|
|||||||||||||
|
Sử-ĐịaSử-Địa dễ thuộc: Vua Musa cầm cục vàng soi lối 3 September, 2024Đỗ Kh.Năm 1324, một bạn nằm nhà buồn. Bạn nghĩ, chẳng lẽ ta làm xe chạy điện cạnh tranh với Vinfast vì lũ chúng tôi sanh nhầm thế kỷ, xe xăng còn chưa có kìa, nói chi xe điện. Bạn bèn quyết định lên đường hành hương. Từ thủ đô Niani của đế quốc Mali đến thánh địa Mecca là gần 5000 km và ngày 12 tháng 2, sau khi sửa soạn, vua (Mansa) Musa lên đường mang theo chính thất là nữ hoàng Inare vì ngày 14 tháng 2 là lễ tình yêu, để bả ở nhà bả chửi thì sao. 7 thế kỷ sau, có nơi cho rằng ông này là người giàu nhất trong lịch sử nhân loại tự cổ chí kim. Chuyện này rất khó nói vì các tiêu chuẩn để so sánh rất là khác, và ông Musa không có bitcoin nào. Nhưng giàu thì ông hẳn, giàu nhất thế giới vào thời ông cũng là chuyện rõ ràng. Chuyến đi của ông được các tác giả, sử gia Ả Rạp đương thời lác cả hai mắt mà ghi lại. Ông này người da đen và làm đế phía Tây Phi bên dưới sa mạc Sahara, khu vực sinh sống và phát triển được giữa đồi cát một bên và một bên là rừng già. Người ta (‘người ta’ là ai, như wiki hay hỏi) thường nói Phi Châu không có lịch sử và không có di tích. Xin lỗi nhe, di tích thì Ai Cập chình ình, mày to bằng không? Lấy ra đo coi thằng nào bự? Nhưng Ai Cập tuy Phi Châu mà không phải da đen, nếu có da đen thì da đen chỉ cỡ đêm 27 hay 28 chứ không phải đen đêm 30. Em đến thăm anh đêm ba mươi Nhưng thôi, bỏ qua Đông Phi với các đế triều Ai Cập, Nubia, Kush, Akxum, Meroe… dọc theo dòng Nile và đến cao nguyên Ethiopia đều đen cỡ đêm 29, ta qua Tây Phi, các thế kỷ 11-15 có ba đế triều lừng lãy là Ghana, Mali và Songhai đều đen như đêm 30 nhe, và rất giàu vì họ cười là răng vàng sáng chói. Từ thế kỷ 13, Tây Âu bắt đầu khấm khá, cần vàng cần bạc để đóng tiền và làm ăn mua sắm, trước đó nghèo cỡ cạp đất mà ăn thì vàng bạc gì. Thời gian này, 2/3 hay trên ½ vàng của Trung Đông và Tây Âu là đến từ khu vực trên của Phi châu. Vàng của họ nhiều (hay là hiếm) như muối. Họ đổi lấy muối, 1 lạng vàng đổi 1 lạng muối. Em ơi, nhắm mắt lại, hả miệng ra, anh có quà. Cái gì mặn vậy? Muối đó em! Mansa Musa lên đường, mang theo 60.000 người tiền hô hậu ủng và 18 tấn vàng để ăn xài trên đường. Có 500 sứ giả đi trước ông kèn trống và 12.000 quân hộ tống theo sau. Phần nữ hoàng mang theo 500 nô tì phục vụ. Ngoài triều đình ra, số còn lại là quí tộc hay thương gia rủng rỉnh nhân dịp này đi hành hương theo chúa, chẳng mấy khi. Mỗi tuần vào ngày thứ Sáu, đi ngang đâu ông cho tiền cất một đền Hồi đến đó. Vào tháng Bảy, ông đến Cairo, lúc đó là trung tâm tài chánh hàng thế giới. Đoàn 60.000 người này ăn xài vung vảy khiến giá vàng từ 25 Dirham/lượng tụt xuống còn có 22 Dirham tức là mất 12%. Đồ lưu niệm như Kim tự tháp bằng nhựa Made in China thì tăng giá vì khách ai cũng muốn mua mấy cái về bày ở trong tủ kính phòng khách ở nhà. Hành hương xong, khi trở về ngang Cairo thì Musa hết tiền! Ông bèn rao mượn với phân lời cao, mượn 400 trả thành 700! Vàng đang hạ vì trước bị ông tung ra, giờ lấy lại được giá vì ông mua vào; cỡ Soros là chẳng thấm thía gì hết nhe. Về đến nhà ông gửi trả hết nợ năm 1325, khiến giá vàng ở Cairo lại sập, và 12 năm sau mới lấy lại được giá cũ. Nhưng chuyến đi của Musa không phải chỉ để lòe thiên hạ. Ông mở ngoại giao và trao đổi thông thương, quảng cáo cho nước ông vào thời chưa có Youtube. Ông mang về theo ông một số học giả Ả rạp, và một nhà thơ nổi tiếng (uổng là Hội Nhà Văn Việt Nam không biết chứ không đã gửi cho Musa nửa tá.) Tại thành Timbuktu, ông cho dựng đền Hồi và trường đại học Sankore-Djinguereber. Trường này chứa đến 25.000 sinh viên, với chương trình giảng dạy 10 năm đến cấp tương đương tiến sĩ. Đây trở thành trung tâm học thuật và văn hóa của châu Phi, kinh tế của thành dựa trên sự hiện diện của sinh viên, giáo sư và học giả. Ibn Battuta thăm Mali vào 1352 và cho biết, ở Timbuktu, đố các bạn, buôn cái gì được giá nhất? Đó là buôn sách! Ngày nay ở đó vẫn còn cỡ 1 triệu văn bản viết tay. Thành ngữ dân gian Tamacheq bảo “Muối đến từ miền Bắc, vàng đến từ miền nam, và bạc đến từ xứ của người da trắng nhưng lời Chúa và những của báu của hiểu biết chỉ được tìm thấy ở Timbuktu.” Danh tiếng Mali sang đến tận trời Âu. Năm 1375, bản đồ Cresques (Catala Atlas) của Pháp vẽ hình một vị vua đen xì tay cầm một thỏi vàng, dưới ghi Tenbuch (Timbuktu). Trước khi có bản đồ này, do vua Charles 5 của Pháp đặt làm, Phi châu được tả là một vùng đất hoang dã, đầy rãy quái vật với kiến to bằng con chó và người thì không có mũi. Bản đồ này lần đầu vẽ cây cọ, lạc đà và lều với lại thành quách. Đây khiến đầu thế kỷ 15, vương Henri chèo thuyền (The Navigator) người Portugal (tức đồng hương của Ronaldo) nổi lòng tham và tìm cách thám hiểm châu Phi, mở đầu cho kỷ nguyên thực dân của Tây Âu trên thế giới. Nhân dịp này nói qua, cũng trên bản đồ thế giới này khi tả Viễn Đông của chúng ta thì vẫn còn huyền bí lắm. Nam Dương (?) là một đảo lớn có một vương và vẽ một con voi nhưng Philippines (?) là người câu cá trên biển và vịnh Thái Lan (?) vẫn còn nữ ngư nhân có tới hai đuôi! 09. 02. 2022 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|