Gia đình

Đông Tà quán bi-da 25 May, 2021

Đỗ Kh.

Sau biến cố Tết Mậu Thân, bố mẹ tôi đã lo xa tìm cách ra nước ngoài kiểu một chân trước một chân sau trong khi một tai nghe ngóng. Không biết để làm gì và làm gì, nhưng đó là thận trọng ông bà thấy cần có sau khi cái chết lởn vởn vờn gia đình trong dịp máu lửa này. Theo tôi biết, trong giới thân nhân và bạn bè, bố mẹ tôi có lẽ là trong số rất ít những người định ra đi sớm nhất và không đợi đến 1975.

Mẹ tôi cuối năm 1968, tại một hội nghị gì đó tại Birmingham hay Bristol, Anh Quốc. Ảnh của báo địa phương

Để thực hiện được việc này, mẹ tôi đã phải hy sinh sự nghiệp làm chủ bán nguyệt san Gia Đình, lúc đó số phát hành đe dọa tờ Văn Nghệ Tiền Phong số một ở miền Nam, là tuần báo của người cháu họ của bà, anh Nguyễn Thanh Hoàng. Bà đi trước sang Paris, lấy cớ là theo dõi hòa đàm. Trong khi đó, phần bố tôi cũng lo đường ra nước ngoài kiếm sống.
Ông hụt việc đầu trong chiều hướng đó, là sang Geneva làm một chức chuyên gia gì cho Phòng Lao động Quốc tế (Bureau International du Travail, BIT) trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Chuyện này tôi có biết vì một hôm đi ăn với ông Trần Quốc Bửu, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bố có dắt tôi đi theo. Trong khi hai vị trao đổi trên xe ông Bửu thì tôi phát hiện là một cửa sau của chiếc Citroen DS xịn của ông Bửu, ngay chỗ tôi ngồi lại có một lỗ rỉ rất lớn do khí hậu nhiệt đới gây ra!

Bố tôi và tôi, khoảng năm 1956-57

Một người khác trong chuyện vận động chức vụ này để giúp bố là bác Trần Tâm, rất thân với ông vào thủa đó. Bác Tâm có thời làm chuyên gia cho BIT và sau đó về nước mở ngân hàng, Phương Nam hay Nam Phương, là ngân hàng tư nhân đầu của người Việt ở miền Nam. Trụ sở ngân hàng trên công trường Lam Sơn sát nách khách sạn Caravelle, ở số 13(1), nhưng bàn giấy riêng của bác lại ở bên kia đường trong khách sạn Continental, bởi vì tánh bác hơi bị chảnh. Tôi chưa bao giờ vào ngân hàng của bác, nhưng đó là một căn nhà bốn hay năm tầng, hẳn là có bàn giấy cho chủ tịch kiêm TGĐ dùng làm chỗ dể đặt hồ sơ, nhưng bác lại làm việc ở tại Continental, “bởi vì tôi thích thế”. Căn nhà riêng của bác là một biệt thự rất đẹp, và duy nhất tại khu vực trung tâm bởi vì nó được tái thiết kiểu truyền thống Trung Quốc! Nó cách không xa, nhưng bác mỗi ngày ăn trưa ăn sáng tại Continental chứ không về ăn nhà. Hông nhà nhìn ra đường Tự Do (Đồng Khởi) và căn nhà này tôi rất thích, kiểu đến đó phi thân đấu kiếm được với Khương Đại Vệ và Địch Long lại còn có cái sân để mà cầm thương xuống ngựa, hoặc là tôi chải đầu bóng brillantine, rủ theo một cô mặc xường xám đỏ tay cầm cục xà bông “The Evening in Shanghai”, cô nói “em lên lầu tắm”. Tôi không nhớ chắc căn nhà của bác là ở chỗ chính xác nào, có thể là về sau bị phá đi để xây dựng khách sạn Sheraton. Nếu vậy, thì đúng là ước gì được nấy. Bác thích đặt bàn giấy ở khách sạn Continental thì sau này công ty của bác trở thành khách sạn Caravelle và nhà riêng của bác thì lại là Sheraton!

Khách sạn Caravelle khoảng 1965? Căn nhà bên trái là ngân hàng Nam Phương của ông Trần Tâm và cực trái (thấy có một chút) là văn phòng luật sư của bố tôi. Ảnh ở đây

Tôi hụt ngủ tại phòng khách sạn Continental

Đối với riêng tôi, bác Tâm rất nhiệt tình bác cháu. Năm 1974 khi tôi về nước gặp bác ở bàn giấy trong Continental, bác bảo cháu có cần ăn hay ở (nháy nhó) gì thì cứ việc đến đây ghi sổ bác. Bác dẫn tôi ra giới thiệu với ông quản lý của khách sạn. Tôi thì lại vừa mới được một ông chú vỗ vai dặn đến Maxim’s nhảy đầm thì dùng bàn của chú nhé, khiến tôi tưởng tượng ra ngay một viễn tượng huy hoàng như cổ tích Tây phương.

Tôi uống rượu Cognac (chùa) tại Maxim’s rồi trong tiếng nhạc (“Giết hết sức sống anh bằng tiếng ca”) xập xình, ghé tai cô ca sĩ non non mới vào nghề bảo, em có đói thì mình đi ăn nhé. Cô khẽ gật đầu, ban nhạc hôm nay cho em hát được một bài là đã phước! Chúng tôi rảo bộ trên con đường thầm thì lá me vì tôi không có xe con và không biết chạy xe máy, chẳng lẽ gọi xe ôm chở ba là chuyện bị cấm trên đường Tự Do. Đâu có xa mấy, ở Pháp quen đi bộ nhiều em ạ. Đến Continental thì quán La Dolce Vita đã bắt đầu dọn dẹp, tôi nhìn nhà hàng vắng ngắt vì Sàigòn 12 giờ đêm là giới nghiêm. Tôi nắm khủy tay nàng dìu ra quày ngoài và liếc ông quản lý, thôi mình bảo họ dọn mì spaghetti carbonara riêng trên phòng. Tôi là Marcello Mastroianni của thành phố!

Vũ trường Maxim’s đầu thậpp niên 70. Ảnh ở đây 

Nhưng thực tế phũ phàng hơn, tôi không có dịp nào nhờ đến sổ của bác hay của chú. Người yêu của lính, người yêu của tôi là một cô đĩ 17 tuổi và đi khách giá có 300(2) nhận tôi làm “chồng”, hễ cứ dang chân ra là ong ỏng tân cổ giao duyên. Về đêm cô ra đầu ngõ mua cho tôi tô cháo lòng với 3 điếu Capstan, vừa đi vừa ca “Lan và Điệp” nhưng gọi tôi bằng “mình ơi”. Không có Anita Ekberg Sàigòn hay Anouk Aimée Việt Nam nào ở đây cả. Nói thế thôi, chứ thực tế đó của tôi có lẽ đẹp hơn cái tưởng tượng lầu son khách sạn. Khổ cái là nhiều đêm rệp cắn không ngủ được, nhưng đền bù là thức dậy lúc đó thì cô bảo “Mình ơi, gãi lưng cho em”.

Đối với bố, bác Tâm cũng chơi rất đẹp. Sáng 30. 4 thành phố nhớn nhác như thế nào vào giờ phút đó thì ta biết. Tại bến Bạch Đằng, tàu Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã ra đi hết trong đêm và dọc ngang đường phố hỗn loạn. Bác Tâm có tìm ra chiếc tàu ở miền Tây để đợi sẵn. Nhưng bác không chạy ngay đi, còn cho con bác đến nhà tôi gọi đi cùng! Lỡ con bác bị kẹt trong giờ phút đó thì sao? Nhưng bố con tôi đã đi trước vào ngày 26.4 và lúc đó đã ở ngoài khơi Phú Quốc.

*
Việc thứ nhì ở nước ngoài mà bố tôi vơ hụt là một việc với Tòa án Quốc tế ở The Hague. Việc gì đối với bố thì cũng thế thôi, miễn là cả gia đình ra được nước ngoài. 1972 hay là 73, tôi không nhớ chính xác, ông chạy chức đại sứ tại Thụy Sĩ.
Chức này chẳng có việc gì làm to tát. Bố tôi rất sợ trách nhiệm công quyền và hay nói, mình làm tư có sai lầm thì mình mất tiền thôi, mình làm công mà sai lầm thì tổn hại đến bao nhiêu người khác, cả mạng sống của họ có khi không chừng. Nhưng đại sứ ở đâu thì còn khó, tại Thụy Sĩ thì không chết một ai hết trừ khi họ leo núi và gặp bão tuyết chứ còn dắt bò sữa ra đồng ăn cỏ thì chẳng sao. Chuyện bố tôi không nói, nhưng phần tôi ngờ là chức vụ này có đi kèm với bổn phận mở trương mục ngân hàng và giữ sổ kế toán cho một số nhân vật miền Nam, kể cả ông Thiệu cũng nên?

