su của các cửa hàng tại cảng.)

Kiểm kê kho giày của bà Marcos. Ảnh của Getty Images

Quay lại với Joey, chia tay bà Marcos, anh sang điện ảnh, giữ chức hóa trang trong đoàn của bộ phim Insiang (1976) của Lino Brocka. Phim Jaguar năm 1979 của Brocka được đề cử Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes, và nhờ thế được chiếu rạp ở Pháp. Đạo diễn này có thêm một fan cuồng hâm mộ là tôi đây. Bạn này làm phim rất nhiều nhưng tôi không được xem hết, ngoài Insiang sau khi bạn nổi tiếng quốc tế, được phụ đề và phát hành ở Pháp.

Quảng cáo của bộ phim Jaguar với diễn viên Philip Salvador, ảnh ở đây

1984, Bayan Ko cũng được đề cử Cành cọ vàng nên tôi mới lại có dịp xem. Trong những thập niên này, tìm xem được những phim vào dạng này rất khó, tuy Paris là nơi tuần nào cũng có thể xem 300 bộ phim khác nhau nhờ chính sách văn hóa của nhà nước. Nó phải được tráng bản trước thời của internet, phải có phụ đề trước thời vi tính, là những chuyện rất tốn tiền. Trong bộ phim Bayan Ko này và vài ba bộ trước (Miguelito, Cain at Abel…) của Brocka thì Joey đã là họa sĩ thiết kế. Brocka không may, yểu mệnh năm 1991, nhưng Joey vẫn tiếp tục làm phim, trong lãnh vực của anh. Joey giao thiệp rộng, đủ mọi nơi trong nước và đủ mọi giới, muốn xóm nghèo lầy lội hay cung điện gì bạn cũng tìm ra được ngay.

Áp phích phim “Bayan Ko” (Đất nước tôi) của đạo diễn Philippines Lino Brocka, ảnh ở đây

Tại Philippines, vì là tiền kỳ trước khi bấm máy, nên đoàn có lúc đến mươi mạng, có quay phim, giám đốc sản xuất Pháp, giám đốc sản xuất địa phương… đi đâu cũng 3 xe hai trục rầm rộ. Muốn quay nhà thổ, một ngày Joey dẫn đi thăm 5 chỗ, cho đến khi vừa ‎ý thì thôi. Đây là nhà thổ thật, các cô còn đang tênh hênh ôm nhau ngủ, bạn quay phim bước vào đo sáng loạn xạ rồi đứng trầm ngâm nhìn trần trong khi các cô dậy mặc quần. Việc đo sáng không phải là việc của tôi nên tôi chỉ đứng nhìn các cô mặc quần vào. Quay phim bảo, trần thấp, không đặt đèn được, Joey leo lên ghế gõ gõ, nói trần này gỡ ra chỉ mất có vài tiếng, làm được chứ không phải là không và ông thích thì tôi gỡ trần. Mọi người đi ra, mình ở lại nấn ná và cười xin lỗi, các cô lại cởi quần ra đi nằm tiếp giấc sáng. Tôi thì nấn ná là để ngắm các cô cởi quần ra. Bạn trợ lý Philippines rất chuyên nghiệp, thấy tôi chăm chú nhìn, bèn nhắc, ông thấy cô nào vừa ý hay giống người Việt vai quần chúng thì để tôi ghi tên lại.

Joey cho biết, anh làm phim người lớn hay con heo rất nhiều, nên với diễn viên dạng tụt quần xuống kéo quần lên, anh quan hệ nhiều và tốt, muốn nam có nam, muốn nữ có nữ, muốn chuyển giới tính cũng có luôn. Nhưng tài của anh là tài thiết kế khung cảnh và vì tôi là fan thuộc lòng phim của Brocka nên làm việc với anh rất dễ, trao đổi vài câu là anh ấy hiểu ngay. Đại khái tôi chỉ cần nói “cảnh này giống như xen gì gì đó của Bayan Ko” là khỏi cần diễn tả. Anh biết ngay, vì chung một ngôn ngữ, “Đây dọc hẻm tôi đặt mấy cái thùng phi cũ 50 gallons hắc ín, trước cửa nhà kia có cái thùng dầu hôi 20 lít bẹp một bên và rác vàng mã thành tro dang dở ở dưới đất”. Mình bảo đúng thế, là xong.

Trong “Sài Gòn thứ Bảy” có cảnh nhân vật đi qua một cây cầu. Cây cầu này thì ở… Sài Gòn, và trong phố Philippines tỉnh lớn, tỉnh nhỏ tìm rất khó vì nó vướng này vướng nọ rất tốn kém : nhà cửa, bảng hiệu, cột đèn… Joey dẫn đoàn đến một chỗ thanh vắng ở giữa ruộng, có một cây cầu lớn nằm chình ình giữa quạnh hiu tứ bề. Ilocos Norte là quê của Ferdinand Marcos nên thời gian ông cầm quyền, ông đổ tiền vào đó, muốn gì cũng có. Laoag là chỗ chết tiệt, ông cho xây một phi trường quốc tế và một khách sạn 5 sao để còn chứa khách thập phương đến dự đám cưới của ái nữ. Cây cầu này cũng thế, chẳng biết ông bà chiều ý đại biểu quốc hội nào tại địa phương, xây lên cho oai mà chẳng có ai qua lại.

Cầu ở thị trấn Claveria, thung lũng Cagayan trên Quốc lộ Xuyên Philippines AH26, tỉnh Ilocos Norte

Ban ngày thì thế nhưng đây là một cảnh đêm. Joey bàn, dựng một cái cột đèn cẩn thận để lên hình, mấy cột kia vớ vẩn đèn treo ở đằng trước đằng sau, cuối dốc cầu dựng một cái mái nhô ra, cách 10 mét là bảng hiệu tiếng Việt, và vách giả lúp xúp ở đằng xa, tối đến mình thắp mấy chục đèn đây đó trong bụi cỏ bờ ruộng là ra thành phố! Điện ảnh là lừa bịp người xem. Tôi nói ví dụ, nếu máy lướt qua chân cột đèn (kiểu Việt Nam 1975) thì ta chỉ cần có phần đó, là nửa cái cột đèn thôi. Khi sang cảnh rộng và tối hù, phần trên của nó là cái cọc gỗ và ánh sáng chỉ hắt vào đến chân cột thì nào ai biết. Nếu quay tại Sài Gòn, ngay tại đúng cây cầu trong kịch bản, thì chưa chắc là cảnh đã đạt vì mấy chục năm qua, trường huyện giờ xây kiểu khác rồi. Đến khi xe máy của nhân vật dừng lại, thì đã là cảnh sau, ở trong phố Laoag. Khung máy ở tầm trung, không cần thay bảng hiệu Philippines ở phía trên. Ở tầm máy, đặt một cái bảng đề Ở đây làm răng giả, làm mổi ngày là trơn tru Việt Nam ngay. Ê, trên chữ trên chữ “mổi” là dấu hỏi nhé, không phải dấu ngã, đây là Sài Gòn nhe. Gặp anh thợ kẻ chữ miền Bắc, anh tô “Ở đây nàm răng giả” là hỏng hết. Đã lừa bịp thì phải tinh vi.

Sản xuất, là người chi tiền, sáng rực mắt, vì quay trong phố phải ngăn lưu thông lại và bồi thường các cửa hàng chung quanh. Quay phim Pháp, không quen với lối làm ăn sáng tạo và cần kiệm này, ra khoanh tay đứng ngắm và gật gù, ờ khả thi. Nói qua, khu rừng khu ruộng này được dùng trong “Apocalypse now” của Coppola, và các đoàn đói tác tại chỗ thì giản tiện, chỗ nào phù hợp có dùng rồi thì họ dắt mình đến, anh muốn cảnh Việt Nam hả, thì đây là cảnh Việt Nam Coppola.

Ai thì cũng phải kiếm tiền, nên bạn Joey còn có nghề phụ là cò bàn cò ghế. Vigan là một thị trấn nhỏ ở Ilocos Sur rất đẹp, kiểu thuộc địa Spain hoang phế, cứ tưởng như là ở Trung Mỹ. Đoàn sản xuất địa phương có dùng trong bộ phim Mỹ “Thirteen Days” (2000) thế cho Cuba nên dắt mình đến đây. Đã đành, Cuba thức thì Việt Nam ngủ, nhưng phim mình chẳng có Trung Mỹ nào vào đấy, tuy thị trấn này rất ấn tượng. Joey dẫn các bạn Tây đi đây kia trong phố kiểu cỡi ngựa xem hoa vì chẳng lẽ ngày nào cũng phải làm việc cật lực. Đến nhà hàng, khách sạn nào, anh bảo thích mua cái bàn đang ngồi, cái tủ đằng kia, cái giường trong phòng, anh cũng mua được hết. Giá rất rẻ, như cả một cái quầy bar quán hay cái cổng sắt biệt thự, cánh cửa gỗ căn nhà cũng có thể gỡ ra gửi tàu biển về. Chỉ cái gì thì họ đóng gói cho, nguyên trạng hay lau chùi sơn phết lại, muốn sao cũng được. Joey là thiết kế sản xuất, kiểu gì anh cũng có, kiểu gì anh cũng làm được.

Một góc phố ở Ilocos Sur. Ảnh từ đây

Cô phụ tá riêng của mình xui thầm, anh là đạo diễn, đòi sản xuất cấp một cái container tàu biển riêng, đây là luật bất thành văn ở trong nghề. Tôi không biết đạo diễn Pháp có đặc quyền khi làm phim nước ngoài là được một container riêng, kiểu nhân viên ngoại giao đi công tác dài hạn, nhưng tôi biết làm gì với cái cổng sắt tuy có rẻ và đẹp thật. Nhà tôi ở Cali, thật ra thì trang trí Vigan Nam Mỹ cũng phù hợp chứ không phải như nhà ở Karachi, Pakistan. Mình nói đây là vì tư dinh của anh thư và liệt sĩ của dân chủ nước này, bà Benazir Bhutto, từng bị một nhà báo phê bình Anh là bên ngoài kiểu thì nhà Nam Cali còn bên trong trang trí như chợ K-Mart Mỹ. Cô phụ tá nói, anh cứ đòi một container đi, phe mình – tại làm phim thì trong đoàn có phe chứ- chia nhau chỗ trong thùng, tôi mang cái giường này về Pháp, còn bạn kỹ sư âm thanh có cái nhà đang trùng tu ở Corsica, hắn mà thấy mấy thứ này là hắn mê mẩn ngay.

Đây là một lý do sản xuất không ưa phụ tá riêng của mình, dù cô này lõi nghề và làm việc hết sức hiệu quả (tức là ít tốn kém). Có lúc ông còn mời tôi đi ăn tay ba với một cô phụ tá khác, giỏi, ngoan hiền và đẹp. Ông mong đẩy cô của tôi ra, để ông rộng đường xử lý mọi việc, đã tay đứng ngoài lại còn có tay nằm trong.

Nhà thiết kế phim Joey Luna nhận giải, ảnh ở đây

Nhưng chuyện này chẳng dính dáng gì đến Joey. Mong anh yên nghỉ và tiếc một tài năng, và tiếc một con người tôi cảm thấy vinh dự được quen biết, và hẳn sẽ rất tâm đầu nếu đã có một cơ hội lớn hơn để cộng tác cùng.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả