|
|||||||||||||
|
Kinh tế-Địa ốcCăn nhà ba phố 23 March, 2021Đỗ Kh.Từ sân thượng nhìn về phía cảng du thuyền Vittoriosa, chiếc Amevi đập ngay vào mắt. Nó dài 80m và là một trong những du thuyền tư nhân lớn nhất thế giới. Chủ nhân của nó là một trong những người giàu nhất thế giới (chứ chẳng lẽ lại nghèo?) – Nhưng 80m không phải là du thuyền lớn nhất thế giới! Xin lỗi, du thuyền lớn nhất thế giới dài 180m! – Tôi nói là một trong những du thuyền lớn nhất thế giới… – Một trong 100 cái đầu cũng không tới! Du thuyền thứ 100 trên thế giới dài 87m! Chủ nhân của chiếc Amevi cũng không phải là một trong những người giàu nhất thế giới! Giàu nhất cái gì! Lakshmi Mittal năm 2020 chỉ là tỉ phú hạng 196 nhe! Vậy cho tôi nói lại, từ sân thượng nhìn về phía cảng du thuyền Vittoriosa thì chiếc Amevi đập nhè nhẹ vào con ngươi. Nó không dài tới 87m để đứng được trong top 100 và chỉ là một trong những du thuyền tư nhân cỡ cũng to to trên thế giới, giá lúc mới là 150 triệu usd. Chủ nhân của nó là một người luyện thép cũng có tí tiền. Tôi giương mắt nhìn. Trên boong trước, một phụ nữ mặc vớ đùi vàng và áo chẽn hở rốn đang cúi đầu về phía trước và đứng tấn chổng hai mông về hướng tôi tức là về hướng Tây! Người đàn bà đó là Sushmita Sen, một trong những phụ nữ đẹp nhất thế giới. – Sushmita Sen không phải là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế giới. – Không nhất sao trúng hoa hậu hoàn vũ? -Nhưng đó là 1994, xưa rồi Sushmita ơi! Đẹp gì! Chân có cái bắp chuối chần dần. – Tôi không có nói chuyện chân (thơ Đỗ Kh.) Senglea, Birgu, Cospicua là khu vực gọi là “Ba phố”, Three Cities, ở phía nam thủ đô Valetta của quốc đảo Malta. Từ Valetta sang đến các mỏm này đường bộ khá lôi thôi, mất tới 20-30 phút. Cho đến gần đây, nó vẫn bị coi là một khu bình dân với nhiều nhà xuống cấp. Trước kia nơi đây là khu công nghiệp với kỹ nghệ đóng tàu. Bến Tàu Số 1 giờ vắng việc và dãy nhà công xưởng thế kỷ 19 ở trên bến Cospicua đang đợi Trường Đại học Mỹ ở Malta (American University of Malta, AUM) dọn vào để được trùng tu. Tháng 12. 2018 nó còn là một nhà kho rất đẹp nhưng bỏ trống từ mấy chục năm rồi. Nhưng ta có thể bắt đầu tưởng tượng ra những hàng quán thời trang và nam thanh nữ tú sinh viên quốc tế sắp sửa xuất hiện để thay cho những người bán ma túy hiện nay thập thò đằng sau cột đèn. Đầu tư địa ốc, phải thấy trước được một bước. Tri-City giờ đang sập xệ nhưng sẽ có tương lai. 20-30 phút xe không là gì và bỏ 8 Euro ra thì đêm hay ngày cũng có thể gọi ghe để băng qua lờ lững cảng lớn trong 5-7 phút. Cái thế của Three Cities bên này cảng, là không có đò, tuy có ghe taxi như đã kể, khiến nó vắng du khách và không được coi là một thắng cảnh chỉ vì bất tiện đi lại thôi. Vì thế tại đây không có (hay chưa có) tập trung ăn chơi. Nhưng tôi không phải là du khách cuối tuần đến thăm đảo 3 bữa rồi ra đi biền biệt những phương trời. Tôi định đến đây ở một năm mấy tháng và sống những ngày cuối của cuộc đời cho nên cái nhìn của tôi khác. Trung tâm thì 30 phút nhưng tôi chỉ cần chợ mua bán gần nhà cách 3 phút để mua gói rau