|
|||||||||||||
|
Chính trịBầu cử Mỹ, bài 1: Donald Trump chỉ có cái miệng và Sanders vụt lớn 26 August, 2024Sáng Ánh15 tháng còn là quá sớm trước kỳ bầu cử Mỹ để dự đoán những ai sẽ đại diện cho hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong kỳ bầu cử tới (11. 2016). Vào thời điểm này những lần bầu cử trước, các ứng viên như Carter, Clinton hay Obama đều thuộc hàng B, nếu không nói là chẳng ai biết đến và vô danh. Phía Cộng hòa sớm sủa, kể như là điểm danh đầy đủ, hiện nay tất cả đã là chục 18, thêm vài ứng viên nữa là quá tải xe hàng. Phía Dân chủ hiện mới có 5 lèo tèo, bị mất sáng vì một bà Hillary Clinton chói lòa, khiến đương kim Phó Tổng thống Joe Biden (tức là người thường ở vai kế vị Tổng thống mãn nhiệm kỳ) mới chỉ dám ngấp nghé mà chưa ngỏ ý ra tranh. Ngoài hai chính đảng ra, còn có thể có một vài ứng viên “độc lập”, đảng Libertarian hay đảng Xanh. “Người thứ 3” này, tuy không có hy vọng gì trúng cử, vẫn có thể là nhân vật quyết định được thành hay bại của hai vị đứng đầu nếu bầu cử khít khao. Trước đây, ông Al Gore từng bị cho là lọt đài vì mất 1% hay 2% số phiếu cho ứng cử viên lề trái Ralph Nader. Khiến ông Nader khuynh tả giờ vẫn còn mang dấu chàm là người đưa George W. Bush vào tòa Nhà trắng. Phe Cộng hòa: thành công của Donald Trump Con số 18 vị phe Cộng hòa khiến cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng viên phải chia làm hai buổi vào ngày 5.8. Buổi đầu gồm 7 vị sổ dưới (theo các cuộc thăm dò) và buổi sau trịnh trọng gồm 10 vị đứng đầu (vị thứ 18 nhập cuộc trễ nên không có trong các thăm dò). Hai buổi này được phát hình trên đài Fox và được ồn ào theo dõi, nhất là buổi chính. “Thắng” ở buổi đầu, được tuyên dương là bà Carla Fiorina, cựu Tổng giám đốc Hewlett Packard. “Thắng” ở buổi sau được coi là đài Fox, nhờ số khán giả. Nội dung thì chán như cơm nếp nát, may mà có hiện tượng Donald Trump khiến nó còn lên được tí men để thành nếp rượu (nhạt). Vào mấy tháng trước, khi ông Trump hăm he ra tranh cử thì ai cũng nghĩ đây là trò cười. Ông này là tỉ phú (cỡ 10 tỉ, ngành đầu tư địa ốc, sân golf, sòng bạc, và tổ chức cuộc thi Miss Universe với lại Miss USA). Ông là người nổi tiếng huỵch toẹt để giúp vui và sự tham gia ứng cử của ông được cho là để tự quảng cáo thương hiệu. Một số khác lại nghĩ đây là âm mưu của phe Cộng hòa để các ứng cử viên “chính thống” thêm phần nghiêm túc: bên cạnh một anh hề thì ai cũng trở nên đạo mạo, thâm trầm, ngay cả thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz. Nhưng chẳng ai ngờ được là ông Trump ra ứng cử vì ông muốn trở thành tổng thống chứ sao nữa, và tới giờ, ông đứng đầu trong các cuộc thăm dò, 25.5%, trước cả ông Jeb Bush danh gia vọng tộc (12.7%). Ông Ted Cruz đã nói đến (còn được gọi là “Trump tóc nâu”) thì chỉ có 5.7%. Phụ nữ duy nhất (bà Fiorina) được 1,2%. Da đen duy nhất (Ben Carson) là 5.7%. Hai ứng viên thiểu số là thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio (gốc Cuba tị nạn) thì 4,8%, thống đốc Louisianna Bobby Jindal (gốc di dân Ấn độ) được 1.6%. Riêng phần thượng nghị sĩ Rand Paul, tự xưng “tôi