Lý do tôi nghĩ thế là vì bố tôi cũng có tài khoản mật tại Thụy Sĩ và đây là việc bị cấm đoán (chuyển ngân bất hợp pháp(3), ít nhất là vào cùng một dịp thì thầm với tổng trưởng kinh tế Phạm Kim Ngọc và một số người khác tôi không biết tên.

Dạo đó miền Nam có một hối đoái chính thức, được chuyển ngân khi mua bán với nước ngoài hay du học v.v. Tôi không nhớ rõ và tùy thời điểm nhưng hối đoái chính thức là 1 USD=100 DVN thì hối đoái chợ đen là 1 USD=150 DVN chẳng hạn. Bạn có quyền chuyển ngân chính thức, thí dụ cho con bạn đang du học nước ngoài mà nó không cần đến thì bạn có thể bán lại phần đó, tất nhiên là với giá chợ đen và như vậy con bạn chưa thành tài ở nước ngoài mà đã nuôi được cả gia đình. Một thí dụ khác, bạn được chuyển ngân để nhập hàng tiêu dùng hay sản xuất ở trong nước. Đối tác của bạn ở nước ngoài làm hóa đơn thêm 10% (vừa phải thôi nhé) thì 10% đó cũngcó thể chuyển sang tài khoản riêng. Bạn lại cũng có thể mua tiền mặt USD ở tại miền Nam theo giá chợ đen nhưng cầm tiền đô trên tay rồi bạn phải có cách chuyển nó ra ngoại quốc.

Việc này đơn giản là bỏ vào va ly xách tay lấy cớ đi hành hương theo tour 15 ngày Roma-Lourdes-Fatima-Jerusalem. Máy bay đến Pháp bạn vẫn theo đạo nhưng bạn bỏ tour tôn giáo cầm va ly bạc sang Geneva mở trương mục. Thế bạn không sợ bị hải quan xét khi cầm tiền mặt ra khỏi nước hay sao? Tôi nào sợ gì, tôi là dân biểu Quốc hội.

Tại miền Nam ngày trước, cũng như tại các chế độ dân chủ, có cái gọi là quyền miễn trừ cho các đại diện dân cử ở cấp quốc gia. Đây là để cho họ khỏi bị chính quyền tức là hành pháp đe dọa và bắt bớ. Cần gì thì phải mua chuộc thôi, đưa tiền đây, chứ không bỏ tù được. Nếu vị dân cử này phạm tội, thì chính quốc hội phải xem xét và trục xuất người đó chứ hành pháp hay tư pháp không có xử ngay được.

Chuyện dấm dúi này của bố tôi có cơ may bị tiết lộ khi một dân biểu Quốc hội từ nước ngoài về bị bắt về tội buôn vàng. Vàng tại Việt Nam có giá hơn là trên thị trường quốc tế, và dùng để chôn dưới cây xoài cây ổi sau nhà. Các bạn ra ngoài nước hay than là khế nước ngoài không ngọt bằng khế quê hương, đó là bởi vì không có chôn vàng 9999 dưới chân thôi!

Ông dân biểu này là người cầm tiền của một nhóm trong đó có bố tôi sang Thụy Sĩ mở tài khoản. Chuyện tiện thể buôn vàng về là chuyện hoàn toàn của ông và không ai biết, không liên quan gì đến bố tôi hay mọi người trong nhóm. Chẳng qua là ông này tham, cầm va ly tiền đi, lúc về còn dư kí lô hành ly xách tay nên ông nhét vàng vào. Đến Tân Sơn Nhất ông bị bắt, có thể là xui, hay là phe phái.