cọng giá (làm bánh xèo). Tôi cần hàng quán dân cư thôi để mỗi chiều ngồi uống chai bia với anh hàng xóm chứ chẳng cần gì đến dặt dìu giai nhân tài tử thập phương. Phía hữu này của cảng yên lành hơn phía tả và không nhộn nhịp xanh đỏ ánh đèn tuy cũng vẫn những tường thành thần công bắn không suy suyển ở hai bên và cùng đổ chung về một cửa biển. Cảng lớn ở Malta như là đại lộ thứ 5 ở New York phân chia Đông Tây Manhattan, như là sông Seine phân chia Tả Hữu ở Paris và Nam Bắc. Nhưng Paris thì có cầu, và New York có đèn lưu thông để băng qua đường mà không bị xe cán. Ở đây, biên giới này là một cửa biển 200-300m chiều ngang và thăm thẳm chiều trôi. Vì những lý do này, nhà phía Three Cities rẻ hơn phía Valetta một nửa hay là 2 phần 3. Tầm nhìn xa đầu tư nhà của tôi là vì nhìn gần xuống túi thấy không có đủ để đến khu trung tâm mua đánh toẹt một căn hộ. Căn nhà này ở Senglea, trên một con đường Google Street View không vào đến được vì là đường đi bộ trên đồi. Cái máy chụp hình 360 độ của Google nặng 23 kg và cũng có thể dùng bằng cách đi bộ đeo trên lưng nhưng cho đến tháng 3.2021 chưa thấy Google thuê được ai ở đây đủ cứng cáp phần xương sống mà làm thế. Nhà cách nhà thờ St Philips có mười mấy bước nhưng trên một lối xe vào không được, kể cả xe máy. Đảo quốc này đằng nào thì cũng chẳng phải Hà Lan nên bạn thích đạp xe thì đừng có đến đây. Nó toàn dốc và những bậc thang đồi đá. Mặt kia là bến xe buýt, chuyên chở công cộng ở Malta rất rẻ và rất tiện, ở đây mà không có hệ thống này là cả đảo chết. Đây cũng là một lý do tôi chọn đến ở, vì không cần lái xe, không cần có xe, đi bộ được trong khi hệ thống công cộng rất là tốt. Căn nhà như vậy ở một đỉnh đồi. Nếu có xe thì bạn phải đỗ ở mặt bến rồi lên mấy chục bước lòng vòng thêm trăm thước. Nó được cất vào thế kỷ 16, chủ nhân đầu là một hiệp sĩ gốc Tây ban Nha, không biết có tham chiến vào việc bảo vệ đảo năm 1565? Đây là trận hải chiến công thành lớn nhất từ thời cổ. Đô đốc Thổ Dragut mang 200 chiến thuyền và 40.000 quân Hồi công đảo trong vòng 4 tháng và thất bại. Phải đợi đến 1798 hiệp sĩ Ki tô xứ này mới bị đuổi đi ăn mày lang thang. Bởi người Hồi khủng bố? Không, bởi Cách mạng Pháp. Một ông tướng Pháp mang tên Napoléon gì đó mang quân đi đánh Ai Cập. Dọc đường ông ghé Malta xin nước ngọt, tại rượu thì tàu Pháp lúc nào cũng có sẵn. Malta bảo OK, nhưng chỉ cho hai tàu lần lượt mỗi bận vào bến thôi. Napoleon bực mình bảo, thế thì khi nào mới tiếp tế hết các tàu, ông đánh mày bỏ mẹ và vung tay đánh luôn. Cả lũ hiệp sĩ này tháo chạy lưu vong và ngày nay khi gặp người Malta bạn có thể chào bằng tiếng ‘Bonjua’ hay ‘Bonsua’ là gốc tiếng Pháp, hoặc là ‘Ciao aleikum’ là 1 cụm từ nửa Ý (Ciao) nửa Ả Rạp (As Salam Aleikum). 1/3 tiếng Malta là gốc Ả Rạp nhưng ngày nay 90% nói song thoại tiếng Anh, tức là còn giỏi hơn người Việt Nam. Căn nhà dựa lưng vào một biệt phủ đang bỏ hoang rất đẹp, nếu trùng tu cũng phải mất mấy triệu đồng còn để nguyên trạng thì về đêm có thể nghe tiếng than của một thiếu phụ chồng đi tham gia thánh chiến thứ 8 (1270, của vua Pháp St Louis). Ông đi để bà ở nhà với cái quần lót sắt có ổ khóa tiết hạnh. Người yêu bà lấy cưa cắt cái quần bỏ đi đâu không biết. Khi chồng bà trở về từ Jerusalem thì tức giận cầm gươm đâm vợ chết! Từ đó vong hồn bà từng đêm tốc váy leo lên mái nhìn về hướng biển đòi “Trả quần ta đây!” Đó là tôi nghe nói vậy thôi chứ tôi không thấy bà tận mắt. Căn nhà tôi xem có một tầng hầm chưa dọn hết, còn đất đá bề bộn. Biết đâu trong đám xà bần đó là cái quần thủa nào người yêu bà này mang chôn giấu. Chủ nhà mới (là tôi) tìm ra, đặt cái quần lót này trên bàn thờ sân thượng vái đủ ba cái và oan hồn từ đó biến mất. Những chiều sương xuống trên thành Senglea, không còn nghe tiếng bà đòi “Trả quần ta đây!” lẫn vào với tiếng kêu của chim biển não nề. Vì lý do sao đó, căn nhà được chia làm hai từ đời nào. Thường thì các nhà ở đây như phố cổ Hà Nội, mặt tiền rất là hẹp bề ngang, kiểu như là 4m. Chiều sâu có khi lên đến 10 hay 12m, 15. Căn nhà đang rao bán này có một cửa là hành lang bề ngang 1m và dài 5m vào bên trong. Căn buồng nhìn ra đường bên tay mặt đã được ngăn và thuộc về chủ khác. Sau 5m hành lang này bạn có một căn phòng nhỏ, chân của một cầu thang lên cạnh một giếng trời chỉ có 2mx1.5m. Căn phòng này bên kia lại có lối xuống tầng hầm chưa khai thác, ngổn ngang chẳng biết kho tàng bên dưới có dấu vàng mang về từ Nam Mỹ xa xăm không. Nhưng phòng này chẳng làm gì được cả, ngoài việc bày một bộ xa-lông để ngồi ngắm cái cầu thang phải nói là rất đẹp. Cầu thang cuốn này lên tầng hai thì không có phòng ốc gì hết vì đã chia ra cho nhà bên. Nó tiếp tục cong cong lên tầng ba thì có được một phòng ngủ ở bậc thềm. Căn phòng ngủ này bé, như 3mx3, giống như phòng một chủng viện, đủ chỗ để đặt một cái giường và treo một cái thánh giá. Đảo này, nên nhớ, 90% là Ki tô. Tiếp tục leo lên nữa, khúc quẹo của cầu thang, chủ trước đặt được một phòng tắm bé tí xíu, tức là ở tầng ba rưỡi. Tầng bốn có một phòng ngủ lớn hơn 3mx4 và một cái cửa sổ trổ có thể đặt súng hỏa mai để bắn vào bọn lính Pháp cộng sản, bọn này làm loạn lât đổ nhà vua của nó đấy. Năm 1798, Napoléon chiếm Senglea và Birgu trước khi Valetta đầu hàng trong có một ngày sau. Cách mạng Pháp bãi bỏ chế độ phong kiến và nô lệ, tuyên bố mọi con người sanh ra đều bình đẳng, ban hành tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí, xuất bản. Napoléon ra lệnh cấm các tòa án Công giáo (Inquisition), ra lệnh cho xây đền thờ Do Thái đầu tiên trên đảo. Đóng góp duy nhất của nước Pháp vào kiến trúc ở đây là xóa phá hết các phù hiệu Hiệp sĩ, biểu hiệu của quí tộc. Hiệp sĩ gì cái con củ cải, Cộng hòa là “Tự do-Công bằng-Bác ái” ! Tầng năm mới là nơi cửa sổ lớn trổ ra mặt tiền. Nó chiếm trọn diện tích của căn nhà và khoảng 60m2, dùng làm phòng ăn, phòng khách, bếp, có thêm một phòng coi TV hay là làm việc (tức là coi phim con heo trên máy tính). Nó mênh mang sáng sủa và có một thang nhỏ đưa lên mái. Phía này, có một phòng vệ sinh và chỗ đặt máy giặt quần áo. Sân thượng cũng diện tích 60m2 như vậy, một hướng nhìn ra biển, các thành quách nghìn năm còn vẳng tiếng loa xưa, thành St Elmo, thành Ricasoli, thành St Angelo và hai cái đập đá ngoài cổng biển dùng để chắn ánh hoàng hôn khi chiều xuống trên đôi mông của Sushmita Sen như là tôi nói phét ở đoạn đầu. Làm gì trên tàu có cô đào nào Ấn Độ dang tập Yoga, cũng như chẳng có ma nào về đêm đi lang thang trên nóc nhà đòi lại quần lót tiết hạnh! Tưởng tượng hết! Malta vào mùa đông ngày 160C đêm 100C là lạnh nhất, vào mùa Hè ngày 300C và đêm 220C là nóng nhất. Mưa quanh năm chỉ bằng 1/8 ở Huế nên về mặt này kém hẳn thơ mộng. Ý tôi là sân thượng này có thể dùng làm nơi sinh hoạt chính nhờ diện tích và tầm nhìn. Tôi hỏi ông nhân viên địa ốc là mái này có đặt cái bể bơi lực đảy (lap pool) được không? Đây là loại 5m x 2.5m, chiều sâu 1m25, nếu đổ nước đầy thì nặng cỡ 10 tấn. Bạn vào bơi thì có máy nó xịt nước ngầm khiến bạn bơi tại chỗ được, cũng giống như là máy chạy tại chỗ vậy. Ông nói ông chưa thấy, nhưng jacuzzi thì không có vấn đề. Bể loại này, ông chỉ vào hai bờ tường, bắt hai cái xà ngang bằng sắt và đặt nó lên thì khả thi, may be, có thể. Đó là tôi vẽ vời vậy chứ tôi mà lội gì, chỉ giỏi nằm jacuzzi thôi. Tôi lại hỏi, thế dựng một phần nhà kính thì sao ? Ông bảo chẳng sao hết, loại tháo ráp đi được, có nhiều nơi làm thế để chắn gió Địa Trung Hải bập bùng có khi vận tốc lên đến 15km/giờ. Nhà kính được coi như là một loại lều tạm thời, nên không bị xét nét coi có đúng thế kỷ thứ 18 hay 19 hay không. Túp lều lý tưởng, diện tích xây dựng bị cái cầu thang chiếm hết nhưng như vậy 2 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh, có hầm chứa linh tinh kể cả quần lót tiết hạnh, và 2 nơi sinh hoạt thoáng mát là tầng chót và sân thượng. Căn nhà đã được chủ trùng tu toàn thể và đúng theo luật định, ở đây khó khăn tới nước sơn và cái cài cửa bằng móc sắt. Tuy vậy, ta vẫn có thể dùng giàn đèn LED đổi màu bằng điện thoại di động từ Bangkok, thí dụ thế, cái đó thì không cấm. Về giá của căn nhà, dĩ nhiên chuyện tiền đâu là chuyện đầu tiên, ai đi xem nhà cũng phải có một cái giá định trước ở trong óc, thường là lớn hơn số tiền có được ở trong ví. Giá căn nhà này vào tháng 12.2018 là 520.000 Euro, 620.000 USD và 14 tỉ VND quy ra là 358 cây SJC. Việc thứ nhì, là nơi giếng trời phải gắn một cái thang máy nhỏ xíu để nửa đêm đi tiểu phải từ tầng 4 lên tầng 5. Máy kéo thang sẽ nằm trên sân thượng, vậy nhân thể sẽ phải làm mái kiếng bảo vệ và nhà kiếng chung quanh. Thế là thêm mấy chục ngàn, cái hồ bơi 50.000 nữa, để mà vênh váo hay là vênh vang. – Napoléon mà đi ngang chợ Tang Frères (chuỗi cửa hàng thực phẩm Á Đông) tại Lognes rồi hay sao? Thôi đừng có xạo! – Có chứ, trên đường đi qua Italy đánh trận Arcole đó! Ông dừng lại chỗ Tang Frères Gourmet mua 4 cái bánh bao xá xíu mang đi ăn dọc đường, đến nơi đánh cho bọn Áo tanh banh không còn manh giáp! Người ta còn vẽ tranh kể lại, vị tướng này một tay vung kiếm một tay cầm cờ nên bánh bao để bên trong ngực. Nhiều tranh khác về sau hay vẽ ông thọc một tay vào ngực áo để tìm lại cái bánh bao năm nào của trận Arcole. Tóm lại, sao thì nước Pháp đi đâu cũng đụng