là một Cộng hòa khác người” (và quả là vậy vì chủ trương của ông rất khác các ứng viên khác) cũng chiếm 4.5%. Nhưng sao thì, càng nói lăng nhăng lớn lối, thì Donald Trump lại càng hợp ý cử tri của đảng! Cựu Tổng thống Carter vừa phát biểu là chế độ chính trị tại Hoa Kỳ hiện giờ chỉ là thiểu số lợi ích tài phiệt (oligarchy) với sự hối lộ chính trị vô hạn để bầu lên tổng thống hay thống đốc, thượng nghị sĩ, đại biểu quốc hội. Trong bối cảnh này, ông Trump hiện ra như là một ngoại lệ, một người ngoại cuộc không bị chi phối bởi các thế lực lợi ích tài phiệt. Ông có tiền, không ai mua ông được. Trên đài tranh luận 5.8, ông khoát tay, “tôi làm business, tất cả các bạn (ứng cử viên) có mặt ở đây, tôi đều đã (ủng hộ) cho tiền”. Bà Clinton, ông cũng từng cho tiền, “thế là đám cưới tôi, tôi gọi, bà phải đến dự”. Donald Trump là oligarch, nhưng chính vì thế mà ông không bị họ mua chuộc và sai bảo. Cũng vì thế, mà truyền thông dòng chính (như đài Fox) ghét ông cay đắng, khiến có chuyện nhỏ gây gổ với nữ ký giả. Chuyện nhỏ vì ông chỉ mới ám chỉ kinh nguyệt không đều của mỗi một bà thôi, còn theo người viết này, chuyện lớn hơn là ông gọi tất cả hay tuyệt đại đa số người Mexico sang Mỹ là để hiếp dâm và trộm cắp. Nhưng có lẽ, đối với phần nào dư luận, danh dự của tuyệt đại đa số di dân Mexico (tức hàng chục triệu, nói như ông Trump “chắc trong số đó cũng có người tốt”), không bằng được danh dự một ký giả đài Fox. Sự thành công của ông Trump ở chỗ ông nói thẳng và nói thật những điều ông và các bạn Cộng hòa bảo thủ của ông đều nghĩ. “Tôi khác họ ở chỗ tôi thành thật, và phụ nữ của tôi nhan sắc hơn”. Trên thực tế, sự khác biệt giữa Trump và các ứng cử viên bảo thủ nhất chỉ ở cái “giọng” chứ không ở chính sách. “Giờ không còn phải là lúc uốn giọng nữa”. Trong buổi tranh luận truyền hình vừa qua, ai cũng đòi tăng cường an ninh và quốc phòng, đánh Nga, Trung quốc, Iran và Isis, giảm xã hội, y tế và giáo dục. 45 năm từ ngày Reagan đến nay, thực tế là chính sách Tân bảo thủ (neoconservative) của Cộng hòa cũng chẳng khác chính sách Tân tự do (neoliberal) của Dân chủ là mấy, về khác biệt chủ yếu về kinh tế giữa ông Bush và ông Clinton chỉ có một tờ giấy pơ luya mỏng, về đối ngoại thì nhét được hai tờ, về xã hội giữa Obama và Bush nhét thêm một tờ nữa thì nó nhăn nhúm không lọt hết! Quần chúng đã rất chán, về phía khuynh hữu từ 10 năm nay nảy sinh phong trào Tea Party chống lại mọi hình thức chính quyền, một biến thái nhẹ nhàng hơn là phong trào “libertarian” do ông Rand Paul đại diện. Tẽn tò là ai, không phải là ông Trump, thằng hề về nhất, mà là các chính trị gia chuyên nghiệp, các nhà bình luận và báo chí dòng chính của “vòng đai” (beltway, chỉ khu vực nội thành của thủ đô Washington). Các chuyên gia đằng hắng là nếu Trump muốn đắc cử thì phải đổi giọng, nhưng nếu đổi giọng thì ông Trump đâu có dẫn đầu được, đổi giọng hay nếu chải tóc ngược thì ông chỉ có xách dép cho Jeb Bush (hay là xách Jeb cho dép Bush). Cho nên các nhà chính trị Cộng hòa mới lộn ruột, cũng như đám truyền thông và chuyên gia ăn theo cố hữu của họ. Trong