Bố tôi hụt chức đại sứ tại Thụy Sĩ

Lúc đó, miền Nam đang đổi gác từ lớp du học Pháp sang lớp du học ở Mỹ về, thuộc thế hệ đàn em. Điển hình là Nguyễn Xuân Oánh, biệt danh Tony Harvard và phu quân của diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Thế hệ này rất hot, đang lên, và có một vị giám đốc hay tổng thanh tra Nha Thuế vụ năng nổ mới tốt nghiệp ở Mỹ về. Ông được tiếng là trẻ trung, có năng lực và thanh liêm, sẽ làm cho ra trò những chuyện khuất tất như thế. Ông chưa có vợ và tình cờ thế nào lại vào lúc đó đang theo đuổi cô út em của mẹ tôi cho nên cuối tuần ông hay đến nhà chơi và nhìn sông nhìn nước, quên cả điều tra buôn lậu trong lúc chuyện đang trên báo chí rầm rộ. Trong khi ông giám đốc ở ngoài hiên đang tán phét những kỷ niệm sân trường đại học Mỹ (kiểu uống nước ngọt hết thì cứ việc lấy thêm không phải trả tiền, vòi tuôn Coca ra như là ở trên Thiên Thai) thì bố tôi bên trong nhà cười. Ông bảo, bắt thằng dân biểu buôn vàng nhưng chuyện chuyển tiền không qua được khỏi sếp! Sếp trực tiếp giám đốc này là tổng trưởng kinh tế, có phần hùn trong cái cặp mang đi, chẳng lẽ bắt luôn sếp!

Kết quả là ông buôn vàng gặp lôi thôi nhưng chẳng đâu lòi ra chuyện chuyển ngân. Hành tung bất hợp pháp của bố và các Zorro bịt mặt không bị bại lộ. Nhưng bố tôi có cười hơi vội. Sau 1975, ông có sang Geneva thì tài khoản số đó đã bị ai đó rút hết ra, chẳng rõ có phải là nhà dân biểu nói trên là người có mật mã. Thì biết làm sao. Lỡ cười rồi thì cười tiếp lảo đảo mà đi, đi cầm đồng hồ Thụy Sĩ chứ không phải là đi mua.

Tôi có đọc (nhưng không tìm ra lại gốc), sau 1975, CIA bị Quốc hội Hoa Kỳ cấm không được can thiệp giúp kháng chiến Angola. Họ bèn rút một tài khoản số của ông Thiệu tại Thụy Sĩ, 7 triệu USD, để mang yểm trợ cho Holden Roberto (phong trào FNLA).

Trở lại chức đại sứ Thụy Sĩ, coi như trôi chảy, đã được Quốc hội chuẩn y rồi. Khi Hội đồng Nội các họp vào hôm ký sắc lệnh thì đột nhiên lại hoãn và không chỉ định bố tôi! Vì lý do gì thì không rõ. Bố thất vọng đã đành nhưng cũng có phần giận, là chuyện ở ông ít thấy. Thiệu đã đồng ‎ý, quốc hội đã thông thì trắc trở là ở khâu nào?

Lúc đó trong nội các, luật sư Vương Văn Bắc giữ chức ngoại trưởng. Bác Bắc không thân với bố nhưng vợ bác, cô Hồng là bạn chí thiết của mẹ tôi. Lúc bé, tôi rất thích cô vì lần nào đến chơi nhà cô cũng có quà cho anh em tôi mà là quà lạ, tôi còn nhớ con gà to như gà thật và con thỏ to như thỏ thật làm bằng sô cô la! Ngắm mãi, một tối tôi mới dám bẻ một cái tai nhấm nháp. Cô cũng làm luật sư, rất hiền, hay bị bố tôi chọc là người như cô hay mau nước mắt thì biện hộ cái gì, ra tòa chỉ có khóc! Bác Bắc thì thường chỉ ghé đón vợ, nói vài câu chào hỏi xã giao. Có lúc bác rủ bố thành lập văn phòng luật chung thì bố tôi dứt khát từ chối. Nhưng nặng nề nhất là lúc bác rủ bố tôi làm chính trị. Bố tôi trả lời nguyên văn là “Moa có điên đâu mà moa lại đi làm chính trị với toa!”

Câu này tôi biết rõ là vì mẹ tôi trách bố mãi, không làm thì thôi, nhưng ăn nói lỗ mãng không biết giữ gìn với phu quân bạn gái của mẹ. Ý của bố tôi chỉ là “Moa có điên đâu mà moa lại đi làm chính trị” nhưng bác Bắc bất bình. Cho nên, không được phong đại sứ, bố tôi vẫn nghĩ là từ bác Bắc trong buổi họp nội các ngày hôm đó.

