Gia đình

Maman, người nữ liên lạc 17 June, 2021

Đỗ Kh.

Chỉ khẽ liếc mắt thôi, tôi cũng đã thấy đây là một phụ nữ đáng để ý rồi. Tôi đang lom khom tìm chai nước mắm thì bà đứng trước quày thịt cá. Tôi đang nghĩ thầm “Con mẹ nào lớn tuổi mà xem vẫn còn bắt mắt thế” thì bà nhận ra và thả về phía tôi một nụ cười rất tươi. Tất nhiên tôi phải toét miệng lại chào, trong lòng đâm ra lo ngay. Bà nhận ra tôi mà tôi chẳng nhận ra bà là ai, lỡ bà ta lại gần bắt chuyện thì khổ, biết xưng hô thế nào và câu chuyện thời tiết ra sao?

“Dạ, thưa chị đi chợ? Anh nhà vẫn khỏe?”

Người bạn đi cùng tôi lúc đó mới nói khẽ “Bà Kỳ!” khiến tôi thở phào! Bà có nhận ra tôi là ai đâu, bà có biết tôi là ai đâu và ai nhìn bà thì bà cũng nghĩ là quần chúng ái mộ. Bà cười tươi và sẵn sàng cho chữ ký nếu có yêu cầu, vậy thôi.
Chiếc xe Peugeot 404 màu đen, mang bảng số ngoại giao. Tài xế là một ông người Pháp rất hoạt bát, trung niên đầu hói và để râu mép, dáng ung dung. Bên cạnh ông, ở vị trí trưởng xa (trong quân đội) là một chú vạm vỡ, mặc pa-đờ-suy kiểu tướng Patton, có lẽ gần 40 nhưng xưng hô với tôi là em và qua. Băng sau tôi lọt thỏm giữa bố và mẹ, bon bon con đường tỉnh lộ của miền Bắc nước Pháp tuyết lất phất.

Mẫu xe Peugeot 404 vào thời đó, được Pháp dùng làm xe công quyền và ở Nam Dương còn được gọi là xe Mercedes của người Hoa vì người Hoa Indo kín đáo, tránh xe Mercedes phô trương. Ảnh ở đây 

Tôi thấy tuyết lần đầu và mới sang Âu châu có mấy ngày trước. Năm 1969, VNCH chưa tái lập bang giao với Pháp ở hàng Đại sứ quán và du học sinh dạo đó đều phải sang Thụy Sĩ hay Bỉ. Cái sổ thông hành VNCH rất giới hạn. Thay vì đề trên đó là có hiệu lực khắp thế giới trừ những nơi đây nơi kia, thì nó lại đề chỉ có hiệu lực ở dăm ba nơi nhất định, điền vào và đóng dấu. Thông hành VNCH của tôi chỉ có hiệu lực độc nhất là ở Bỉ. Vậy là tôi chỉ có thể sang Bỉ mà thôi, chứ vườn Lục Xâm ở Paris cũng không được đến, nước Lục Xâm hay là Hà Lan cũng đừng hòng. Lúc đó, ông Phạm Huy Ty làm đại sứ VNCH tại Bỉ*. Bác Ty đã có âm mưu toa rập sẵn, đóng cho tôi một con dấu ký tên, là thông hành có thêm hiệu lực tại Pháp. Bác là bạn bố từ trường Luật Hà Nội, và sau đó cùng thời vục đầu vào sách (để ngủ gật) tại Pháp.
Chúng tôi ở Bruxelles mấy ngày, lại vào dịp cận Tết Kỷ Dậu (16.1 Dương lịch). Ăn mứt đánh bài tại sứ quán là phái đoàn Hòa Đàm từ Paris sang, có Sứ thần Mạc Giao** dẫn đầu và mấy vị tôi không biết tên. Ông vạm vỡ áo pa-đơ-suy xám tháp tùng họ từ Paris là một Trung tá Không quân, đàn em của tướng Kỳ được sang Âu châu chơi chứ chẳng có việc gì ngoại giao cả và là phận thấp nhất. Các bà kéo nhau đi đâu mua sắm, các ông xì phé thì Trung tá ngồi chầu ngoài chiếu với thằng bé là tôi! Nhờ có tôi hiện diện nên ông mới trở thành được phận thấp nhì và có người để nói chuyện! Ông chẳng nói câu gì được với ai ngoài tôi, huých huých khuỷu tay chép miệng “Mấy cha có quỹ đen, tố lên bao nhiêu chả được, còn mình làm sao dám!” Ông phân tích lá bài, bình luận canh bạc thâu đêm và tôi nghe gật gà. Tới tiền ngàn USD ném ra là ông khiếp, lắc vai tôi tỉnh dậy. Chúng tôi trở nên đôi bạn vong niên và thắm thiết trong hoàn cảnh nước ngoài này, chứ trong nước ông lái máy bay phản lực bắn tên lửa gì gì từ thì tôi phải hãi.

