|
|||||||||||||
|
Chính trịLàm sao lọt được vào “mắt xanh” của truyền thông quốc tế? 9 August, 2024Đỗ Kh.Buổi lễ vừa mới bắt đầu trong nhà thờ làng vào sáng Chủ nhật thì tốp người võ trang xuất hiện. Cha xứ không ngưng ngay nhưng ra hiệu ngầm và có 6 người ở hàng đầu trốn ra khỏi được trước khi toán người này chặn hết các lối ra. Họ trói tay mọi người lại và mang cha cùng với ba nữ tu ra ngoài. Ba ma sơ được đưa về chủng viện và cha xứ được mang về căn nhà ông ở. Họ bắt ông đưa tiền, lấy cái đài, bắt ông quỳ xuống và bắn một phát súng duy nhất vào đầu. Đây là phát súng lệnh. Trong nhà thờ, binh sĩ dùng búa giết những người bị trói tay. Ngày hôm sau, khi những người bỏ trốn trở về làng thì trong chủng viện thấy ba ma sơ bị tụt quần lót đến cổ chân, một người còn thoi thóp nhưng không cứu được. Một tốp lính khác đến nhà của tiên chỉ làng nơi cả gia đình và họ hàng ông đang trú ẩn. Họ giết hết 14 người, rạch bụng chửa của bà vợ, đập đầu các con nhỏ vào tường, móc tim của tiên chỉ và mang đi cùng với bộ phận sinh dục của bà vợ. Một phụ nữ khác bị rạch đổ ruột từ hậu môn, một người đàn ông bị rạch miệng đến hai bên tai và nhét cho một điếu thuốc, một người khác được cho “mặc áo vét”, rạch hai bên bụng và đút hai tay vào như là đang đút túi áo. 60 người từ nơi khác hôm đó đến họp chợ buôn bán bị bắt lại và xử bằng dao. Hằng trăm người bị giết, xác bị ném xuống giếng, dúi vào hố xí. Một nhà nghiên cứu nước ngoài ghi nhận có 704 xác, cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc ước tính trên 1.000. Đây là IS (Quốc gia Hồi giáo)? Không phải thế. Và có nói là ai giết, ai bị giết và tại đâu ta cũng không biết. Người địa phương từ đó tự gọi tên làng mình là “Kosovo” vì họ nghe đài quốc tế mỗi ngày ra rả đưa tin về các cuộc thảm sát tại Trung Âu. Đó là 1998 khi vùng đất Trung Âu kia đòi tách khỏi Serbia. Vì lí do nào đó và không đề cập ở đây, Tây phương quyết định can thiệp vào và ủng hộ khu vực Hồi giáo này (Serbia là Ki tô chính thống). Hoa Kỳ, NATO đánh bom Serbia với 1.000 phi cơ để bảo vệ họ, Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết, gửi quân sang v.v. và vào 1998 thì đến tận Congo cũng biết tới Kosovo! Đến nỗi ngôi làng nạn nhân kể trên còn nghe tiếng và ấn tượng tới nỗi người địa phương nhận vơ luôn tên gọi. Ngôi làng kể ở đầu bài thật ra có tên gọi là Kasika, tại tỉnh Nam Kivu, Congo. Nạn nhân thuộc bộ tộc Nyindu là một bộ tộc nhỏ trong vùng. Đao phủ, dao phủ, búa phủ, súng phủ là lực lượng RCD (Liên kết Congo Dân chủ) do chính quyền Rwanda võ trang ủng hộ, phần lớn là thuộc tộc Tutsi (cũng Ki tô và Công giáo). Chiến tranh tại Cộng hòa Dân chủ Congo, từ 1996 khiến khoảng 5 hay 6 triệu người thiệt mạng, 60% là trẻ em và tuyệt đại đa số là do đói kém, bệnh tật, thiếu thốn, hỗn loạn do chiến tranh gây nên chứ chẳng cần đến dao đến búa. Số người chết này gấp 3, gấp 4 dân số Kosovo và 6-7% dân số Cộng hòa Dân chủ Congo. Nhưng Congo không ở tại Âu châu, cũng không ở vị trí nào chiến lược đối với Tây phương, không có dầu hỏa, không có Hồi giáo đe dọa, cũng không là khán đài tỉ võ Mỹ Nga hay Trung Quốc thì mày chết cho mày chết tiệt không ai cần biết. Chẳng ai (ở Tây hay là ở Ta) bàn cãi phụ nữ nơi đây có nữ quyền hay là không, khi tắm biển phải mặc áo kiểu gì. Công chỉ gây được quan tâm trong khu vực. Nội chiến Congo được 8 quốc gia Phi châu bên cạnh can thiệp vào, lúc thì gửi quân sang, lúc thì cho súng, khi ủng hộ phe này, khi lại giúp phe khác, chẳng ai cần tìm hiểu, nhức cả đầu. Thì chúng mày đánh nhau nhưng Phi châu mênh mông và Congo bát ngát, Liên Hiệp Quốc còn những việc khác như tổng thống Duterte phát biểu: vi phạm nhân quyền và luật pháp tại nước ông là Philippines. Làng Kasika, biệt danh “Kosovo” (châu Phi), trên đây là một ví dụ. Tại Congo, nó là chuyện thường ngày ở xã, nhưng ngược với Kosovo (châu Âu) mỗi ngày được truyền thông nhắc đến như thảm họa thì phải 10 năm sau cuộc thảm sát trên mới có nhà báo nước ngoài đầu tiên đến Kasika, và Liên Hiệp Quốc ghé xem khi rảnh rỗi là phải vài ba năm sau nữa. Sao lại thế? Tại Kosovo, những vụ thảm sát có được tường thuật hàng ngày và nhắc đi nhắc lại mới thu hút được dư luận Tây phương để họ chấp nhận và ủng hộ can thiệp của NATO. Mặc dù Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thông qua, nhưng NATO vẫn dùng 1.000 phi cơ bay 38.000 phi vụ, đánh Serbia ngay tại thủ đô nước này (chứ không phải chỉ tại Kosovo hay mặt trận miền Nam), khiến ngay cả sứ quán Trung Quốc còn lãnh bom lạc. Nhờ những tường thuật này, mới có 50.000 quân Liên Hiệp Quốc sau đó đến giữ an ninh tại một khu vực lãnh thổ chỉ bằng 1/6 của tỉnh Nam Kivu tại Congo. Giờ, thử tưởng tượng báo chí, truyền hình đưa tin liên tục về Nam Kivu, thì khốn nạn Liên Hiệp Quốc, chẳng lẽ lại phải gửi 300.000 quân sang đó giữ hòa bình? Nhưng như đã nói, Tây phương không quan tâm, Nga cũng không quan tâm vì Congo không phải là nơi Mỹ/Nga va chạm tranh tài (như Ukraine). Đây cũng chẳng có tài nguyên chiến lược như Trung Đông, vị trí chiến lược như Afghanistan, cũng chẳng phải là sân sau sân trước của một siêu cường (như Trung Á hay là Nam Mỹ) thì thảm sát mấy nếu ta không định can thiệp vào thì ta nói đến làm gì? Như ta thấy, sức mạnh của truyền thông quốc tế là mang được thảm sát tại Kosovo sang đến tận Congo, nhưng không mang được thảm sát Congo sang đến được Kosovo. Điều cười ra mếu máo là người dân làng Kasika không biết về thảm sát tại ngay nước họ, cách đó 500km hay 1000km, mà lại rành mạch nhờ các đài RFI, BBC… về thảm sát ở tận Đông Âu*. Cuộc chiến Kosovo khiến 14.000 người thiệt mạng. Cuộc chiến Congo (chưa dứt, bao giờ cho đến Tết Congo) và thiệt mạng 5-6 triệu người. Vấn đề không phải đây là một nước bé như kiểu Kiribati. Bé thì Kosovo mới là bé, nhưng số lượng không phải là tiêu chuẩn của truyền thông. Chi tiết về làng Kasika lấy từ Dancing in the Glory of Monsters của Jason K. Stearns. Phải nói thêm là tàn sát thì rất nhiều lực lượng tàn sát, không phải riêng lực lượng RCD trên đây và lực lượng nào cũng dân chủ cả (như Liên minh Lực lượng Dân chủ Giải phóng Congo- Zaire, AFDL) và tộc này tộc kia. Người Tutsi được biết đến là khi có 800.000 bị diệt chủng tại Rwanda hồi 1994. Tàn sát tại Phi châu, phải cỡ nửa triệu trở lên thì mới hòng lên báo quốc tế. * * Tại 1 làng hẻo lánh như Kasika, không có sóng truyền hình, không có sóng AM hay FM. Người dân theo dõi tin là từ xe đạp làng bên, từ xe đò liên tỉnh hay đài làn sóng ngắn, chủ yếu là chương trình của RFI. 01. 10. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|