Nhưng ông trở thành đại bàng khu Clarendon

Hai mươi năm sau 75 ở Pháp, vào một dịp ăn cơm với mẹ tôi, bác Bắc mới ôn tồn nhắc đến câu chuyện: Hôm đó họp nội các, không phải là do tôi mà là “người nhà” anh An!

“Người nhà” này tôi gọi bằng chú họ. Vợ của ông là con chú con bác với bố tôi, rất thân thiết. Ông Trần Minh Tùng là bác sĩ Bộ trưởng Y tế, nhưng tuổi trẻ tài cao và là bác sĩ hiếm hoi tại miền Nam mà cũng lại là luật sư; hay là luật sư hiếm hoi tại miền Nam mà cũng là bác sĩ. Ông được tổng thống Thiệu giao kiêm chức Tổng thư ký của đảng cầm quyền, là đảng Dân chủ, và ở chỗ này mới là ngôi sao chứ không phải Bộ trưởng cầm ống chích. Ông Tùng đại diện đảng đi đây đó vận động quốc tế, có lúc sang Iran dự tiệc mời của vua Shah mà hàng không lại làm mất va ly đựng áo dài của cô tôi! Người phụ nữ Việt Nam duyên dáng này phải diện kiến nữ hoàng Farah trong bộ áo dài trang phục truyền thống thướt tha mượn của bà vợ ông đại sứ và không vừa người, quần chỉ muốn tuột(4)!

Bố tôi có tính khí lạnh lẽo với quyền thế. Theo nhận xét của tôi thì anh em trước đó vẫn gần gũi thân mật, đến khi chồng cô bốc lên đỉnh thì bố tránh, không đến thăm riêng nữa và chỉ có cô Thu là vẫn đến nhà tôi. Cô có cái Country Station-Wagon thông dụng ở Mỹ với người Mỹ ruộng nhưng ở miền Nam là hàng độc, thành xe giả gỗ như là xe ngựa trong phim cao bồi! Có lẽ chú giận bởi vì trong gia đình không nhờ cậy nhau thì thôi, anh có việc đến Hội đồng Bộ trưởng thì cũng nói với em một tiếng, và chú cảm thấy bị xúc phạm?

Theo mẹ tôi, tức là bạn của cô Hồng, thì đây là do em họ của phía nhà chồng. Theo bố tôi thì ông vẫn nghĩ là ông Bắc, vì sau 1975, bố tôi với chú Tùng lại rất thân nhau ở Mỹ. Chú giúp đỡ bố tôi tận tình khi chú làm trong bệnh viện tại vùng thủ đô Washington. Chú là một trong hai bác sĩ tâm thần hiếm hoi gốcc Việt. Chú chạy cho bố tôi một công việc điều trị tâm thần, có danh chức “Dr” trên business card cẩn thận. Đây là chức lập lờ, vì bố tôi không phải là Tiến sĩ khoa tâm lý nhưng ở nhiệm vụ đó mọi người lại hiểu là vậy! Công việc của ông lúc đó là theo dõi thanh thiếu niên người Việt phạm pháp và đang bị tù treo, tù lỏng, khuyên nhủ họ hãy tránh xa con đường tội ác không thì khổ lắm con ơi, kẻo lại bị còng, đại khái thế.

 

Khu Việt tại Clarendon, thị xã Arlington, bang Virginia (sát thủ dô Washington DC) vào thời điểm 1980.

Một bận tôi vào một hàng phở có bàn bi-da và có bán rượu với bố ở Clarendon. Đây là khu phố ngoại ô Nam của thủ đô Hoa Kỳ, tại thị xã Arlington thuộc bang sát cạnh Virginia và là nơi 1975 đã có hàng quán đầu tiên của người Việt di tản. Vào đầu thập niên 80 khu Tiểu Sài Gòn này còn sơ khai chưa lên cấp, chợ thực phẩm còn có quày chữa đồng hồ bên cạnh quày bán băng ca-sét rất lem nhem. Sang nhất tại khu này là nhà hàng Việt “Mai-flower” (chơi chữ với tên Mayflower, là con tàu tỵ nạn lập quốc của Hoa Kỳ), tại đây có bận tôi trông thấy trung tá điệp viên Lou Conein, là tay dao của đại sứ Cabot-Lodge vào thời ông Diệm, đang ngồi uống rượu. Nhưng phần lớn Clarendon là hàng quán bình dân của người di tản buồn.