khi ông Trump tiếp tục phán “Lãnh đạo Hoa Kỳ là đồ ngu (stupid)!” Phe Dân chủ: ông Sanders thành mối đe dọa của bà Clinton Về phía Dân chủ, Bắc đẩu Hillary là sao quả tạ khiến thượng nghị sĩ cấp tiến bang Massachussetts bà Elizabeth Warren sợ bị giáng nên trốn ở trong nhà. Các đối thủ đến giờ của bà chẳng có ai tầm vóc hay nổi cả, có nổi chăng là một ông Jim Webb (thượng nghị sĩ Virginia) riêng trong cộng đồng người Việt vì phu nhân của ông là cô dâu bang này. Tầm phèo nhất và được truyền thông coi như là Chí Phèo bang Vermont là thượng nghị sĩ Bernie Sanders, chắc khoảng 0,5% gì đó. Ông này vừa xấu vừa ăn mặc lôi thôi, chẳng có dáng gì là nguyên thủ tương lai cả, và ngay vợ là người Việt ông cũng không có. Tội đáng khinh nhất của ông là dân cử liên bang duy nhất trong cả quốc hội dám tự xưng là xã hội chủ nghĩa! Tại Mỹ, từ XHCN là một từ lăng nhục, dùng để hạ thấp hay bôi bác đối thủ, như Obama từng là nạn nhân. Sanders được coi tại quốc hội như là một biệt lệ trò đùa hơn 20 năm nay, một thứ điên chứ dân cử gì mà “nói sao làm vậy” ai mà chịu được! Khi ông quyết định ra tranh cử, truyền thông coi đây là một chuyện hề, nhưng kém hấp dẫn hơn Trump vì Sanders không phải là tỉ phú tổ chức thi hoa hậu hoàn vũ. Kinh ngạc là, ông Sanders được nhiều người ủng hộ quỹ tranh cử hơn là bà Clinton, tuy bà Clinton tất nhiên là quỹ nhiều tiền hơn gấp bội tuy chỉ cần một số nhỏ gấp bội ủng hộ. Các cuộc họp mặt, mít tinh vận động của Sanders là vô địch về số người tham gia và trong các cuộc thăm dò ông đang kéo áo bà Hillary ở vai thứ nhì và đà tăng vùn vụt. Nếu ở mức quốc gia, hiện giờ là (đại khái) 52% (Clinton)-16% (Sanders), thì các cuộc thăm dò sơ tuyển tại bang Iowa là 51%-24%, New Hampshire là 43%-39%, Minnesota là 50%-32%. Từ vị trí một người vô danh, ngay hiện nay chỉ có 44% người Mỹ biết tên (thay vì 89% với bà Hillary), ông Sanders đang trở thành mối đe dọa của bà Clinton, và sao thì, cũng là số 2 trong cuộc chạy đua của đảng Dân chủ. Trước đây, ông được coi là một người đáng ưa nhưng sao mà làm tổng thống Mỹ được. Hôm 7.8, tờ Huffington Post mới tấn phong ông lên chức “có thể thắng”. Tuy liên tục tái trúng cử tại bang nhà Vermont nhưng Bernie không được biết đến trên toàn quốc và thành phần ủng hộ ông đến giờ chủ yếu là giới trẻ sinh viên và trung lưu da trắng cấp tiến, kiểu đã từng du lịch Âu châu và có biết đến Marcel Proust. Ông chưa được sự quan tâm của cử tri thiểu số hay da màu, tầng lớp lao động lợi tức và học vấn thấp, nhưng đây chính là giai cấp quyền lợi được chính sách của Bernie Sanders bênh vực và bảo vệ. Điều chắc chắn là cử tri Hoa Kỳ đang nổi loạn với cơ chế hiện hữu, kể cả từ hai phía. Phía hữu khuynh chọn một Trump rạch ròi và phía tả khuynh chọn một Sanders mạch lạc để chấm dứt kịch bản Trung hữu-Trung tả đã lừng khừng ho khan từ mấy thập niên nay. Đây là một điều gây sốc cho các chuyên gia dự đoán nhưng dễ hiểu nếu nhìn lại sự ra đời của các phong trào Tea Party (hữu) hay Occupy (tả) trong những năm vừa qua. 11. 08. 2015 Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
|
||||||||||||
|