vào lịch sử chứ đâu phải chỉ mình Malta. Phở Quỳnh ở Torcy là chỗ xe của Louis 16 chạy vội qua trên đường trốn đi Varennes. Lúc đó mùi phở hắt ra và Louis thèm lắm nhưng không dám ngưng lại. Sau khi ông bị bắt, ông có nói với bà, biết đằng nào cũng bị bắt thì thà dừng lại làm tô tái nạm xin thêm hai cục bò viên, một hột gà và hành trần nước béo. Bà bảo, không có phở thì ăn mì gói! Không có bánh mì thì ăn bánh ngọt! Ông tức, bà chỉ giỏi nói bậy, léng phéng coi chừng chúng chặt mất đầu đấy! Bà đáo để, nó chặt đầu tôi chắc nó để ông yên! Đi là đi cả hai người về miền miên viễn! Tôi nói với ông địa ốc, để đó, đợi tôi chạy về kiếm tiền rồi đầu tuần tôi trở sang ngay. May thay là cuối tuần đó tôi không có tiền để đặt. Tiền tôi tìm không ra. Tới hai màu tóc và tay chân run rẩy, đây là một trong những căn nhà tôi mơ ước mà không đạt được. Chỗ may nằm ở cụm từ “tay chân run rảy” vì ở nhà này thì lỡ té gãy chân thì sao? Thì không đi được lên xuống cầu thang. Tôi không nói cầu thang trong nhà nếu tôi có gắn thêm thang máy mini. Đây là cầu thang lên xuống ngoài đường để đến chỗ đậu xe. Nếu mua được thì 6 tháng qua tôi đã ở căn nhà đó kẹt nạn Covid. Dịch khiến thu nhập của tôi bị ảnh hưởng và may là thay vì ở Malta trong căn nhà như mơ đó thì tôi ở một nơi lịch sử chẳng kém là xó xỉnh này ở Turkey, có đại đế Alexander chạy ngựa qua, và giá sinh hoạt chỉ bằng một phần tư hay một phần ba! Không phải trong phố mà phía ngay mặt biển, có một căn nhà cũng diện tích tượng tự. Lối vào tầng trệt của nó là trên bến, và lên đến tầng 4, tầng 5 mới trổ ra như thiếu nữ xuân thì. Căn nhà đó thì hơn căn tôi mới tả nhiều điểm. Nó có tầm nhìn và ở mọi tầng đều thấy biển chứ không phải đợi leo lên đến sân thượng. Chỗ đậu thì chẳng biết ở đâu nhưng xe con có thể dừng lại ngay trước để đổ hàng và đổ người. Nếu đau chân, đau tim, đau phổi hay đau thận, tôi có thể ngồi xe lăn trước nhà mà đổ xuống về phía công viên be bé Gardiola, thắng lại, thắng lại không thì xe lăn chạy luôn xuống biển và đưa lên Tiktok được 100.000 lượt xem cười pể pụng! Ông địa ốc bảo, cái nhà này ông mới bán cho một khách Trung Quốc, giá 1 triệu Euro. Bạn này mua xong là đi về nước ngay chứ bạn còn ở đó là tôi đã túm áo đòi lại Hoàng Trường Sa! Nhưng cũng như nhiều bạn Trung quốc ở Mỹ chẳng hạn, họ mua nhà và đầu tư để có quốc tịch hay là quy chế cư trú chứ không phải để họ ở. Bất quá, con họ có thể sang đi học nhưng người chủ gia đình là cha hay mẹ không thể rời nước được. Chẳng lẽ họ sang Malta rửa chén hay là phục vụ nhà hàng? Phục vụ nhà hàng ở Malta, nói qua, là người Bulgaria. Các bạn Trung quốc móc túi ra 1 triệu dặt lên bàn, nếu ở Malta thì tìm không ra việc nào trả được cho 10 đồng/giờ cả để mà nuôi vợ bé. Họ phải trở về nước họ thôi để tiếp tục kiếm tiền mà sinh nhai. Còn tôi. Giờ tôi ở con đường lớn hơn. Vậy thì cái quần bà vợ không chung thủy của hiệp sĩ thánh chiến ở đâu? Tôi không biết. Nhưng sẽ có một ngày, từng con đường nhỏ trả lời cho tôi! (ca từ Trịnh Công Sơn) Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
|
|||||||||||
|