Các nhà này của khu Clarendom đã bị phá và thay thế, ngoại trừ “Phở 75” là tiệm phở đầu tiên ở khu vực nay vẫn còn. Các cửa tiệm giờ tập trung ở thương xá Eden cách mấy kilômét. Ảnh ở đây 

Mới bước chân vào, tôi thấy cửa hậu mấy tay côn đồ ùa ra bỏ chạy, núp mình sau xe trong bãi đậu. Một anh đầu thì trâu mặt thì ngựa, chân thì chậm và chạy không kịp nên đứng ngớ người ra. Anh đến tận bàn của bố tôi đầu thú ngoan ngoãn. Bởi vì các bạn này đang được tự do lỏng, họ phải gặp ông hàng tuần để chữa trị khuyên bảo. Án treo có điều kiện cấm đoán quán rượu, lỡ ông ghi vào biên bản vi phạm thì trở về khám ngồi. Dĩ nhiên là bố tôi không có ghi rồi, vì ông là thuộc gốc biện hộ chứ không phải gốc công tố, nhưng tôi hãnh diện vì có người cha mà giang hồ hảo hớn mới nhác thấy đến là hè nhau trốn chạy! Bố tôi là chưởng môn Đông Tà!

Cho đến ngày ông mất, quan hệ của gia đình với chú Tùng rất đẹp. Ngay tôi chú còn giới thiệu ân cần với ông Nguyễn Tấn Đời vào dịp ông muốn làm phim kể lại chuyện đời ông sau khi ra sách hồi ký (5). Bố tôi và tôi sau này không trách chú được điều gì, người em tôi thì duy có một bận thất vọng “Có cái đồng hồ Philippe Patek cũ xì và dẹp lép, tao xin mà ổng không cho!”

Vậy ai là người xấu với bố tôi hôm ấy? Tôi không biết, có khi cánh thủ tướng đang bực mình tổng thống chuyện gì đâu, chú tôi bèn lấy bàn tay đeo Philippe Patek gạt ông anh họ của vợ ông ra để thay vào bằng người phía ông Khiêm cho bớt nóng bầu không khí, tôi không biết được..

*

(1)1990, ngôi nhà này bị phá và trở thành miếng đất trên đó xây vũ trường của khách sạn Caravelle.

(2) Tàn nhẫn nhưng bình thường vào thủa ấy, là bạn này sau một năm hành nghề (vào lúc lên 16) thì giá đi khách tụt từ 1000 xuống 600 rồi 300 là hạng chót. một tô mì hay bao thuốc lá nội là 150 và mỗi ngày bạn có 10 đến 20 khách.

(3) Đây là việc phi pháp nhưng về mặt đạo l‎í, vẫn còn thua việc tướng lãnh buôn tiền VNCH sang Hong Kong. Tiền VNCH ở nước ngoài không có giá trị gì hết và chỉ có thể đổi được ở Hong Kong để ăn tỉm xấm. Tại sao ở Hong Kong? Bởi vì nó gần Trung Quốc lắm, và người mua tiền này là… miền Bắc, để mang về lại miền Nam cho Mặt trận Giải phóng có tiền ăn mì gõ khi công tác!

(4) Miền Nam không có hậu thuẫn quốc tế rộng rãi ngoài khu vực, trừ những nơi thân thích với Hoa Kỳ, như Iran và Ma rốc.

(5) Ông Đời là Thần tài Tín Nghĩa với ngân hàng thương mãi lớn nhất miền Nam. Năm 1973, ông bị chính quyền bắt và tịch thu tài sản mà chẳng có lý do gì chính đáng. Theo ông thì tư trang của vợ ông còn bị bà Thiệu hay bà Khiêm tước, vì việc phim không thành nên chi tiết này tôi quên là bà nào rồi, nếu không đã có xen trong phim lên hình phu nhân đó đứng uốn éo ướm thử trước gương, anh thấy em đẹp hông?

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả