|
|||||||||||||
|
Chính trịBộ máy của Trump: ai? ngồi đâu? việc gì? vì sao? 4 August, 2024Sáng ÁnhThay đổi lớn nhất của một ứng viên về một chức vụ gì đó là sau khi ông/bà này được bầu lên. Ta có thể kể cả trăm thí dụ như thế, nhưng trường hợp ông Trump là một trường hợp khó hơn thông lệ. Chẳng phải vì ông là người thoát khỏi thông lệ này, nhưng là vì, khác với các ứng viên khác, ông không dựa vào một nghị trình rõ rệt hay một đảng phái nhất định. Ông được bầu lên nhờ phong cách “nổi loạn” nhưng lại đầy mâu thuẫn, một tỉ phú “chống lại” giới ưu tú tài phiệt, đại diện cho một đảng Cộng hòa mà theo ông là thuộc thành phần “mục rã” cầm quyền và tinh hoa chết tiệt. Trước hết, thì ngay Trump cũng không thoát khỏi thông lệ trên. Thay vì say men thắng cử và kêu gọi “Pháo đả tư lịnh bộ” hay “Bài Lâm bài Khổng” thì ta thấy một Trump ôn hòa hơn bao giờ hết, hoặc vậy có phải là ôn hòa không thì không biết, nhưng ôn hòa hơn trước. Bà Clinton thay vì nên truy tố và bỏ tù thì thành “một người tốt”, ai cũng thành người tốt hết, Obama cũng tốt nữa và việc xách nhiễu người nước ngoài nên “ngưng ngay lại” v.v. Một số chính sách rêu rao cũng giảm tông lại, như xây tường ngăn biên giới, à, xây tường ấy hả…, hay quan hệ NATO thì không nói thẳng nhưng cũng nhờ… ông Obama nói hộ để trấn an đồng minh Tây phương trong chuyến công du cuối cùng. Về nhân sự của chính quyền tương lai, ủy ban bàn giao về tay phó tổng thống Pence và thống đốc Chris Christie (“người đã bán linh hồn cho Trump”) xuống làm phó, tức là bị đẩy ra bìa nệm ghế. Ông Christie sẽ kiếm được bộ nào hay tẽn tò (ai biểu!) thì chưa rõ. Đã rõ là ông này mâu thuẫn với ông Jared Kushner là phò mã cưng của ông Trump. Thượng nghĩ sĩ và cựu ứng viên tổng thống Cộng hòa (2016) Rand Paul khi được hỏi về việc ông Trump trao trọng trách cho người thân đã trả lời, “tổng thống John Kennedy đã từng bổ nhiệm (em trai) Robert Kennedy… Vấn đề là người thân nào thôi, người có khả năng, người thì không, chứ không phải là chuyện giòng dõi, họ tộc”. Ông Rand Paul là con của đại biểu quốc hội Ron Paul và ứng viên tổng thống 2012 2012. Hiện mới có hai người được bổ nhiệm, ông Rience Priebus, nguyên chủ tịch đảng Cộng hòa, làm chánh văn phòng Nhà Trắng. Quyết định này được coi là khôn ngoan và thực tế, ông Priebus là người của guồng máy mà ông Trump từng phê bình. Chức cố vấn cấp cao và lão thành về tay ông Steve Bannon, thuộc thành phần Tân-hữu (hay cực hữu, Alt-Right), một nhà báo ngoài guồng và ngoài luồng bảo thủ Washington. Tuy nghe thì kêu, nhưng chức vụ này hữu danh vô thực, ông Bannon có tối cao thì cũng không có quân, và chỉ có độc một người để ông có thể nói nhỏ nói to vào tai là ông Trump. Về quân sự, tướng Michael Flynn (cũng Alt-Right đâu dó và ngoài nếp nhà binh của cả hai đảng, tức là khác người cũng không thua minh chúa mà ông chọn) chắc sẽ được ghế An ninh Quốc gia hay trùm tất cả các cơ quan tình báo. Tuy chức này có thực lực nhưng sẽ không được mâu thuẫn trực tiếp với chiều hướng và quyền lợi của giới tướng lãnh thủ cựu tử thủ tại Lầu Năm góc; giới này sẽ thà chết chứ không hàng… tổng tư lịnh mới. Vận hành nó không phải dễ và đây cũng cần khôn khéo. Để tránh chạm trán họ, Trump có thể bổ nhiệm một bà vớ vẩn nào đó vô hại cho guồng máy cũng như vô hại cho ông. Tư pháp có thể về tay Rudolph Giuliani, cựu đô trưởng New York, và chuyên gia tự phong về an ninh trật tự, tội ác nghe đến danh ông là đã run bần bật đến nỗi có khoét vách thì nó cũng không tròn. Nhưng ông Giuliani thì muốn chức ngoại trưởng vì đó là chức quan trọng nhất trong nội các. (Mở dấu ngoặc, khi ông Reagan gặp nạn và phó tổng thống Bush vắng mặt, ngoại trưởng Haig đã vội vã trấn an đồng bào là có tôi đây. Theo hiến pháp thì người thứ 3 là chủ tịch quốc hội và thứ 4 là chủ tịch lâm thời của thượng viện (chủ tịch của thượng viện là phó tổng thống). Ngoại trưởng thì là thứ 5 thôi nhưng điều đó ông Haig không biết và chẳng hiểu ông Giulani có biết không.) Nếu ông Giuliani làm ngoại trưởng thì vấn đề đầu tiên là chính sách của ông như ta biết, chẳng khác gì bà Clinton. Khi vận động, Trump không ngớt phê bình việc can thiệp vào Iraq, Lybia, Syria và phê bình việc đương đầu với một nước Nga mà ông muốn hòa hoãn và hợp tác. Ông Giulani, tuy là một đồng minh chính trị quan trọng của Trump, nhưng không đại diện cho đường lối đối ngoại này. Tuy nhiên, điều cản quan lộ của Giuliani có lẽ sẽ chẳng phải là định hướng ngoại giao của ông ta khác phần minh chúa mà là minh chúa này, cũng như nhà hiền triết Diogenes, không thích ai đứng án bóng mặt trời của ông hết, mà bạn chí thiết của ông là Giuliani, lại là một người có tầm vóc như vậy*. Lập tức, phong thanh đã có hai công chúa tân bảo thủ (neocon) ngủ trong rừng được nụ hôn của hoàng tử Giulani đánh thức dậy: cựu đại sứ tại Liên hiệp quốc John Bolton và cựu “toàn quyền lưỡng quốc Afghanistan và Iraq”, Zalmay Khalilzad. Ông Khalilzad là người đã phong chức tổng thống cho Hamid Karzai tại Kabul. Khi Hội nghị toàn quốc (Loya Jirga) muốn triệu nhà vua lưu vong ở Italy trở về thì ông áp đặt Karzai là một tư vấn dầu khí cho công ty Unocal của Hoa Kỳ. Tại Baghdad, ông gọi một lãnh đạo an ninh cấp trung, có cửa hàng bán thịt là Nour al Maliki và bảo “Anh làm thủ tướng!”. al Maliki giật mình không tin “Ông đùa đấy hả?”. Đại sứ Anh có mặt tại đó khuyên can bèn được Khalizad mời ra ngoài sân. Kết quả tại hai xứ sở ấy thế nào thì ta đã thấy. Còn ông Bolton là người phát biểu “Không có cái gì gọi là Liên hiệp quốc cả. Nếu tòa nhà cơ quan này tại New York có mất đi 10 tầng thì chẳng có gì thay đổi”. Hai vị này là cốt cán của phong trào neocon cầm roi ra trận, phong thái cũng giống bà Victoria Nuland (người phụ nữ từng mạnh miệng “đéo bọn EU” tại Ukraine trước cả ông Duterte). Nhưng bà Nuland là bộ ngoại giao của Obama, hai ông kia là bộ ngoại giao của Bush W cơ mà? Thế họ mới giỏi chứ, chính quyền nào cũng len lỏi vào được hay là chúng ta chẳng hiểu gì cả, neocon Dân chủ cũng như neocon Cộng hòa, con nào cũng như con nấy, và biết đâu cả ở bộ ngoại giao Trump họ cũng sẽ tiếp tục hiện diện! Chưa biết được, nhưng nếu thế thì hóa ra ngay cả ông Trump, tưởng khác thế mà cũng lừa cử tri! Tại nếu ông Trump có hứa hẹn gì với quần chúng của ông là đầu tư vào hạ tầng cơ sở nội địa và sản xuất nội địa thì điều này phải đi đôi với việc giảm tung hoành tốn phí ở những cõi ngoài Thiên san. Ông sẽ tăng quỹ quốc phòng, nhưng đó là thay thế tàu bè cũ kỹ (tức là gia tăng sản xuất trong nước) chứ không phải là tăng quỹ đóng quân tận đâu đâu. Hứa hẹn của Trump là đóng cửa củng cố bên trong, đuổi người ngoài ra, không cho họ vào. Đó không phải là múa gươm ngoài chợ. Ông đòi xây rào, xây tường ở biên giới Mexico chứ không phải phóng ngựa đồng cỏ Ba Lan hay lạc đà sa mạc. Đau đớn thay phận cử tri! Nhưng một tuần sau kết quả thì chưa có gì rõ rệt. Trở lại những chuyện đã xảy ra rồi và ta được biết, trong thời gian còn tranh cử, thống đốc Ohio là John Kasich từng được con trai ông Trump đến ướm lời nhận chức phó tổng thống. Con ông Trump bảo: “Ông (Kasich) sẽ điều hành chính sách” Kasich: “Chính sách nào?” “Đối nội và đối ngoại” “Thế thì bố anh sẽ làm gì?” “Bố tôi sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại!” * Chú thích *Tục truyền Diogenes sống trong một cái thùng gỗ (chứ không phải trong tháp Trump). Đại đế Alexander nghe danh và ghé thăm lúc triết gia đang phơi nắng ấm. Đại đế hỏi “Ngươi muốn cái gì?” để định ban thưởng. Diogenes bảo “Đứng qua một bên, đừng án bóng cái nắng của ta!” 17. 11. 2016 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|