|
|||||||||||||
|
Chính trịThi đấu dưới cờ tị nạn 4 August, 2024Sáng ÁnhDiễu hành dưới lá cờ quốc gia vào ngày khai mạc Thế Vận hội có lẽ là giây phút cảm động nhất của vận động viên (chỉ kém có lúc đoạt huy chương). Đại diện cho quốc gia của mình là một hạnh phúc và Rio 2016 lần đầu dành hạnh phúc này cho 10 vận động viên tị nạn trong Đoàn Tị nạn Olympic (Refugees Olympic Team), đại diện cho một cộng đồng 21,3 triệu ở ngoài quốc gia gốc (65 triệu kể cả những người tị nạn ngay chính trên quê hương mình). Đây là phái đoàn được vỗ tay nhiều nhất tại Rio (tất nhiên là sau đoàn chủ nhà Brazil). Tổng thư kí Ban Ki Moon đứng dậy vỗ tay, vì đây là đoàn do Cao ủy Tị nạn quản lí, tức là một tổ chức của Liên Hiệp quốc. Trong các vận động viên này, 5 người được định cư tại các nước phát triển, trong điều kiện ăn ở, huấn luyện, tập tành tiêu chuẩn. 5 người còn lại đến từ các trại tị nạn Kenya tại Phi Châu, và thuộc diện tị nạn bị thế giới bỏ quên từ 10 năm nay, cho ăn hai bữa và cho ngủ trong lều, thế là tốt rồi. Kenya hiện chứa 670.000 người tị nạn, từ các nước xung đột cạnh bên, Nam Sudan và Somalia. Nói qua, họ bị bỏ quên, như một tỉnh trưởng tại Nigeria phát biểu, là vì họ không gần bờ biển Nam của Âu châu, chứ nếu họ lũ lượt lên thuyền thì được biết đến ngay. 10 người này là 10 câu chuyện không vui tuy sự hiện diện của họ ở Rio là niềm vui của mấy chục triệu người đang cầm thau nhựa xếp hàng lãnh nước, lãnh cháo, vài chục triệu đang cột phao hay đội chiếu đội gạo ở trên đầu níu kéo nhau đi. Bộ môn Điền kinh Yiech Pur Biel, nam 21 tuổi, gốc Nam Sudan, tạm trú Kenya: Anh mới tập chạy từ 1 năm nay, sau 10 năm ở tại trại tị nạn Kaluma (180.000 người). Anh đến trại năm lên 10 tuổi, lạc cha thất mẹ, và băng suối băng rừng sang biên giới không có gia đình, cùng với các đoàn trẻ em cùng lứa để tránh bị các phe phái bắt lao công, bắt lính hay giết hại. Đến giờ (16. 8) anh hoàn tất vòng thi sơ kết 800m, hàng 51. Paulo Amotun Lokoro, nam 24 tuổi, gốc Nam Sudan, tạm trú Kenya: chăn bò lúc bé cho gia đình, anh cùng một hoàn cảnh chạy loạn như bạn trên. May mắn hơn, anh tìm thấy mẹ tại trại Kaluma lúc anh lên 14 tuổi. Sơ kết chạy 1.500m, Paulo về hàng 39. James Chengjiek, nam 28 tuổi, gốc Nam Sudan, tạm trú Kenya: bố anh tử trận trong chiến tranh độc lập năm anh lên 11 và anh ở nhà chăn bò nhưng phải bỏ nước lúc lên 13 tuổi. Tại Kaluma, tập tành có kẻ không có cả giày. Sơ kết chạy 400m, Paulo về hàng 50. Rose Lokonyen, nữ 21 tuổi, gốc Nam Sudan, tạm trú Kenya: cô theo gia đình tị nạn lúc lên 10. Bố mẹ cô quyết định trở về nước năm 2008 và để cô con gái 13 tuổi tại trại. Tại Kaluma, Rose bắt đầu tập chạy chân trần và về nhì trong một cuộc thi 10km giữa người tị nạn ở trại. Cô cho biết sau Rio, cô sẽ trở về trại giúp và tổ chức các cuộc thi. Rose sẽ thi sơ kết 800m ngày 17. 