Đi chơi

Bưu thiếp Trung Đông: Hàng cơm tùy hỉ 15 August, 2024

Sáng Ánh
Anh Manil, đầu bếp tamil được mời làm đầu bếp ngày hôm đó tại hiệu ăn Motto, Gemmayze, Beirut.  Ảnh: Sáng Ánh

Anh Manil, đầu bếp tamil được mời làm đầu bếp ngày hôm đó tại hiệu ăn Motto, Gemmayze, Beirut. Ảnh: Sáng Ánh

Trong thời chiến, Gemmayzeh ở phía bên kia “Lằn ranh xanh” chia đôi thành phố, thuộc khu vực Ki tô. 15 năm nội chiến đì đoàng khiến nó phát triển riêng biệt vì phố chính ăn chơi Hamra nằm dưới kiểm soát của phe (đại khái) khuynh tả và (đại khái) Hồi giáo. Tâm lý chia cắt Đông/Tây giờ tuy mờ nhạt nhưng vẫn còn hiện hữu, anh lên xe trời đổ cơn mưa thì em xuống núi nắng về rực rỡ, rất ít người xuống phố mà sang phía “bên kia”, có lẽ một phần là vì chiến tranh đã hết nhưng tắc đường thì lại có phần gia tăng trầm trọng. Gemmayzeh tiếp tục cạnh tranh với đàn chị Hamra trong giới trẻ trào lưu của Beirut, nhà hàng cỏn con này là một thí dụ.

Mỗi ngày, chủ nhân quán mời một đầu bếp khác lãnh phần nấu cơm, tất nhiên Argentina, Brazil hay Việt Nam thì khó kiếm, thường là bếp từ các cộng đồng ngụ cư lao động ở đây như Ethiopia, Sri Lanka, Philippines. Thanh toán là tự khách bỏ hòm và tùy hỉ, tùy tâm, khiến cuối bữa bao giờ cũng có phân vân và lưỡng lự.

“Thế mình trả bao nhiêu đây?”

“Sao tôi biết.”

“Bên Mỹ thì như vầy là bao nhiêu?”

“Sao lại hỏi Los Angeles, London. Đây là Lebanon, đất nước của em chứ đâu phải của tôi, em quyết định đi.”

Bữa trưa ba món rau thịt và canh như trên hình, cô bạn tôi thanh toán 35.000 LL (23 USD) vào một cái hòm công quỹ cho hai người (cộng thêm thức uống vì cái này thì có bảng giá hẳn hoi).

Tôi nhớ lại, mấy thập niên trước, ở quận 15 Paris cũng có người mở hàng cơm Pháp rất ngon và cũng hoàn toàn tùy hỉ. Khách tự phục vụ, ghé đầu vào bếp gọi, tự đến két mở ra, tự bỏ tiền vào và tự thối lại phần lẻ. Chủ cửa hàng và cũng là đầu bếp chỉ việc vùi đầu vào xào nấu bên trong và chẳng ngó ngàng gì đến. Ngày thứ Năm trong tuần thì hàng mở miễn phí cho các bạn không nhà. Đây chẳng phải là giúp họ thêm calori hay là chất đạm, cái đó đã có nhiều hội từ thiện lo cho. Nhưng người sa cơ và thấp kém cũng có nhu cầu dùng cơm tử tế tại một nhà hàng tầm trung, ăn một bữa ngon an nhiên và thanh thản tại một cái bàn có trải khăn cẩn thận.

Một thời gian, cửa hàng này phá sản, nhiều bận khách ăn xong còn vét két mang về. Nhưng anh đầu bếp chủ, đảng viên đảng Cộng sản Pháp, vẫn tin vào con người, đoàn kết và bác ái.

Trở lại hiệu Motto, ở một thành phố ăn chơi và hào nhoáng ở mức đi xe Porsche Cayenne thì phải “S” trở lên và phải được để bẩn (tức là đi Cayenne thường mà bóng loáng thì đi bộ cho nó đỡ vẻ nhà quê), thì khái niệm dùng cơm hương xa của đám gia nhân lau dọn trong nhà vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, ‘khuynh hướng’ và thời trang.

*

(Những bưu thiếp từ Trung đông này gửi đến bạn đọc nhân chuyến đi mươi ngày sang Lebanon và Jordan vào đầu tháng 11. 2014 để giới thiệu tiểu thuyết “Saigon Samedi” của Sáng Ánh, tức Đỗ Kh. tham gia Hội chợ sách Pháp ngữ tại Beirut

Đây là một thành phố quen thuộc với tác giả, nhưng không gần gũi quá mức đến độ chán ngấy, và vừa ghét lại vừa thương. Bưu thiếp thì vài dòng, và phần ảnh cũng quan trọng, tuy là vớ vẩn cũng chẳng kém phần thư.)

12. 12. 2014

Ý kiến - Thảo luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả