|
|||||||||||||
|
Chính trịVì sao thẩm phán tại một bang lại chặn được lệnh của Tổng thống trên toàn quốc? 4 August, 2024Đỗ Kh.Luật pháp tại Hoa Kỳ rất phức tạp, vì sự độc lập tương đối của của 50 bang, và vô khối quận huyện, thành phố, thị xã v.v. Thí dụ Hoa Kỳ có các cơ quan an ninh Liên bang (như FBI, ATF, DEA, ICE…), các cơ quan an ninh bang (như Tuần cảnh Xa lộ, thí dụ California Highway Patrol, CHP), các cơ quan an ninh “quận” (county, gọi là Sheriff) và khoảng 19.000 cơ quan an ninh thành phố, thị xã (thí dụ NYPD là cảnh sát của thành phố New York). Sheriff quận thì do cử tri bầu lên, trong khi trưởng cảnh sát thành phố do thị trưởng, ủy ban nhân dân bổ nhiệm. Các nhà tù, trại giam… cũng phân chia theo hệ thống này, có nhà tù quận, nhà tù liên bang… Vì thế, có những mâu thuẫn về quyền lợi và trách nhiệm giữa các cơ quan này. Thí dụ, công an quận Orange ở Nam California, khi thả các tội phạm nhỏ thuộc thành phần vô gia cư thường hay mang họ đến thành phố Los Angeles, khu vực “Skid Row”, là nơi thành phần này hay tập trung và là “kinh đô vô gia cư”, để cho họ ở đó và khỏi “bẩn” quận Orange. Hay nhà tù ở Jean, là nhà tù của bang Nevada (trên đường đi Las Vegas từ Los Angeles), khi thả các tội phạm mãn án, lại tặng họ vé đi Los Angeles chứ không tặng họ vé đi Las Vegas. Các bạn cứ sang bang California mà làm lại cuộc đời lương thiện, còn bang Nevada chúng tôi có đủ người lương thiện rồi. Thẩm phán James Robart, người đã tạm đình sắc lệnh (executive order) của tổng thống Mỹ cấm công dân 7 nước với đa số Hồi giáo được vào Hoa Kỳ là một thẩm phán Liên Bang nên tòa có hiệu lực toàn quốc. Tổ chức Tư pháp Hoa Kỳ có 94 đơn vị Liên bang đặt khắp nước (Federal District Court) và 13 tòa kháng thẩm Liên Bang (Federal Appeal Court). Ông Robart thuộc 1 trong 94 tòa này. Chi nhánh tòa Liên bang của ông đặt tại Seattle, bang Washington chứ ông không phải là thẩm phán thuộc bang Washington. Chính quyền Hoa Kỳ có kháng cáo quyết định của ông cũng phải kháng cáo ở tòa kháng thẩm Liên bang mà đơn vị ông phụ thuộc. Ngoài vấn đề nguyên tắc về nhân quyền, nhân đạo (người tỵ nạn), nguyên tắc về tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo (kỳ thị Hồi giáo), nguyên tắc hiến pháp về phân quyền giữa Tư pháp và Hành pháp, sắc lệnh của Trump còn ảnh ưởng đến quyền lợi kinh tế của một số công ty Mỹ hoạt động đa quốc gia. Google, Amazon, Facebook, Microsoft… có nhiều nhân viên thuộc nhóm 60.000 mang visa Mỹ không được vào Mỹ/trở về Mỹ, gây khó khăn cho việc làm ăn của những công ty này. Thí dụ, khoa học gia và chuyên gia Iran làm việc tại Mỹ đều giữ quốc tịch Iran và ở tại Hoa Kỳ với tư cách thường trú hay lao động chứ không vào quốc tịch Mỹ (như người gốc Việt chẳng hạn). Lý do này là vì nếu vào quốc tịch Mỹ họ sẽ không trở về nước được mà thăm thân nhân hay thăm quê, lấy vợ trẻ miền Tây mới lên Tehran tìm việc bán quán karaoke và giật các cô này khỏi tay Đài Loan. Iran cho đến nay vẫn không chấp nhận công dân cũ của nước này vào quốc tịch khác (sau khi bang giao trở lại thì có thể sẽ khác). Ngoài việc quốc gia này chẳng hiểu có bao nhiêu tiến sĩ mà các công ty, đại học quốc tế “cưng” họ như vậy, là việc các công ty đa quốc gia gốc Mỹ đều không muốn bị cản trở việc phát triển của họ trong một thế giới toàn cầu. Tin giờ chót, Tòa Kháng thẩm lại cũng không đáp ứng yêu cầu của chính quyền Trump, và đòi hồ sơ được bổ túc. Vậy là lệnh đình chỉ của ông Robart vẫn có hiệu lực tạm thời. Các bạn thuộc diện visa này nên ngưng ngồi nhà cắn hạt dưa còn lại của ngày Tết, mà lên tàu vội để về Mỹ ngay vì chẳng hiểu hồi sau sẽ ra sao đâu! 06. 02. 2017 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|