8. Anjelina Lohalith, nữ 23 tuổi, gốc Nam Sudan, tạm trú Kenya: cũng ở diện trẻ em đơn thân tị nạn, cô xa gia đình từ năm lên 6 và không có tin tức. Rio mong sẽ là là dịp để cô tìm ra bố mẹ nhờ cô được nói đến. Anjelina ước mơ sẽ có dịp trở về quê quán sửa sang nhà cửa cho cha mẹ nhờ thành công trong nghiệp thể thao này (thay vì đi lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc). Yonas Kinde, nam 36 tuổi, gốc Ethiopia, tạm trú Luxembourg: ở Âu châu từ 5 năm qua, Yonas sống bằng tay lái taxi và có điều kiện tập. Anh từng thắng nhiều cuộc thi đường dài và có đủ chuẩn để đại diện Luxembourg nếu anh có quốc tịch. 21. 8 anh sẽ dự marathon tại Rio. Kỷ lục thế giới là 2:02 và kỷ lục Olympic là 2:06. Thành tích đạt được của Yonas hiện là 2:17. Bộ môn Judo Yolande Bukasa, nữ 28 tuổi, gốc Cộng hòa Dân chủ Congo, tạm trú Brazil: người miền Bukavu là khu vực biến loạn. Yolande thất lạc cha mẹ từ lúc bé, chỉ nhớ được một trực thăng di tản về thủ đô Kinshasa và lớn lên trong trại mồ côi. Cô được tuyển vào đội quốc gia. Năm 2013 đi dự thi đấu tại Brazil, cô nhân dịp này trốn khỏi đoàn và xin tị nạn vì mỗi bận đấu thua, cô bị huấn luyện viên bỏ giam để phạt và cắt khẩu phần. Cô cũng mong nhờ tiếng tăm tại Thế Vận hội mà tìm được ra cha mẹ. Vòng 32 Judo 70kg, Yolande bị đối thủ Israel loại. Popole Misenga, nam 24 tuổi, gốc Cộng hòa Dân chủ Congo, tạm trú Brazil: anh người vùng Kisangani là nơi thỉnh thoảng có 100.000 người tị nạn, mấy hôm sau chẳng ai biết họ biến đi đâu mất. Năm lên 8, Popole mất mẹ và bỏ trốn vào rừng, sau 8 ngày được tìm thấy và lớn lên trong trại mồ côi. Cùng hoàn cảnh và cùng đội với Yolande, anh cũng xin ở lại Brazil tị nạn và giờ đã có con sơ sanh và vợ địa phương. Vòng 32 Judo 90kg, Popole thắng nhưng vòng 16 anh rơi phải địch thủ Hàn Quốc đương kim vô địch thế giới nên bị loại. Bộ môn bơi lội Yusra Mardini, nữ 18 tuổi, gốc Syria, tạm trú Đức: xuất thân từ một gia đình vận động viên và có năng khiếu, Yusra tập bơi từ lúc bé và vào dạng tương lai của đội tuyển quốc gia. Chiến tranh khiến việc tập luyện khó khăn hơn và khi ngoại ô Damascus nơi cô ở gặp cảnh thảm sát, gia đình dồng ý cho hai chị em cô ra đi. Tháng 8 năm ngoái, cô lên ghe bơm 6 chỗ nhưng chở 20 người từ bờ biển Turkey sang đảo Lesbos (Greece). Giữa biển thì ghe chết máy, hai chị em và hai thanh niên biết lội nhảy xuống kéo ghe. Hai bạn nam này mất sức, sau đó chỉ bám vào ghe chứ hết lực đẩy và hai chị em cô 3 tiếng rưỡi sau đưa được mọi người đến bờ. Vì ban đêm, nước lạnh, nên có lúc Yusra tưởng chết và tự bảo “mình là dân lội mà chết đuối thì tệ quá” trong khi cô vẫn phải nhăn mặt làm trò để trấn an một em bé lên 6 đang kinh hoảng trên ghe. Đến Berlin, cô bắt đầu tập trở lại sau 2 năm gián đoạn. Ở vòng sơ kết 200m bướm, cô là người được quần chúng cổ vũ nhiều nhất và về đầu trong 8 người nhưng không đủ điểm tuyển (hàng 45). 100m tự do, Yusra về hàng 41. Cô quyết tâm sẽ tiến và dự Tokyo 2020, để chúng ta người tị nạn có thể tự hào (trang FB của cô ở đây). Rami Anis, nam 20 tuổi, gốc Syria, tạm trú Bỉ: người thành Aleppo, anh rời nước lúc 15 tuổi và sang ở với một người anh tại Turkey. Lúc ra đi Rami chỉ mang theo hai bộ quần áo và nghĩ một vài tháng sẽ về nhà. 2015 anh vượt biển cũng bằng ghe bơm sang đảo Samos của Greece và được Bỉ nhận tị nạn. Rami bị loại vòng sơ cấp 100m tự do với hàng 56 và 100m bướm với hàng 40. * Về kết quả, đến giờ chỉ có võ sĩ Judo Misenga lọt được 1 vòng nhưng đội tuyển Tị nạn, tiếc thay, sẽ sống mãi và sẽ dự các Thế Vận hội sau. May mà đội này ít hy vọng huy chương vàng, chứ có người lỡ thắng thì chẳng hiểu nhạc sẽ trỗi bài nào khi kéo cờ tị nạn. Nhưng 23 triệu người đây đó đang văng vật ở nước người, cũng đã có một khắc hạnh phúc khi đoàn tị nạn tiến vào sân vân động. Ta cũng có người thi đấu với quốc tế chứ không phải chỉ kéo ghe sắp chìm hay chạy bom chạy pháo. Nhưng cuộc sống tị nạn, vui thì hiếm hoi mà buồn thì nhiều, ngay cả trong lãnh vực thể thao. Năm 2008, tại Bắc Kinh, đoàn chỉ có 2 vận động viên và trong bộ môn chạy 200m, vòng sơ kết cô Samia Yusuf Omar về hạng chót, hơn 10 giây sau mọi người. Cô được quần chúng ủng hộ rào rạt trong tinh thần thể thao. Trở về nước Samia gặp đủ khó khăn để tập luyện. Cô thuộc một gia đình nghèo và thủ đô đang binh biến, năm phe bảy phái và chính phủ được quốc tế công nhận còn phải trốn chui trốn nhủi, nói gì một cô bé muốn tập chạy trên “Dặm đường Mogadishu”(*). Samia bèn sang Ethiopia tìm cách tập luyện, nuôi mộng tham gia London 2012. Sau 2 năm và rắc rối về visa, cư trú và không có cơ hội, cô liều thân vượt biên như trăm ngàn người khác để sang Âu châu. Đây là một đoạn đường hiểm nghèo và đầy bất trắc, băng ngang Sudan và sa mạc Sahara để đến bờ biển Lybia. Đoạn đường này, người Somalia và người châu Phi dưới sa mạc nhiều khi mất cả nhiều tháng, nhiều năm mới đi xong. Dọc đường cướp bóc, bắt cóc, tống tiền đủ chuyện và tất nhiên chẳng chuyện nào chừa cô bé mơ trở lại Thế Vận. Khi Samia đến Lybia thì là lúc đang đầu nội chiến và như trăm ngàn người khác đã đạt đến nơi này, cô lên ghe. Sau Thế Vận hội London, vận động viên Abdi Bile, vô địch thế giới 1500m vào 1987, lên tiếng cho mọi người biết là Sami Yusuf Omar, lúc đó lên 21, đã thiệt mạng trên biển như hàng ngàn người đồng cảnh(**). Nếu cô sống sót, biết đâu trong đội Tị nạn Rio còn có thêm một cô gái chân gầy nhấp nhô ở đường đua 200m. * (*) The Mogadishu Mile, 1.6 km, là đoạn đường biệt kích Hoa Kỳ dùng để triệt thoái năm 1993 sau khi đột kích bất thành thủ đô và thảm bại, khiến tổng thống Reagan phải ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi Somalia. Thành tích này đã được thuật lại (có hơi khác với thực tế) trong fim truyện “Blackhawk Down” (2001). (**) 3771 người đếm được trong năm 2015. 18. 08. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|