|
|||||||||||||
|
Chính trịPhòng nhì Pháp, phòng nhì Mỹ 26 August, 2024Đỗ Kh.Chuyện do Alexander Haig kể sau này và xảy ra vào thời ông làm Ngoại trưởng Hoa kỳ. Một hôm ông đang dùng bữa ở ngoài thì nhân viên Sở Mật vụ đến báo cáo, mặt mày trầm trọng, là Phó Tổng thống Bush (cha) mới vừa gặp tai nạn giao thông. Ông Haig bèn chồm dậy “Thế có sao không?” (Đến đây xin mở dấu ngoặc và lạc đề một tí, nhà chính trị này khi nghe tin cấp trên của ông gặp nạn là ông chồm người ngay. Khi tổng thống Reagan bị ám sát hụt và mang thương tích, phó tổng thống Bush đang ở đâu chưa về kịp thì Haig đã chồm ngay lên màn hình để trấn an nhân dân Mỹ là đừng lo lắng nhé, đã có tôi đây để đảm nhiệm quốc gia. Theo hiến pháp, trong trường hợp cả Tổng thống lẫn Phó tổng thống đều không thể đảm nhiệm chức vụ, thì người thay thế là Chủ tịch Thượng viện, sau Chủ tịch Thượng viện là Chu tịch Hạ viện rồi mới đến Ngoại trưởng. Nhưng ông Haig quen thói chồm người và nhảy vọt qua đầu thiên hạ từ ngày còn trong quân đội. Năm 1967 ông còn là Trung tá Tiểu đoàn trưởng, năm 1973 ông đã là Đại tướng Tham mưu phó quân lực, từ hai sao lên thẳng bốn sao chứ việc gì lại phải ba sao cho nó phiền. Việc thăng quan sấm sét này nhờ chiến công hiển hách là xách cặp cho ông Kissinger.) Trở lại câu chuyện, Haig chồm người và mật vụ (lo việc bảo vệ yếu nhân) cho biết, đâm xe nhẹ thôi, do chính ông Bush cầm lái, nhưng vấn đề là ông này có chở thêm một hành khách thiếu phụ chẳng hiểu chân ngắn hay dài. Mọi việc sau đó tế nhị mà êm xuôi nhưng nói thêm, người kể muộn màng chuyện này (ông Haig) cũng là người khi ra tranh cử chức ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa đã từng gọi địch thủ của mình (Phó tổng thống Bush) là “Đồ chết nhát” (wimp), hehe, đã thế lại còn thêm tác phong tủm tỉm mà đồi trụy. Bởi vì, trên chính trường Hoa kỳ, quan hệ lăng nhăng không sợ bà nhà mà là sợ cử tri. Hình như là, nếu lãnh đạo Mỹ về việc này khối người đạo đức giả, thì cử tri lại lắm thành phần đạo đức thật và phạt ngay kẻ vi phạm điều răn thứ bảy là “chớ có ngoại tình”. Tại Pháp, thì nguyên thủ ngoại tình cũng có vậy, có chứ, nhưng mà bàn dân thiên hạ thì cười xòa coi như “nơ pa” vì đây chẳng phải chuyện đại sự quốc gia. Việc này có truyền thống lâu đời, năm 1899, tổng thống Felix Faure (58 tuổi) đột tử trong Điện Elysée vì miệng lưỡi đàn bà (theo nghĩa đen, hay trong trường hợp này, theo nghĩa hồng) của một cô Marguerite Steinheil (29 tuổi). Báo chí bèn phong cho cô này danh hiệu “La pompe funèbre”, xin tạm dịch là “Nhà thổi kèn đám ma” (Les pompes funebres, số nhiều, là nhà đòn đám ma nhưng pompe còn có nghĩa là ‘bơm’). Thế mà chẳng ai sợ chết cả, trong đám anh hào liều mạng mà trao thân tạm bợ cho cô này về sau còn có thủ tướng Pháp Aristide Briand và thế tử Cam Bốt Monivong. Thật ra thì bên này hay bên kia Đại Tây Dương, chẳng lãnh tụ nào nhường lãnh tụ nào cả. Clémenceau (nghe đâu 800 người đi qua đời tôi nhưng ai ở đó mà đếm) ăn đứt Roosevelt (lãng đãng mà thơ mộng), và Valérie Giscard d’Estaing tay lái cũng kém như George H. W. Bush (tuy là tai nạn khi lái xe một mình vào lúc trời chưa kịp sáng trên đường trở về dinh). Mỹ có anh em nhà Kennedy tả hữu cô Marylin thì Thủ tướng Pháp Laurent Fabius (cánh tả, hiện nay Ngoại trưởng) từng qua lại với một giai nhân không kém hương trời trước khi bà trở thành phu nhân của Tổng thống (cánh hữu, hiện nay thất nghiệp) Sarkozy. Sự khác biệt là nếu ông Clinton thậm thụt và ông Johnson lén lút ( ba cô trợ lý mang theo từ bang Texas) thì đám tang ông Mitterand có cả hai bà cùng hiện diện thút thít và người Pháp thấy thế là tận nghĩa tận tình chứ không phê phán phần riêng tư này của lãnh tụ. Nếu Mỹ mang gánh nặng về tôn giáo thì Pháp phải mang gánh nặng về ga-lăng chơi đẹp với phụ nữ. Cũng ông Giscard, thời còn làm Bộ trưởng Tài chính, một tối lẻn đến nhà bạn gái (nhiếp ảnh gia Marie Laure de Decker) thì gặp một anh đen lực lưỡng ra mở cửa. Anh này lại là người ở Pháp chui, không có giấy tờ tùy thân. Thế là Giscard gọi ngay cho Bộ trưởng Nội vụ (sau này tổng thống Jacques Chirac) không phải để bắt và trục xuất mà là nhờ ông này lo giấy tờ di trú cho kẻ cùng đường và cùng giường này. Anh da đen này là Eldridge Cleaver, nhà cách mạng đảng Black Panther của Mỹ mới từ Algeria trốn sang. Cleaver, nói thêm, là người thiết kế ra mẫu quần ba ống, một ống dành cho cẳng giữa, trong thời gian ông tị nạn chính trị tại…Cuba. Những chuyện lăng nhăng đó, ở Pháp là chuyện nhỏ. Ông Hollande đội nón bảo hiểm đi xe máy đến nhà cô đào thương nào là việc của ông ngoài giờ hành chánh. Việc cử tri đáng quan tâm hơn là tại sao ông lại đội nón sắt đi xe thiết giáp sang Mali hay là Cộng hoà Trung Phi. Nhưng quần chúng Pháp có tư tưởng rộng rãi thì cũng chưa bằng quần chúng Indonesia. Thời Sukarno, lúc sang thăm Liên xô, ông phải lòng một cô óng ả công tác tình báo. Khi chén rượu khi cuộc cờ, đều được cơ quan của cô cẩn thận quay phim để ghi lại những khắc khó quên này. Khi cuốn phim được đưa cho Sukarno để làm quà kỉ niệm lúc chia tay thì ông bật cười và bảo, làm ơn nhân bản lên cho tôi để tôi còn mang về nước chiếu cho quần chúng xem là tôi đàn ông ra sao! Sukarno là người chính thức có đến 8 đời vợ rồi, giờ thêm một bạn gái Liên xô bắt mắt gần bằng bà Dewi thì càng số má chứ sao. KGB đúng là vớ vẩn, cô Dewi xuất thân là bia ôm ở Nhật Bản và ông gặp ở trong bar lúc làm tổng thống sang đó công du mà ông còn mang về làm vợ được thì ông sợ gì một thiếu tá (?) tóc dài người Nga. Nhưng hụt hẫng không phải chỉ là KGB trong chuyện này. Nghe phong thanh là Sukarno phải bẫy của Liên xô (khi Khruschev sang thăm Indonesia còn mang theo cô này) CIA Mỹ đâm ra ghen tức và dùng một diễn viên giống chàng đóng một phim giả với một cô tóc vàng để tỏ ra không kém cơ quan địch! Trong tư duy của người Mỹ thì ngoài tội độc tài, thân Liên xô, Sukarno còn thêm tội tày trời (tại Mỹ) là có quan hệ ngoại hôn! Chuyện đóng phim giả này mới được giải mật gần đây nhưng rất tiếc là phim giả này cũng như phim thật chưa được thấy đưa lên Youtube. 13. 02. 2014 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|