Thông hành VNCH giờ có hiệu lực tại Pháp là một chuyện, còn hộ chiếu Pháp thì phải xin ở sứ quán Pháp tại Bỉ chứ không phải là sứ quán VNCH. Mẹ tôi thì đã có giấy cư trú Pháp, bố tôi có thông hành khác trước rồi, vấn đề nhập nước Pháp đây là tôi. Tôi vào Pháp là phải đi chui và phương tiện là xe của phái đoàn Hòa Đàm. Chiếc xe này mà bạn tôi, Trung tá X., tháp tùng với tài xế Pháp là chiếc xe để Mme Kỳ sử dụng. Nó mang bảng ngoại giao ở Pháp và qua biên giới cũng không phải dừng lại. Tôi như vậy là được nhờ xe bà Tuyết Mai một bận và cùng chung một chợ Á Đông tại Westminster, California, vào một bận khác, nếu muốn kể cho lắm thì lại chung tài xế. Sau cùng là chung cả ngôn ngữ “Rủ nhau đi chợ Á Đông, cùng chung ngôn ngữ một nhà Việt Nam!”

Mẹ tôi sang Âu Châu trước là theo diện họp hành Anh Quốc gì đó và lấy cớ ở lại là diện báo chí theo dõi Hòa Đàm Paris. Bà cũng đến Avenue Kléber xem chơi vài chuyến khi chẳng có chuyện gì làm, và bất ngờ là gặp lại “ở bên kia” một người bạn cũ trong phái đoàn Xuân Thủy. Thời gian 1946-49, mẹ tôi tham gia kháng chiến, và ông này bà quen biết từ thủa đó. 1949 mẹ tôi về thành, 20 năm sau lại gặp nhau ở Paris thì là chuyện rất hiếm. Thời đó, người Việt ở miền Nam đi Pháp đã hiếm, người Việt ở miền Bắc đi Pháp lại càng hiếm hơn. Bà bắt chuyện hàn huyên, và mời ông đến ăn ở nhà tại Boulognes. Bữa ăn đó ông đến với hai đồng chí, theo kiểu đi đâu cũng phải tổ tam. Tôi ngồi nghe chăm chú câu chuyện vì đây là lần đầu tôi gặp ‘kẻ thù’, cái gì cũng lạ, từ cách ăn, cách nói và cách mặc, của hai miền. Cả buổi họ chỉ nói chuyện khá dè dặt, nhắc lại những chuyện thủa trước, ngày xưa. Anh này chị kia giờ ra sao và phía phái đoàn ngoài Bắc ăn nói lựa lời dè dặt hơn là phía mẹ tôi. Tuy mẹ tôi cũng ý tứ, ngay tin tức gia đình là các em bà ở Hà Nội bà cũng chỉ nhắc qua mà không gặn hỏi han là họ thế nào, chắc là tránh để lộ thông tin cho hai vị đi kèm người bạn cũ. Chuyện chỉ có thế và cũng chẳng có lần nào khác. Có thể bà và người bạn đó, tên gì và làm gì tôi quên mất, đã trao đổi nhiều hơn ở tại phòng họp Hòa Đàm mà tôi hay hai ông đi theo vào hôm đó không được biết.

Tôi và mẹ tôi tại căn hộ ở Boulognes, Pháp vào năm 1969.

Vậy mà cũng có người không có mặt trong bữa ăn lại biết!

Năm 1972, bố tôi xin thông hành đi Pháp thì Bộ Nội Vụ cho hay là ông trong danh sách không được cấp sổ thông hành vì lý do an ninh! Như vậy là bố tôi bị cấm ra khỏi nước mà ông không hề biết. Bố hỏi người quen là Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ*** thì ông này than là trắc trở lắm anh ơi. Bố tôi bèn đến Bộ Nội Vụ cùng ông Dương Đức Thụ là tổng trưởng Tư Pháp ông đã nhờ thế mạng trong nội các năm nào, và cả ba vào lấy hồ sơ mật cá nhân thủ tiêu luôn là xong chuyện. Nhưng bố tôi không đốt xé tại chỗ mà ông mang luôn về nhà đọc chơi cho biết.

Theo báo cáo an ninh này thì bố mẹ tôi là thành phần hòa giải và phá hoại, thuộc lực lượng gọi là thứ ba. Mẹ tôi đi sang Pháp móc nối với miền Bắc, gặp những ai trong phái đoàn VNDCCH, ngày nào, giờ nào, có đầy đủ chi tiết. Vì vậy nếu bố tôi muốn ra nước ngoài là để tiếp tục âm mưu này nên không cho ông thông hành là vậy. Báo cáo an ninh này không qua ông đại sứ tại Pháp, không qua Bộ Ngoại giao, mà về thẳng Phủ Đặc ủy Tình báo hay cơ quan nào đó (tôi không nhớ rõ danh tính) trực thuộc Bộ Nội vụ. Người viết báo cáo này là Tổng lãnh sự tại Pháp Trần Thanh Quan. Ông này từng là luật sư nhưng bố tôi không biết ông, nghĩ mãi chẳng hiểu có thâm thù thủa nào trước tòa, ông ta thua đau thua đớn một vụ kiện nào xa xưa do văn phòng bố tôi đại diện? Chức của ông tại Đại sứ quán Paris chủ yếu về hành chánh và thay mặt Đại sứ về chính trị, nhưng giờ lại vỡ lẽ ra là ông kiêm nhiệm luôn ngành phản gián nước ngoài! Như đã nói, ở vị trí này ông không thông qua ông đại sứ, cũng là nơi quen biết gia đình. Tôi quên tên nhưng ông đại sứ chót của VNCH là người rất dễ thương, không dễ ghét như con gái của ông đại sứ tiền nhiệm là Phạm Đăng Lâm. Khi đến Pháp 1973, bố cũng có ghé thăm ông, tôi có đi theo và thấy chẳng thóc mách gì đến chuyện ông Tổng lãnh sự làm đơn tố cáo kín.

Ông Trần Thanh Quan là người nhỏ bé và từ tốn, nhưng khi đăng đàn với sinh viên chúng tôi thì ông hay dùng từ dao to búa lớn và kêu gọi mọi người vung tay hô này hô kia “Đả đảo Cộng sản!” hay “Việt nam Cộng hòa muôn năm!” Anh em không thích, dặt cho ông cái tên diễu cợt là Trần Tham Quan tuy không ai nghi ngờ ông tham ô xa gần hay lớn bé gì tất. Đây là kiểu ác của học trò, chỉ dựa vào tên cúng cơm của nhân vật này thôi, có khi trước mặt ông tôi cố tình đọc trại đi để chọc. Có bận họp sinh viên, ông đến chủ tọa, bảo giờ phải hát quốc ca! Tôi xui bạn cầm đàn là X. (tôi quên tên, nhưng là em ruột của Dũng Long Biên, lúc đó Dũng là chồng của ca sĩ Thanh Lan), vào nhịp “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”. Mọi người vỗ nhịp vui vẻ chứ quốc ca thì phải đứng nghiêm chán lắm, tôi thấy ông cũng phải giả đò vui vỗ tay theo. Nói tóm lại, vị này bên ngoài thì làm ra vui vẻ, chắc đêm về chong đèn mà viết lén báo cáo bí mật! Tụi nó không hát Lưu Hữu Phước mà hát Nguyễn Đức Quang! Thằng đàn là em thằng Dũng Long Biên, may mà chưa hát “Bang Bang” để chào cờ!

Tôi nói lại cho kỹ, có ân có oán gì với gia đình tôi, nhưng theo tôi biết thì ông Quan không hề tham ô như biệt danh đã nói và có lẽ ông nghĩ thế là tròn nhiệm vụ chiến sĩ phản gián của ông thôi, phong cho mẹ tôi chức nữ liên lạc viên của thành phần hòa giải.

*

* Ông Phạm Huy Ty tốt nghiệp Cao đẳng Hành chánh Pháp (ENA) và đây đó nhiều nhiệm sở ngoại giao. Ông là Đại sứ chót của VNCH tại Liên Hiệp Quốc năm 1975.

**Ông Mặc Giao tôi không biết rõ, và bố tôi cũng không quen. Vào lúc đó ông là Tổng thư ký Quốc hội VNCH và danh chức gì đó trong phái đoàn miền Nam tại Paris.

***Thủ tướng Khiêm kiêm nhiệm bộ trưởng Nội Vụ nhiều năm. Vị Đổng lý này sau thay tướng Khiêm làm bộ trưởng Nội vụ trong giai đoạn chót của miền Nam, hình như trong nội các Nguyễn Bá Cẩn, là ông Lê Công Chất.

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả